Quốc hội thảo luận việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Tán thành cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Thảo luận tại phiên toàn thể, các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là chủ trương đã được đề ra trong nhiều nghị quyết, văn bản của Trung ương, Bộ Chính trị; thể hiện một dấu mốc quan trọng cả về mặt lịch sử, thực tiễn, chính trị và pháp lý đối với tỉnh Thừa Thiên Huế và đối với cả nước,...
Tham gia góp ý, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, căn cứ vào quy định tại Điều 129, 130 của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết của Quốc hội, hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, liên quan tới tên gọi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ băn khoăn: “Dự thảo quy định tên thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế là đô thị loại 1. Tuy nhiên, nếu lấy tên là thành phố Huế trực thuộc Trung ương thì rất dễ bị nhầm lẫn là chỉ thành phố Huế hiện tại là thành phố trực thuộc Trung ương...”.
Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề xuất, để tránh nhầm lẫn về tên gọi thành phố Huế trực thuộc Trung ương với thành phố Huế hiện tại, cần nghiên cứu tên gọi là thành phố Thừa Thiên Huế, với tên gọi như vậy sẽ bao quát hết cả tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương: Tạo không gian, động lực phát triển mới
Tán thành với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên hiện trạng tỉnh Thừa Thiên Huế là một bước quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tỉnh trên cơ sở ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo không gian và động lực phát triển mới không chỉ đối với thành phố Huế mà còn cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Đồng thời, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Theo đại biểu, bên cạnh mặt tích cực đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần có giải pháp để giải quyết các tác động tiêu cực phát sinh khi chuyển thành đô thị trực thuộc trung ương.
Cụ thể là tâm tư, nguyện vọng của người dân bao đời gắn liền với gia đình, dòng tộc; khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính khi phải kê khai thay đổi địa chỉ, thay đổi giấy tờ cá nhân, đồng bộ dữ liệu cá nhân theo Đề án 06; chính quyền địa phương phải chuyển đổi từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị ít nhiều cũng khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, xáo trộn đến đời sống nhân dân.
“Để đô thị Huế đóng vai trò đô thị trung tâm kết nối vùng; có năng lực cạnh tranh và thương hiệu ở tầm khu vực, quốc tế thì cần kế thừa, phát huy những chủ trương, chính sách mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định, triển khai trước đây..”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị.
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Cần có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị
Cùng quan điểm đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông lưu ý, với định hướng này cũng đòi hỏi cần có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh.
Nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Cũng theo đại biểu tỉnh Đắk Nông, khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hoá nhanh chóng, gắn với việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiều công việc khác phải chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích không nhỏ đất nông – lâm nghiệp.
Vì vậy, đại biểu đề nghị quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan rất nhiều như nắng hạn, thâm nhập mặn .., hiện tượng này đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống.
Bên cạnh đó, cần quan tâm việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vì đây là những nhóm rừng rất đặc biệt nên cần chặt chẽ khi phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với loại đất này.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị, cần quan tâm tới vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. "Đất trồng lúa được hình thành trong hàng ngàn năm kiến tạo của địa lý, của tự nhiên. Việc lấy đất trồng lúa chuyển thành những đất khác nên cân nhắc, bởi vì liên quan đến an ninh lương thực cho cả trước mắt và trong tương lai...", đại biểu lý giải.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Nêu quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, Quốc hội quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có các tác động tích cực là chủ yếu và cơ bản.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những khó khăn, thách thức có thể phát sinh, đặt ra yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, địa phương cần có đánh giá đầy đủ toàn diện để có những giải pháp giải quyết hiệu quả.
Do đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung làm rõ trong Đề án về giải pháp, phương hướng, kế hoạch để giải quyết một số vấn đề khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu dẫn chứng, thành phố Huế trực thuộc Trung ương đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ.
Điều này đặt ra yêu cầu phải bảo đảm sớm thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh, đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược và chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch… đã được Đảng và Nhà nước ban hành trong thời gian qua.
Trong khi hiện nay ở Huế tiềm lực KH&CN còn hạn chế, hạ tầng KH&CN chưa đủ mạnh, chưa sẵn sàng để tiếp nhận và thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài; tính liên kết của các thiết chế KH&CN còn yếu và thiếu;...
Do vậy, đề nghị trong Đề án cần xác định rõ hơn các giải pháp, phương hướng, kế hoạch để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.
"Đề nghị làm rõ hơn những quan điểm, mục tiêu, các đột phá trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế phù hợp với bối cảnh chung của cả nước và thế giới; ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới...", đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nêu đề xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị trong Đề án xác định rõ hơn các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế và chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn lực của thành phố và của Trung ương cho đầu tư phát triển.
Trong đó, chú trọng có giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư;...
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên họp
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến ĐBQH đều tán thành chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và thống nhất thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Đề án nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua đáp ứng đầy đủ, tiêu chuẩn theo quy định.
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc kiện toàn tổ chức của chính quyền địa phương, quận khi thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm với tình cảm sâu sắc dành cho Huế.
Trong đó, nêu cụ thể đề xuất các nội dung kiến nghị trung ương và địa phương quan tâm tới sự phát triển của thành phố Huế trực thuộc Trung ương sau khi được thành lập.
Cụ thể: về vấn đề đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển các ngành lĩnh vực Huế có lợi thế' bảo đảm phát triển hài hòa phù hợp giữa bảo tồn và phát triển giá trị cố đô – di sản văn hóa với phát triển thành phố mới năng động; phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch với phát huy tiềm năng của địa phương,...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, các ý kiến cũng đề nghị cần rà soát, chú ý tới việc phát triển hạ tầng, vấn đề đất rừng, đất lúa,; vấn đề trùng tu, tôn tạo các di tích cố đô; sắp xếp bố trí lại dân cư, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp; nghiên cứu có cơ chế chính sách đặc thù của trung ương cho Huế phát triển.
Đồng thời đề nghị địa phương có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi giấy tờ, các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung trong điều khoản chuyển tiếp để địa phương linh hoạt trong triển khai thực hiện;...
Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kết luận số 972/KL-UBTVQH15 về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế trực thuộc trung ương giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, ngày 28/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình số 495/TTr-CP ngày 20/9/2024 của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế và kết luận như sau:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực, nỗ lực và quyết tâm trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và địa phương trong quá trình chuẩn bị Đề án và khẩn trương tổ chức thẩm tra Đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nội dung cơ bản của Đề án; tán thành sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với các lý do và cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế đã bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương với yếu tố đặc thù về bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tán thành việc thành lập Quận Phú Xuân, Thuận Hóa, thị xã Phong Điền
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về mặt nguyên tắc đối với các nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Cụ thể là: Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế hiện nay để thành lập quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa;
Thành lập thị xã Phong Điền và các phường, xã thuộc thị xã Phong Điền; sắp xếp các huyện Nam Đông, Phú Lộc và thành lập thị trấn trực thuộc.
Thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế trực thuộc trung ương và thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ở các đơn vị hành chính có liên quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Ngay sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đúng như phương án Chính phủ đã trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Huế trực thuộc trung ương mà không tổ chức họp để xem xét lại.
nguồn: chinhphu.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận