Quy định về tranh tụng tại phiên tòa trong BLTTDS 2015
BLTTDS năm 2015, có nhiều sửa đổi, bổ sung, trong đó có sửa đổi, bổ sung về tranh tụng tại phiên tòa. Lần đầu tiên BLTTDS của nước ta quy định về tranh tụng tại phiên tòa, bao gồm: tranh tụng lại phiên tòa sơ thẩm và tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm.
1.Quy định về tranh tụng tại phiên tòa
1.1. Quy định về tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm
Mục 3 trong Chương XIV BLTTDS năm 2015 quy định về tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm với 17 điều luật (từ Điều 247 đến Điều 263). Cụ thể là Điều 247 quy định “Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa” như sau:
“1. Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án.
2.Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.
3.Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự”.
Tuy Điều 247 đã quy định rõ phương thức tranh tụng tại phiên tòa, trình tự tranh tụng, trách nhiệm và quyền hạn của chủ tọa phiên tòa trong tranh tụng. Nhưng để bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Điều 247, BLTTDS năm 2015 còn quy định cụ thể về trình tự, nội dung tranh tụng tại các điều luật từ Điều 248 đến Điều 263 để chủ tọa phiên tòa điều hành và để người tham gia tố tụng tại phiên tòa, cơ quan tiến hành tố tụng dân sự giám sát việc thực hiện phương thức tranh tụng của Hội đồng xét xử.
1.2. Quy định về tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm
Mục 2 Chương XVII BLTTDS năm 2015 quy định về Tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm với 6 điều luật (từ Điều 301 đến Điều 306). Điều 301 quy định: Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm như sau: “Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 247 của Bộ luật này”; Điều 302 quy định: “Trình bày của đương sự, Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm”.
Điều 303 quy định: “Thủ tục hỏi và công bố tài liệu, chứng cứ, xem xét vật chứng tại phiên tòa phúc thẩm với nội dung quy định là:
“1. Thủ tục hỏi những người tham gia tố tụng và công bố tài liệu, chứng cứ xem xét vật chứng, quy định tại Điều 287 của Bộ luật này tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm.
2.Việc hỏi được thực hiện đối với những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 293 của Bộ luật này”.
Điều 304 quy định: “Tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm”; Điều 305 quy định: “Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm”; Điều 306 quy định: “Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm”.
1.3. Những vấn đề cần quan tâm trong tranh tụng tại phiên tòa
Nghiên cứu các quy định về tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm trong BLTTDS năm 2015, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần được sự quan tâm của bạn đọc và người tiến hành tố tụng dân sự.
1.3.1. Nhận thức về cụm từ “Tranh tụng tại phiên tòa“: Theo quy định tại Mục 3 Chương XIV và tại Mục 2 Chương XVII của BLTTDS năm 2015 thì Tranh tụng tại phiên tòa là hoạt động tố tụng của Tòa án được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định đối với các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Do đó, trường hợp cơ quan thông tin đại chúng hoặc cá nhân nói đến Tòa án cần hoặc phải thực hiện tranh tụng thì được hiểu là tranh tụng tại phiên tòa.
1.3.2. Tranh tụng tại phiên tòa là thủ tục tố tụng đặc biệt trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án dân sự. Gọi là thủ tục tố tụng đặc biệt vì Tòa án công khai cho mọi người (bao gồm: người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham dự phiên tòa) biết về: Lời trình bày của đương sự, của người bảo vệ quyền lợi ích của đương sự; các câu hỏi của Hội đồng xét xử; lời đối đáp của các bên nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; phát biểu của Kiểm sát viên và Công khai cho mọi người biết các tài liệu, chứng cứ, vật chứng của vụ án do các bên đương sự cung cấp và Tòa án thu thập trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án. Các tài liệu, chứng cứ, vật chứng của vụ án tuy các đương sự đã biết tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải từ trước khi Tòa án mở phiên tòa sơ thẩm, nhưng vẫn phải công khai để đương sự kiểm tra, xác nhận tài liệu, chứng cứ, vật chứng do đương sự cung cấp, giao nộp.
1.3.3. Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa. Điều 301 BLTTDS năm 2015 quy định: “Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 247 của Bộ luật này”. Quy định này được hiểu là pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam chỉ có một nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm.
Tuy nhiên, khi thực hiện quy định tại Điều 247 lại cần phải thực hiện theo điều luật quy định về vấn đề đó. Ví dụ 1: Khi Hội đồng xét xử của Tòa án thực hiện việc “hỏi” quy định tại khoản 1 Điều 247, thì việc hỏi phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 249 và việc đặt câu hỏi phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 249 là: “Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lắp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng”. Ví dụ 2: Khi Hội đồng xét xử của Tòa án thực hiện việc “đối đáp” quy định tại khoản 1 Điều 247 thì việc đối đáp phải thực hiện theo quy định tại Điều 261.
1.3.4.Vai trò, vị trí của chủ tọa phiên tòa trong tranh tụng tại phiên tòa. Khoản 2 Điều 247 BLTTDS năm 2015 quy định “Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa”. Quy định này cho thấy vai trò, vị trí của chủ tọa phiên tòa trong tranh tụng tại phiên tòa rất quan trọng. Do đó yêu cầu chủ tọa phải nắm vững trách nhiệm, quyền hạn của mình trong tranh tụng tại phiên tòa và nắm vững quy định của pháp luật về tranh tụng tại phiên tòa.
Khoản 2 Điều 247 quy định “Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện … nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự”. Quy định này là sửa đổi, bổ sung đoạn cuối của Điều 233 BLTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 (sửa đổi cụm từ “tranh luận“ bằng cụm từ “tranh tụng” vừa sửa đổi cụm từ ” nhưng có quyền cắt những ý kiến” bằng cụm từ “nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến” và bổ sung cụm từ “dân sự” nối tiếp theo cụm từ “đến vụ án” ở cuối Điều 233 BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011. Sau khi bổ sung cụm từ “dân sự” được đọc là “đến vụ án dân sự”. Do đó, khi thực hiện khoản 2 Điều 247 chủ tọa phiên tòa cần nói là: Yêu cầu đương sự dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự này.
1.3.5.Thứ tự trình bày của đương sự, Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm. Điều 302 BLTTDS năm 2015 quy định thứ tự, trình trình bày của đương sự đối với các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Có một đương sự kháng cáo, thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo trình bày nội dung kháng cáo, căn cứ của việc kháng cáo. Người kháng cáo bổ sung ý kiến, tiếp theo là trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không kháng cáo trình bày về việc kháng cáo, đương sự không kháng cáo bổ sung ý kiến.
Trường hợp 2: Tất cả đương sự kháng cáo, thì việc trình bày theo thứ tự:
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn kháng cáo và nguyên đơn trình bày nội dung kháng cáo. Tiếp theo là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn kháng cáo và bị đơn trình bày nội dung kháng cáo sau đó người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày nội dung kháng cáo.
Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, thì tự đương sự trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo và đề nghị của mình.
Trường hợp 3: Trường hợp chỉ có kháng nghị của Viện Kiểm sát mà Viện Kiểm sát vẫn giữ kháng nghị thì thứ tự trình bày là: nguyên đơn, bị đơn đến người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp 4: Vừa có kháng, vừa có kháng nghị thì các đương sự trình bày trước về nội dung kháng cáo và căn cứ kháng cáo, sau đó kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị.
Như vậy là trường hợp nào thì người kháng cáo là người được trình bày trước, nếu tất cả đương sự đều kháng cáo thì trình bày theo thứ tự nguyên đơn đến bị đơn, sau đó là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và tại phiên tòa phúc thẩm đương sự, Kiểm sát viên có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ.
3.Kiến nghị
Để bảo đảm sự nhận thức và thực hiện thống nhất pháp luật, chúng tôi đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có văn bản hướng dẫn một số vấn đề trong tranh tụng tại phiên tòa. Đối với cụm từ “tranh tụng tại phiên tòa” được hiểu như thế nào là đúng? Vì trong thực tế đang có sự nhận thức khác nhau. Do đó, cần có sự giải thích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thống nhất nhận thức pháp luật và sử dụng đúng cụm từ này trong văn bản pháp luật và tại diễn đàn pháp luật.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận