Phạm vi xét xử theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng dân sự - Một số vấn đề đặt ra

Trong vụ án dân sự, hiện nay chưa có sự áp dụng thống nhất và còn vướng mắc về phần có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.

 

Theo quy định của Hiến pháp và quy định của Luật Tổ chức Tòa án thì hiện nay, việc xét xử là của Tòa án và theo quy định, Tòa án luôn phải đảm bảo hai chế độ xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Cấp xét xử phúc thẩm cũng là cấp xét xử cuối cùng trong tiến trình tố tụng. Việc quy định cấp xét xử phúc thẩm ngoài mục đích tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng dân sự thì còn mục đích khắc phục những sai lầm trong hoạt động xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, đồng thời tránh xảy ra sai sót trong quá trình xét xử, đảm bảo sự công bằng cho mọi công dân, tổ chức.

Về phạm vi xét xử phúc thẩm, tại Điều 293 của BLTTDS quy định: “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.”

Do đó, đối với bản án, quyết định hoặc những phần bản án, quyết định không có kháng cáo, kháng nghị, không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị thì dù có nhận thấy bản án, quyết định sơ thẩm có sai lầm cũng không được đưa ra xét xử phúc thẩm, mà phải xem xét theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Đối với những phần bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng lại có liên quan chặt chẽ với các phần có kháng cáo, kháng nghị sẽ không có hiệu lực pháp luật và sẽ nằm trong phạm vi xem xét của cấp phúc thẩm.

Những phần được coi là có liên quan đến việc xem xét kháng cáo, kháng nghị là trường hợp việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị đôì với phần này của bản án, quyết định sơ thẩm đòi hỏi phải xem xét, giải quyết đồng thời với phần khác có liên quan của bản án, quyết định sơ thẩm, mặc dù phần này không bị kháng cáo, kháng nghị.

Phần có kháng cáo, kháng nghị thì có thể xác định được ngay nhưng thế nào là phần có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị thì hiện nay chưa có sự áp dụng thống nhất và vướng mắc. Trong thực tiễn áp dụng, tôi thấy có những vướng mắc.

1. Đương sự kháng cáo đề nghị sửa án sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền hủy án sơ thẩm hay không?

Vụ án sau đây là một ví dụ: Vụ án giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Th khởi kiện chia thừa kế đối với 09 thửa đất tại phường Y, thành phố C, trong đó có 03 lô do ông Kiều Văn C đang quản lý, sử dụng, ông C đã tự ý chuyển nhượng 09 lô. Trong vụ án, các đương sự đều thống nhất về hàng thừa kế, di sản thừa kế. Do tài sản thừa kế nhiều, liên quan nhiều đương sự khác nhau nên sau gần 5 năm, ngày 26/01/2022, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia cho nguyên đơn về hiện vật là 03/09 lô đất và buộc bị đơn thanh toán thêm giá trị 3.545.336.836 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn không đồng ý với việc chia thừa kế của Tòa án cấp sơ thẩm nên kháng cáo theo hướng sửa án sơ thẩm, chia thêm cho nguyên đơn hiện vật là 01 lô đất khác.

Trong quá trình xem xét theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng có vi phạm tố tụng trong quá trình giải quyết theo thủ tục sơ thẩm nên hủy án sơ thẩm.

Về việc hủy án sơ thẩm hiện nay có 2 quan điểm khác nhau:

Quan điểm 1 cho rằng việc hủy án sơ thẩm của Tòa án cấp phúc thẩm là  vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm. Bởi vì nguyên đơn chỉ kháng cáo về phần nội dung quyết định của bản án sơ thẩm. Các quy trình tố tụng trước đó không có đương sự nào kháng cáo, Viện kiểm sát cũng không kháng nghị. Do vậy, cấp phúc thẩm chỉ được xem xét về nội dung giải quyết của bản án sơ thẩm. Việc cấp phúc thẩm xem xét cả về quy trình tố tụng sơ thẩm là không đúng.

Quan điểm 2 cho rằng việc hủy án của cấp phúc thẩm là đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 310 của BLTTDS. Việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là có liên quan đến nội dung kháng cáo của đương sự.

Tác giả ủng hộ quan điểm thứ nhất vì các lý do như sau:

Theo quy định tại Điều 5 của BLTTDS thì đương sự có quyền tự quyết định, tự định đoạt. Tòa án chỉ có quyền giải quyết vụ án trong phạm vi yêu cầu hay trong phạm vi kháng cáo của đương sự mà thôi. Mặc dù tại cấp sơ thẩm có vi phạm tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ nhưng họ vẫn chấp nhận và không ai có ý kiến gì thì thiết nghĩ Tòa án cấp phúc thẩm không cần thiết phải hủy án sơ thẩm mà chỉ cần xem xét nội dung quyết định của bản án sơ thẩm có đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo hay không mà thôi.

Việc hủy án sơ thẩm sẽ đưa vụ án quay trở lại vạch xuất phát một cách không cần thiết, trong khi cấp phúc thẩm chỉ cần xem xét lại phần nội dung của bản án sơ thẩm từ đó ra phán quyết cuối cùng, giải quyết dứt điểm vụ án. Và đây cũng là lý do để các vụ án dân sự thường có quy trình tố tụng kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cả 2 bên đương sự. Một vụ án theo ví dụ điển hình trên là đã gần 5 năm vẫn bị đưa về quy trình tố tụng từ đầu là điều các bên đều không mong muốn.

Mở rộng trường hợp trên, vì quyền định đoạt thuộc về đương sự nên nếu đương sự chỉ kháng cáo về phần nội dung thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cũng không xem xét cả phần kháng nghị của Viện kiểm sát về thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm.

2. Sau khi xét xử sơ thẩm, không đương sự nào kháng cáo bản án sơ thẩm, việc kháng nghị của Viện kiểm sát có còn cần thiết trong mọi trường hợp?

Một ví dụ khác: Bà Lê Thị X khởi kiện yêu cầu ông Mai Hồng T và các bị đơn khác trả lại quyền sử dụng đất lấn chiếm thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho gia đình bà tại thôn TS, xã CTT, thành phố C. Sau khi hòa giải nhiều lần không thành, ngày 28/9/2022, Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, phía bị đơn cho rằng không biết phần đất mình đang sử dụng là lấn chiếm vì sử dụng đã lâu nên đề nghị Tòa án xem xét quyết định, không đồng ý hòa giải. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại phần đất lấn chiếm, ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn về việc hỗ trợ mỗi bị đơn số tiền 10.000.000 đồng. Sau khi xét xử, các đương sự đều không kháng cáo, nhưng Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị vì cho rằng bản án sơ thẩm áp dụng pháp luật không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn.

Chúng ta đều biết rằng, đối với án dân sự thì quyền tự quyết định và quyền định đoạt của đương sự là tối thượng. Sau một quy trình tố tụng sơ thẩm, vì lý do nào đó, các đương sự đã không thể thống nhất các nội dung các vấn đề cần giải quyết nên Tòa án cấp sơ thẩm phải đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, sau khi Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án, các đương sự đều không kháng cáo. Việc không kháng cáo của đương sự có thể hiểu là tất cả họ đều thống nhất với bản án sơ thẩm. Nếu đứng trên lập luận này, theo tôi, việc kháng nghị của Viện kiểm sát các cấp đối với bản án sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án theo trình tự phúc thẩm là không cần thiết. Chưa nói đến việc kháng nghị đó lại cho ra kết quả cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án thì quy trình tố tụng lại kéo dài thêm.

Mặt khác, cốt lõi của việc giải quyết các vụ án dân sự là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Các đương sự đều không kháng cáo thì cũng có thể hiểu bản án sơ thẩm đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án sơ thẩm trong trường hợp này đã đi ngược lại nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 13 của BLTTDS:

“2. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Tôi cho rằng quyền không tiếp tục quy trình tố tụng phúc thẩm cũng là một nội hàm quyền của công dân phải được pháp luật tố tụng dân sự bảo vệ.

Tuy nhiên, trong trường hợp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, lợi ích công cộng theo Điều 187 của BLTTDS thì kháng nghị của Viện kiểm sát khi phát hiện sai lầm trong việc áp dụng pháp luật là rất cần thiết để bảo vệ các lợi ích công. Vì vậy, trong trường hợp này, cấp phúc thẩm vẫn nên giữ nguyên phạm vi xét xử theo phạm vi kháng nghị của Viện kiểm sát.

3. Kiến nghị

Từ những phân tích trên, tôi đề xuất một số kiến nghị trong công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật như sau:

Thứ nhất, cần giải thích rõ nội hàm của khái niệm phần “…có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị” thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm là gì.

Thứ hai, cần hướng dẫn rõ ràng, trong trường hợp đương sự chỉ kháng cáo về phần nội dung của bản án sơ thẩm thì cấp phúc thẩm không xem xét về phần thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm kể cả khi có kháng nghị của Viện kiểm sát.

Thứ ba, cần sửa đổi BLTTDS về phạm vi xét xử phúc thẩm theo hướng, nếu không có kháng cáo của các đương sự đối với bản án sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát theo Điều 278 của BLTTDS, trừ trường hợp vụ án được các tổ chức, cá nhân khởi kiện theo quy định tại Điều 187 của BLTTDS.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa  xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Bích Hương

Ths. NGUYỄN THỊ THU HIẾU (Tòa án nhân dân Tp Cam Ranh- Khánh Hòa)