Những điểm mới của nhóm tội phạm môi trường được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015
Thời gian vừa qua, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường nói chung và tội phạm về môi trường nói riêng ngày càng gia tăng nhanh chóng với tính chất tinh vi và khó phát hiện. Bên cạnh đó, pháp luật hình sự hiện hành của nước ta quy định về tội phạm môi trường còn có những bất cập, hạn chế dẫn đến việc xử lý chưa nghiêm minh các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức; thiếu những căn cứ pháp lý cần thiết để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi có dấu hiệu tội phạm. Từ đó dẫn đến việc môi trường bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đã có nhiều nội dung đổi mới về nhóm tội phạm môi trường và một tội danh mới đã được bổ sung.
1. Mở rộng chủ thể của tội phạm
Lần đầu tiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại[1]. Đây là bước tiến đột phá, quan trọng của pháp luật hình sự nước ta, mặc dù chỉ giới hạn trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nhưng tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những chủ thể này khi có những hoạt động có dấu hiệu tội phạm trong việc gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian vừa qua, môi trường sống nhiều nơi trên đất nước ta đáng báo động với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, nguyên nhân là do hoạt động của các pháp nhân gây ra, song trên thực tế, việc xử lý hình sự đối với pháp nhân là điều không thể.
Những vụ việc gây ô nhiễm môi trường điển hình như: Vụ công ty Vê Đan xả nước thải trực tiếp xuống sông Thị Vải (Đồng Nai), nhà máy Mi Won xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng, Công ty sửa chữa tàu biển Huyndai – Vinashin xả chất thải rắn độc hại không qua xử lý… và còn rất nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm khác của pháp nhân thương mại. Đặc biệt, trong thời gian gần đây môi trường biển một khu vực của các tỉnh miền Trung bị hủy hoại nghiêm trọng bởi hoạt động xả thải trực tiếp của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã mở ra một hướng giải quyết rất lớn trong công cuộc đấu tranh, phòng và chống tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, quy định này tạo ra sự tương thích giữa pháp luật hình sự và pháp luật hành chính. Trong khi việc xử phạt hành chính không thể đủ sức răn đe và không tương xứng với tính chất nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự đối với 9 tội danh trong tổng số 12 tội danh, bao gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242); Tội hủy hoại rừng (Điều 243); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); Tội nhập khẩu, phát tán các loại ngoại lai xâm hại (Điều 246).
2. Cụ thể hóa các dạng hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường
Trước đây, theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có những dạng hành vi được mô tả một cách chưa cụ thể như “vi phạm quy định…’’, thì hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định chi tiết các hành vi phạm tội cụ thể. Ví dụ: Đối với Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung thêm các dạng hành vi: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (khoản 2, khoản 3), “Làm chết người”, “Làm chết hai người trở lên” (khoản 2, khoản 3); trong khi đó, Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã không quy định về các dạng hành vi này. Hoặc đối với Tội gây ô nhiễm môi trường Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường…”, thì Điều Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã liệt kê một cách chi tiết các dạng hành vi gây ô nhiễm môi trường gồm: Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy, xả thải, xả nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn,… phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ…
3. Định lượng hóa đối với hành vi phạm tội của các tội phạm môi trường một cách cụ thể
Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã không đưa ra mức định lượng một cách cụ thể đối với những tội phạm về môi trường. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thì chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với môi trường. Điều này mang tính định tính, tạo ra sự khó khăn, phức tạp trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải dẫn chiếu đến nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan. Ví dụ: Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại Điều 182a Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “Người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” thì Điều 236 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội này với mức định lượng cụ thể đối với chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam (khoản 1), từ 5.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam (điểm a, khoản 2)…
Hoặc đối với Tội gây ô nhiễm môi trường, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định mức định lượng cụ thể đối với hành vi chôn, lấp, đồ, thải ra môi trường chất thải nguy hại từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam (điểm a, khoản 1); hoặc “Xả thải ra môi trường từ 500 mét khối (m³) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m³) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m³) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m³) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên” (điểm c, khoản 1, Điều 235),… Trong khi đó, Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã không quy định mức định lượng một cách cụ thể đối với hành vi phạm tội của tội này, mà chỉ quy định một cách chung chung là hành vi “ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trong hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” (khoản 1)… Và tương tự, đối với những tội phạm khác, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã định lượng hóa như lưu lượng xả thải, khối lượng chất thải rắn thải ra, số lần vượt quy chuẩn môi trường,… để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền đối với nhóm tội phạm về môi trường
Hành vi phạm tội của các chủ thể đối với môi trường sống chủ yếu xuất phát từ mục đích thu được nhiều lợi nhuận, vì vậy chế tài cần phải tăng lên để đảm bảo tính răn đe, trừng trị. Ví dụ: Tội hủy hoại rừng khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định chế tài phạt tiền “từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng”, trong khi đó khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chế tài phạt tiền đối với tội này là “từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng”, mức phạt tiền tăng lên gấp năm lần so với Bộ luật Hình sự hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã đưa ra chế tài lựa chọn giữa hình phạt tù và hình phạt tiền, quy định này khác với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ quy định một loại chế tài duy nhất là hình phạt tù. Ví dụ: Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định chế tài áp dụng dành cho người phạm tội là: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã bổ sung một tội danh mới: “Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bài sông” (Điều 238).
Với những sửa đổi, bổ sung về nhóm tội phạm môi trường, Bộ luật Hình sự mới đã mở ra sự hy vọng rất lớn đối với việc ngăn chặn, xử lý một cách nghiêm minh và đẩy lùi những hoạt động gây ô nhiễm môi trường có dấu hiệu tội phạm của các chủ thể, bảo vệ môi trường sống của đất nước ta. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung này cũng đã đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường./.
Theo http://tcdcpl.moj.gov.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận