Phạm Trung Đ phạm tội “Cướp giật tài sản”
Sau khi nghiên cứu bài viết “Phạm Trung Đ phạm tội gì?” của tác giả Mai Trọng Thao đăng ngày 19/8/2021, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả cho rằng Đ phạm tội “Cướp giật tài sản” theo Điều 171 BLHS năm 2015.
Theo tôi, hành vi của Phạm Trung Đ không phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, vì theo quy định của khoản 1 Điều 172 BLHS thì: “người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc …”. Mặc dù điều luật không mô tả tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như thế nào, nhưng qua thực tiễn xét xử cho thấy hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản gồm có các đặc điểm sau:
(1) Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội;
(2) Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai;
(3) Sau khi chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội có thể có thêm hành vi nhanh chóng tẩu thoát.
Đối chiếu với diễn biến vụ án Phạm Trung Đ, thì trường hợp của Đ không thỏa mãn yếu tố thứ (1) là “Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội”. Anh L không thể ngăn cản được hành vi chiếm đoạt chiếc điện thoại Iphon 11 Promax là do Phạm Trung Đ đã gian dối, tạo ra các điều kiện như “không có tiền trả, lấy lý do để yêu cầu anh L chở đi rút tiền; khi đến ngõ vắng, Đ yêu cầu xuống xe để đi lấy tiền nhưng sau đó cầm điện thoại Iphon 11 Promax bỏ chạy”, chứ không phải do hoàn cảnh khách quan đem lại. Vì vậy, hành vi của Phạm Trung Đ không thỏa mãn cấu thành của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 172 BLHS.
Tác giả cũng không nhất trí với quan điểm thứ ba cho rằng Phạm Trung Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS. Vì theo lý luận về tội “Lừa đảo chiểm đoạt tài sản” thì người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hai dấu hiệu sau:
(1) Người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệnh về sự việc (nói dối, nói không thành có,…);
(2) Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội.
Trở lại nội dung vụ án, mặc dù trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt điện thoại Iphon 11 Promax của anh L, Phạm Trung Đ đã có các hành vi gian dối như “giả vờ không có tiền trả, lấy lý do để yêu cầu anh L chở đi rút tiền; Khi đến đoạn ngõ vắng, Phạm Trung Đ yêu cầu xuống xe để đi lấy tiền”, nhưng đây chỉ là những thủ đoạn mà Phạm Trung Đ dùng để tiếp cận tài sản và tạo sự thuận lợi để thực hiện hành vi chiến đoạt chiếc điện thoại, nhưng khi thực hiện hành vi chiếm đoạt điện thoại Iphon 11 Promax của anh L thì Phạm Trung Đ hoàn toàn công khai, sau đó nhanh chóng tẩu thoát. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để định tội “Cướp giật tài sản” đối với Phạm Trung Đ mà không phải là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mặt khác, “khi Phạm Trung Đ chở L đi lấy tiền mặt, Phạm Trung Đ yêu cầu L cho xem điện thoại để kiểm tra” là Phạm Trung Đ đã có hành vi lừa dối L để dễ tiếp cận điện thoại Iphon 11 Promax và tạo ra sự sơ hở. Ở đây, anh L hoàn toàn không chuyển giao quyền sở hữu điện thoại Iphon 11 Promax cho Phạm Trung Đ, cũng không chuyển giao quyền quản lý điện thoại Iphon 11 Promax cho Phạm Trung Đ ngoài sự kiểm soát của anh L mà chỉ giao cho Phạm Trung Đ xem để kiểm tra khi có anh L bên cạnh (dưới sự kiểm soát, quản lý điện thoại Iphon 11 Promax của anh L) và lợi dụng khi anh L dừng xe máy lại, Phạm Trung Đ đã chiếm đoạt công khai chiếc điện thoại Iphon 11 Promax và nhanh chóng tẩu thoát. Vì vậy, trường hợp này thiếu yếu tố thứ hai trong mặc khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tin tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật của người phạm tội nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Anh L không hoàn toàn tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý chiếc điện thoại Iphon 11 Promax cho Phạm Trung Đ.
Từ những phân tích trên thì xét xử Phạm Trung Đ về tội “Cướp giật tài sản” theo Điều 171 BLHS là có căn cứ bởi: Tội cướp giật tài sản thể hiện dưới hai hình thức chính là: Hành vi chiếm đoạt công khai và hành vi nhanh chóng tẩu thoát. Trong vụ án này, Đ đã có hành vi chiếm đoạt chiếc điện thoại Iphon 11 Promax của L rồi một cách công khai rồi nhanh chóng tẩu thoát.
Trên đây là quan điểm của tôi về việc định tội danh đối với bài viết “Phạm Trung Đ phạm tội gì?”, mong nhận được sự thảo luận, trao đổi của bạn đọc, đồng nghiệp./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận