Những điểm mới trong quy định về tội buôn lậu của BLHS năm 2015 so sánh với BLHS năm 1999

Buôn lậu là tội phạm có tính nguy hiểm cao, gây phương hại đến nền kinh tế của đất nước; xâm phạm đến chính sách quản lý về ngoại thương và an ninh biên giới của quốc gia. Tội buôn lậu được quy định đầu tiên trong Chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong BLHS 1999 và BLHS 2015. Khi nghiên cứu quy định của BLHS 1999 và BLHS 2015 đối với tội phạm buôn lậu, tác giả nhận thấy có nhiều nội dung được nhà làm luật kế thừa, nhưng bên cạnh đó, có nhiều nội dung trong BLHS 2015 thể hiện những điểm khác biệt, điểm mới so với BLHS 1999.
  1. 1.Điểm mới trong việc xác định đối tượng của hành vi buôn lậu

Khi xem xét về khách thể của tội buôn lậu, như đã nói ở trên, cả BLHS 1999 và BLHS 2015 đều xếp tội buôn lậu thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hơn thế nữa, tội buôn lậu còn được quy định đầu tiên trong nhóm các tội phạm thuộc Chương này. Điểm khác biệt thể hiện ở chỗ, BLHS 2015 có sự phân chia các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thành các nhóm tội theo từng lĩnh vực nhất định bao gồm 3 mục: Mục 1. Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; Mục 2. Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính , ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; Mục 3.Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; tội buôn lậu là tội phạm được quy định đầu tiên trong Mục 1.

 Xét một cách khái quát, BLHS 1999 hay BLHS 2015 đều xác định hành vi buôn lậu xâm phạm đến khách thể là chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, hành vi buôn lậu cũng gây nguy hại đến an ninh biên giới của quốc gia. Như vậy, dường như không có sự thay đổi trong quan điểm của nhà làm luật khi xác định khách thể bị xâm hại đối với hành vi buôn lậu.

Tuy vậy, việc xác định đối tượng của hành vi phạm tội trong BLHS 1999 và BLHS 2015 có sự khác nhau. Cụ thể, tội buôn lậu được quy định tại Điều 153 BLHS 1999 xác định đối tượng của hành vi này bao gồm 3 nhóm:

+ Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý

+ Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá

+ Hàng cấm

Điều 188 BLHS 2015 khi quy định về tội buôn lậu vẫn giữ nguyên đối tượng thứ nhất của hành vi: hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý.

Đối với loại đối tượng thứ hai, BLHS 2015 đã có sự quy định mới so với BLHS 1999. BLHS 1999 quy định “vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hóa” là đối tượng của hành vi buôn lậu; mặt khác ở khoản 3 Điều 4 của Luật Di sản văn hóa 2001 và khoản 3 Điều 4 của Luật Di sản văn hóa 2013 đều xác định: “Di tích lịch sử – văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”. Trong khi đó, Luật di sản văn hóa lại không có khái niệm về “vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hóa”. Xét về bản chất, đối tượng mà nhà làm luật hình sự muốn nói đến ở đây chính là các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Chính vì lí do này mà ở BLHS 2015 không còn quy định đối tượng của hành vi buôn lậu là vật phẩm thuộc di tích lịch sử  – văn hóa nữa mà cụ thể hóa thành các đối tượng: di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử văn hóa; riêng đối tượng là bảo vật quốc gia được xác định là có giá trị cao hơn nên hành vi buôn lậu gắn với đối tượng này được đưa về cấu thành tăng nặng của điều luật. Theo Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2013 thì:

Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

Cổ vật là hiện vật được truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

Bảo vật quốc gia là hiện vật được truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Tác giả nhận thấy việc xác định cụ thể các đối tượng như trên là hợp lý,  tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, và giúp tạo ra căn cứ cụ thể rõ ràng  cho nhà áp dụng pháp luật. Riêng đối tượng “vật có giá trị lịch sử văn hóa” tác giả đánh giá đây là khái niệm rất rộng, trong Luật Di sản văn hóa cũng chưa đưa ra định nghĩa về khái niệm này. Hơn thế, theo như khái niệm đã đưa ra ở trên thì di vật, cổ vật hay bảo vật quốc gia đều xác định đây là những hiện vật có giá trị về lịch sử văn hóa. Vậy “vật có giá trị lịch sử văn hóa” và “hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa” có thực sự khác nhau không? Với cách quy định như vậy thì phải chăng di vật hay cổ vật không phải là vật có gía trị lịch sử văn hóa? Theo tác giả, quy định như trên là bị trùng lặp, đây cần xác định là nội dung chưa thực sự hợp lý của điều luật, tác giả đề nghị bỏ đối tượng “vật có giá trị lịch sử văn hóa” ra khỏi quy định của Điều 188 BLHS 2015.

Đối tượng thứ ba của hành vi buôn lậu trong BLHS 1999 là “hàng cấm” đã bị loại bỏ khỏi danh sách các đối tượng của hành vi buôn lậu trong BLHS 2015. Như vậy đồng nghĩa với việc hành vi buôn bán hàng cấm qua biên giới sẽ không bị xử lý hình sự về tội buôn lậu nữa. Hành vi này sẽ bị xử lý về “tội buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 BLHS 2015, điều này thể hiện sự thay đổi trong chính sách hình sự của chúng ta đối với hành vi này. Đánh giá tính hợp lý của quy định này, tác giả cho rằng đây là hướng quy định hợp lý và logic. Khi xem xét Điều 153 BLHS 1999 tác giả nhận thấy, đối tượng là các loại hàng cấm đặc biệt như: vũ khí quân dụng, ma túy…nếu được buôn bán trái phép qua biên giới sẽ bị xử lý về các tội phạm độc lập ở các chương khác nhau, và áp dụng tình tiết tặng nặng định khung “mua bán qua biên giới”. Vậy nên đối với các loại hàng cấm còn lại, nếu chủ thể có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới thì nên xử lý theo hướng tập trung, đưa về tội danh buôn bán hàng cấm, và áp dụng kèm theo tình tiết tăng nặng định khung gắn với yếu tố “qua biên giới” là hoàn toàn hợp lý.

  1. 2.Điểm mới trong việc xác định các hành vi bị coi là phạm tội buôn lậu

Hành vi khách quan của tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 BLHS 2015 là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại các đối tượng nêu ở phần trên.

+ Buôn bán trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng rơi vào các trường hợp khác mà điều luật quy định, nhằm mục đích thu lời bất chính. Hành vi này được thực hiện thông qua các thủ đoạn như: sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất, nhập hàng hóa, hoặc xuất, nhập hàng hóa không đúng với nội dung được phép..v..v..Trường hợp người vận chuyển thuê qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà biết rõ mục đích buôn bán kiếm lời của người thuê mình thì cũng sẽ bị xử lý về tội này với vai trò đồng phạm.[1]

Hiện nay, vẫn còn những băn khoăn và vướng mắc trong việc phân định một cách rõ ràng hành vi nêu trên với hành vi trốn thuế. Trong bối cảnh điều luật đã loại trừ hàng cấm ra khỏi danh sách đối tượng của hành vi buôn lậu thì việc phân tách trên càng đặt ra câu hỏi hóc búa hơn. Nếu chúng ta đưa hành vi này nhập chung với hành vi trốn thuế và xử về tội trốn thuế (mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự hơn) thì phạm vi áp dụng xử lý hình sự với tội buôn lậu trở nên rất hẹp, nhưng nếu để tồn tại song song cả hai tội thì có thể dẫn đến việc quy định bị thừa, một hành vi bị xử lý về nhiều tội. Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Giang (TPHCM), đã ký hợp đồng gia công hàng may mặc với khách hàng nước ngoài. Sau khi ký hợp đồng, Công ty Hoàng Giang đã nhập hơn 2,3 triệu m vải và 488.737 miếng vải cắt sẵn cùng các phụ liệu khác để… bán ra thị trường, trị giá nhập hơn 1,8 triệu USD. Theo Cục Hải quan TPHCM nếu số vải trên nhập về bán, phải nộp thuế hơn 22 tỉ đồng (trong đó 17,4 tỉ đồng thuế nhập khẩu và 4,4 tỉ đồng thuế GTGT)[2]. Vậy trong trường hợp này nên xử về cả hai tội danh hay chỉ xử về một tội: tội trốn thuế.

+ Buôn bán trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Hành vi này luôn bị coi là tội phạm không phụ thuộc vào giá trị của di vật, cổ vật hay vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

Dấu hiệu bắt buộc đối với hành vi buôn bán của tội buôn lậu theo Điều 188 BLHS 2015 đó là việc buôn bán phải “qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại”. Trước đây, dấu hiệu bắt buộc đối với tội danh này ở Điều 153 BLHS 1999 chỉ là “qua biên giới”, vậy điểm mới này trong BLHS 2015 có hợp lý hay không? Tác giả cho rằng sự thay đổi trong quy định của BLHS 2015 là hợp lý, giúp mở rộng cách hiểu về biên giới: không chỉ là ranh giới địa lý thông thường, mà còn là ranh giới về pháp lý. Khái niệm khu phi thuế quan được định nghĩa tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, cụ thể: “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm Điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.[3] Như vậy mặc dù về mặt địa lý, khu phi thuế quan nằm trong lãnh thổ Việt Nam, nhưng hoạt động buôn bán giữa khu vực  này với bên ngoài vẫn được xác định là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu; hay nói cách khác, về bản chất pháp lý đây cũng giống như hành vi buôn bán qua biên giới. Theo khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại – công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.[4]

Điểm cần nói đến ở đây là hoạt động buôn bán giữa khu phi thuế quan và khu vực bên ngoài được xác định là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhưng lại được ưu đãi đặc biệt về thuế.

Chính vì có những chính sách ưu đãi, cộng thêm với việc cơ chế quản lý đối với khu vực phi thuế quan còn thiếu chặt chẽ (các khu phi thuế quan ở nước ta hiện nay không có sự tách biệt với khu vực dân cư nên rất khó quản lý) nên hiện tượng buôn lậu và trốn thuế ở những khu vực này xảy ra rất phức tạp. Ví dụ, ở khu phi thuế quan Lao Bảo – Quảng Trị, theo thống kê sơ bộ, trong năm 2015 lượng hàng bách hóa tổng hợp được xuất đi trị giá gần 26 triệu USD. Một số mặt hàng như yến sào, sữa Ensure sau khi xuất khẩu sang nước khác để hưởng hoàn thuế giá trị gia tăng, đã được các đầu nậu thuê cư dân hai bên biên giới vận chuyển quay vòng về địa bàn nội địa. Từ đầu năm 2015 đến nay, số hàng hóa mỹ phẩm được nhập vào tại Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo trên 60 tỷ đồng ( hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào và được tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được không chịu thuế giá trị gia tăng). Trong khi dân cư tại Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo chỉ trên 50 ngàn người…[5]

Xuất phát từ thực tiễn như vậy, tác giả nhận thấy việc BLHS 2015 mở rộng theo hướng quy định những hành vi buôn bán trái phép hàng hóa từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại phạm tội buôn lậu là hợp lý và kịp thời, vừa tạo sự thống nhất với luật chuyên ngành, vừa tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự những hành vi trên.

Về thời điểm hoàn thành của tội phạm

Ngay từ khi BLHS 1999 ra đời cho đến nay, vẫn còn quan điểm khác nhau liên quan đến thời điểm hoàn thành của tội buôn lậu. Quan điểm thứ nhất cho rằng, tội buôn lậu chỉ hoàn thành khi hàng hóa đã được đưa ra khỏi biên giới (hoặc đã ra khỏi khu phi thuế quan).

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, chỉ cần có căn cứ chứng minh rằng hàng hóa sẽ được đưa trái phép qua biên giới (hoặc sẽ được đưa trái phép ra khỏi khu phi thuế quan) là tội phạm đã hoàn thành. Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, theo quan điểm của tác giả thì có thể hiểu khái quát dấu hiệu “qua biên giới” ở đây là dấu hiệu gắn với tính chất của hành vi chứ không cần thiết yêu cầu đây phải là thực tế của hành vi. Tức là, mọi hành vi trước đó của chủ thể như: khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ… chỉ cần chứng minh được là nhằm hướng đến việc đưa hàng hóa qua biên giới thì đã có thể xác định là phạm tội buôn lậu ở giai đoạn tội phạm hoàn thành.

Thêm một lý do nữa để tác giả đồng ý với quan điểm này, đó là hàng hóa sau khi đã được đưa ra khỏi biên giới hoặc khu phi thuế quan thì rất khó có thể kiểm soát và xử lý chính xác trách nhiệm hình sự trong những trường hợp này. Ví dụ: Một trong những điểm nóng nhất của tình trạng buôn lậu ở cửa khẩu Quảng Trị là trên tuyến đường sông biên giới Sê Pôn.Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là tập kết hàng dọc tuyến biên giới phía Lào, khi đêm xuống là xé lẻ hàng vận chuyển qua biên giới, hoặc dùng thuyền chở hàng chạy trên sông và chờ khi thuận lợi là cập vào bờ, trong phút chốc sẽ có đội quân cửu vạn bóc dỡ, tẩu tán hàng và đem giấu tại các nhà dân…

Để tránh việc áp dụng không thống nhất, cơ quan có thẩm quyền cần sớm đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể cho nội dung này.

  1. 3.Điểm mới của BLHS 2015 trong việc xác định chủ thể của tội buôn lậu

Điểm mới của BLHS 2015 so với BLHS 1999 đối với tội buôn lậu đó là đã xác định ngoài cá nhân thì pháp nhân thương mại cũng có thể là chủ thể của tội phạm này. Điểm mới này chắc chắn là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thực tế hiện nay. Theo BLHS 2015, pháp nhân thương mại có thể là chủ thể của hai nhóm tội: các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm mội trường. Những quốc gia trên thế giới xác định pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì đều quy định pháp nhân có thể là chủ thể của tội buôn lậu. Ở Việt Nam hiện tượng pháp nhân phạm tội buôn lậu đã có, câu chuyện doanh nghiệp trong nước móc nối với cán bộ hải quan và doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng hình thức hàng hóa tạm nhập – tái xuất để buôn lậu đã không còn là chuyện hiếm gặp. Có thể nhắc đến trường hợp của Công ty thép Vạn Thành (TP. Hồ Chí Minh), do không chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, công ty này đã chuyển tiêu thụ nội địa (không tái xuất) hơn 5.824 tấn hàng tạm nhập, tái xuất với giá trị hơn 3,9 triệu USD. Hay trường hợp một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh bị phát hiện tình trạng trốn tái xuất số dầu lên tới hơn 1.724 tấn và trốn thuế nhập khẩu, thuế VAT lên tới 3,9 tỷ đồng.[6]. Còn có thể nhắc đến những vụ việc nghiêm trọng khác như vụ: Công ty TNHH Bảo Cửu Phong (địa chỉ: Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) mở tờ khai nhập khẩu số 100217189000 ngày 27/11/2014 tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Hàng hóa khai báo là “lưới bảo vệ bằng thép để lót sản phẩm gỗ”; lô hàng đóng trong 3 container loại 40’; tờ khai được phân luồng xanh và đã được thông quan theo quy định. Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan phát hiện, toàn bộ là sữa, gồm: 7.664 thùng thực phẩm bổ sung sữa Ensure hương vani (hiệu Abbott) và 200 thùng thực phẩm bổ sung sữa Glucerna hương vani (hiệu Abbott), xuất xứ Mỹ. Kết quả xác minh còn cho thấy, từ cuối tháng 7/2014 đến tháng 11/2014, công ty này đã mở trên 80 tờ khai nhập khẩu làm thủ tục qua các chi cục thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Trong đó có 80 tờ khai là mặt hàng “Lưới bảo vệ bằng thép để lót sản phẩm gỗ”[7]

Tóm lại, việc quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội buôn lậu là cần thiết và hợp lý, đảm bảo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự những hành vi phạm tội trên của pháp nhân hiện đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế.

  1. 4.Một số điểm mới khác

Khi nghiên cứu quy định về tội buôn lậu BLHS 2015, tác giả nhận thấy ngoài các điểm mới về cấu thành tội phạm, còn có những điểm mới khác liên quan đến hình phạt và các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội phạm.

* Về các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt

Điểm mới đầu tiên trong việc xác định các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của BLHS 2015 so với BLHS 1999 đó là nhà làm luật đã lượng hóa các tình tiết mang tính chất định tính như: “thu lời bất chính lớn/rất lớn/đặc biệt lớn”. Đồng thời với đó, nhà làm luật cũng bỏ đi những tình tiết tăng nặng khác mang tính chất định như: “gây hậu quả nghiêm trọng/rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng”. Tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” được quy định cụ thể lại thành “phạm tội từ 2 lần trở lên”. Những thay đổi nêu trên theo tác giả đánh giá là rất tích cực, giúp cho cơ quan áp dụng pháp luật dễ dàng hơn khi áp dụng các quy phạm này vào thực tiễn xét xử.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 188 BLHS 2015 đã bổ sung một tình tiết tăng nặng định khung mới: “vật phạm pháp là bảo vật quốc gia”. Như đã nêu trên, theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2016 thì bảo vật quốc gia được hiểu là hiện vật được các đời trước truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học; với đặc tính như trên, việc tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu đối tượng này là hợp lý. Tuy nhiên, theo tác giả cũng cần có sự hướng dẫn một cách cụ thể hơn của cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng tình tiết này.

Ngoài ra, BLHS 2015 đã chuyển tình tiết tăng nặng “Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác” vốn thuộc khoản 2 của Điều 153 BLHS 1999 (khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù) quy định sang khoản 4 Điều 1888 BLHS 2015 (khung hình phạt cao nhất: từ 12 năm đến 20 năm tù).

* Về hình phạt

Đầu tiên, có thể nhận xét một cách khái quát rằng, BLHS 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với tội buôn lậu. Hình phạt tiền được quy định trong các khoản của Điều 188 BLHS 2015 cơ bản theo nguyên tắc: mức phạt tiền sẽ cao hơn giá trị của vật phạm pháp (trừ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia); và cao gấp 3 đến 5 lần mức thu lợi bất chính. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy mức phạt tiền được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 188 BLHS 2015 có những điểm chưa thực sự hợp lý. Khoản 1 Điều 188 BLHS 2015 quy định:

“Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

  1. Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng…”

Như vậy, nếu giả sử cá nhân có hành vi buôn lậu hàng hóa trị giá 299 triệu đồng thì cũng chỉ bị phạt tiền tối đa là 300 triệu đồng. Quy định trên có lẽ còn thiếu tính răn đe. Hay như khoản 2 của điều luật quy định:

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm

…c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Xem xét quy định trên ta thấy, nếu cá nhân có hành vi buôn lậu vật phạm pháp có giá trị 300 triệu đồng và chủ thể không có thêm tình tiết tăng nặng nào khác; nếu Tòa án lựa chọn quyết định hình phạt tiền thì mức phạt tiền được áp dụng sẽ phải là 300 triệu đồng – tức là bằng với giá trị vật phạm pháp.

Tác giả cho rằng mức phạt tiền quy định trong khoản 1 và khoản 2 Điều 188 BLHS 2015 là chưa hợp lý và chưa đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 3 của điều luật (khoản 3 quy định mức thấp nhất của hình phạt tiền là 1,5 tỉ đồng – cao hơn cả mức giá trị cao nhất của vật phạm pháp được quy định trong khung là 1 tỉ đồng). Nhà làm luật cần quy định mức phạt tiền tối thiểu cao hơn rõ rệt so với mức giá trị tối thiểu của hàng hóa hay vật phạm pháp; và cần tạo ra sự thống nhất trong cách xác định mức hình phạt ở các khung hình phạt khác nhau.

Bên cạnh đó, một điểm mới nữa trong vấn đề quy định hình phạt đối với tội buôn lậu ở BLHS 2015 so với BLHS 1999 đó là ở hình phạt cao nhất của điều luật. Nếu như BLHS 1999 xác định hình phạt nặng nhất có thể áp dụng đối với hành vi buôn lậu là “tù chung thân” thì BLHS 2015 lại xác định hình phạt nặng nhất có thể áp dụng đối với tội phạm này là “20 năm tù”. Điều này xuất phát từ chính sách hình sự chung, đó là thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tác giả, trước tình trạng những hành vi buôn lậu đang diễn ra rất nguy hiểm và phức tạp như hiện nay, mức phạt nặng nhất là “tù chung thân” sẽ thể hiện tính răn đe mạnh mẽ hơn.

Hình phạt bổ sung được quy định trong khoản 5 Điều 188 BLHS 2015: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.” Điểm mới trong nội dung này là ở chỗ nhà làm luật đã tăng mức phạt tiền nếu áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. Trước đây Điều 153 quy định mức phạt tiền bổ sung là từ 3 triệu đến 30 triệu. Việc nâng mức phạt trong trường hợp này là hợp lý trước sự thay đổi về kinh tế xã hội, sự thay đổi về giá trị đồng tiền ở những thời điểm khác nhau.

Cuối cùng,  điểm mới tất yếu cần phải có trong BLHS 2015 so với BLHS 1999 đó là việc xây dựng chế tài hình phạt riêng cho pháp nhân thương mại phạm tội. Có 3 loại hình phạt được xem xét áp dụng với pháp nhân phạm tội tương ứng với các mức độ phạm tội khác nhau: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Điểm khác biệt cơ bản giữa trường hợp cá nhân phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội đó là chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại khi hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá; kèm theo đó, pháp nhân phải đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; trừ trường hợp thuộc quy định tại Điều 79 BLHS 2015 – đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại.

Đánh giá hình phạt được quy định đối với pháp nhân thương mại ở tội danh này, tác giả cho rằng quy định của điều luật là khá hợp lý. Nhận thức được tính nguy hiểm cao hơn trong hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại so với cá nhân, nhà làm luật cũng đã xây dựng mức hình phạt (cụ thể là hình phạt tiền) đối với pháp nhân thương mại cao phạm tội hơn gấp nhiều lần so mức hình phạt đối với cá nhân phạm tội.

  1. 5.Tóm lược các đề xuất

Dựa trên những phân tích chỉ ra một số điểm mới trong đó bao gồm cả những điểm hợp lý và chưa hợp lý như đã nêu ở trên, tác giả xin tóm lược lại  một số đề xuất hoàn thiện quy định của BLHS 2015 đối với tội buôn lậu như sau:

Thứ nhất, bỏ đối tượng “vật có giá trị lịch sử, văn hóa” ở điểm b khoản 1 Điều 188 BLHS 2015 do bị trùng lặp với các khái niệm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; hơn thế nữa đây là khái niệm chưa được định nghĩa rõ ràng trong luật chuyên ngành.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành đối với tội buôn lậu. Tác giả cho rằng chỉ cần có căn cứ rõ ràng xác định rằng người phạm tội đã thực hiện những hành vi cụ thể như: khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ, đang chở hàng lậu qua biên giới trên biểnhướng tới việc đưa các đối tượng của hành vi qua biên giới, hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái phép là đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu ở giai đoạn tội phạm hoàn thành.

Thứ ba, nhà làm luật cần quy định mức phạt tiền tối thiểu ở khoản 2 và khoản 3 Điều 188 BLHS 2015 cao hơn rõ rệt so với mức giá trị tối thiểu của hàng hóa hay vật phạm pháp. Ví dụ, nhà làm luật có thể xác định mức phạt tiền tối thiểu cao hơn 1,5 lần so với mức giá trị tối thiểu của hàng hóa hay vật phạm pháp. Ngoài ra, nhà làm luật cần tạo ra sự thống nhất trong cách xác định mức hình phạt ở các khung hình phạt khác nhau. Điều này sẽ giúp tạo ra tính răn đe cao hơn và tạo nên tính logic hợp lý trong quy định của điều luật.

Thứ tư, nhà làm luật cân nhắc vấn đề nâng mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 4 Điều 188 BLHS. Nhà làm luật có thể xem xét giữ nguyên mức cao nhất của khung hình phạt trong trường hợp phạm tội này là “tù chung thân” như quy định trước đây tại khoản 4 Điều 153 BLHS 1999./.

Kiểm tra, bắt giữ hàng buôn lậu ở biên giới phía Bắc – Ảnh TL

 

Phụ lục

Bảng đối chiếu, so sánh quy định của BLHS 1999 và BLHS 2015

đối với tội buôn lậu

BLHS 1999 BLHS 2015
  Mục 1

CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC
SẢN XUẤT, KINH DOANH,
THƯƠNG MẠI

Điều 153. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này;

b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;

c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn;

e) Thu lợi bất chính lớn;

g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác;

h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

k) Phạm tội nhiều lần;

l) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn;

c) Thu lợi bất chính rất lớn;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;

b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; 

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác. 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

 

 

[1] Xem: Sách “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015”, Nxb Lao Động, 2016, Tr 313.

[2] Xem: Bài viết “Buôn lậu hơn 5,8 triệu m vải, trốn thuế hơn 60 tỉ đồng”, Báo điện tử Người lao động, http://nld.com.vn/phap-luat/buon-lau-hon-5-8-trieu-m-vai–tron-thue-hon-60-ti-dong-162002.htm.

[3] Xem: “Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”, ban hành ngày 6 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội.

[4] Xem: Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ tài chính ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng.

[5] Theo: http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=73&modid=384&ItemID=104483.

[6] Xem: Báo cáo của Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan năm 2013.

[7] Theo: Báo điện tử Thời báo tài chính Việt Nam; http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2015-06-16/khoi-to-doanh-nghiep-buon-lau-hon-7800-thung-sua-21797.aspx.

NCS. PHẠM TÀI TUỆ - Đại học Luật Hà Nội