.jpg)
Quy định pháp luật về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ của Thuỵ Điển, Liên bang Nga và kinh nghiệm cho Việt Nam
Tội giết người nói chung và tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ nói riêng luôn là tội danh dành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, xây dựng pháp luật trong và ngoài nước. Mỗi quốc gia sẽ có những quy định về cấu thành tội phạm và hình phạt khác nhau phụ thuộc vào yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội và đặc điểm riêng của quốc gia đó. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả đi sâu vào phân tích quy định pháp luật về tội giết hoặc vứt con mới đẻ của Thuỵ Điển và Liên bang Nga. Từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặt vấn đề
Hành vi giết hoặc vứt bỏ con do chính mình vừa sinh ra của người mẹ là hành vi không chỉ vi phạm nghiêm trọng về các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền con người, quyền trẻ em. Đây là tội phạm luôn dành được sự quan tâm đặc biệt bởi các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên việc quy định thực hiện ở mỗi quốc gia có sự khác nhau về yếu tố cấu thành tội phạm hay mức hình phạt hình sự. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam, việc nghiên cứu kinh nghiệm từ các quốc gia, đặc biệt từ các nước phát triển như Thuỵ Điển, Liên bang Nga là vô cùng cần thiết, từ đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, góp phần ngăn chặn tội phạm, xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững.
- Khái quát về tội giết con mới đẻ
Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người và được quy định tại Điều 124 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). So với Điều 94 về tội giết con mới đẻ quy định tại BLHS 1999, BLHS 2015 đã có sự sửa đổi khi đổi tên điều luật từ “tội giết con mới đẻ” thành “tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” và được quy định thành hai khoản, cụ thể: “1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Từ quy định trên, nhóm tác giả rút ra khái niệm về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau: “Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là hành vi của chính người mẹ đã sinh ra đứa trẻ nhưng do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết hoặc vứt bỏ con do mình đẻ ra trong vòng 7 ngày tuổi làm cho đứa trẻ chết”.
Các yếu tố cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định của BLHS năm 2015, cụ thể:
Khách thể của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là việc xâm hại đến tính mạng, quyền sống của đứa trẻ, vì khi đứa trẻ được sinh ra đã được coi là một con người và người mẹ đã giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Ngoài ra, “tội phạm còn xâm phạm nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, đó là tình mẫu tử, xâm phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia”[1]. Bên cạnh đó, đối tượng tác động đứa trẻ mới được sinh ra trong vòng 07 ngày tuổi. Nếu như người phạm tội thực hiện hành vi với đứa trẻ đã qua 07 ngày tuổi thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 BLHS 2015.
Chủ thể của tội giết con mới đẻ là một chủ thể đặc biệt, là người mẹ của đứa trẻ mới sinh ra trong 07 ngày tuổi. Việc yêu cầu chủ thể đặc biệt cho tội danh này thể hiện một chính sách nhân đạo của luật hình sự Việt Nam khi người mẹ sau khi sinh con có những biến chuyển về mặt sức khoẻ và tâm lý, với sự ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu (sợ xóm làng chê cười, mẹ đơn thân, sợ khinh rẻ, bị dè bỉu, tư tưởng trọng nam khinh nữ,...) hay hoàn cảnh khách quan đặc biệt có thể dẫn đến những hành vi giết hay bỏ rơi con mới đẻ[2]. Do đó chủ thể của tội giết con mới đẻ là người mẹ “trong mối quan hệ với nạn nhân và đang còn trong trạng thái mới sinh con, nghĩa là còn đang trong trạng thái tâm, sinh lý chưa bình thường do ảnh hưởng của việc sinh con”. Bên cạnh đó, việc “xác định trạng thái này ở từng trường hợp cụ thể không đơn giản. Do vậy, các hướng dẫn, giải thích trước đây về dấu hiệu này đều quy định khoảng thời gian 07 ngày sau khi sinh là khoảng thời gian mà người mẹ được coi là còn trong trạng thái mới sinh con”[3]. Ngoài người mẹ ra, người nào thực hiện hay nghe theo lời của người mẹ thực hiện hành vi giết con mới đẻ đều bị cấu thành tội giết người và có tình tiết tăng nặng là giết người dưới 16 tuổi.
Mặt khách quan của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ có thể là các hành vi trực tiếp của người mẹ như bóp nghẹt, tác động vật lý, không cho trẻ bú, vứt vào vườn tràm, rừng rú, những nơi hoang vắng,… nhằm làm cho đứa trẻ mất đi sự sống hoặc các hành vi gián tiếp tác động lên đứa trẻ như bỏ mặc đứa trẻ chết ngạt do lý do khách quan… Tội giết hoặc vứt con mới đẻ cũng yêu cầu hậu quả xảy ra là đứa trẻ bị chết. Hành vi phạm tội được người mẹ thực hiện do bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt, vì vậy mà mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trên thấp hơn so với những hành vi của người mẹ khác không ảnh hưởng bởi tư tưởng lạc hậu, hoàn cảnh khách quan mà giết chết con mới đẻ của mình.
Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm được phản ánh qua ba yếu tố: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được thực hiện với lỗi cố ý nhưng có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp, người mẹ biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nhưng vì do tư tưởng lạc hậu hoặc hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà mong muốn cho hậu quả xảy ra.
2. Quy định pháp luật về tội giết con mới đẻ của Thuỵ Điển và Liên bang Nga
2.1. Quy định của Thuỵ Điển
BLHS Thuỵ Điển (The Swedish Penal Code) được thông qua năm 1962, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1965 và đã được sửa đổi vào ngày 01/5/1999 bao gồm 38 chương và 379 điều. Cấu trúc của BLHS Thuỵ Điển khá đặc biệt khi thứ tự điều luật xác định theo chương và tất cả các chương đều bắt đầu từ Điều 1[4]. Tội giết con mới đẻ tại Thuỵ Điển được quy định tại Điều 3 Chương 4 BLHS và thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng và sức khoẻ của con người, cụ thể như sau: “Người mẹ nào do rối loạn tâm thần hoặc quá đau khổ mà giết con mới đẻ thì bị phạt tù đến sáu năm về tội giết con mới đẻ”[5].
Về khách thể của tội phạm trên chính là quyền sống của con người, là tính mạng của đứa trẻ. Có thể thấy đây là một điểm tương đồng so với khách thể của tội giết con mới đẻ của BLHS 2015 của Việt Nam. Điểm giống nhau tiếp theo cả hai BLHS của Thuỵ Điển và Việt Nam là đối tượng tác động đều là con mới đẻ.
Về chủ thể của tội phạm trên là người mẹ trực tiếp sinh đứa trẻ đó thực hiện hành vi nhằm tước đoạt mạng sống của đứa trẻ, hậu quả dẫn đến đứa trẻ chết. Bên cạnh đó, dấu hiệu nguyên nhân phạm tội là dấu hiệu quan trọng, BLHS Thuỵ Điển đã nêu rõ nguyên nhân phạm tội của tội phạm là “do rối loạn tâm thần hoặc quá khứ đau khổ”. Về nội hàm ý nghĩa của nguyên nhân trên là người mẹ bị “rối loạn tâm thần” là do sau khi sinh con bị ảnh hưởng đến tâm lý, hành động và trong cả suy nghĩ. Còn nếu nguyên nhân “do quá khứ đau khổ” đây là tình trạng người mẹ đã trải qua hay chứng kiến những sự kiện mang tính chất gây ám ảnh đến tâm lý hay thể chất của người mẹ, khiến họ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi… dẫn đến mức họ phải chính tay giết con do mình đẻ ra. Chúng ta có thể thấy, việc quy định tình tiết “do rối loạn tâm thần hoặc quá đau khổ” trong BLHS Thuỵ Điển là một tình tiết dễ xác định tội hơn, rõ ràng hơn tình tiết “ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu” hoặc “hoàn cảnh khách quan đặc biệt” như quy định trong BLHS 2015 của Việt Nam.
Về hình phạt, đối với tội giết con mới đẻ của BLHS Thuỵ Điển quy định hình phạt cụ thể là “phạt tù đến 06 năm”, có thể thấy hình phạt cho tội phạm này ở Thuỵ Điển nặng hơn nhiều so với quy định của BLHS Việt Nam “phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”[6] đối với trường hợp giết con mới đẻ và phạt “cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”[7] đối với trường hợp vứt bỏ con mới đẻ. Như vậy, các quy định trên cho thấy mức hình phạt của BLHS Thuỵ Điển có sức răn đe, trừng trị cao hơn so với BLHS Việt Nam.
2.2. Quy định của Liên bang Nga
BLHS Liên bang Nga được thông qua vào ngày 24/5/1996, được Hội đồng Liên bang phê duyệt vào ngày 05/6/1996, và được sửa đổi bổ sung hai lần bằng Luật số 77 ngày 22/8/1998 và Luật số 92 ngày 25/6/1998 đã thay thế BLHS 1960 của nước Nga Xô Viết cũ. Trong số những thay đổi quan trọng nhất có thể được gọi là sự phản ánh khá đầy đủ về thực tế kinh tế và chính trị mới của xã hội Nga, lần đầu tiên chuyển sang bảo vệ quyền con người và quyền tự do, thay vì lợi ích của nhà nước, tăng trách nhiệm đối với các tội phạm nghiêm trọng nhất và giảm trách nhiệm đối với các tội phạm trọng lực nhỏ. Căn cứ mới để miễn trách nhiệm hình sự và các sáng kiến khác được thiết kế để tăng cường tiềm năng phòng ngừa của luật hình sự. Bộ luật này bao gồm 34 chương, 361 điều. Phần đặc biệt đã được thay đổi đáng kể: khoảng 70 yếu tố tội phạm mới đã được giới thiệu, hơn 80 yếu tố trước đây được dự tính bởi BLHS Nga đã không còn xem trọng; các quyết định và chế tài của hầu hết các điều khoản được chuyển từ BLHS của Nga Xô Viết sang BLHS Nga đã được sửa đổi[8].
Tội giết con mới đẻ được quy định tại Điều 106 thuộc chương các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người: “Mẹ giết con mới đẻ trong hoặc ngay sau khi sinh, cũng như mẹ giết con mới đẻ trong tình trạng bị ức chế hoặc rối loạn tâm thần mà không làm mất năng lực trách nhiệm hình sự thì bị phạt đến 05 năm”[9].
So sánh với quy định về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ giữa BLHS Liên bang Nga với BLHS Việt Nam có thể nhận thấy, pháp luật hình sự hai quốc gia có những điểm giống nhau như: Thứ nhất, BLHS Liên bang Nga cũng quy định về khách thể của loại tội này đó là quyền được sống, được phát triển và được bảo vệ về tính mạng của đứa trẻ. Thứ hai, cả hai bộ luật đều quy định chủ thể của tội phạm trên là người mẹ đã sinh ra đứa trẻ. Người mẹ ở đây là người trực tiếp mang thai, trực tiếp sinh ra đứa trẻ đó, và sau đó đã có hành động giết hoặc vứt bỏ chính đứa con mình sinh ra. Đây được coi là một dấu hiệu chủ thể tội phạm đặc biệt giúp phân biệt tội danh này với tội giết người. Thứ ba, về hình phạt, cả BLHS Liên bang Nga và BLHS Việt Nam đều áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.
Bên cạnh những sự tương đồng thì cũng có vài điểm khác biệt như sau:
Thứ nhất, về đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, BLHS của Liên bang Nga đã đưa cả điều kiện người mẹ không bị mất năng lực trách nhiệm hình sự vào điều luật. Trong khi đó, BLHS Việt Nam nhấn mạnh cả yếu tố tâm lý “ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt”[10]. Cách tiếp cận này phản ánh sự linh hoạt của pháp luật Việt Nam nhưng cũng đặt ra thách thức trong thực tiễn áp dụng do chưa có định nghĩa cụ thể về “hoàn cảnh khách quan đặc biệt”.
Thứ hai, về đối tượng chịu tác động của tội phạm, tội này trong BLHS Liên bang Nga quy định không chỉ là con mới đẻ trong hoặc ngay sau khi đẻ mà cả con mới đẻ nói chung, đối tượng đã mở rộng hơn so với Việt Nam. Còn ở Điều 124 BLHS 2015 của nước ta thì đối tượng của tội phạm này chỉ là con mới đẻ sau khi sinh, được hiểu là đứa trẻ do chính người mẹ sinh ra và trong vòng 07 ngày tuổi. Nếu quá 07 ngày (từ ngày thứ 8 trở đi), nạn nhân không còn được coi là con mới đẻ. Như vậy, quy định của Nga có phạm vi rộng hơn, trong khi Việt Nam giới hạn đối tượng rõ ràng hơn.
Thứ ba, về hình phạt, nếu BLHS Việt Nam đặt ra mức hình phạt cho loại tội này cao nhất là 03 năm tù giam, thì trong BLHS của Liên bang Nga mức hình phạt cao nhất được áp dụng là 05 năm tù, cao hơn hẳn so với mức hình phạt của Việt Nam. Vì lẽ đó mà cho thấy tính răn đe, trừng phạt của Liên bang Nga cao hơn so với Việt Nam.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật cho Việt Nam
Từ những phân tích trên, để giúp hoàn thiện quy định pháp luật về tội giết và vứt bỏ con mới đẻ, nhóm tác giả xét thấy cần hoàn thiện những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về phân loại tội phạm và khung hình phạt. Có thể thấy, dù tội phạm được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động thì hậu quả đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc và khi đứa trẻ chết thì tội giết con mới đẻ và Tội vứt bỏ con mới đẻ mới hoàn thành. Mặc dù hậu quả mà tội phạm gây ra rất nghiêm trọng nhưng mức cao nhất của khung hình phạt đối với Tội giết con mới đẻ và Tội vứt bỏ con mới đẻ lần lượt là 03 năm và 02 năm tù, đây là hai tội ít nghiêm trọng theo phân loại tội phạm tại điểm a khoản 1 Điều 9 BLHS 2015. Điều này dẫn tới sự so sánh khập khiễng với khung hình phạt tội giết người tại Điều 123 - tại khoản 1 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Học tập kinh nghiệm của hai quốc gia trên, việc quy định khung hình phạt của tội giết con mới đẻ và tội vứt bỏ con mới đẻ như vậy là còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa và giáo dục. Theo nhóm tác giả, cần nâng mức cao nhất của khung hình phạt tại khoản 1 và 2 Điều 124 lên mức cao hơn, nằm trong khoảng phân loại tội phạm nghiêm trọng tại điểm b khoản 1 Điều 9, tức là từ 03 năm đến 07 năm tù.
Thứ hai, vấn đề trách nhiệm hình sự trong trường hợp đứa trẻ may mắn sống sót không vì sự cứu giúp của người phạm tội. Như đã phân tích ở trên, hậu quả đứa trẻ chết là bắt buộc để tội phạm hoàn thành, vậy khi đứa trẻ may mắn sống sót không vì sự cứu giúp của người phạm tội thì không thể truy cứu hành vi này về tội giết con mới đẻ hoặc tội vứt con mới đẻ. Điều này cũng có nghĩa là nếu bị bỏ rơi hay giết dẫn đến đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo, có thể sống cả đời trong tật nguyền nghiêm trọng thì người mẹ vẫn sẽ không bị bất kỳ chế tài hình sự nào. Nhóm tác giả cho rằng đây là một sự đối xử không công bằng của pháp luật, bởi lẽ trong khi tội cố ý gây thương tích giữa những người không có mối quan hệ ruột thịt với nhau thì chế tài xử lý thấp nhất theo quy định tại Điều 138 BLHS 2015 đã là “bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ hơn về hậu quả của tội phạm này. Theo nhóm tác giả, Điều 124 cần được sửa đổi theo hướng tách mỗi khoản của Điều 124 thành 2 trường hợp hậu quả đứa trẻ chết xảy ra và chưa xảy ra dù đã thực hiện đủ hành vi cần thiết để cấu thành tội phạm, từ đó đưa ra khung hình phạt thích đáng cho từng trường hợp. Còn về trường hợp người phạm tội cứu giúp đứa trẻ sau khi thực hiện hành vi phạm tội có thể tùy trường hợp mà áp dụng quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 16 hoặc tình tiết giảm nhẹ người phạm tội tích cực sửa chữa, khắc phục hậu quả.
Thứ ba, cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết hơn, cụ thể hơn về hai yếu tố mang tính đặc trưng trong cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ bao gồm “ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt”. Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của BLHS năm 1985, ngoài ra thì chưa có bất kỳ văn bản pháp luật hiện hành nào giải thích về hai yếu tố trên, tuy nhiên văn bản không giải thích cụ thể về tư tưởng lạc hậu hay hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà văn bản chỉ đưa ra một số ví dụ để minh hoạ cho hai yếu tố mang ý nghĩa để xác định điều kiện của chủ thể phạm tội. Đối với trường hợp mà nguyên nhân do hoàn cảnh khách quan đặc biệt thì cần có những định nghĩa, hướng dẫn cụ thể hơn để hiểu rõ được hoàn cảnh khách quan đặc biệt là gì, để không bị bó hẹp, giới hạn trong các trường hợp, ví dụ cụ thể như: người mẹ bị mất sữa, người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, con sinh ra bị khuyết tật hay người phụ nữ trong tình trạng đơn độc khi mang thai và cả khi sinh con. Còn với tư tưởng lạc hậu, bao gồm một số ví dụ như: khiếp sợ trước định kiến của dư luận về việc đẻ con ngoài giá thú hay đẻ con gái,... mà vẫn chưa quy định rõ ràng định nghĩa cụ thể về yếu tố này. Do xuất phát từ việc không có quy định cụ thể về hai yếu tố trên dẫn đến việc trong thực tiễn xét xử thiếu sự đồng nhất và cách hiểu, áp dụng gây khó khăn trong định tội danh. Vì vậy, cần có văn bản quy định để thống nhất trong cách hiểu và cách áp dụng nhằm mang lại hiệu quả một cách triệt để trong xét xử.
Thứ tư, cần làm rõ hơn các trường hợp “vứt bỏ con mới đẻ” và quy định hình phạt tương ứng. Trong trường hợp vứt bỏ con, thực tế có nhiều hành vi xảy ra, từ việc bỏ con ở nơi an toàn như nhà chùa, trước cửa các gia đình có điều kiện, trại trẻ mồ côi,...) cho đến hành vi bỏ con ở nơi không an toàn, trong các điều kiện cực kỳ nguy hiểm. BLHS 2015 đã có quy định chung, nhưng cần làm rõ hơn các hành vi và mức độ nguy hiểm này, từ đó có mức phạt tương ứng. Cần bổ sung các yếu tố để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi vứt bỏ con mới đẻ, ví dụ như việc bỏ con mới đẻ ở nơi dễ xảy ra tai nạn hay bỏ con ở những nơi hẻo lánh, không có người qua lại như trong rừng, vườn tràm, bãi tha ma, những nơi không có sự chăm sóc y tế,... Đối với một số nguyên nhân dẫn đến việc không có đủ điều kiện, khả năng nuôi con nên họ mong muốn đứa trẻ lớn lên được phát triển tốt vì vậy mà họ tìm đến trước cổng chùa hay những gia đình có điều kiện tốt để bỏ trẻ thì mức độ nguy hiểm sẽ hoàn toàn khác với việc mong muốn đứa trẻ chết sau khi vứt bỏ. Chính vì vậy mà hậu quả dẫn đến đứa trẻ chết đối với hai mục đích trên của người mẹ đẻ ra đứa trẻ tuy giống nhau nhưng mức độ nguy hiểm lại hoàn toàn khác nhau, vì lẽ đó mà cần quy định hình phạt tương ứng với từng mức độ cụ thể.
Kết luận
Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là một tội danh đặc thù trong nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng con người, phản ánh những yếu tố tâm lý, xã hội và văn hóa tác động đến hành vi phạm tội. Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật Thụy Điển và Liên bang Nga, có thể thấy mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau đối với tội danh này, tùy thuộc vào hệ thống pháp luật, quan điểm chính sách hình sự và bối cảnh xã hội. Pháp luật Thụy Điển nhấn mạnh đến yếu tố tâm lý của người mẹ khi phạm tội, quy định hình phạt nghiêm khắc hơn nhằm đảm bảo tính răn đe. Trong khi đó, Liên bang Nga cũng có những quy định riêng phản ánh sự cân nhắc giữa bảo vệ trẻ sơ sinh và xét đến hoàn cảnh đặc biệt của người mẹ. So sánh với pháp luật Việt Nam, có thể thấy một số điểm tương đồng nhưng cũng tồn tại sự khác biệt trong cách tiếp cận về nguyên nhân phạm tội và mức độ xử lý hình sự.
Từ những phân tích trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tội giết con mới đẻ, bao gồm việc xem xét lại mức hình phạt, làm rõ hơn các yếu tố tác động đến hành vi phạm tội và nâng cao các biện pháp phòng ngừa tội phạm từ góc độ tâm lý, xã hội. Việc hoàn thiện pháp luật không chỉ giúp bảo vệ tính mạng trẻ sơ sinh mà còn đảm bảo tính nhân đạo và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Thuỵ Điển, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010.
3. Công ty tư vấn luật DFC, Tìm Hiểu Về Bộ Luật Hình Sự Liên bang Nga, https://www.luatsudfc.vn/tim-hieu-ve-bo-luat-hinh-su-lien-bang-nga.html.
4. Hoàng Thị Khánh Hoàn, Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2023.
5. Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật hình sự Thuỵ Điển, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.24.
6. Nguyễn Ngọc Hoà, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần các tội phạm), Quyển 1, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, 2018.
7. Lê Đăng Doanh - Cao Thị Oanh, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, Tập I, Nxb. Hồng Đức, 2017.
8. Trần Văn Huynh - Hoàng Minh Nguyệt - Đào Duy Minh, Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi, https://tapchitoaan.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-bao-ve-quyen-cua-tre-em-bi-bo-roi12423.html.
[1] Lê Đăng Doanh - Cao Thị Oanh, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, Tập I, Nxb. Hồng Đức, 2017, tr.223.
[2] Trần Văn Huynh - Hoàng Minh Nguyệt - Đào Duy Minh, Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi, https://tapchitoaan.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-bao-ve-quyen-cua-tre-em-bi-bo-roi12423.html, truy cập ngày 19/02/2025.
[3] Nguyễn Ngọc Hoà, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (phần các tội phạm), Quyển 1, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, 2018, tr.71.
[4] Hoàng Thị Khánh Hoàn, Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2023.
[5] Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Thuỵ Điển, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.24.
[6] Khoản 1 Điều 124 BLHS 2015.
[7] Khoản 2 Điều 124 BLHS 2015.
[8] Công ty tư vấn luật DFC, Tìm Hiểu Về Bộ Luật Hình Sự Liên bang Nga, https://www.luatsudfc.vn/tim-hieu-ve-bo-luat-hinh-su-lien-bang-nga.html, truy cập ngày 19/02/2025.
[9] Điều 106 BLHS Liên bang Nga.
[10] Điều 124 BLHS 2015.
Tòa nhà Quốc hội (Riksdag) ở Stockholm, Thụy Điển - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 189-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trong ngành Tòa án
Bình luận