Những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13
Bài viết nêu ra một số quy định chưa cụ thể, phù hợp, cần sửa đổi bổ sung của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính, đối với người đang chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Ngày 20/01/2014 UBTVQH ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 (Pháp lệnh số 09) về “Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân” quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Pháp lệnh số 09 đã quy định rõ ràng các trình tự, thủ tục nên khá thuận lợi cho Tòa án khi áp dụng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, là công cụ hữu hiệu để Tòa án thực hiện tốt chức năng được giao. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Pháp lệnh vẫn còn một số trường hợp chưa có quy định cụ thể, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gõ.
Thứ nhất: Khó khăn trong việc trích xuất người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Pháp lệnh thì “Người tham gia phiên họp gồm có đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị”. Thực tế, trong thời gian chờ Tòa án ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì người bị đề nghị đều đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ chữa bệnh (cắt cơn nghiện trước khi đưa xuống học tập cùng học viên khác), nên bắt buộc sự có mặt của người bị đề nghị là gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình triệu tập người đó đến phiên họp.
Thứ hai: Khó khăn trong việc thống nhất nội dung “Có tiến bộ rõ rệt”, theo quy định. Theo khoản 3 Điều 27 của Pháp lệnh, điều kiện giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại cho người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính là “Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính có tiến bộ rõ rệt”. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào hướng dẫn, giải thích rõ “Có tiến bộ rõ rệt” là như thế nào. Hiện nay các Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy căn cứ vào bảng chấm điểm của Cơ sở. Cơ sở chấm điểm theo quy chế của Cơ sở đưa ra mà quy chế này mỗi địa phương xây dựng có sự khác nhau, dẫn đến chưa có thống nhất trong việc áp dụng điều kiện “Có tiến bộ rõ rệt”. Đây là một khó khăn của Tòa án khi áp dụng điều kiện này để xét giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính cho người đang chấp hành.
Thứ ba: Khó khăn trong việc xét chấp nhận một phần đề nghị. Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Pháp lệnh, Thẩm phán ra một trong các quyết định “Chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại” hoặc “Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại” mà không có quy định “Chấp nhận một phần đề nghị giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại” là chưa phù hợp.
Bởi vì trong khi trong khi xem xét, đánh giá đề nghị của Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy trong việc xét giảm thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại dựa trên nhiều tiêu chí như quy định tại khoản 3 Điều 27 của Pháp lệnh. Phải xét về nhân thân của người đang chấp hành đã từng sử dụng ma túy hay chưa, hay có những vi phạm pháp luật gì để đánh giá; so sánh mức độ hiểu biết về tác hại của ma túy và mức độ chấp hành pháp luật của người đang chấp hành này đòi hỏi phải cao hơn so với người vi phạm lần đầu; mức phấn đấu của người có nhân thân xấu phải cao hơn người vi phạm lần đầu…
Do đó, việc Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy đề nghị giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính còn lại đối với người đang chấp hành thì Tòa án cũng có thể “Chấp nhận một phần” đề nghị đó để phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật tại nhiều địa phương.
Những vướng mắc trên đã gây lúng túng cho Tòa án và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện mà nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng và xâm phạm trực tiếp đến các quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Vì vậy, để nghị UBNTVQH, TANDTC, VKSNDTC… cần sớm tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 09 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân để sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh.
Chúng tôi kiến nghị sửa quy định tại khoản 2 Điều 17 của Pháp lệnh theo hướng “người bị đề nghị có thể tham gia phiên họp” để thuận lợi cho việc xem xét cần thiết triệu tập hoặc không cần triệu tập người bị đề nghị đến phiên họp. Quy định rõ nội dung “Có tiến bộ rõ rệt” để thống nhất, áp dụng; đồng thời bổ sung thêm nội dung “Chấp nhận một phần đề nghị/ khiếu nại” vào khoản 4 Điều 27, Điều 35 của Pháp lệnh cho phù hợp với thực tiễn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận