Những bất cập trong các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng vay tài sản
BLDS năm 2015 đã có nhiều quy định mới về hợp đồng vay tài sản, đây là quy định mới theo hướng linh hoạt, mở rộng quyền năng cho các chủ thể trong quan hệ dân sự. Bên cạnh rất nhiều ưu điểm còn tồn đọng một số hạn chế làm cho các chủ thể khi lựa chọn tham gia hợp đồng dân sự cảm thấy lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra ...
Theo quy định của BLDS tại Điều 463: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chi trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”.
Theo đó, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có mục đích chuyển quyền sở hữu đối với tài sản vay. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản vay là thời điểm bên vay nhận được tài sản đó. Khi bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay, bên vay sẽ có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số tài sản đã vay, trừ trường hợp có điều kiện của bên cho vay về sử dụng tài sản.
1. Những ưu điểm của quy định về hợp đồng vay tài sản
1.1.Về đối tượng
Đối tượng trong hợp đồng vay tài sản là một điều khoản chủ yếu, nếu không có đối tượng thì hợp đồng vay tài sản sẽ không thể giao kết được. Đối tượng trong hợp đồng vay tài sản do các bên tham gia thỏa thuận. Trên cơ sở thỏa thuận về đối tượng giữa các bên đã xác định một căn cứ pháp lý cho việc giao kết hợp đồng vay tài sản và cũng là căn cứ xác định các vấn đề xung quanh hợp đồng này. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản thường là tiền và vật cùng loại, là các tài sản thông dụng trong giao dịch dân sự tạo điều kiện cho các bên tham gia được dễ dàng.
2.1. Về hình thức
Hình thức của hợp đồng vay tài sản không được quy định cụ thể, vì vậy, hình thức của hợp đồng vay tài sản cũng chính là hình thức của giao dịch dân sự. Theo đó, Điều 119 BLDS 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự:
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”
Vì vậy, hình thức của hợp đồng dân sự bao gồm các loại: bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi và bằng thông điệp từ dữ liệu. Có thể thấy hình thức của hợp đồng vay tài sản rất đa dạng và phong phú tạo điều kiện cho các bên tham gia thỏa thuận chọn bất kì hình thức nào hoặc theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, các bên có thể lựa chọn một trong các hình thức nói trên để giao kết hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng vay tài sản thường được giao kết dưới hai hình thức là bằng lời nói và bằng văn bản. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kĩ thuật, công nghệ thì việc giao kết hợp đồng bằng hình thức thông điệp dữ liệu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có khoảng cách xa về địa lý có thể giao kết hợp đồng vay tài sản một cách nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng.
3.1. Về cách tính lãi suất cho hợp đồng vay tài sản
Theo Điều 468 BLDS 2015, lãi suất được quy định như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định
rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Những quy định về lãi suất trong BLDS 2015 là căn cứ để đảm bảo quyền lợi của các bên trong hợp đồng vay tài sản. Trong đó, bên cho vay được đảm bảo quyền lợi về mục đích sinh lời khi cho vay tài sản của mình, còn bên vay được đảm bảo được tính lãi suất đúng theo quy định của pháp luật. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Tức lãi suất cho vay theo quy định tại BLDS 2015 mang tính “tĩnh”, nghĩa là chỉ áp đặt mức lãi suất trần cố định 20%, mức lãi suất này sẽ không dao động tăng, giảm hay phụ thuộc vào quy định của Ngân hàng Nhà nước nữa. Việc quy định mức lãi suất này có nhiều thuận lợi, như: bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng; các bên tham gia giao dịch vay tài sản có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi ký xác lập và thực hiện hợp đồng; mức lãi suất tăng so với quy định của luật cũ không quá cao và tương đối phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay. Ngoài ra, quy định nêu trên còn hạn chế được tình trạng cho vay lãi nặng.
4.1.Về họ, hụi, biêu, phường
Điều 471 BLDS 2015 quy định về Họ, hụi, biêu, phường như sau:
“1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.”
Mục đích chơi họ là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên và sinh lợi cho cá nhân có tài sản nhàn rỗi. Có thể nói đây là giao dịch hiếm hoi mà mục đích của giao dịch được pháp luật cụ thể hóa. Ngoài BLDS 2015, Nghị định của Chính phủ số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ biêu, phường còn được ban hành để quy định rõ về lĩnh vực này.
2. Những hạn chế của các quy định về hợp đồng vay tài sản
1.2.Về đối tượng
Từ định nghĩa hợp đồng vay theo Điều 463 BLDS 2015 cho thấy đối tượng của hợp đồng vay tài sản là tài sản. Theo Điều 105 BLDS 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Trong hợp đồng vay, nghĩa vụ của bên vay là hoàn trả lại cho bên cho vay tài sản cùng loại, theo đúng số lượng, chất lượng khi đến thời hạn trả. Theo Điều 113 BLDS 2015, vật cùng loại là vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng đơn vị đo lường. Trong khi đó, bất động sản theo quy định tại Điều 107 BLDS 2015 là những vật đặc định, vì thế không thể trả lại một bất động sản cùng loại với bất động sản đã vay. Do đó, đã loại bỏ đối tượng bất động sản trong hợp đồng vay tài sản.
Hơn nữa, trên thực tế đối tượng của hợp đồng vay tài sản thường là tiền vì tiền là tài sản trao đổi ngang giá chung cho mọi hàng hóa, tiện lợi cho việc trao đổi để thỏa mãn các nhu cầu về sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và tiện lợi cho việc thành toán khi trả nợ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều tài sản là đối tượng của hợp đồng vay tài sản theo BLDS nhưng lại mâu thuẫn với một số văn bản pháp luật khác. Ví dụ: Theo BLDS 2015, đối tượng của hợp đồng vay tài sản bao gồm tiền mà ngoại tệ cũng là tiền. Tuy nhiên, ngoại tệ cũng là một loại ngoại hối. Tại Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (Sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Có thể thấy ngoại tệ là một loại ngoại hối hạn chế sử dụng. Trường hợp muốn sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch hay thanh toán phải thuộc đối tượng (đặc thù chứ không phổ biến) đã được pháp luật quy định cho phép. Mà hợp đồng vay tài sản cũng là một loại giao dịch. Từ đây dẫn đến mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự 2015 với Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (Sửa đổi, bổ sung năm 2013).
2.2.Về hình thức
Trên thực tế, chỉ có một số ít vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản có hợp đồng bằng văn bản, còn lại đa số là các giấy vay tiền, giấy xác nhận nợ thường được bên vay viết hoặc ký để làm căn cứ cho để giải quyết tranh chấp, thậm chí có những vụ án tranh chấp không có bằng chứng vì hợp đồng vay tài sản được giao kết bằng lời nói. Chính vì thế không có căn cứ xác đáng nào để chứng minh quyền và nghĩa vụ của các bên, do vậy tranh chấp diễn ra Tòa án không có căn cứ để giải quyết. Hậu quả là có những trường hợp bên vay từ chối nghĩa vụ trả nợ của mình gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên cho vay.
3.2. Về lãi suất cho hợp đồng vay tài sản
Theo Điều 463 BLDS 2015, hợp đồng vay được chia thành hai loại: vay có lãi và vay không có lãi. Vay không lãi xảy ra khi các bên trong hợp đồng vay tài sản không thoả thuận và pháp luật không có quy định lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản. Vay có lãi xảy ra khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, các bên có quyền thoả thuận lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản. Song cả 9 điều luật về hợp đồng vay tài sản trong BLDS không có quy định về thời điểm thoả thuận và hình thức thoả thuận lãi suất. Vậy thoả thuận về lãi suất có thể xảy ra trước, trong hay sau thời điểm giao kết hợp đồng? Hình thức thoả thuận có bắt buộc bằng văn bản hay không? Hơn nữa, trong trường hợp bên cho vay liên tục nhập các khoản lãi suất vào nợ gốc và yêu cầu bên vay phải trả lãi trên toàn bộ số nợ đó. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để xác định chính xác khoản tiền vay tại từng thời điểm trong trường hợp này. Khi đó, việc áp dụng lãi suất 20%/năm (theo Điều 468) cho khoản vay vào thời điểm nào mới là phù hợp và số tiền nào được gọi là khoản tiền vay?
Bên cạnh đó, Điều 468 BLDS 2015 chỉ quy định lãi suất đối với trường hợp tài sản vay là tiền, mức lãi suất đối với trường hợp tài sản vay là tiền, mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Điều này cũng như cả 8 điều luật còn lại của chế định hợp đồng vay tài sản không hề nhắc đến hạn mức lãi suất trong trường hợp tài sản vay không phải là tiền. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 463 thì các bên có thể thỏa thuận lãi suất đối với tất cả các loại tài sản vay. Do đó, khi vay vật hoặc tài sản khác không phải là tiền các bên vẫn có quyền thỏa thuận lãi suất. Điều này gây khó khăn trong hợp đồng vay với đối tượng không phải là tiền và có lãi suất cũng như việc xét xử nếu có tranh chấp trong trường hợp này.
Hơn nữa, quy định về lãi suất không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay được quy định tại Điều 476 BLDS không phải là quy định tuyệt đối vì việc ghi thêm cụm từ “trừ trường hợp luật khác có quy định khác”. Theo quy định này, đối với những trường hợp vay nào thì sẽ áp dụng quy định lãi suất tại BLDS năm 2015, trường hợp vay nào thì áp dụng luật khác có liên quan? Luật có liên quan trong lĩnh vực này hiện nay chỉ có Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017. Tuy nhiên, trong các Luật này lại có quy định khác so với BLDS năm 2015. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân có quan hệ trong hợp đồng vay tài sản và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật khó áp dụng quy định này trên thực tế, khiến cho họ rơi vào thế lúng túng không biết áp dụng quy định của luật nào trong trường hợp đang diễn ra. Ví dụ: Theo Luật Các tổ chức tín dụng không áp dụng trần lãi suất cho vay còn theo pháp luật dân sự thì áp dụng trần lãi suất cho vay.
3.Định hướng hoàn thiện pháp luật về hợp đồng vay tài sản
1.3.Về đối tượng của hợp đồng vay tài sản
Chúng tôi cho rằng cần sửa đổi BLDS 2015 theo hướng quy định rõ hơn về đối tượng của hợp đồng vay tài sản sao cho việc áp dụng không bị nhầm lẫn bởi sự hạn chế về đối tượng và hoàn thiện sao cho quy định ở BLDS để không bị mâu thuẫn với các quy định ở những văn bản pháp luật khác.
2.3.Về hình thức
Pháp luật một số nước khác quy định về hình thức của hợp đồng vay tài sản như: Điều 653 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định nếu vay quá 50 bat thì phải thành lập văn bản; Điều 197 Luật Hợp đồng Trung Quốc quy định việc vay tiền dùng hình thức văn bản, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế, xã hội ở thời điểm hiện tại và cũng để duy trì bảo đảm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận đang được pháp luật ghi nhận nên cần quy định số tiền vay có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên thì phải lập thành văn bản (cũng để phù hợp với yếu tố định lượng được quy định trong cấu thành tội phạm tương ứng của BLHS). Theo đó sung thêm điều luật trong mục các quy định về Hợp đồng vay tài sản như sau:
Hình thức của hợp đồng vay tài sản
1. Hợp đồng vay tài sản có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản .
2. Trường hợp hợp đồng vay tài sản có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên thì phải lập thành văn bản.
3. Trường hợp hợp đồng vay tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên thì bên vay phải thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ được quy định trong luật này và hợp đồng vay phải được công chứng, chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền .
3.3.Về lãi suất
+ Bổ sung các quy định về thời điểm và hình thức thoả thuận lãi suất.
+ Sửa đổi, bổ sung các quy định về cách tính lãi suất đối với đối tượng của hợp đồng vay tài sản không phải là tiền (vật, giấy tờ có giá,...) vì hợp đồng vay vẫn cho phép thỏa thuận về lãi suất đối với vay các tài sản khác. Cụ thể là khi quy định về lãi suất cần lưu ý về mức lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay, cần mở rộng quy định này đối với các tài sản khác hoặc quy định mức lãi suất đối với các tài sản khác hoặc bỏ vấn đề tính lãi suất đối với việc vay tài sản khác chỉ giữ lại lãi suất quá hạn đối với việc vay tài sản.
+ Thống nhất các quy định về cách tính lãi suất ở các văn bản pháp luật khác nhau nhưng quy định chung về một lĩnh vực để tránh rắc rối khi tranh chấp, tránh vấn đề tranh cãi là lãi suất phải áp dụng theo BLDS năm 2015 hay áp dụng trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
+ Bổ sung những quy định về cách tính lãi suất trong trường hợp hợp đồng vay tài sản bị hủy, đơn phương chấm dứt: Các hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng nằm ngoài ba trường hợp này bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng và bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, theo quy định này, một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Thông thường, theo nguyên tắc chung thực hiện hợp đồng thì hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng không phải là hành vi hợp pháp và bị coi là vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, để bảo vệ quyền lợi của một bên nào đó (chủ yếu là bên bị vi phạm), pháp luật quy định quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên đó.
BLDS năm 2015 đã có nhiều quy định mới về hợp đồng vay tài sản, đây là quy định mới theo hướng linh hoạt, mở rộng quyền năng cho các chủ thể trong quan hệ dân sự. Bên cạnh rất nhiều ưu điểm còn tồn đọng một số hạn chế làm cho các chủ thể khi lựa chọn tham gia hợp đồng dân sự cảm thấy lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra đối với mình. Vì vậy, các nhà làm luật cần sớm có những giải pháp phù hợp để hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ dân sự phát triển.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận