Quốc hội cấm người có nồng độ cồn tham gia giao thông
Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu
Ngày 27/6, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, đáng chú ý là khoản 2 Điều 9 của Luật, quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn
Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, về những quy định chung, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, các ĐBQH đã góp ý về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ sở dữ liệu về TTATGTĐB và các hành vi bị nghiêm cấm... Các nội dung góp ý đều được giải trình, tiếp thu trong dự thảo.
Về chính sách của Nhà nước về TTATGTĐB, UBTVQH đã chỉ đạo trao đổi với Chính phủ để thống nhất chỉnh sửa quy định này tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật
Luật quy định rõ các nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thôngđường bộ,tai nạn giao thông đường bộvà ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệmcủa cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật…
Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của luật gồm: Điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật; điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng. Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đua xe, tổ chức đua xe, xúi giục, giúp sức, cổ vũ đua xe trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục.
Đã xin ý kiến các đại biểu
Về quy định về cấm: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" (khoản 2 Điều 9), nhiều ý kiến nhất trí quy định này, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
UBTVQH cho rằng: Quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật GTĐB năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong dự thảo Luật này, nếu không tiếp tục quy định của khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm TTATGTĐB, các vụ tai nạn giao thông đường bộ, dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra như các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội;...
Tại kỳ họp thứ 6, đa số ĐBQH nhất trí với quy định này và một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất. Tại kỳ họp này, ngày 21/6/2024, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng Phiếu xin ý kiến, có 388 ĐBQH cho ý kiến, kết quả: Có 293 ĐBQH (chiếm 75,52% tổng số ĐBQH cho ý kiến và chiếm 60,16% tổng số ĐBQH) nhất trí với quy định này là cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Có 95 ĐBQH (chiếm 24,48% tổng số ĐBQH cho ý kiến và chiếm 19,51% tổng số ĐBQH) đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Có 8 ĐBQH có thêm ý kiến khác.
"Trên cơ sở ý kiến của đa số ĐBQH nhất trí quy định này, UBTVQH trân trọng đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" và thể hiện tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu.
Có ý kiến đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh. Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào khoản 5 Điều 87 giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.
Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh
Về bảo đảm TTATGT đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non (Điều 46), căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo Luật.
Đối với quy định đấu giá biển số xe (Điều 37), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung việc xác định biển số xe đưa ra đấu giá và chỉnh lý cụ thể tại khoản 1 Điều 37 dự thảo luật. Dự thảo luật đã có quy định biển số xe đấu giá không thành sẽ được đưa ra đấu giá lại tại Điều 38.
Về điểm giấy phép lái xe (Điều 58), có ý kiến cho rằng, trừ điểm giấy phép lái xe là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung. Khoản 3, một số ý kiến đề nghị giao Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ để phục hồi điểm trừ để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
UBTVQH thấy rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Về nội dung kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ tương tự nội dung sát hạch lý thuyết cấp giấy phép lái xe, nên tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa quy định kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định). Còn về thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ thì giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông là phù hợp, vì lực lượng này có trách nhiệm quản lý người sau khi được cấp giấy phép lái xe.
**
Luật được thông qua với 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,98% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật có 8 chương với 89 điều, quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông- Ảnh: Vũ Phượng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận