
Quy định mới về lãi suất cho vay đặc biệt theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2025 và một số vấn đề đặt ra
Bài viết tập trung phân tích, đánh giá, so sánh quy định về lãi suất cho vay đặc biệt trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2025 (sau đây gọi tắt là Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025); từ đó đưa ra một số vấn đề cần lưu ý và đề xuất, kiến nghị.
1. Điểm mới trong quy định về lãi suất cho vay đặc biệt
Lãi suất cho vay đặc biệt được quy định tại Điều 193 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 với một số thay đổi cơ bản. Cụ thể:
Điều 193 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định:
“1. Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất và có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
….
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.”.
Khoản 1 đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 như sau:
“1. Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Luật này. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm.”.
Khoản 4 Điều 193 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 đã bị bãi bỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025. Các nội dung sửa đổi theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025[1], trong đó có quy định mới về lãi suất cho vay đặc biệt.
So sánh quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 về lãi suất cho vay đặc biệt thì thấy đã có sự thay đổi khá lớn, cụ thể:
Theo quy định của điều khoản trên thì từ ngày 15/10/2025, Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay đặc biệt không cần tài sản bảo đảm với lãi suất 0%/năm, theo quy định của Thống đốc.
Trước đây, theo khoản 4 Điều 193 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không có quy định cụ thể về lãi suất 0%.
Đồng thời, Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 cũng có quy định về Điều khoản chuyển tiếp quan trọng tại Điều 3 như sau:
“1. Khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện như sau:
a) Các bên tiếp tục thực hiện theo Quyết định cho vay đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, hợp đồng cho vay đặc biệt đã ký;
b) Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thời hạn vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
…”
Như vậy, khoản vay đặc biệt đã được Thủ tướng quyết định trước ngày 15/10/2025 tiếp tục thực hiện theo hợp đồng cũ, được xem xét gia hạn với lãi suất 0%/năm.
Nghiên cứu nội dung các điều luật thì thấy, cả Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 đều không đưa ra khái niệm cụ thể về lãi suất cho vay đặc biệt mà chỉ quy định về thẩm quyền quyết định cho vay, lãi suất và tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt. Thông tư số 37/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt cũng không nêu khái niệm về lãi suất cho vay đặc biệt.
Tuy nhiên, có thể hiểu một cách khái quát, lãi suất cho vay đặc biệt là mức lãi suất được áp dụng cho các tổ chức tín dụng, mức lãi suất có thể là 0%/năm. Việc áp dụng mức lãi suất đặc biệt chỉ đối với một số trường hợp cụ thể theo quy định của luật. Quyết định cho vay đặc biệt, bao gồm cả việc áp dụng lãi suất 0%, thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
2. Một số nội dung cần lưu ý đối với lãi suất cho vay đặc biệt và đề xuất, kiến nghị
Về thẩm quyền quyết định mức lãi suất cho vay đặc biệt: Trước đây, theo quy định tại khoản 4 Điều 193 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 thì việc quyết định cho vay đặc biệt, bao gồm cả lãi suất 0%, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 đã có sự thay đổi cần lưu ý, theo đó thẩm quyền này đã được chuyển sang cho Ngân hàng Nhà nước. Việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt cũng như mức lãi suất 0% sang cho Ngân hàng Nhà nước theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) sang cho Ngân hàng Nhà nước nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt. Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng[2].
Về các trường hợp được áp dụng lãi suất cho vay đặc biệt: Lãi suất cho vay đặc biệt được áp dụng trong những trường hợp cho vay đặc biệt, cụ thể như: hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản hoặc thực hiện phương án phục hồi hoặc chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém, nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống[3].
Về áp dụng mức lãi suất vay đặc biệt: cần lưu ý rằng, cho vay đặc biệt không phải lúc nào cũng áp dụng lãi suất 0%. Trong các trường hợp khác, lãi suất cho vay đặc biệt có thể được áp dụng theo lãi suất cho vay cầm cố của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm giải ngân.
Việc cho vay đặc biệt và áp dụng lãi suất 0% là các biện pháp can thiệp đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, nhằm ổn định hệ thống tài chính và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong các tình huống đặc biệt.
Có thể thấy, quy định mới về lãi suất cho vay đặc biệt trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 là một quy định tiến bộ, phù hợp với xu thế hiện đại hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm quy định này thực sự có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, tác giả cho rằng cần có cơ chế phù hợp để điều tiết một cách cụ thể. Nói cách khác, việc quy định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm (sửa đổi khoản 1 Điều 193), là một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thể hiện rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng đang trong tình trạng đặc biệt khó khăn, nhằm giữ vững an toàn của hệ thống tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, quy định mức lãi suất 0%/năm cần gắn với điều kiện áp dụng cụ thể để hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng chính sách, tạo ra rủi ro, làm sai lệch môi trường cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng và tăng áp lực lên ngân sách quốc gia.
Do đó, tác giả kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định chi tiết về điều kiện, cơ chế, quy trình, thủ tục, hạn mức vay, trách nhiệm đối với quản lý khoản vay … Trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục cho vay. Nội dung này cần xây dựng quy trình, thủ tục cho vay đặc biệt đơn giản, dễ hiểu, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho các tổ chức tín dụng
Một vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể là việc quy định các trường hợp được áp dụng mức lãi suất vay đặc biệt 0% nhằm bảo đảm có sự phân hóa, minh bạch, rõ ràng. Theo đó, nội dung văn bản hướng dẫn cần phân loại các trường hợp cụ thể như:
- Trường hợp tái cơ cấu tổ chức tín dụng: Cần quy định rõ các tiêu chí để xác định tổ chức tín dụng nào được xem xét cho vay đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là các trường hợp gặp khó khăn nghiêm trọng, không còn khả năng sinh lời.
- Trường hợp hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém: Cần có quy định cụ thể về việc cho vay đặc biệt để hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo không lạm dụng chính sách này để "cứu" các tổ chức tín dụng không có khả năng phục hồi.
- Trường hợp bất khả kháng: Cần xem xét các trường hợp bất khả kháng khác, ngoài tái cơ cấu và hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém, có thể cần thiết áp dụng lãi suất 0% để đảm bảo an toàn hệ thống.
Đồng thời, nội dung văn bản hướng dẫn này cũng cần tính đến việc phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh gây ra những mâu thuẫn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước. Đồng thời, nội dung văn bản hướng dẫn này cũng cần bổ sung cơ chế giám sát, công khai và đánh giá hiệu quả việc sử dụng nguồn vay đặc biệt này. Đây là điều kiện, cơ sở để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tính ổn định của chính sách nhưng cũng bảo đảm tính linh hoạt của cơ chế trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Kết luận
Quy định mới về lãi suất cho vay đặc biệt theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025 là quy định được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp tích cực trong điều tiết nền kinh tế ở nước ta. Tuy nhiên, để quy định này thực sự phát huy giá trị trong thực tiễn thì cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết từ cơ quan có thẩm quyền. Tác giả cho rằng, nội dung văn bản hướng dẫn thi hành cần được đánh giá trên cơ sở tổng kết thực tiễn áp dụng, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay.
[1] Điều 2 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2025.
[2] Xem thêm: https://baochinhphu.vn/chuyen-tham-quyen-quyet-dinh-cho-vay-dac-biet-lai-suat-0-nam-cho-ngan-hang-nha-nuoc-102250520144144077.htm#:~:text=(Chinhphu.vn)%20%2D%20Lu%E1%BA%ADt,cho%20Ng%C3%A2n%20h%C3%A0ng%20Nh%C3%A0%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc, truy cập ngày 10/7/2025.
[3] Xem thêm Điều 192 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về các trường hợp được vay đặc biệt và Thông tư số 37/2024/TT-NHNN về cho vay đặc biệt.
Ảnh: nguồn Internet
Tài liệu tham khảo
1. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024;
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2025;
3. Thông tư số 37/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt;
4. Xem: https://baochinhphu.vn/chuyen-tham-quyen-quyet-dinh-cho-vay-dac-biet-lai-suat-0-nam-cho-ngan-hang-nha-nuoc-102250520144144077.htm#:~:text=(Chinhphu.vn)%20%2D%20Lu%E1%BA%ADt,cho%20Ng%C3%A2n%20h%C3%A0ng%20Nh%C3%A0%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc, truy cập ngày 10/7/2025.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 những quy định về thẩm quyền của các Tòa án
-
Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 một số điểm lưu ý
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Danh sách địa điểm đặt trụ sở chính của 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 355 Tòa án nhân dân khu vực
-
Một số quy định mới về tố tụng hình sự
Bình luận