Phan Mạnh H phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản
Sau khi nghiên cứu bài “Phan Mạnh H có phạm tội hay không?” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường, đăng ngày 18/5 tôi cho rằng H phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Dựa vào tình huống, hành vi của T là trèo qua hàng rào, cạy cửa, đột nhập vào nhà, mở tủ lấy tài sản của anh B đã đủ cơ sở cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS.
Việc Phan Mạnh H thấy T làm rơi tiền nên đã có hành vi: Nhanh chóng nhặt, cất giấu trong người và bỏ chạy có đủ cơ sở cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Điều 176 BLHS quy định về tội Chiếm giữ trái phép tài sản như sau: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Điều luật đã quy định 02 dạng hành vi khách quan của tội phạm này đó là:
-Hành vi không trả lại tài sản được giao nhầm cho chủ tài sản mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt tài sản đó.
-Hành vi không nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mình tìm được, bắt được… mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt tài sản đó.
Theo đó, đối tượng tác động của tội phạm là tài sản đã thoát ly khỏi sự chiếm hữu của chủ tài sản vì những lý do khách quan như tài sản bị giao nhầm, bị bỏ quên, bị đánh rơi. Người phạm tội ở tội chiếm giữ trái phép tài sản có được tài sản là do ngẫu nhiên.
Sự ngẫu nhiên này thể hiện ở việc: Người phạm tội được giao nhầm (như bị chuyển khoản nhầm, giao hàng nhầm địa chỉ…) mà việc giao hàng nhầm này không hề có lỗi của người phạm tội. Sự ngẫu nhiên còn thể hiện ở việc người phạm tội đã tìm được, bắt được tài sản bị thất lạc hoặc chưa có người quản lý. Khi có tài sản một các ngẫu nhiên như vậy, người phạm tội có hành vi chiếm giữ trái phép tức là không trả lại cho chủ sở hữu hoặc giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm.
Xét trong tình huống, khi nhìn thấy T đánh rơi cọc tiền trị giá 50 triệu đồng, H đã có hành vi không nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mình bắt được. H ngẫu nhiên nhặt được tài sản là cọc tiền có giá trị 50 triệu đồng và tiếp tục chiếm hữu tài sản đó bằng cách nhặt lên, giấu trong người và bỏ trốn. Hành vi đó của H là dấu hiệu hành vi khách quan của tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Lỗi của H là cố ý trực tiếp, H biết tài sản nhặt được không phải của mình và biết mình có nghĩa vụ giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm nhưng không giao nộp tài sản đó vì muốn biến tài sản đó thành của mình.
Ngoài ra, về mặt chủ quan, H có thái độ rất dứt khoát không chịu giao nộp lại tài sản đã nhặt được thông qua hành vi nhanh chóng nhặt tài sản, giấu vào người và bỏ trốn.
Phan Mạnh H có đủ cấu thành của tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Thứ hai, H không phạm tội Trộm cắp tài sản vì mặc dù hành vi H là lén lút nhưng tài sản là đối tượng của tội trộm cắp là tài sản đang có người quản lý. Tuy nhiên, tài sản trong tình huống đã thoát ly ra khỏi sự quản lý của anh Hồ Văn B và rơi ra nên tài sản là cọc tiền trị giá 50 triệu đồng này là tài sản đang không có người quản lý nên không có cơ sở khẳng định H phạm tội trộm cắp tài sản được.
Thứ ba, việc cho rằng H không phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản với lý do: Hành vi phạm tội của tội Chiếm giữ trái phép tài sản là người phạm tội khi bị giao nhầm hoặc tìm được, bắt được tài sản, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, nhưng người phạm tội cố tình không trả. Phan Mạnh H chưa được chủ sở hữu, cơ quan có trách nhiệm yêu cầu trả lại tài sản thì đã bị bắt giữ nên không phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản là không có cơ sở bởi: Căn cứ vào tình huống, chủ sở hữu yêu cầu được nhận lại tài sản được thể hiện ở việc đuổi theo bắt trộm. Khi mọi người truy đuổi theo anh H và T để lấy lại tài sản đã thể hiện rõ ràng việc chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản của mình, nhưng H vẫn cố ý cầm tài sản chạy trốn (tuy nhiên vẫn bị bắt lại).
Như vậy, khẳng định H phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản là có cơ sở.
Việc quy định cố tình không trả lại tài sản sau khi chủ sở hữu yêu cầu được nhận lại tài sản theo quy định của pháp luật là yếu tố quyết định tội phạm này. Tuy nhiên, yếu tố này lại chưa được hướng dẫn cụ thể, khiến cho việc định tội còn khó khăn. Việc yêu cầu được nhận lại tài sản có nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể về yếu tố này.
Tác giả Hồng Ngát (Tòa án quân sự Quân khu 3), Nguyễn Phi Hùng (Tòa án Quân sự Quân khu 4), Lê Đức Anh (Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 Quân Khu 4) cũng đồng quan điểm cho rằng H phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy nhiên, tác giả Lê Đức Anh lưu ý: Nếu, quá trình điều tra Cơ quan điều tra chứng minh được H không biết được số tiền 50.000.000 đồng nói trên do phạm tội mà có, cũng như việc dấu tiền vào trong người và bỏ chạy của H là ý thức chủ quan nhất thời tại thời điểm đó. H không có ý định chiếm đoạt số tiền nói trên thì hành vi của Phạm Mạnh H không cấu thành tội “chiếm giữ trái phép tài sản”.
Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước, Quảng Nam xét xử vụ án Trộm cắp tài sản - Ảnh: TATP
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận