Phản bác luận điệu xuyên tạc về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính

(TCTA) - Chủ trương cải cách hành chính (CCHC) sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã là một bước đi chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững. Gần đây, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc chủ trương CCHC nói chung; sáp nhập đơn vị hành chính các cấp nói riêng; với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhằm gây hoài nghi, chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Bài viết này làm rõ cơ sở khoa học, khách quan và thực tiễn của chủ trương sáp nhập tỉnh, xã. Đồng thời, nhận diện và phản bác kịp thời những thông tin sai lệch; đề xuất các giải pháp, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

1. Cơ sở khoa học, khách quan và tính tất yếu của chủ trương sáp nhập

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi CCHC là một trong những nhiệm vụ then chốt. Năm 1947, Bác Hồ viết tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, trong đó nhấn mạnh nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là yêu cầu xây dựng bộ máy của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương phải “sát dân, gọn nhẹ, hiệu quả” để phục vụ nhân dân tốt hơn[i]. Sau năm 1975 đến nay, chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính tiếp tục được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản của Nhà nước. Từ Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đến Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị[ii] và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023[iii] đều nhấn mạnh tính tất yếu, khách quan của việc sáp nhập đơn vị hành chính, phù hợp với yêu cầu phát triển, quản lý hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các văn bản của Đảng, Nhà nước… cũng xác lập rõ tiêu chí, trình tự, thủ tục sáp nhập; bảo đảm khách quan, dân chủ, có sự tham gia và đồng thuận của nhân dân. Sắp xếp đơn vị hành chính là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố như: quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa, quốc phòng – an ninh; phù hợp với xu hướng quản trị hiện đại, tinh gọn.

Từ những năm 1990, nhiều địa phương đã tiến hành chia tách, đến những năm gần đây là giai đoạn sáp nhập để luôn phù hợp tình hình mới. Đặc biệt, giai đoạn năm 2019 - 2023, cả nước đã thực hiện sắp xếp thành công 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã.[iv] Thực tiễn triển khai tại các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lào Cai... đã chứng minh tính hiệu quả, thiết thực của chủ trương. Điển hình như tỉnh Quảng Ninh, sau sáp nhập đã giảm hơn 100 cơ quan, đơn vị và gần 800 cán bộ lãnh đạo, tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng ngân sách mỗi năm, mà vẫn đảm bảo tốt các dịch vụ công[v]. Trong cuộc khảo sát do Ban Chỉ đạo CCHC Trung ương thực hiện năm 2023, trên 78% người dân được hỏi tại các địa phương đã sáp nhập xã cho biết họ hài lòng hoặc rất hài lòng với cách chính quyền tổ chức, tiếp cận và giải quyết thủ tục hành chính sau khi sáp nhập[vi].

Tiếp tục khâu đột phá CCHC, ngày 07/4/2025 Chính phủ tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền 02 cấp[vii]. Sau đó, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 thống nhất nhiều chủ trương, trong đó có sắp xếp lại 63 tỉnh thành còn lại 34 tỉnh thành, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/8/2025, các đơn vị mới bắt đầu hoạt động từ ngày 01/9/2025[viii]; đối với cấp xã, sau sáp nhập sẽ còn lại khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 60 – 70%)[ix], dự kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2025, các đơn vị mới sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7/2025[x]. Nói về chủ trương sáp nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu rất sâu sắc: “Đất nước là quê hương”, cần vượt qua tâm lý vùng miền khi thực hiện công cuộc sáp nhập tỉnh, xã[xi].   

Chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính thời gian qua đã khẳng định tính khoa học, khách quan trong tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, tăng năng lực phục vụ nhân dân, vì lợi ích lâu dài của người dân.

2. Nhận diện và phân tích thủ đoạn xuyên tạc trên không gian mạng về chủ trương sáp nhập

2.1. Lợi dụng yếu tố truyền thống, tình cảm địa phương để xuyên tạc chủ trương sáp nhập

Một số đối tượng tập trung đánh vào tâm lý hoài cổ, sự gắn bó với tên gọi làng xã, địa phương cũ, từ đó kích động dư luận với các luận điệu như: “sáp nhập là xóa sổ làng quê”, “xóa bỏ truyền thống tổ tiên”, “đánh mất bản sắc dân tộc”... Họ đưa ra nhiều video, hình ảnh cảm tính như cổng chào bị tháo dỡ, tên làng biến mất, khiến người dân hiểu sai về bản chất chính sách.

Thực tế, việc đặt tên mới sau sáp nhập được thực hiện theo quy trình dân chủ, có tham khảo ý kiến người dân, đảm bảo yếu tố kế thừa lịch sử – văn hóa. Việc đánh tráo giữa tên gọi hành chính (yếu tố pháp lý) với các giá trị truyền thống – bản sắc (yếu tố văn hóa – tinh thần) là thủ đoạn lợi dụng cảm xúc nhằm gây chia rẽ giữa nhân dân và chính quyền[xii].

2.2. Thổi phồng hệ lụy, bóp méo hiệu quả của quá trình sáp nhập để gieo tâm lý lo ngại, bất mãn

Một số luận điệu cho rằng việc sáp nhập làm “dân khổ hơn, xa chính quyền hơn” do phải đi xa hơn để làm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bỏ qua bối cảnh thực tế là sáp nhập luôn đi kèm với CCHC, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền điện tử, giúp người dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn mà không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế đã triển khai hiệu quả chính quyền số, trung tâm điều hành đô thị thông minh, chứng minh là xu hướng tất yếu của hiện đại hóa bộ máy hành chính[xiii].

Thủ đoạn khác là lợi dụng khó khăn cục bộ của một số địa phương sau sáp nhập để quy chụp, suy diễn rằng cải cách là sai lầm. Họ lấy các ví dụ cá biệt để quy nạp thành bản chất chung, từ đó kích động tâm lý “sợ cải cách”, cản trở tiến trình đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW.

Những địa phương đi đầu như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế đang triển khai trung tâm điều hành đô thị thông minh, cổng dịch vụ công trực tuyến toàn diện, đây mới là xu thế tương lai[xiv].

2.3. Tung tin thất thiệt, dựng chuyện, gán ghép nhằm tạo sự hoang mang trong dư luận

Một số đối tượng đã lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để lan truyền thông tin giả mạo, thêu dệt khôi hài như “Lâm Đồng sáp nhập Bình Thuận thành tỉnh Đồng Thuận”, đã bị xử phạt hành chính[xv]; hoặc bịa đặt chuyện “ép dân sáp nhập không qua lấy ý kiến”, “lấy danh nghĩa ‘cải cách’ để áp đặt”… mục đích là để câu view, câu like, tạo hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng mạng và gây hoang mang trong dư luận. 

Thực tế, quy trình sáp nhập được thực hiện chặt chẽ theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH14 ngày 12/9/2018, bao gồm đánh giá hiện trạng, lấy ý kiến cử tri, trình Hội đồng nhân dân thông qua, xin ý kiến Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Không hề có chuyện “áp đặt một chiều” như các luận điệu xuyên tạc nêu ra.

2.4. Chính trị hóa vấn đề hành chính, bôi nhọ lãnh đạo, gieo rắc sự nghi kỵ về động cơ cải cách hành chính

Một số clip, bài viết cố tình gán ghép động cơ đằng sau chủ trương sáp nhập là nhằm “tập trung quyền lực”, “thanh trừng phe cánh”[xvi], “hợp thức hóa sai phạm”, hay thậm chí “che giấu tiêu cực cán bộ”.  Đây là chiêu trò chính trị hóa vấn đề kỹ thuật, hành chính nhằm gây chia rẽ nội bộ, phá hoại uy tín cán bộ và thể chế; đồng thời phá hoại quá trình đổi mới bộ máy Nhà nước theo định hướng của Đảng[xvii]. Chủ trương sáp nhập không phải để tập trung quyền lực, mà nhằm loại bỏ những tầng nấc trung gian không cần thiết, hướng đến một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, với người dân là trung tâm.

Cũng có luận điệu cho rằng sáp nhập để “xóa dấu vết sai phạm” là hoàn toàn phi lý, bởi pháp luật quy định rất rõ về cá thể hóa trách nhiệm và không có chuyện hợp thức hóa sai phạm thông qua thay đổi địa giới hành chính.

2.5. Nguỵ trang dưới vỏ bọc “phản biện học thuật”, “nghiên cứu độc lập” để lồng ghép nội dung xuyên tạc

Các đối tượng lập ra các trang mạng, kênh YouTube, blog với tên gọi “trung tâm nghiên cứu”, “viện độc lập”, “chuyên gia phân tích chính sách”… để trình bày các nội dung dưới hình thức học thuật, nhưng thực chất là cắt ghép thông tin, bóp méo mục tiêu của cải cách, xuyên tạc mục tiêu, thổi phồng hệ quả tiêu cực để gây hoài nghi về hiệu quả cải cách; kích thích tâm lý chống đối trong xã hội[xviii]; kích động hành vi “bất tuân dân sự”, vốn là biểu hiện nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy số trong kỷ nguyên truyền thông xã hội hiện nay[xix]. Hình thức này dễ tạo ấn tượng khách quan, khoa học, đánh lừa người đọc, nhất là giới trẻ và người chưa có thông tin chính thống.   

3. Phản bác luận điệu xuyên tạc, kiến tạo niềm tin

3.1. Khẳng định lại mục tiêu nhân văn và phù hợp với thực tiễn

Việc sáp nhập đơn vị hành chính không phải là “xóa bỏ”, mà là quá trình tái cấu trúc hệ thống hành chính một cách khoa học và hợp lý, phù hợp với biến động dân số, yêu cầu phát triển bền vững và mục tiêu hiện đại hóa quản trị Nhà nước. Mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách… Các yếu tố như lấy ý kiến nhân dân, quy định về tên gọi, địa giới hành chính, và bảo tồn di tích, danh xưng lịch sử luôn được lồng ghép trong từng bước triển khai[xx].

3.2. Cần tiếng nói của chuyên gia, nhà khoa học và người trong cuộc

Trong bối cảnh mạng xã hội có xu hướng dẫn dắt cảm xúc đám đông, tiếng nói kịp thời của các nhà khoa học, chuyên gia chính sách và cán bộ trực tiếp thực thi là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, những người dân đã trải nghiệm thực tế sáp nhập có thể chia sẻ góc nhìn chân thực, giúp cân bằng cảm xúc, dẫn dắt nhận thức từ cảm tính sang lý trí. Các diễn đàn khoa học, chuyên mục truyền hình, hội thảo báo chí nên phát huy vai trò trung gian chuyển tải tiếng nói từ thực tiễn tới công chúng[xxi].

3.3. Truyền thông hai chiều, từ đối thoại đến đồng thuận

Phản bác các luận điệu sai trái không chỉ dừng lại ở việc “đính chính” hay “cảnh báo”, mà cần xây dựng một hệ sinh thái truyền thông hai chiều, trong đó ý kiến người dân được lắng nghe, giải đáp công khai và kịp thời. Đồng thời, truyền thông chính thống đóng vai trò định hướng dư luận bằng phương pháp thuyết phục, mềm mại, sử dụng ngôn ngữ gần gũi và cập nhật.

Các nền tảng số như Fanpage UBND cấp tỉnh, Zalo chính quyền điện tử, kênh YouTube địa phương cần được vận hành linh hoạt, tăng cường tương tác và phản hồi trực tiếp các vấn đề nóng. Ngoài ra, cần kết nối báo chí chính thống, đội ngũ nhà báo trẻ, chuyên gia truyền thông số để mở rộng ảnh hưởng và chủ động chiếm lĩnh không gian mạng[xxii].

3.4. Chủ động cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng dữ liệu mở

Một trong những nguyên nhân khiến thông tin sai lệch lan truyền nhanh là do thiếu dữ liệu chính thống, tính kịp thời. Do đó, các cơ quan quản lý cần chủ động công bố các chỉ số định lượng liên quan đến hiệu quả sáp nhập, như: mức tiết kiệm ngân sách, giảm đầu mối tổ chức, nâng cao hiệu quả dịch vụ công, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân... Việc công khai, cập nhật thường xuyên các dữ liệu này trên cổng thông tin điện tử, báo chí, mạng xã hội chính là “lá chắn thông tin” hữu hiệu, giúp người dân nhận diện và phản bác các suy diễn phiến diện, cảm tính[xxiii].

4. Gợi mở giải pháp truyền thông trong giai đoạn mới

4.1. Tích hợp nội dung cải cách hành chính vào các chiến dịch truyền thông số quốc gia

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cần được truyền thông như một phần trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, gắn với chương trình chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số[xxiv]. Cách tiếp cận này giúp người dân hình dung rõ nét hơn về bức tranh tổng thể, tránh bị chi phối bởi cảm xúc cục bộ địa phương.

Cần đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thông phản ánh tính hiệu quả của công cuộc CCHC, bảo đảm giá trị lý luận, nhân văn và nghệ thuật, đồng thời ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) nhằm nâng cao hiệu quả lan tỏa[xxv].

Song song đó, cần tạo lập các kênh lan tỏa giá trị tư tưởng trên các nền tảng số như TikTok, YouTube, Facebook... với nội dung hấp dẫn, phù hợp tâm lý giới trẻ; thúc đẩy hình thức truyền thông đối thoại, podcast, video ngắn… để đưa tư tưởng của Đảng đến gần hơn với quần chúng.

Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng hệ sinh thái truyền thông đa ngôn ngữ phục vụ đối ngoại tư tưởng. Ví dụ, sản xuất phim tài liệu theo phong cách Netflix, xây dựng kênh TikTok giới thiệu văn hóa – chính trị Việt Nam bằng tiếng Anh, tổ chức các chiến dịch truyền thông quốc tế như “Việt Nam qua lăng kính Chủ nghĩa xã hội nhân văn” với sự tham gia của bạn bè quốc tế[xxvi].

4.2. Kết nối và phát huy vai trò của lực lượng báo chí chính thống

Báo chí cách mạng cần chủ động xây dựng các tuyến bài điều tra, phóng sự chuyên sâu phản ánh hiệu quả thực tế của việc sáp nhập đơn vị hành chính ở các địa phương; kết hợp với các bài phân tích chính sách từ góc nhìn chuyên gia để tạo sức thuyết phục. Đặc biệt, cần mở rộng “vùng phủ sóng” thông tin tích cực trên mạng xã hội, định hướng dư luận, lan tỏa thông điệp chính sách đến nhóm độc giả trẻ vốn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số và có xu hướng chủ động tiếp nhận thông tin số.

4.3. Tăng cường hợp tác giữa chính quyền và các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới

Các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok cần được yêu cầu gỡ bỏ hoặc gắn cảnh báo đối với các nội dung sai lệch, xuyên tạc[xxvii]. Đồng thời, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm, công cụ giám sát tin giả, và cơ chế xử lý vi phạm trên không gian mạng.

4.4. Nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ cấp cơ sở

Không phải ai cũng có kỹ năng truyền thông và đối thoại trên mạng. Vì vậy, việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ xã, phường - những người gần dân nhất - về truyền thông mạng xã hội, xử lý tin giả, và xây dựng thông điệp có tính thuyết phục là rất cấp thiết. Đây chính là “hàng rào đầu tiên” trong phản bác thông tin sai lệch tại địa phương.

4.5. Siết chặt kiểm soát, xử lý kịp thời các tài khoản tung tin giả

Cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các nền tảng số để kịp thời giám sát, cảnh báo, chặn lọc hoặc xử lý các tài khoản cố tình phát tán tin giả, thông tin xấu độc. Cạnh đó, cần thực thi hiệu quả Luật An ninh mạng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm[xxviii]. Thời gian qua, chủ tài khoản mạng xã hội tại nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh Nghệ An[xxix], Lạng Sơn[xxx] tung tin thất thiệt về sáp nhập tỉnh, đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Việc xử phạt kịp thời đảm bảo răn đe, giáo dục người vi phạm, củng cố lòng tin và phòng ngừa vi phạm.

4.6. Thực hiện truyền thông “đồng hành” thay vì “đối đầu”

Việc người dân có tâm lý băn khoăn, lo ngại trước những thay đổi lớn là điều dễ hiểu. Truyền thông không nên tiếp cận theo hướng phản bác gay gắt, mà cần đóng vai trò giải thích – đồng hành – đối thoại, để tạo dựng sự thấu hiểu, đồng thuận thay vì đối đầu. Chính sự chân thành, thân thiện trong thông điệp sẽ giúp khơi dậy niềm tin vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Tóm lại, chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã hiện nay là xu thế khách quan, phù hợp với yêu cầu quản trị hiện đại. Chủ trương này cũng là chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân... Trước các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng, cần phản bác kịp thời, khoa học và hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, lắng nghe ý kiến người dân, bảo đảm dân chủ và đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai chủ trương sáp nhập, nền tảng cho mọi cải cách thành công.

 

Thạc sĩ HUỲNH VĂN ÚT (TAND tỉnh Cà Mau)

[i] Hồ Chí Minh, Sửa đổi lề lối làm việc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1947.

[ii] Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

[iii] Bộ Chính trị (2023), Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023–2030.

[iv] Bộ Nội vụ (2023), Báo cáo tổng kết công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019–2023.

[v] Bộ Nội vụ. (2023). Sắp xếp đơn vị hành chính: Hiệu quả rõ nét, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách. Báo điện tử Chính phủ.

[vi] Ban Chỉ đạo CCHC Trung ương (2023), Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân tại các đơn vị hành chính sau sáp nhập.

[vii] Nghị quyết số 74-NQ/TW ngày 07/4/2025 của Chính Phủ về ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền 02 cấp.

[viii] https://plo.vn/da-xac-dinh-duoc-so-luong-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-sau-sap-nhap-post839242.html

[ix] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2025), Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/04/2025 về việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã.

[x] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tap-trung-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-to-chuc-lai-cap-xa-119250318153756609.htm?utm_source=chatgpt.com

[xi] Báo Nhân Dân, 13/4/2025.

[xii] Ban Tuyên giáo Trung ương, Thông tin chuyên đề về phòng chống xuyên tạc CCHC, 2024.

[xiii] UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo kết quả triển khai chính quyền số và đô thị thông minh, 2023.

[xiv] UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo kết quả triển khai chính quyền số và đô thị thông minh, 2023.

[xv]https://phapluatphattrien.vn/them-3-truong-hop-bi-xu-phat-vi-dang-tin-sai-su-that-d3839.html

[xvi] https://congan.daklak.gov.vn/-/phan-bac-luan-ieu-xuyen-tac-cuoc-cach-mang-cai-cach-sap-xep-tinh-gon-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri

[xvii] Nguyễn Trọng Phúc (2023), “Đấu tranh chống thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ trong CCHC”, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 10.

[xviii] Ban Tuyên giáo Trung ương (2023), Tài liệu bồi dưỡng nhận thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tr. 56–60; Xem thêm: Bộ Công an, Báo cáo về hoạt động phát tán thông tin giả trên mạng xã hội (2022).

[xix] Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu bồi dưỡng nhận thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (2023), tr. 62–66; Nguyễn Trọng Phúc (2023), “Chủ nghĩa dân túy và vấn đề bảo vệ hệ giá trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 9.

[xx] Bộ Nội vụ (2023), Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW và Kế hoạch 32-KH/TW về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tr. 12–15.

[xxi] Ban Tuyên giáo Trung ương (2022), Hướng dẫn công tác tuyên truyền về sáp nhập đơn vị hành chính và đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, tr. 8–9.

[xxii] Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Đề án nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách trên môi trường số đến năm 2025, Phụ lục III – các mô hình vận hành chính quyền số tại địa phương.

[xxiii] Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (2023), Khuyến nghị chính sách về tăng cường dữ liệu mở và minh bạch ngân sách trong CCHC, tr. 21–24.

[xxiv] Thủ tướng Chính phủ (2023), Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về tăng cường công tác truyền thông chính sách.

[xxv] Bộ Thông tin và Truyền thông (2024), Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024.

[xxvi] Bộ Thông tin và Truyền thông (2024), Quyết định số 1588/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[xxvii] Bộ Thông tin và Truyền thông (2024), Báo cáo số 64/BC-BTTTT về tình hình xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội xuyên biên giới.

[xxviii] Quốc hội (2018), Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14; Chính phủ (2020), Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và an toàn thông tin mạng.

[xxix] https://congan.nghean.gov.vn/tin-tuc-su-kien/an-ninh-trat-tu/202503/xu-phat-truong-hop-dang-tin-sai-su-that-ve-sap-nhap-tinh-thanh-1036927/; https://baonghean.vn/cong-an-nghe-an-xu-phat-02-truong-hop-dang-tai-tin-gia-tin-sai-su-that-10293936.html

[xxx] https://tuoitre.vn/binh-luan-sai-su-that-thong-tin-sap-nhap-tinh-thanh-nguoi-dan-ong-bi-phat-7-5-trieu-dong-20250318201037526.htm

Ảnh minh họa - nguồn Internet.