Những trường hợp không được làm người đại diện theo ủy quyền quy định tại Điều 87 BLTTDS năm 2015
Qua nghiên cứu các văn bản tố tụng trước đây, các bài viết về ủy quyền và thực tiễn, tác giả nhận thấy những trường hợp không được làm người đại diện theo ủy quyền quy định tại Điều 87 BLTTDS năm 2015 (BLTTDS) còn nhiều vấn đề phải bàn đến.
Ủy quyền trong tố tụng dân sự là việc chủ thể ủy quyền cho một chủ thể khác tham gia vào quá trình tố tụng theo pháp luật tố tụng dân sự. Việc ủy quyền trong tố tụng không chỉ giúp người được ủy quyền bảo vệ quyền lợi của mình trong nhiều hoàn cảnh mà còn giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án nhanh chóng, đúng pháp luật.
Trong thời gian qua, việc ủy quyền tham gia tố tụng đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các tranh chấp dân sự tại Tòa án. Lý do là đời sống kinh tế người dân phát triển, nhiều cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động dịch vụ pháp lý, sự chuyên môn hóa trong lĩnh vực pháp lý thể hiện rõ nét hơn. Trong khi đó, việc tham gia tố tụng với tư cách là đại diện theo ủy quyền thuận lợi, đơn giản hơn so với việc tham gia tố tụng với tư cách Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Luật sư).
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn bản tố tụng trước đây, các bài viết về ủy quyền và thực tiễn, tác giả nhận thấy những trường hợp không được làm người đại diện theo ủy quyền quy định tại Điều 87 BLTTDS năm 2015 (BLTTDS) còn nhiều vấn đề phải bàn đến.
Theo quy định của BLTTDS thì để được làm người đại diện theo ủy quyền của đương sự tham gia tố tụng dân sự thì trước tiên người đó phải có đầy đủ năng lực năng lực hành vi tố tụng dân sự (trên 18 tuổi, không bị mất năng lực hành vi dân sự).
Có quan điểm khẳng định rằng: Một người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cần phải có người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ thay mặt mình thực hiện các giao dịch dân sự thì không thể đại diện cho người khác tham gia tố tụng tại Tòa án .
Vấn đề này có hai nội dung cần bàn sau:
Thứ nhất, đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi họ chưa phải là người mất năng lực hành vi dân sự. Có thể họ chỉ có khó khăn trong việc làm chủ hành vi của họ trong một thời điểm hoặc một số hành vi nhất định. Pháp luật cũng chưa quy định trong trường hợp nào được hiểu là do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Ví dụ một người bị cụt chân cụt tay, bị điếc bẩm sinh nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo thì có được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền không?
Điều 20 BLTTDS có quy định về việc người khuyết tật nghe, nói, nhìn khi tham gia tố tụng dân sự, những người này vẫn tham gia tố tụng như những đương sự bình thường thông qua người có khả năng biết được ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại.
Thứ hai, đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Bộ luật dân sự quy định để hạn chế “việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản” của họ mà không phải để hạn chế họ tham gia việc ủy quyền, tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân.
Ngoài điều kiện về năng lực hành vi tố tụng dân sự, người đại diện theo ủy quyền phải không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 87 BLTTDS 2015:
“1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.
Với những trường hợp theo khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015 chỉ có một vấn đề được đặt ra là: Hiểu thế nào là “đối lập”? Tất nhiên, có thể hiểu đơn giản đối lập là có quan điểm, ý kiến trái ngược nhau. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp sự phân định là không rõ ràng, nhất là mối quan hệ giữa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với nguyên đơn hoặc bị đơn. Ví dụ có vụ án về “Tranh chấp di sản dùng vào việc thờ cúng”, tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến Tòa án đều trình bày: “không có ý kiến gì về tranh chấp trên”. Trong trường hợp này họ có thể ủy quyền cho nguyên đơn và cũng có thể ủy quyền cho bị đơn. Có thể trong giai đoạn đầu của vụ án quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đó chưa đối lập nhưng đến lúc đưa vụ án ra xét xử mới phát sinh “đối lập” vậy nội dung ủy quyền trước đó được giải quyết, đánh giá như thế nào?.
Đối với những trường hợp theo khoản 3 Điều 87 BLTTDS 2015 tác giả nhận thấy nhiều nội dung cần trao đổi. BLTTDS liệt kê danh sách những chủ thể không được làm người đại diện theo ủy quyền (Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an) nhưng danh sách này vừa thiếu lại vừa thừa.
Thừa ở chỗ, BLTTDS quy định trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự mà không có bất kỳ mối liên hệ nào đến lực lượng công an (dẫn đến việc không vô tư, không khách quan) nhưng lại cấm không cho họ làm đại diện theo ủy quyền. Có thể, cái lý của nhà làm luật cho rằng công an là cơ quan bảo vệ trật tự, an toàn xã hội nên không thể đứng về một bên để làm người đại diện theo ủy quyền được. Tuy nhiên, việc này đã có quy chế riêng của lực lượng công an điều chỉnh.
Quan điểm của tác giả thể hiện tại Nghị quyết số 03/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 19/20/1990 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/20/1990), tại điểm d khoản 2 mục VI của Nghị quyết chỉ hạn chế đối với “cán bộ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát” mà không có công an.
Đồng thời, tác giả còn băn khoăn đối với những trường hợp cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát nhưng không công tác trong TAND các cấp, VKSND các cấp như: Học viện Tòa án, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Kiểm sát… có được làm người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự hay không?
Mặt khác, trong các cơ quan này còn có viên chức, chẳng hạn tại Học viện Tòa án, các giảng viên tại đây đa số là viên chức, vậy họ có thuộc phạm vi điều chỉnh theo khoản 3, Điều 87 BLTTDS 2015 không?
Khoản 3 Điều 87 BLTTDS 2015 thiếu nhiều đối tượng không được làm người đại diện theo ủy quyền mà sự xuất hiện của họ dẫn đến việc giải quyết vụ án dân sự trở nên không vô tư, không khách quan, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đó chính là Chấp hành viên của cơ quan Thi hành án dân sự. Nếu đối chiếu với cán bộ công chức trong lực lượng công an thì rõ ràng những người sau này sẽ thi hành bản án của Tòa án có khả năng lớn tác động đến vụ án, vi phạm nguyên tắc khách quan khi giải quyết vụ án. Thi hành án dân sự có mối quan hệ mật thiết với Tòa án, Viện kiểm sát và là “ khâu cuối cùng để công lý được thực thi” .
Thứ hai, pháp luật tố tụng dân sự cũng không quy định các trường hợp khác đang tham gia tố tụng trong vụ án như: Người phiên dịch, người giám định, người làm chứng là những trường hợp không được làm người đại diện theo ủy quyền. Trong nhiều trường hợp, việc để những người này làm đại diện theo ủy quyền sẽ dẫn đến sự không công bằng.
Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/20/1990 không chấp nhận cho người giám định, người phiên dịch, người làm chứng trong vụ án tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện do đương sự ủy quyền.
Thứ ba, những trường hợp khác dẫn đến việc những người tiến hành tố tụng không khách quan, không vô tư cũng cần phải xem xét không được làm người đại diện theo ủy quyền.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 13 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu họ là người thân thích của đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trong vụ án dân sự hoặc có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế,…).
Nếu rơi vào các trường hợp trên thì có được là người đại diện theo ủy quyền của đương sự không? hoặc ở chiều ngược lại thì người tiến hành tố tụng có phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi hay không? Người đại diện của đương sự và đương sự trong trường hợp này có đồng nhất?
Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/20/1990 tại điểm f khoản 2 mục VI cũng không chấp nhận cho người thân thích với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên đang tham gia giải quyết vụ án tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện do đương sự ủy quyền.
Ngoài ra, trong thực tế tác giả thấy xuất hiện trường hợp một người từng là Thẩm phán giải quyết vụ án. Vì lý do chủ quan hay khách quan nào đó họ xin thôi việc trong Tòa án và ra ngoài làm đại diện cho một bên đương sự trong chính vụ án trước đây họ giải quyết. Việc họ có được làm người đại diện theo ủy quyền hay không chưa được pháp luật dự trù.
Trên đây là các nội dung liên quan đến những trường hợp không được làm người đại diện theo ủy quyền mong quý bạn đọc quan tâm góp ý./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận