Quản lý bị án là người nước ngoài bị phạt tù cho hưởng án treo

Cải tạo không giam giữ làm một trong số các hình phạt chính nằm trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam, còn đối với án treo thì không phải là hình phạt chính, nhưng nó là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Quá trình xét xử đối với những người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam hiện còn một số băn khoăn, cần có hướng dẫn cụ thể để không gây khó khăn cho việc quản lý đối với các bị án được áp dụng 02 loại hình phạt này.

Án treo và cải tạo không giam giữ là một hệ thống chế tài đặc biệt nhằm thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam mà không phải nước nào cũng có. Điều 36 BLHS 2015 về cải tạo không giam giữ có qui định: 1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc đang có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội.. 2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc UBND cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó... và Điều 65 BLHS về Án treo qui định: 1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo qui định của Luật thi hành án hình sự. 2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó...

Như vậy, pháp luật hình sự đã qui định rất rõ các căn cứ để cho người phạm tội được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ như trên. Tuy nhiên quá trình xét xử đối với những người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam hiện còn một số băn khoăn cần có hướng dẫn cụ thể để không gây khó khăn cho việc quản lý đối với các bị án được áp dụng 02 loại hình phạt trên.

Xin nêu ví dụ cụ thể như sau: A là người nước Nhật, tạm trú có thời hạn và làm việc tại Việt Nam. Trong quá trình làm việc ở công ty liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài A phạm tội vi phạm qui định về tham gia giao thông đường bộ theo qui định tại khoản 1 Điều 260 BLHS 2015. Do A có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên Tòa án đã xử phạt A 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Tòa án giao A cho công ty liên doanh nơi A làm việc để giám sát, giáo dục đối với A trong quá trình chấp hành thời gian thử thách. A chấp hành án được 10 tháng thì A vi phạm kỷ luật bị công ty chấm dứt hợp đồng, đồng thời sa thải A. Sau khi A bị chấm dứt hợp đồng, do không xin được công việc phù hợp nên A xin về nước. Do A đang là người phải chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo nên theo qui định của pháp luật thì Cơ quan thi hành án hình sự nơi A làm việc, cư trú phải chuyển hồ sơ đến Cơ quan thi hành án hình sự nơi A cư trú, làm việc mới để tổ chức việc thi hành án (tức là chuyển đến nước Nhật theo con đường ủy thác tư pháp).

Tuy nhiên do nước Nhật nơi A cư trú không có hình phạt là án treo nên Cơ quan thi hành án hình sự không thể chuyển hồ sơ đến nước Nhật để tổ chức giám sát giáo dục đối với A trong thời gian thử thách của án treo trong khi đó Luật không cấm xuất cảnh đối với người nước ngoài đang chấp hành bản án hình sự mà Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 chỉ qui định công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu như đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự. Nếu cho A xuất cảnh về nước thì sẽ không giám sát, giáo dục được A vì nước Nhật không qui định án treo và như vậy ý nghĩa của án treo đối với A sẽ không phát huy được tác dụng…

Nếu không cho A xuất cảnh thì sẽ vi phạm quyền về nhân thân đối với A và nếu không cho A xuất cảnh thì Cơ quan thi hành án hình sự phải chuyển hồ sơ thi hành án đến nơi A tạm trú trên địa bàn Việt Nam để nơi này phân công người giám sát, giáo dục đối với A thậm chí còn phải bố trí công việc phù hợp cho A để A làm việc, sinh sống. Tuy nhiên ở đây A lại không có gia đình, bản thân A cũng không hiểu ngôn ngữ Việt Nam nên người được phân công giám sát yêu cầu A viết bản tự nhận xét cũng rất khó và người được phân công giám sát, giáo dục cũng sẽ rất khó tiếp xúc thường xuyên, để giám sát giáo dục đối với A vì không hiểu ngôn ngữ. Nếu thuê phiên dịch để thực hiện công tác giám sát, giáo dục thì lại không có kinh phí để phục vụ công tác này.

Do còn có một số vướng mắc như trên, để thống nhất áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Thiết nghĩ liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp tương tự như trên./.

 

 

TRẦN XUÂN HÙNG (Phó Viện trưởng VKSND huyện Đoan Hùng, Phú Thọ).