.jpg)
Quy định mới về biện pháp xử lý chuyển hướng theo Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024
Các hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự có sự quan tâm, cân nhắc khi quyết định áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên nhưng phần nào vẫn còn sự nghiêm khắc; cho nên quy định việc chuyển hướng xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là thật sự cần thiết trong thời gian tới.
1. Khái quát về biện pháp xử lý chuyển hướng
Thuật ngữ “xử lý chuyển hướng”, trước đây chưa được các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam nhắc đến và chưa được ghi nhận trong một văn bản pháp luật chính thống cụ thể. Mặc dù, thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đã và đang thực hiện một số biện pháp áp dụng đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội. Cụ thể, tại Điều 94 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về việc hòa giải tại cộng đồng áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng. Trong đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Qua đó, thì NCTN thực hiện xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại.
Hoặc tại Điều 95 của Bộ luật này cũng quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
Theo đó, người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;
b) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;
c) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;
d) Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Thêm vào đó, tại Điều 96 của Bộ luật này quy định: Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Như vậy, BLHS cũng đã có quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội bằng việc hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Tuy nhiên, quy định còn mang tính sơ khai, chưa thống nhất cụ thể trong việc xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội. Cho nên cần thiết phải có một cơ sở pháp lý vững chắc, quy định cụ thể, tạo tiền đề cho việc áp dụng rộng rãi, công khai, đúng quy định của pháp luật.
Luật Tư pháp người chưa thành niên (TPNCTN) năm 2024 ra đời đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời đại, xu hướng thế giới và tình hình ngày càng trẻ hóa của tội phạm ở nước ta hiện nay.
TPNCTN là các quy định về chính sách, biện pháp xử lý đối với NCTN; thủ tục thân thiện trong xử lý chuyển hướng, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa áp dụng đối với NCTN phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng khiển trách, xin lỗi bị hại, bồi thường thiệt hại, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản thúc tại gia đình, hạn chế khung giờ đi lại, cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội mới, cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội mới, tham gia chương trình học tập, dạy nghề, tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý, thực hiện công việc phục vụ cồng đồng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 36 của Luật TPNCTN năm 2024.
Thủ tục xử lý chuyển hướng là trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN là bị can, bị cáo theo quy định của Luật này.
2. Mục đích của biện pháp xử lý chuyển hướng
Việc xử lý chính đối với NCTN bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, vận động, tạo điều kiện tốt nhất cho NCTN, hạn chế áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của pháp luật hình sự Việt Nam. Mục đích của xử lý chuyển hướng được thể hiện như sau:[1]
Thứ nhất, xử lý kịp thời và hiệu quả đối với NCTN. Việc phát hiện tội phạm và xử lý kịp thời góp phần ngăn ngừa tội phạm diễn ra theo chiều hướng xấu hơn và hạn chế hậu quả nghiêm trọng hơn, gây khó khăn cho việc điều tra xử lý tội phạm là NCTN.
Thứ hai, giúp NCTN thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây không những là mục đích của biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN mà cũng là mục đích chung của pháp luật hình sự khi các biện pháp chế tài hướng đến nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Thứ ba, đẩy mạnh việc hòa giải giữa NCTN và bị hại bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội của NCTN. Thông qua việc hòa giải tạo điều kiện cho người chưa thành thể hiện sự ăn năn, hối cải, sự gắn kết, chia sẽ thiệt hại, mất mát giữa con người với con người với nhau, mà do chính hành vi của NCTN gây ra.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý chuyển hướng. Vai trò của gia đình NCTN là rất quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng và cộng đồng trong việc phát hiện xử lý hành vi phạm tội, cũng như sớm tìm giải pháp, biện pháp xử lý phù hợp đối với từng hành vi, từng giai đoạn, hoàn cảnh phạm tội cụ thể để lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng phù hợp.
Thứ năm, hạn chế tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN. Khi thực hiện hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của NCTN khi mới đang dần hình thành và phát triển cả về nhận thức, thể lực và tinh thẩn. Thông qua biện pháp xử lý chuyển hướng với những thủ tục rút gọn, đơn giản mang tính thân thiện tạo điều kiện cho NCTN không áp lực, căng thẳng khi bị áp dụng, xử lý.
Thứ sáu, ngăn ngừa NCTN phạm tội mới, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Mục đích chung của pháp luật là hướng con người sống và làm việc theo đúng khuôn mẫu, định hướng đã đặt ra, pháp luật quy định các chế tài cũng nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội, xâm phạm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người khác, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, thông qua các hình phạt cũng mang tính giáo dục, hướng con người sớm hòa nhập cuộc sống.
3. Đối tượng và điều kiện áp dụng
Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, học sinh trường giáo dưỡng.
Thủ tục xử lý chuyển hướng là trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN là bị can, bị cáo theo quy định của Luật này.
Như vậy, đối tượng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là NCTN thực hiện hành vi phạm tội đã bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo quy định. Những trường hợp chưa là bị can, bị cáo không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của luật này.
Đồng thời, NCTN phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS thì có thể được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng:
1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 38 của Luật này;
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của Luật này;
3. Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án[2].
Song song đó, để việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đúng đối tượng, pháp luật quy định cần đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Có chứng cứ xác định người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội;
2. Người chưa thành niên thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội;
3. Người chưa thành niên đồng ý bằng văn bản về việc xử lý chuyển hướng[3].
Ngoài ra, pháp luật cũng loại trừ một số trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cụ thể như sau:[4]
1. Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật này:
a) Phạm tội rất nghiêm trọng về một trong các tội phạm sau đây: Tội giết người, Tội hiếp dâm, Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội sản xuất trái phép chất ma túy;
b) Phạm tội rất nghiêm trọng 02 lần trở lên hoặc phạm nhiều tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự;
c) Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
2. Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật này:
a) Phạm tội nghiêm trọng về một trong các tội phạm sau đây: Tội hiếp dâm, Tội sản xuất trái phép chất ma túy, Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Tội mua bán trái phép chất ma túy, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Tội chiếm đoạt chất ma túy;
b) Tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
c) Phạm tội nghiêm trọng do cố ý 02 lần trở lên hoặc phạm nhiều tội nghiêm trọng do cố ý theo quy định của Bộ luật Hình sự;
d) Phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
3. Người chưa thành niên đã được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng mà phạm tội mới.
4. Nguyên tắc áp dụng
Khi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN thì cần phải tuân theo những nguyên tắc sau:
Việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; khả năng giáo dục, phục hồi của NCTN phạm tội và sự an toàn của bị hại, cộng đồng.
Việc lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với NCTN phạm tội phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của họ.
NCTN phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng. Biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 36 của Luật này phải áp dụng đồng thời với một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 36 của Luật này.
Trường hợp NCTN phạm tội bị áp dụng nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng khác nhau nhưng cùng phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 23 của Luật này thì thời gian thực hiện nghĩa vụ không vượt quá mức thời hạn cao nhất quy định đối với biện pháp được áp dụng.
Không áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đồng thời với các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng.
Không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét người phạm tội đã đủ 18 tuổi[5].
5. Các biện pháp xử lý chuyển hướng
Theo Luật TPNCTN năm 2024, quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN. Nội dung của các biện pháp xử lý được quy định cụ thể từ Điều 40 đến Điều 51 Luật TPNCTN năm 2024 gồm:
1. Khiển trách.
2. Xin lỗi bị hại.
3. Bồi thường thiệt hại.
4. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
5. Quản thúc tại gia đình.
6. Hạn chế khung giờ đi lại.
7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.
8. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.
9. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề.
10. Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý.
11. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Về nguyên tắc, NCTN phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng. Tuy nhiên, không áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đồng thời với các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét người phạm tội đã đủ 18 tuổi.
6. Một số kiến nghị, đề xuất
Quy định về biện pháp xử lý chuyển hướng cũng đã được quy định trong BLHS, BLTTHS, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành khác nhau, nhưng còn chưa tập trung, quy định chưa cụ thể, một số nội dung còn mang tính trùng lắp, trình tự, thủ tục áp dụng còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời xử lý đúng thủ tục quy định. Từ đó, khi tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với NCTN cũng gặp phải nhiều khó khăn nhất định. Do đó, với sự ra đời của Luật TPNCTN năm 2024 góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời pháp luật đã ra cơ sở pháp lý vững chắc, làm tiền đề để quy định về biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với NCTN được áp dụng rộng rãi, thống nhất. Tuy nhiên, trong thời gian tới để pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống, người viết đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ điều tra xử lý NCTN phạm tội, trong giai đoạn đầu khi phát hiện tội phạm. Cần phải có nhận thức đúng đắn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định, am hiểu về tâm sinh lý của NCTN, để giải thích, hướng dẫn về biện pháp xử lý chuyển hướng.
Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biện pháp xử lý chuyển hướng đến toàn thể người dân, đặc biệt tập trung vào NCTN ở các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học. Tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động ở các địa phương, từng gia đình, thôn, xóm.
Thứ ba, quan tâm, chú trọng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành áp dụng Luật TPNCTN năm 2024, đặc biệt hướng dẫn các chế định về biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN, để việc áp dụng được thống nhất trong cả nước.
Thứ tư, tăng cường đầu tư, xây dựng các cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ trong hoạt động điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử, đảo bảo nơi làm việc thân thiện, thoải mái, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho NCTN trong khi làm việc.
Thứ năm, năng cao năng lực quản lý, đào tạo của các cơ sở, trường giáo dưỡng phục vụ cho việc giáo dục, phục hồi nhân cách của NCTN.
Thứ sáu, chú trọng, quan tâm bồi dưỡng, đạo tạo nghiệp vụ, nhận thức về NCTN đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hóa - xã hội cấp xã và người làm công tác xã hội khác theo quy định của pháp luật, là những người trực tiếp, giám sát, giáo dục NCTN tại cơ sở.
[1] Điều 34 Luật TPNCTN năm 2024.
[2] Điều 37 Luật TPNCTN năm 2024.
[3] Điều 39 Luật TPNCTN năm 2024.
[4] Điều 38 Luật TPNCTN năm 2024.
[5] Điều 35 Luật TPNCTN năm 2024.
Một nhóm cướp chưa thành niên bị Công an TP HCM bắt giữ - Ảnh: TL.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bàn về thực tiễn Tòa án xác định bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để giao cho cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Áp dụng pháp luật hay áp dụng “nhận thức” pháp luật
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 12 – khóa XIII
-
Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp: Giữ vững ''phên dậu'' Tổ quốc!
Bình luận