Phan Tấn V, Đặng Quốc T phạm tội giết người do lỗi cố ý gián tiếp
Sau khi nghiên cứu bài viết “Phan Tấn V, Đặng Quốc T phạm tội gì?” của tác giả Lê Đình Nghĩa và các ý kiến trao đổi, tôi đồng ý với quan điểm xác định hành vi của Phan Tấn V và Đặng Quốc T phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.
Để làm rõ vấn đề này, trước hết chúng ta cần phân biệt giữa lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin, cụ thể như sau:
Khoản 2 Điều 10 BLHS quy định: Một người được coi là có lỗi cố ý gián tiếp khi người đó “nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
Khoản 1 Điều 11 BLHS quy định: Một người được coi là có lỗi vô ý vì quá tự tin khi người đó “tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”.
Như vậy, lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin có những điểm khác nhau sau đây:
- Về lý trí:
+ Đối với lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện có thể xảy ra một cách thực tế, cụ thể và có cơ sở vững chắc.
+ Đối với lỗi vô ý vì quá tự tin: Người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện có thể xảy ra một cách chung chung, trừu tượng và chưa có cơ sở cụ thể.
- Về ý chí:
+ Đối với lỗi cố ý gián tiếp: Vì người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện có thể xảy ra một cách thực tế, cụ thể và có cơ sở vững chắc nên họ tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
+ Đối với vô ý vì quá tự tin: Vì người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện có thể xảy ra một cách chung chung, trừu tượng và chưa có cơ sở cụ thể nên họ tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc nếu xảy ra thì cũng có thể ngăn ngừa được.
Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy: Phan Tấn V điều khiển xe máy chở theo sau là Đặng Quốc T lưu thông trên đường đã bỏ điếu thuốc còn đang hút dở vào phần khoảng trống giữa lưng quần và mông của chị C (cũng đang điều khiển xe lưu thông trên đường cùng chiều với V và T và có tốc độ khoảng 60km/h) khiến chị C hốt hoảng buông tay lái làm xe ngã dẫn đến chị C tử vong.
Khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường và gặp những tình huống bất ngờ ngoài dự liệu trước của bản thân thì ai cũng gặp khó khăn trong việc xử lý (bị giật mình, hốt hoảng), nhất là khi đang di chuyển với tốc độ cao. Đây là vấn đề mà hầu hết mọi người đều phải nhận thức được và bản thân V và T cũng như vậy vì là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Như vậy, V và T nhận thức rõ việc mình bỏ điếu thuốc còn đang hút dở vào phần khoảng trống giữa lưng quần và mông của chị C khi chị C đang điều khiển xe với tốc độ tương đối nhanh (khoảng 60km/h) sẽ làm cho chị C bị bất ngờ dẫn đến giật mình, hốt hoảng và có thể bị té ngã bất cứ lúc nào vì tình huống này nằm ngoài dự liệu trước của chị C. Đồng thời, khi bị té ngã ở tốc độ tương đối nhanh như vậy thì chị C hoàn toàn có thể bị thương nặng, thậm chí là tử vong.
Đây là hậu quả mà V và T buộc phải thấy trước một cách thực tế, cụ thể và có cơ sở vững chắc. Tuy đã thấy trước hậu quả chị C tử vong có thể xảy ra một cách thực tế, cụ thể nhưng V và T vẫn thực hiện hành vi bỏ điếu thuốc còn đang hút dở vào phần khoảng trống giữa lưng quần và mông của chị C để xem thử phản ứng của chị C như thế nào dẫn đến chị C bị té ngã và tử vong. Vì vậy, V và T tuy không có ý thức tước đoạt tính mạng của chị C nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả chị C chết xảy ra và thực tế hậu quả chị C chết đã xảy ra, tức có lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả chị C chết nên phải phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.
Đối với các quan điểm khác được nêu trong tình huống:
- Đối với quan điểm cho rằng V và T không phạm tội: Rõ ràng đây là quan điểm không chính xác vì với phân tích ở trên, hành vi của V và T phải phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.
- Đối với quan điểm cho rằng V và T phạm vào tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 BLHS:
Gây rối trật tự công cộng là hành vi của người gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Chúng ta thấy hành vi bỏ điếu thuốc còn đang hút dở vào phần khoảng trống giữa lưng và mông của chị C khi chị C đang điều khiển xe lưu thông trên đường của V và T là hành vi gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, hành vi này của V và T đã gây ra hậu quả làm cho chị C tử vong nên cũng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, hành vi của V và T có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 BLHS. Như vậy, căn cứ vào những phân tích nêu trên, nhận thấy: V và T chỉ thực hiện một hành vi là hành vi bỏ điếu thuốc còn đang hút dở vào phần khoảng trống giữa lưng và mông của chị C khi chị C đang điều khiển xe lưu thông trên đường và hành vi này cùng với hậu quả mà nó gây ra (chị C chết) vừa thỏa mãn hành vi khách quan và hậu quả của tội Giết người, vừa thỏa mãn hành vi khách quan và hậu quả của tội Gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, tội Giết người có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn nên đã loại trừ, thu hút cũng như triệt tiêu được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội Gây rối trật tự công cộng. Chính vì vậy, V và T chỉ phạm vào một tội là tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn tại Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC khi xác định: “Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn”. Rõ ràng trong tình huống này, V và T chỉ thực hiện 01 hành vi và hành vi này vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội Giết người, vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội Gây rối trật tự công cộng nên V và T phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn là tội Giết người. Do đó, quan điểm cho rằng V và T phạm vào tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 BLHS là không chính xác.
- Đối với quan điểm cho rằng V và T phạm vào tội Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 BLHS:
Vô ý làm chết người là hành vi của người vô ý làm chết người do vi phạm những quy tắc chung về bảo đảm an toàn tính mạng của con người. Đây có thể là những quy tắc đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc là những quy tắc đã được thừa nhận chung trong cộng đồng xã hội. Trong tội phạm này, người phạm tội có lỗi vô ý đối hậu quả chết người.
Căn cứ vào phân tích nêu trên, chúng ta thấy V và T có lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả chị C chết nên hành vi của V và T không thể phạm vào tội Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 BLHS. Tôi nhận thấy tác giả đã có sự nhầm lẫn giữa lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin nên mới xác định V và T phạm vào tội Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 BLHS. Rõ ràng, tác giả đã phân tích rằng V và T đã thấy trước hậu quả chị C chết có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra, tức có lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả chị C chết nhưng lại kết luận V và T phạm vào tội Vô ý làm chết người. Đây là điều bất hợp lý và trái với quy định của pháp luật cũng như lý luận Khoa học Luật hình sự về việc xác định lỗi và định tội danh theo lỗi. Do đó, quan điểm cho rằng V và T phạm vào tội Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 BLHS là không chính xác.
Tôi cũng nhận thấy, nếu cho rằng V và T có lỗi vô ý đối với hậu quả chị C chết thì cũng không thể kết luận V và T phạm vào tội Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 BLHS. Chúng ta thấy, V và T thực hiện hành vi bỏ điếu thuốc còn đang hút dở vào phần khoảng trống giữa lưng và mông của chị C khi cả V, T và chị C cùng đang điều khiển xe lưu thông trên đường, tức đang tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chị C chết. Hành vi của V và T là hành vi gây mất trật tự, an toàn giao thông và vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ gây nguy hiểm cho người được quy định tại khoản 23 Điều 8, điểm 3 khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và chính hành vi này đã làm cho chị C tử vong nên V và T phải phạm vào tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS.
Về mặt khoa học, hành vi của V và T vừa thỏa mãn tội Vô ý làm chết người, vừa thỏa mãn tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Có thể thấy cấu thành tội phạm của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đã bao hàm cả cấu thành tội phạm của tội Vô ý làm chết người và cũng đã cụ thể hóa việc vi phạm những quy tắc chung trong tội Vô ý làm chết người ở lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ nên tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là cấu thành tội phạm riêng, còn tội Vô ý làm chết người là cấu thành tội phạm chung. Vì nếu hành vi phạm tội vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm chung, vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm riêng thì việc định tội danh sẽ căn cứ vào cấu thành tội phạm riêng nên V và T phải phạm vào tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS.
Tóm lại, hành vi của V và T phải phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS. Có thể thấy việc xác định chính xác lỗi của người phạm tội có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong những cơ sở mang tính chất quyết định đối với việc định tội danh. Vì vậy, cần phải nắm vững các quy định của pháp luật và lý luận Khoa học Luật Hình sự về lỗi và định tội danh theo lỗi để từ đó vận dụng có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai cũng như không để bỏ sót, bỏ lọt tội phạm, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.
Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm vụ án "Giết người và cướp tài sản" - Ảnh: Tuấn Long/ VOV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận