Nhiều thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sáng nay 29/12, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng khẳng định, hệ thống Tòa án đã xây dựng và vận hành nhiều phần mền quản lý công tác chuyên môn và quản trị hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo tiền đề quản trị hoạt động của Tòa án trên nền tảng số.
Tổ chức gần 4.000 phiên họp trực tuyến, công bố online hơn 1 triệu bản án
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là từ sau Nghị quyết số 49 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án luôn là một nội dung quan trọng được hết sức quan tâm.
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu tham luận tại hội nghị
TANDTC đã triển khai hệ thống truyền hình trực tuyến với quy mô hơn 800 điểm cầu kết nối đến các Tòa án trong cả nước. Hàng tháng, Hội đồng thẩm phán TANDTC đều tổ chức các cuộc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ có chức danh tại các Tòa án qua hệ thống truyền hình trực tuyến.
“Trung bình hàng năm, hệ thống phục vụ hơn 3.700 phiên họp, tiết kiệm nhiều chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đã xây dựng Cổng thông tin điện tử của TANDTC và các Trang tin điện tử tại các TAND cấp cao và TAND cấp tỉnh, nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của các Tòa án. Hướng dẫn một số quy trình xử lý công việc tại Tòa án và thông tin lịch xét xử các vụ án”, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng phát biểu.
Đáng chú ý, tại Cổng thông tin điện tử TANDTC còn tích hợp nhiều trang thông tin phục vụ các hoạt động chuyên môn, như Trang thông tin về án lệ và đặc biệt là Trang thông tin về công bố bản án. Từ năm 2017, tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án đều phải đăng công khai tại đây để phục vụ yêu cầu tra cứu của người dân, cơ quan, tổ chức, góp phần công khai hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện để người dân giám sát hoạt động của Tòa án.
“Cho đến nay đã có hơn 1,3 triệu bản án, quyết định được công bố, với hơn 170 triệu lượt truy cập, trung bình hàng ngày có hàng chục nghìn lượt truy cập. Đã tiến hành kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp các 3 dịch vụ gồm: Đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương tiện điện tử; thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, qua đó giúp người dân tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí và phòng chống nhũng nhiễu, tiêu cực”, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng nêu rõ .
3 nội dung chính trong chiến lược chuyển đổi số của hệ thống Tòa án
Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh, thực hiện các nghị quyết của Đảng, quy định của Chính phủ về chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số quốc gia, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hoạt động của các Tòa án và được sự hỗ trợ, tư vấn của Bộ Thông tin và Truyền thông, TANDTC đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong TAND tập trung vào 03 nội dung chính:
Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND được coi là “bộ não số” của Tòa án với khả năng tổng hợp thông tin dữ liệu, trên các ứng dụng số hiện có của Tòa án
Một là, nâng cấp và hoàn thiện phần mềm quản lý các loại vụ án và các phần mềm quản trị hệ thống để xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND, nhằm mục đích tạo ra “bộ não số” của Tòa án với khả năng tổng hợp thông tin dữ liệu, trên các ứng dụng số hiện có của Tòa án để tính toán, phân tích đưa ra các báo cáo tổng thể dưới dạng biểu đồ động, giúp lãnh đạo TAND nắm bắt, theo dõi tình hình hoạt động của các Tòa án và của từng Thẩm phán trong toàn hệ thống, từ đó đưa ra quyết sách chỉ đạo, điều hành kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, đặc biệt phục vụ cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06/CP. Cho tới nay nhiệm vụ này đã hoàn thành và đang vận hành tốt.
Hai là, hoàn thiện thể chế tố tụng tư pháp điện tử, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để tổ chức việc xét xử trực tuyến các vụ án. Đây được coi là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp cho hoạt động tố tụng của Tòa án không bị chậm trễ, gián đoạn nhưng vẫn bảo đảm giãn cách và phòng, chống dịch bệnh Covid-19; người dân dễ dàng tiếp cận công lý; giảm thiểu thời gian, cũng như chi phí. Tính đến thời điểm này, bằng hạ tầng công nghệ thông tin hiện có, các Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến được gần 14 nghìn vụ án, qua đó giúp tiết kiệm hơn 50 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Tới đây, khi gói kinh phí 500 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt để đầu tư hệ thống xét xử trực tuyến cho các Tòa án được triển khai thì hình thức xét xử này sẽ tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả.
Bà là, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ Thẩm phán trong công tác chuyên môn – “Trợ lý ảo”. Nếu trong hoạt động tư pháp, Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm thì người Thẩm phán là hạt nhân của quá trình này. Chính vì vậy cần có sự hỗ trợ tốt nhất, giúp cho Thẩm phán có được một phán quyết đúng pháp luật, khuất phục kẻ phạm tội, thuyết phục với các bên.
“Trợ lý ảo” hỗ trợ Thẩm phán trong công tác xét xử
Nêu thêm về ứng dụng “Trợ lý ảo”, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh, “trước đây tiêu chí phân bổ biên chế cho TAND là 2 Thư ký/1 Thẩm phán, tức là cứ 1 Thẩm phán thì cần 2 Thư ký giúp việc cả về hành chính và chuyên môn. Nếu ứng dụng “Trợ lý ảo” chúng ta xây dựng 1 Thư ký hỗ trợ công việc chuyên môn cho hàng nghìn Thẩm phán trong mọi lúc, mọi nơi, với “bộ óc” mà các thông tin luôn được cập nhật thường xuyên với độ chính xác cao. Điều đó cho thấy ứng dung này là hết sức có ý nghĩa”.
Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng khẳng định, “Trợ lý ảo” được xây dựng để hỗ trợ Thẩm phán ở một số hoạt động sau:
Thứ nhất, tra cứu văn bản pháp luật thông qua ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, giúp Thẩm phán có đầy đủ thông tin về quy định của pháp luật có liên quan tới vấn đề cần tra cứu (tới các công văn mang tính hướng dẫn cụ thể).
Thứ hai, hỗ trợ Thẩm phán quản trị công việc, đảm bảo thời hạn tố tụng giải quyết các vụ việc được phân công; nhắc nhở, cảnh báo xử lý những việc cần làm.
Thứ ba, hỗ trợ Thẩm phán soạn thảo một số văn bản tố tụng, rà soát lỗi chính tả và kỹ thuật của văn bản; mã hóa bản án trước khi đăng tải lên Cổng thông tin điện tử (trước đây đối với nội dung này, Thẩm phán phải mất ít nhất từ 1-2 tiếng, nhưng giờ đây “Trợ lý ảo” hỗ trợ chỉ trong vài chục giây). Riêng hoạt động hỗ trợ soạn thảo văn bản tố tụng, thì hiện mới ứng dụng ở các văn bản mang tính biểu mẫu chuẩn, TANDTC đang hướng đến sử dụng “Trợ lý ảo” để hỗ trợ Thẩm phán viết một phần nội dung của bản án.
Thứ tư, “Trợ lý ảo” sẽ giúp số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xét xử của các Thẩm phán và lưu giữ lại bằng công nghệ số để có thể lan tỏa làm cơ sở áp dụng đồng bộ trong toàn hệ thống Tòa án, từ đó các thế hệ sau có thể kế thừa, tham khảo. Chính vì vậy, sự phát triển cao nhất của “Trợ lý ảo” sẽ hướng tới tư vấn đường lối xử lý vụ việc và cung cấp dịch vụ Đoán định tư pháp. Sau khi hoàn thành các tính năng này, “Trợ lý ảo” của Tòa án sẽ được công khai cho người dân sử dụng và tương lai mỗi người dân sẽ có một “Trợ giúp pháp lý ảo” phục vụ cho mình.
Quá trình ứng dụng “Trợ lý ảo” từ năm 2022 đến nay, đã hỗ trợ các Thẩm phán rất nhiều trong công tác xét xử, trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000 lượt tương tác với “Trợ lý ảo”. Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, để làm giàu tri thức của “Trợ lý ảo”, ngoài việc “Trợ lý ảo” học tập từ phân tích các bản án, quyết định đã có hiệu lực được đăng tải trên Công thông tin điện tử TANDTC, Lãnh đạo TANDTC cũng đặt ra chỉ tiêu cho mỗi Thẩm phán trong năm phải đề xuất ít nhất 01 tình huống pháp lý và cách giải quyết để tương tác, làm giàu tri thức cho “Trợ lý ảo” .
Phát triển hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng số dành riêng cho hệ thống tòa án
Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong TAND cho thấy, “trong lĩnh vực này cần có quyết tâm chính trị cao và chỉ đạo thực hiện phải rất quyết liệt”.
“Chắc cũng như nhiều bộ, ngành khác, sự bất cập về hạ tầng công nghệ thông tin hiện có và trình độ tin học không đồng đều, còn hạn chế của đội ngũ cán bộ luôn là một lực cản rất lớn, tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rằng, nếu không bước đi thì không bao giờ chúng ta đến được điểm muốn đến, từ đó nỗ lực phấn đấu và với sự giúp đỡ của các cơ quan có liên quan, chúng tôi đã có được những kết quả bước đầu quan trọng như ngày hôm nay”, Phó Chánh án nói.
Trân trọng cảm ơn Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương đã quan tâm tạo điều kiện, phối hợp giúp đỡ các Tòa án trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của mình nói chung và nhiệm vụ chuyển đổi số trong Tòa án nói riêng, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng đề nghị, “trong thời gian tới, hỗ trợ, tư vấn quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng số dành riêng cho Tòa án để phục vụ cho công tác chuyển đổi số”.
Trên cơ sở Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0, Phó Chánh án đề nghị Chính phủ phối hợp và hỗ trợ TANDTC xây dựng Khung kiến trúc Tòa án điện tử để ban hành năm 2024. Đây cũng là nhằm thực hiện cam kết của Tòa án Việt Nam với Hội đồng Chánh án các nước Asean.
Phó Chánh án cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ TANDTC kết nối với cơ sở Dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công chức trong toàn hệ thống TAND.
Đặc biệt, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng đề nghị “tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông xử lý và ngăn chặn các thông tin xấu độc gây ảnh hưởng tới hoạt động của Tòa án trên không gian mạng theo đề xuất của TANDTC”.
Nguồn: Báo công lý
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận