Phạm Văn V không phạm tội lạm dụng tín chiếm đoạt tài sản

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 04/7/2025 có đăng bài viết trao đổi “Vay tiền rồi bán đất cho người thân để không thi hành án có phạm tội hay không?” của tác giả Trần Tú Anh - Huỳnh Minh Khánh (TAND Khu vực 5 - Đồng Tháp). Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất của bài viết.

Theo nội dung bài viết, ông Phạm Văn V tham gia hai giao dịch dân sự là giao dịch vay tiền giữa ông V và bà V và giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giữa ông V và ông H. Cả hai giao dịch này, ông Phạm Văn V đều thỏa mãn điều kiện về chủ thể giao dịch là có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự theo quy định. Nội dung bài viết thể hiện:

Thứ nhất: Hợp đồng vay tiền ngày 12/8/2021 giữa ông Phạm Văn V và bà Lê Thị Bích V thỏa thuận số tiền vay là 150.000.000 đồng, lãi suất là 1,5%/tháng, thời hạn vay là 12 tháng, phương thức trả nợ là ông V phải trả vốn và lãi còn nợ (nếu có) cho bà, mỗi tháng ông V phải trả lãi suất tiền vay cho bà V vào ngày 12 hàng tháng. Hợp đồng này, ông V và bà V không có nội dung thỏa thuận về tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay là tài sản nào khác. Ngày 23/8/2023, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T đã xét xử, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà V, buộc ông V trả cho bà V số tiền 172.500.000 đồng và tiền lãi chậm trả theo quy định.

Thứ hai: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sửa dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngày 17/8/2023 giữa ông Phạm Văn V và ông Phạm Văn H, thỏa thuận giá trị chuyển nhượng là là 400.000.000 đồng. Đến ngày 24/8/2023, thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có kết quả điều chỉnh biến động trang 4, ông Phạm Văn H đã đứng tên. Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Phạm Văn V và ông Phạm Văn H đã được cơ quan có thẩm quyền đăng ký biến động về đất đai thực hiện theo quy định và thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giữa ông V và ông H trong quá trình Tòa án nhân dân huyện C đang xem xét giải quyết vụ án kiện đòi tài sản giữa ông V với bà V và trước khi Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T ra bản án buộc ông Phạm Văn V thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi cho bà Lê Thị Bích V.

Thứ ba: Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với thửa đất số 12, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.312m2 đất, loại đất trồng cây lâu năm, được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận ngày 18/6/2014 cho ông Phạm Văn V là tài sản duy nhất của ông Phạm Văn V, ngoài ra ông V không có tài sản nào khác. Thực tế, trên thửa đất có căn nhà cấp 4 và theo xác minh của cơ quan thi hành án ông V đang sinh sống trong căn nhà này từ năm 2010 cho đến nay.

Vấn đề đặt ra, tại thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, ông V có được quyền chuyển nhượng tài sản duy nhất là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong quá trình Tòa án nhân dân huyện C đang giải quyết vụ án kiện đòi tiền giữa ông V và bà V hay không?

Chúng ta thấy: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ngày 17/8/2023 giữa ông V và bà V là giao dịch độc lập với Hợp đồng vay tiền ngày 12/8/2021 giữa ông V và bà V. Tại thời điểm ông Phạm Văn V chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Phạm Văn H, thửa đất của ông V không có tranh chấp về đất đai theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 (tức tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai), đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất. Do đó, ông Phạm Văn V đáp ứng đủ các điều kiện để được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản sản gắn liến với đất theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Mặt khác, khi ông Phạm Văn V thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì thửa đất của ông V không bị cá nhân, tổ chức nào có văn bản nào đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, hạn chế việc chuyển nhượng; thửa đất này cũng không bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Theo dữ liệu của bài viết, ngày 17/8/2023 ông Phạm Văn V đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho ông H, đến ngày 24/8/2023, thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có kết quả điều chỉnh biến động trang 4, ông Phạm Văn H đã đứng tên. Có nghĩa là việc chuyển nhượng đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật kể từ ngày 24/8/2023 và về mặt pháp lý, ông Phạm Văn H được xác định là chủ sử dụng đất kể từ ngày 24/8/2023.

Trở lại quan điểm của các tác giả cho rằng hành vi chuyển nhượng tài sản của ông Phạm Văn H phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả…”.

Theo quy định pháp luật, cấu thành tội phạm có dấu hiệu pháp lý đặc trưng là người phạm tội được chủ tài sản tín nhiệm giao cho tài sản hợp pháp, ngay thẳng thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản. Sau khi có được tài sản, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Trên thực tế, sau khi nhận được tài sản hợp pháp, người phạm tội không thực hiện theo đúng nghĩa vụ cam kết và đã thực hiện hành vi chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản được giao; đối tượng bị tác động, xâm phạm trực tiếp của tội phạm là tài sản do người phạm tội chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Trong phạm vi bài viết của tác giả, tài sản giao dịch theo hợp đồng vay tài sản ngày 12/8/2021 giữa ông V, bà V là khoản tiền bà V cho ông V vay theo thỏa thuận và do ông B không thực hiện trả nợ theo cam kết nên quyền và lợi ích hợp pháp của bà B đối với khoản tiền vay bị xâm phạm, bà B được quyền khởi kiện ông V ra Tòa án và được Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T chấp nhận buộc ông V phải trả cho bà B số tiền 172.000.000 gốc và lãi đã được xác định theo bản án. Mặt khác, cũng chưa có căn cứ pháp lý xác định quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của ông V là đối tượng tài sản để thi hành theo bản án của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T do tại thời điểm ông V chuyển nhượng tài sản thì Tòa án nhân dân huyện C chưa xét xử vụ án, chưa có bản án đã có hiệu lực pháp luật và cơ quan thi hành án chưa đưa tài sản vào diện tài sản bị kê biên để đảm bảo thi hành nghĩa vụ trả nợ của ông V cho bà V; đồng thời giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại thời điểm ông V chuyển nhượng lớn hơn nhiều lần so với số tiền ông V vay của bà V. Mặt khác trong quá trình giải quyết vụ án thì ông V thừa nhận nợ bà V số tiền là 172.500.000 đồng nhưng xin trả dần mỗi tháng trả cho bà V 2.000.000 đồng (thông qua bản tự khai, biên bản hòa giải, diễn biến tại phiên tòa), trả đến khi hết nợ nhưng bà V không đồng ý. Khi chuyển nhượng tài sản, ông V không có nghĩa vụ phải khai báo cho bà V và cơ quan có thẩm quyền đăng ký đất đai biết về việc ông V đang là bị đơn trong vụ án kiện đòi tài sản với bà V. Do đó, không thể khẳng định ông V thông đồng với ông H dùng thủ đoạn gian dối với bà V và cơ quan có thẩm quyền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho ông H nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bà V. Vì vậy, ông Phạm Văn V không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015.

Trong tình huống này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà V có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vô hiệu do giao dịch vi phạm điều cấm của luật (khai giá thấp hơn giá thực tế của tài sản để trốn nghĩa vụ nộp thuế) hoặc do giao dịch này là giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với bên thứ ba (bà V). Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy việc xác định giao dịch chuyển nhượng tài sản giữa ông Phạm Văn V và ông Phạm Văn H vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật hay do giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với bên thứ ba thì còn tùy thuộc vào nhận thức, vận dụng pháp luật, tài liệu chứng cứ thu thập được của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án. Cá nhân tôi cho rằng bà V có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất giữa ông V và ông H vô hiệu do là giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với bà B, vì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giữa ông V và ông H chỉ có một sự giả tạo duy nhất là giả tạo về giá (trị giá khoảng 01 tỷ đồng nhưng chuyển nhượng có 400.000.000 đồng). Mặt khác căn cứ vào ý chí của chủ thể chuyển nhượng tài sản là ông V biết rõ mình sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà B trước khi Tòa án nhân dân huyện C xét xử và ra bản án, thực tế sau khi chuyển nhượng tài sản, cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án ông V vẫn đang sinh sống trên thửa đất đó cho đến nay, không có nơi ở nào khác; ông V cũng không chứng minh được việc sử dụng số tiền bán tài sản vào mục đích trả nợ hay tạo lập nơi ở mới… nên có căn cứ xác định giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giữa ông Phạm Văn V và ông Phạm Văn H không ngay thẳng, nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của ông V.

Riêng nội dung giá chuyển nhượng tài sản trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng được xác định, căn cứ Điều 17 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản quy định: “Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng”. Do đó, nếu ông Phạm Văn V và ông Phạm Văn H cố ý kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá giao dịch thực tế là vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ và số thuế tiền trốn thuế mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS năm 2015.

TRẦN THỊ NGÂN (Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Một phiên xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Lai Châu - Ảnh: Tuệ Minh.