Giới và lồng ghép giới trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng
Ngày 05/11, tại Hội trường Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi tập huấn giới, lồng ghép giới cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng và cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Ban Tổ chức buổi tập huấn giới, lồng ghép giới cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng và cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam gồm bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Lương Ngọc Trâm, Tiến sỹ- Thẩm phán TANDTC- Tổ trưởng tổ tư vấn pháp luật và tâm lý của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển và các giảng viên đến từ Cơ quan phụ nữ liên hiệp quốc; Bộ Công an …
Tham dự lớp tập huấn có gần 100 đại biểu đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Bộ Công an, Bộ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện các sở, ngành trong hệ thống cơ quan tư pháp, Hội thẩm nhân dân, Hội liên hiệp PNVN tại một số tỉnh miền Bắc.
Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của tập huấn về giới, lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Quyền và trách nhiệm của Hội liên hiệp PNVN trong các hoạt động tố tụng là cách thức kết nối giữa Hội liên hiệp phụ nữ và cơ quan tiến hành tố tụng nhằm hạn chế tình trạng bạo hành, các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời những vi phạm, những bạo hành cần được xử lý đích đáng.
Qua những chuyên đề, bài giảng của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các chuyên gia đến từ các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Hòa bày tỏ mong đợi các cán bộ, lãnh đạo tham gia lớp tập huấn sẽ thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích từ các giảng viên giỏi kỹ năng, nhiều kinh nghiệm, để có thể áp dụng được tốt nhất vào công việc của mình cũng như giúp ích được phụ nữ và các em gái.
Hội nghị đã nghe bà Nguyễn thị Thúy, cán bộ Cơ quan phụ nữ liên hiệp quốc (UN Women) trình bày chuyên đề về khung pháp lý toàn cầu đối với phụ nữ và trẻ em gái, trong đó bà Thúy nhấn mạnh Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Tầm quan trọng của lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng và áp dụng pháp luật…
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển giới thiệu về mô hình ngôi nhà bình yên, là nơi hỗ trợ kịp thời, chuyên nghiệp và toàn diện cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới, phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, hỗ trợ hòa nhập an toàn góp phần thực hiện đồng bộ quy định của luật pháp, chính sách phòng và chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, luật trẻ em.
Ngôi nhà bình yên thật sự là nơi bình yên cho các nạn nhân bị bạo lực (trong ảnh có địa chỉ, số điện thoại hỗ trợ của ngôi nhà bình yên)
Trung tá Ngô Xuân Ý, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an trình bày chuyên đề thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em. Chuyên đề này khuyến khích sự trao đổi chủ động giữa học viên với giáo viên nhằm đạt được hiệu quả học tập cao nhất. Các đại biểu đã tham gia vào tình huống thực tế.
Các đại biểu đã tham gia vào tình huống thực tế
Tiến sỹ Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TANDTC, Tổ trưởng tổ tư vấn pháp luật và tâm lý của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Tiến sỹ Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TANDTC, Tổ trưởng tổ tư vấn pháp luật và tâm lý của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em và việc thực hiện vai trò của tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Bà Trâm nhấn mạnh, ở Việt Nam có 15 cơ quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Vấn đề bình đẳng giới đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 … các luật, bộ luật này đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền bình đẳng và chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giới, tuân thủ các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Chính sách hình sự trong BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 có những quy định rõ ràng hơn, chú trọng tính nhân đạo, chú trọng quy định về độ tuổi, giới tính, xử lý nghiêm khắc các hành vi bạo hành, xâm hại nhằm bảo vệ phụ nữ, bà mẹ và trẻ em.
Đồng thời, trong chuyên đề của mình, bà Trâm đã đưa ra 17 bài học thực tiễn có ý nghĩa trong đấu tranh, phòng ngừa các hành vi bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Các đại biểu khối Tòa án: TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tham dự buổi tập huấn
Bình đẳng giới là mục tiêu hướng tới trong xây dựng các quy định pháp luật cũng như trong thực tiễn áp dụng pháp luật, do đó lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng là một hoạt động bắt buộc cần được thực hiện nghiêm túc để nhằm phòng và chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cũng như các hành vi mua bán người, đảm bảo quyền và lợi ích, đảm bảo bình đẳng giới.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận