Phát huy vai trò của hệ thống Tòa án trong phòng chống xâm hại trẻ em ở nước ta hiện nay
Ngăn ngừa, trừng trị các hành vi xâm hại trẻ em, xâm hại về quyền bất khả xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và sự phát triển bình thường của trẻ, là trách nhiệm, chức năng của nhiều cơ quan, tổ chức, nhưng trong đó Tòa án là thiết chế có vai trò đặc biệt quan trọng.
1.Tình hình trẻ em bị xâm hại ở nước ta trong thời gian từ 01/01/2015 đến 30/6/2019
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), trong thời gian từ 01/01/2015 đến 30/6/2019, các Tòa án đã thụ lý 7.078 vụ với 7.913 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em, đã đưa ra xét xử 6.585 vụ với 7.339 bị cáo. Trong tổng số các vụ án đã đưa ra xét xử, số trẻ em là nạn nhân bị các tội phạm này xâm hại là 7.654 em; trong đó có 7.121 em nữ, 533 em nam. Trong số trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại, phần lớn là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục (6.429 em, chiếm 84% tổng số trẻ bị xâm hại); bị bạo lực là 727 em (chiếm 9,5% tổng số trẻ bị xâm hại); bị mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt là 264 em (chiếm 3,4% tổng số trẻ bị xâm hại), còn lại là các hình thức gây tổn hại khác (như bóc lột; bắt cóc; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn và các hành vi xâm hại khác…). Độ tuổi của trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm hại: 4.890 em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (chiếm 63,9%); 2.043 em dưới 13 tuổi (chiếm 26,7%), 721 em từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (chiếm 9,4%).
Trong tổng số 7.339 bị cáo phạm tội xâm hại trẻ em đã đưa ra xét xử: 432 bị cáo là người ruột thịt, người thân thích khác với nạn nhân (chiếm 5,9%); 37 bị cáo là giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục (chiếm 0,5%); 776 bị cáo là người có trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh, người quen của trẻ em (chiếm 10,6%); 20 bị cáo là người nước ngoài (chiếm 0,3%); còn lại chủ yếu là các đối tượng khác (82,7%). Trong tổng số các tội phạm xâm hại trẻ em đã bị đưa ra xét xử: Chiếm phần lớn là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em: 5.851 vụ với 6.165 bị cáo đã đưa ra xét xử sơ thẩm (89% số vụ và 84% số bị cáo). Trong đó: chiếm tới 46% là hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; 29,2% hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 13,1% hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; 0,7% hành vi cưỡng dâm người dưới 16 tuổi. Hành vi bạo lực trẻ em: có 514 vụ/769 bị cáo đã đưa ra xét xử sơ thẩm (8,7% số vụ và 11,5% số bị cáo); mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em: có 180 vụ/350 bị cáo đã đưa ra xét xử sơ thẩm (2,7% số vụ và 4,8% số bị cáo); còn lại là các hành vi xâm hại khác.
Bị cáo lợi dụng việc người bị hại là trẻ em còn nhỏ tuổi, nhận thức có phần còn hạn chế và không có khả năng tự vệ để thực hiện hành vi phạm tội. Nhiều vụ án, bị cáo đã lợi dụng sự tin tưởng của bị hại, gia đình bị hại để lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc bị hại. Sử dụng các thủ đoạn như dùng vật chất, tiền bạc để dụ dỗ hoặc sử dụng hung khí để đe dọa bị hại nhằm thực hiện hành vi và che giấu hành vi phạm tội. Thông qua internet, mạng xã hội để làm quen, dụ dỗ rồi có quan hệ tình cảm và có quan hệ tình dục hoặc hành vi khác mà Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định là tội phạm xâm hại trẻ em. Trong một số vụ án, người thực hiện hành vi xâm hại là người thân thích hoặc là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục người bị hại. Bị cáo lợi dụng việc bị hại là người có nhược điểm về thể chất (câm, điếc…) hoàn toàn không có khả năng tự vệ; trẻ em đang trong tình trạng không có người trông giữ, giám sát để thực hiện hành vi xâm hại. Tội phạm xâm hại trẻ em hiện nay xảy ra ở khắp các tỉnh thành, vùng miền; trong 6.585 vụ án đã đưa ra xét xử có 3.509 vụ xảy ra tại địa bàn nông thôn (chiếm 53,3%); 1.051 vụ án xảy ra tại các thành phố (chiếm 16%); 867 vụ xảy ra tại miền núi (chiếm 13,2%); còn lại các vụ xảy ra tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo và địa bàn khác (chiếm 17,5%).
Các hành vi xâm hại trẻ em trước hết xâm hại về quyền bất khả xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và sự phát triển bình thường của trẻ – đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ, chăm sóc. Hậu quả gây ra đối với trẻ em thường rất nghiêm trọng, không những ảnh hưởng đến sức khỏe (tổn thương cơ thể, có thai…) mà còn làm ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý trẻ em, ảnh hưởng đến việc học tập và sự phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần của trẻ em. Qua kết quả xét xử các vụ án xâm hại trẻ em tại các Tòa án: Số trẻ em tử vong do bị xâm hại: 100 em; số trẻ em bị thương tật do bị xâm hại: 199 em; số trẻ em bị rối loạn tâm thần do bị xâm hại: 51 em; số trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục: 251 em; số trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại: 84 em; số trẻ em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại: 6.969 em.
Một số tội phạm xâm hại trẻ em ngoài việc gây tổn hại về thể chất như thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; từ 61% trở lên; có trường hợp trẻ em bị hoảng loạn tinh thần, tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý như sợ hãi khi tiếp xúc với nam giới, xấu hổ, nên gia đình phải thay đổi chỗ ở, trường học để hạn chế tối đa tác động đến tâm lý của người bị hại. Hành vi của những kẻ xâm hại có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đứa trẻ, thậm chí làm các em bị rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi. Nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn hoặc bị các bệnh lây truyền về tình dục, rối loạn tình dục khi trưởng thành… Các tội phạm xâm hại trẻ em không những tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của bị hại mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến những giá trị đạo đức của xã hội được pháp luật bảo vệ; ví dụ như nhiều vụ án cha xâm hại con, thầy xâm hại học trò… Dư luận rất bức xúc đối với loại tội phạm này do trẻ em là đối tượng được xã hội đặc biệt quan tâm, chăm sóc và bảo vệ.
Qua công tác theo dõi tình hình xét xử các vụ án xâm hại trẻ em trong những năm gần đây cho thấy, số lượng các vụ án mà các TAND thụ lý để giải quyết đối với loại tội phạm này giảm dần theo từng năm về số vụ và số bị cáo (năm 2015: thụ lý 2.009 vụ với 2.264 bị cáo; năm 2016: thụ lý 1.730 vụ với 1.930 bị cáo; năm 2017: thụ lý 1.671 vụ với 1.815 bị cáo; năm 2018: thụ lý 1.515 vụ với 1.729 bị cáo; 6 tháng đầu năm 2019: thụ lý 818 vụ với 945 bị cáo). Trong loại tội phạm xâm hại trẻ em nói chung thì tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ rất lớn (89% số vụ và 84% số bị cáo). Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến nghiêm trọng và phức tạp, số liệu các hành vi xâm hại trẻ em bị đưa ra khởi tố, truy tố, xét xử như đã nêu trên chưa phản ánh hết mức độ thật sự của tình trạng xâm hại đối với trẻ em ở Việt Nam, rất nhiều nạn nhân vì các lý do khác nhau đã không tố cáo hoặc vụ việc chưa được các cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng hay công tác điều tra đối với nhiều trường hợp là rất khó khăn, không thể chứng minh được tội .
2.Kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của hệ thống Tòa án
Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên và triển khai thực hiện các quy định của BLHS 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, TANDTC đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục hoặc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, cụ thể như sau: Để triển khai thi hành các đạo luật mới được Quốc hội thông qua (như: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, BLHS 2015, BLTTHS 2015 và các đạo luật khác có liên quan), TANDTC đã ban hành: (1) Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 20/9/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; (2) Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên; (3) Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 quy định về phòng xử án, trong đó có quy định về mô hình phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên; (4) Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/01/2016 quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân, trong đó có quy định về việc tổ chức, thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên; (5) Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; (6) Kế hoạch số 109/KH-TANDTC ngày 09/9/2019 của TANDTC thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại TAND.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng xét xử cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và cán bộ Tòa án, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với liên ngành Trung ương thực hiện một số công việc như: (1) Xây dựng tài liệu tập huấn chuyên sâu BLHS (chi tiết từng điều luật) và đăng trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC để các Thẩm phán, cán bộ Tòa án nghiên cứu; (2) Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt các quy định mới của BLHS và BLTTHS; (3) Tổ chức các Hội nghị tập huấn trực tuyến kết hợp với trao đổi, giải đáp vướng mắc của các địa phương về việc thực hiện các đạo luật mới được Quốc hội thông qua; (4) Chỉ đạo Học viện Tòa án biên soạn, chỉnh lý lại hệ thống giáo trình theo BLHS mới; xây dựng các chuyên đề, bài giảng và tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em để nâng cao kiến thức, nhận thức và kỹ năng xét xử cho các Thẩm phán và cán bộ Tòa án; (5) Triển khai Đề án trang thiết bị cho phòng xử án, trong đó có phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên; (6) Nghiên cứu, xây dựng cuốn “Cẩm nang hướng dẫn kỹ năng giải quyết các vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng” để trang bị cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án.
Các văn bản quy phạm pháp luật trên được TANDTC chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền soạn thảo, góp ý kiến xây dựng, ban hành bảo đảm đúng tiến độ mà Quốc hội giao tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành BLHS năm 2015 và khoản 7 Điều 423 BLTTHS năm 2015; khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về việc thi hành BLTTHS năm 2015 kịp thời đáp ứng được yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian qua; hiệu quả, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành; bảo đảm chất lượng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH và phù hợp với các Điều ước quốc tế về phòng, chống xâm hại trẻ em mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3.Khó khăn trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của hệ thống Tòa án, nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, ngay sau khi BLHS 2015 và BLTTHS 2015 có hiệu lực pháp luật; để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm nói chung trong đó có tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, TANDTC đã tích cực, khẩn trương, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn giải quyết các loại tội phạm trong toàn hệ thống TAND. Theo đó, TANDTC đã có văn bản quán triệt Chánh án TAND và TAQS các cấp; thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC (Công văn số 68/TANDTC-PC ngày 08/4/2019, Kế hoạch số 109/KH-TANDTC ngày 09/9/2019) trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cần thực hiện nghiêm túc các quy định của BLHS, BLTTHS, Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành của TANDTC, liên ngành trung ương; xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các hình phạt và biện pháp tư pháp phải được áp dụng bảo đảm nghiêm khắc. Việc ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các tội phạm này. TANDTC đã nhận được những đánh giá, phản hồi tích cực trong hệ thống Tòa án, các cơ quan tố tụng, cơ quan, tổ chức khác và dư luận xã hội.
Khi chưa có Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, một số điều luật về các tội xâm hại tình dục trẻ em tại BLHS 2015 quy định về dấu hiệu của tội phạm còn chưa cụ thể, nên về quan điểm, đường lối xử lý thiếu thống nhất, tùy nghi do cách hiểu, cách tiếp cận những quy định này của Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án còn nhiều khác biệt; đến nay, Nghị quyết được ban hành đã tháo gỡ những khó khăn này.
Nguyên nhân của hạn chế trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Tòa án, đó là: Một số Tòa án, cơ quan, tổ chức hữu quan chưa thực sự quan tâm, phối hợp với TANDTC trong công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ, đặc biệt là công tác góp ý kiến đối với dự thảo các văn bản do TANDTC lấy ý kiến. Cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng một số trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản vẫn còn nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả công tác. Thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình triển khai thi hành BLHS và BLTTHS phát sinh nhiều khó khăn, tuy nhiên, việc ban hành Nghị quyết đòi hỏi phải có nhiều thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nên không thể ban hành gấp theo yêu cầu.
Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả, chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong phạm vi, thẩm quyền của mình, TANDTC đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục như:
-Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xét xử các vụ án xâm hại tình dục, nhằm tổng hợp những sai sót và vướng mắc mà các Tòa án thường gặp để kịp thời hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
-Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của BLHS về các tội xâm hại tình dục trẻ em để áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn hệ thống. TANDTC chỉ đạo Học viện Tòa án tập trung làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán; nâng cao kỹ năng hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục, nhất là đối với người dưới 18 tuổi cho các Thẩm phán khi xét xử, giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng nhằm đảm bảo tiến hành thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi, giữ bí mật cá nhân… trên nguyên tắc bảo vệ nạn nhân là người yếu thế[1].
-TANDTC chỉ đạo TAND các cấp tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của BLHS quy định về xâm hại tình dục trẻ em để giải quyết vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này[2]./.
TAND tỉnh Hòa Bình xét xử các đối tượng phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” xảy ra tại xã An Lạc (Lạc Thủy) tuyên phạt các bị cáo tổng mức án 52 năm tù. Ảnh: Hà Thu ( BHB)
[1] TANDTC (2019), Báo cáo số 54/BC-TANDTC ngày 20/9/2019 của TANDTC về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019).
[2] Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận