Quyền con người, lẽ công bằng: từ Châu bản triều Nguyễn đến pháp luật quốc tế

Dưới lăng kính lịch sử pháp lý, quyền con người và lẽ công bằng thể hiện sự phát triển của nhân loại theo từng thời kỳ. Bài viết tập trung tìm hiểu về quyền con người và lẽ công bằng trong lịch sử pháp lý Việt Nam qua Châu bản, văn bản hành chính - pháp lý của triều Nguyễn với các nội dung về bảo đảm quyền tiếp cận công lý, quyền bình đẳng trước pháp luật, quy định về luật Hồi tỵ; từ đó liên kết với pháp luật quốc tế về quyền con người ở từng vấn đề tương ứng gắn nghiên cứu quyền con người với tác dụng của lẽ công bằng trong pháp luật và khuyến nghị góp phần hoàn thiện luật thành văn tại Việt Nam.

Quyền con người (QCN), lẽ công bằng (LCB) đều từ luật tự nhiên (Natural law), xuất hiện trong đời sống, triết học, pháp luật từ lâu. Dưới góc độ lịch sử pháp lý, QCN và LCB thể hiện sự phát triển của một nền văn minh, nền pháp chế, góp phần thể hiện văn hóa pháp lý của một quốc gia. Nghiên cứu QCN gắn với LCB cùng những đúc rút kinh nghiệm lịch sử đem lại cái nhìn bao quát về sự phát triển pháp luật hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc.

Tại Việt Nam, QCN được biết đến như một quyền hiến định1. Lật giở lịch sử dân tộc, một số quyền cơ bản được bảo vệ bởi pháp luật và bộ máy chính quyền thể hiện qua Châu bản triều Nguyễn. Ở thời hiện đại, Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trước Tuyên bố nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) cũng nhấn mạnh QCN như một điều tất yếu của quyền sống của con người. Có thể nói QCN đã được công nhận, bảo vệ qua các thời kỳ lịch sử tại Việt Nam từ rất sớm.

Việc nhận diện QCN và LCB thường qua phân tích cổ luật. Song, bên cạnh cổ luật còn những tư liệu ghi nhận hoạt động quản lý nhà nước có giá trị pháp lý như Châu bản. Loại văn bản này ghi nhận hoạt động trao đổi công vụ của vua quan triều Nguyễn trong đó ý chỉ của Vua - “châu phê” thể hiện QCN và LCB. Qua Châu bản, QCN và LCB gắn với những vấn đề hiện đại được quốc tế thống nhất công nhận. Tác giả sẽ soi chiếu quy định chung nhất về QCN được mọi quốc gia trên thế giới thống nhất là Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ (UDHR)2, tập trung nghiên cứu QCN và LCB dưới góc độ lịch sử pháp lý tại Việt Nam và một vài nền pháp chế trên thế giới. Cụ thể: (1) Quyền bình đẳng trước pháp luật (Right to equality before the law)3; (2) Quyền được tiếp cận công lý (Access to justice), một trong những quyền cơ bản của con người4.

1. Khái quát chung

1.1. Khái quát về quyền con người

QCN là quyền mà một người có được nhờ vào tư cách con người, được hình thành từ sự giao thoa của quan điểm về đạo đức xã hội, ảnh hưởng tôn giáo của các nền văn hóa, văn minh. Luật tự nhiên (Ius Naturale) có mặt trong lịch sử triết học và pháp luật La Mã cổ đại dẫn đến Quyền tự nhiên (Natural rights). Theo đó, Luật tự nhiên về QCN thể hiện những nguyên tắc công bằng cơ bản, vốn là lý trí đúng đắn, phù hợp với tự nhiên, mang tính chân lý5. Lịch sử phát triển xã hội loài người cho thấy, những quan niệm về công bằng, giá trị của con người trong xã hội - thành tố giúp định hình QCN dựa trên Luật tự nhiên đều có đặc điểm là định tính, có thể thay đổi theo lịch sử, có hình thái phong phú, phụ thuộc hoàn cảnh xã hội6. 

Tại Việt Nam, định nghĩa về QCN được thực hiện trước khi UDHR ra đời qua Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ngày 02/9/1945. Với trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt QCN lên hàng đầu và bình đẳng hơn khi sử dụng cụm từ “Mọi người” (all man) thay cho “all men” (Tất cả đàn ông) khi trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Việc sử dụng từ “mọi người” đã thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt giới tính, thân phận - bình đẳng tuyệt đối7. Như vậy, trong hành trình định nghĩa về QCN trên trường quốc tế, với Tuyên ngôn độc lập 1945, Việt Nam đã góp phần định hình quyền cơ bản của con người.

Dưới góc nhìn của luật quốc tế, QCN  “tổ hợp” các quyền tự do, quyền miễn trừ và các lợi ích khác theo giá trị hiện đại của xã hội văn minh, những gì thuộc về nhân loại, được công nhận như là một vấn đề của “quyền” trong xã hội mà họ sinh sống8. Như vậy, UDHR đã xác định minh thị các nhóm quyền cơ bản của con người.

Đến nay, các văn kiện: UDHR, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế - xã hội & văn hóa (ICESCR)9, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)10 được xem là 03 trụ cột của pháp luật về QCN do LHQ ban hành. ICESCR và ICCPR cũng là 02 trong số các Công ước về QCN của LHQ mà Việt Nam tham gia từ năm 198211.

Có thể nói, UDHR, ICESCR và ICCPR đã tạo nên sự thống nhất chung về QCN, được các quốc gia trên thế giới đồng thuận. Tuy được phát triển bởi các luật gia từ nhiều nền pháp chế, văn hóa và tôn giáo khác nhau nhưng các văn kiện này có điểm chung nhất, cơ bản nhất để thống nhất cách hiểu về QCN. Do đó, tuy được phát triển từ nền tảng Luật tự nhiên nhưng các QCN được đề cập đều bảo đảm đời sống của con người trong xã hội hiện đại. 

1.2. Khái quát về lẽ công bằng trong lĩnh vực pháp luật

Nguyên tắc công bằng được ghi nhận đầu tiên trong nền văn minh Lưỡng Hà với quan niệm “An eye for an eye, A tooth for a tooth” - mắt đền mắt, răng đền răng chính là tinh thần của Điều 196 và Điều 200 Bộ luật Hammurabi12. Đó là quan điểm LCB cùng nguyên tắc đền bù ngang “giá” với thiệt hại; ăn miếng trả miếng (gây thiệt hại bao nhiêu phải chịu hình phạt bấy nhiêu). Dần dần, với sự phát triển của xã hội, công bằng (Aequitas) được cụ thể hóa trong pháp luật của La Mã cổ đại. Công bằng được liên kết với Luật tự nhiên và được “hình thành” bởi phán quyết của Pháp quan (Preator)13.

Trong Đạo đức học (The Nicomachean Ethics) của Aristotle đã định nghĩa về LCB: đôi khi các quy tắc pháp luật vì bản chất khái quát của nó mà sẵn sàng bỏ qua những chi tiết giả định vô hạn của một vụ việc cụ thể14. Điều này có thể hiểu: trong những trường hợp cụ thể, khi việc tuân thủ nghiêm ngặt một quy tắc sẽ dẫn đến sự bất công. Với nghĩa đó, LCB có chức năng cụ thể hóa sự khái quát của pháp luật. Ý nghĩa đầu tiên thuộc về bản chất của công bằng chính là sự chi tiết đến từng trường hợp cụ thể.

Mặt khác, xét về vai trò của pháp luật, tính khái quát của nó chính là điều kiện để người phán xử có thể vận dụng pháp luật linh hoạt. Để đạt được sự vận dụng pháp luật linh hoạt, cần có các điều khoản khái quát, chi tiết nhằm tạo khung pháp lý mang tính khả thi. Trường hợp pháp luật có khiếm khuyết trong việc chạm tới sự công bằng của đối tượng, vụ việc cụ thể, LCB thể hiện bản chất của mình: Sửa chữa luật trong chừng mực luật có khiếm khuyết do tính tổng quát của nó15.

1.3. Mối liên kết giữa quyền con người và lẽ công bằng

Theo John Finnis, QCN là một “thành ngữ đương thời” diễn tả quyền tự nhiên, bắt nguồn từ Luật tự nhiên, gắn liền với yếu tố đạo đức, những điều tốt đẹp của con người chỉ có thể được bảo vệ bởi pháp luật16. Dưới góc nhìn pháp quyền, QCN được bảo vệ bởi một cơ chế lấy con người là trọng tâm, pháp luật là tối thượng - phương thức bảo vệ quyền cơ bản của con người hữu hiệu.

Tuy nhiên, luật viết luôn trong trạng thái vận động hướng tới sự hoàn thiện và không bao giờ đạt đến sự hoàn thiện tuyệt đối17. Vì thế, LCB luôn được sử dụng trong pháp luật dân sự của các quốc gia đề cao vai trò của luật thành văn. Nhất là lúc pháp luật phải bảo đảm các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền tiếp cận công lý khi luật không có quy định hoặc quy định thiếu rõ ràng. Bên cạnh đó, khi tính phổ quát của pháp luật áp dụng vào thực tiễn cần LCB để cân nhắc chi tiết, tìm ra sự thật khách quan. LCB được xem như là “công cụ” bảo vệ QCN khi pháp luật chưa “theo kịp” sự vận động không ngừng của thời đại.

2. Vấn đề về quyền con người và lẽ công bằng, góc nhìn từ Châu bản

2.1. Đôi nét về Châu bản triều Nguyễn và văn hóa pháp lý tại Việt Nam

Châu bản triều Nguyễn (Official documents of the Nguyen Dynasty) - di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận năm 201418 là loại văn bản hành chính - pháp lý ghi nhận hoạt động quản lý nhà nước (bao gồm cả hoạt động tố tụng) của chính quyền các cấp19. Giá trị pháp lý của Châu bản thể hiện qua văn thư trình Vua có “châu điểm”, “châu phê”, “châu khuyên”, “châu mạt”20. Hiện đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (TTLTQGI) quản lý.

Là nhà nước phong kiến tập quyền nên quyền lực tập trung vào nhà Vua, ý chỉ của Vua thông qua Châu bản với từng trường hợp cụ thể có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Vì thế, những vấn đề liên quan đến QCN, LCB ghi nhận qua “Châu phê” đều có giá trị pháp lý cao nhất. Từng hành vi quản lý nhà nước của các cấp chính quyền từ Vua đến quan lại ghi nhận trong Châu bản thể hiện văn hóa ứng xử thông qua các quan hệ pháp lý có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng mà cụ thể là việc áp dụng “Hồi tỵ”.

2.2. Quyền con người và lẽ công bằng, góc nhìn từ Châu bản   

QCN và LCB trong bài viết này xoay quanh những vấn đề cụ thể: (1) bảo đảm quyền tiếp cận công lý; (2) quyền bình đẳng trước pháp luật; (3) quy định về luật Hồi tỵ. Đây là những nội dung nổi bật tìm thấy trong Châu bản. Cách hiểu các nguyên tắc công bằng đều được thực hiện một cách hữu lý, phù hợp với cách hiểu chung về quyền cơ bản của con người mà pháp luật quốc tế ngày nay ghi nhận.

2.2.1. Quyền tiếp cận công lý từ Châu bản đến pháp luật Việt Nam hiện đại và quy định quốc tế

“Cáo trạng bất thụ lý” được quy định trong Hoàng Việt luật lệ21 nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công lý đã xuất hiện và áp dụng nghiêm ngặt trong Châu bản triều Nguyễn. Châu bản triều Minh Mạng 6, ngày 24/8 ghi nhận trường hợp người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm xin được xét xử khi Quảng Ngãi tâu việc mua hàng có văn khế nhưng chưa trả tiền, đã kiện ở Trấn Thừa nhưng quan không xét đơn. Vua Châu phê: “Truyền giao trấn ấy phúc tâu minh bạch”22. Quan Trấn Thừa phải báo cáo: (1) sự việc tấu trình có hay không; (2) nếu có thì tại sao không thụ lý đơn.

Quyền cơ bản của con người về tiếp cận công lý và LCB được bảo đảm thể hiện qua Châu bản ngày 24/2 năm Minh Mệnh 6: Quan lại chiếm đoạt ruộng của dân, đã đệ đơn lên “quan dinh” nhưng nhiều lần bị từ chối, xin được “minh xử”. Phụng chỉ: “truyền… xét xử theo lẽ công bằng23.

Như vậy có thể thấy, ý thức việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý thời nhà Nguyễn áp dụng ở những hoạt động cụ thể, do chính Vua trực tiếp thực hiện nhằm bảo đảm công bằng và QCN.

Khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015 ghi nhận: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Điều 45 BLTTDS 2015 - áp dụng pháp luật được kích hoạt “trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng”24. Nội dung này dẫn chiếu đến các căn cứ pháp lý của BLDS 2015: Điều 3 - Quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; khoản 2 Điều 6 - Áp dụng tương tự pháp luật và LCB.

Với pháp luật quốc tế, quyền tiếp cận công lý được quy định tại Điều 8 UDHR là nội dung quan trọng nhằm bảo vệ QCN - cấm Thẩm phán từ chối công lý (Denial of justice) hay “bất khẳng thụ lý” của Điều 4 BLDS Pháp: Thẩm phán nào từ chối xét xử với lý do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, thì có thể bị truy tố về tội từ chối công lý.                                                                                                                                                             2.2.2. Quyền bình đẳng trước pháp luật

Nguyên tắc luật pháp là như nhau đối với mọi người và phải được áp dụng theo cách như nhau đối với tất cả mọi người. Điều này trong Châu bản khá phổ biến, đặc biệt thuộc lĩnh vực Hồi tỵ (迴避) là tránh né, lánh đi - quy định về phòng chống tham nhũng trong hoạt động quan chế, có từ thời Lê Thánh Tông. Tất cả quan lại có quyền lực đều phải né tránh không được thực hiện công vụ đối với những vụ việc có liên quan đến lợi ích của thân quyến... nhằm giảm thiếu tiêu cực trong hoạt động công quyền. Điều này Châu bản với châu phê có tác dụng như “án lệ” nhằm thống nhất giải pháp pháp lý25.

 Nghiên cứu Luật Hồi tỵ qua Châu bản dưới góc độ QCN, đặc biệt là quyền bình đẳng trước pháp luật là: (1) thống nhất giải pháp pháp lý; (2) tạo cơ chế xét xử công bằng, bình đẳng, không tiêu cực, đảm bảo công lý.

Ví dụ:

Việc thống nhất giải pháp pháp lý.

Quan chế nhà Nguyễn tạo nên ý thức tuân thủ Hồi tỵ một cách tự giác. Châu bản thời Tự Đức 23 dâng tấu xin được áp dụng Hồi tỵ cho bản thân và hướng dẫn trường hợp tương tự. Châu phê “Đồng ý cho các ngươi né tránh”26.

Như vậy, việc thống nhất giải pháp pháp lý là một trong những vấn đề thể hiện rõ nét quyền bình đẳng trước pháp luật. Châu bản nói trên dẫn chiếu tiền lệ để xin Hồi tỵ - thống nhất áp dụng pháp luật. Việt Nam hiện sử dụng án lệ giúp bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau27.

Tạo cơ chế xét xử công bằng, bình đẳng, không tiêu cực, đảm bảo công lý.

Bản chất Hồi tỵ là né tránh, đảm bảo công bằng khi thực thi công vụ - yếu tố tạo cơ chế xét xử công bằng. Yếu tố con người và lương tâm cũng góp phần đảm bảo công lý. Như một lẽ tất yếu, QCN được đảm bảo bởi cơ chế xét xử công bằng.

Pháp luật dân sự Việt Nam hiện cũng có quy định mang bản chất Hồi tỵ. Điều 52 BLTTDS 2015 buộc người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong một vài trường hợp luật định.

2.2.3. Áp dụng lẽ công bằng đảm bảo quyền được bình đẳng trước pháp luật

Khác với nguyên tắc công bằng như cách hiểu của văn minh Lưỡng Hà, LCB trong pháp luật triều Nguyễn được vận dụng một cách hữu lý. Pháp luật thời quân chủ tập quyền Vua là chủ thể duy nhất được ban hành luật. Áp dụng pháp luật không được phép thoát ly khỏi những quy định đã có trong Luật. Việc “tấu trình” và “châu phê” là một phần trong hoạt động tố tụng thời nhà Nguyễn.

Châu bản cũng cho thấy nhà Vua đề cao việc sử dụng LCB trong tự nhiên, cho phép quan lại linh hoạt trong xét xử. Điều ràng buộc là: không cho phép xét xử tùy tiện, khi xử xong phải tâu lên cho nhà Vua kiểm soát28.

Ví dụ:

Châu bản ngày 24/2 năm Minh Mệnh 6, …dâng tấu: do thiếu ruộng, đất còn để quân cấp rất ít không đủ đài thọ thuế má, phụ dịch... xin nộp thuế theo hạng công điền, hoặc truyền xét tính hoa lợi, giao lại đất ấy cho xã dân quân cấp. Phụng chỉ: “Truyền giao dinh thần theo lẽ công bằng xét xử rồi tâu lên” 29.

Châu bản ngày 28 tháng trước triều Tự Đức xin được Hồi tỵ do là người cùng hạt. Nhưng “Án đó nay phụng giao” không liên quan. “Pháp luật là sự công bằng của thiên hạ”… lập tức tra xét triệt để, …không cần né tránh. Châu điểm30.

“Pháp luật là sự công bằng của thiên hạ, triều Nguyễn đã áp dụng LCB hết sức độc đáo. Việc tấu trình kết quả xét xử là cơ chế ngăn ngừa sự tùy tiện, thiếu minh bạch, đảm bảo LCB trong hoạt động tư pháp. Đây là điều đặc biệt trong chế độ quân chủ phong kiến với tôn chỉ: Công bằng theo pháp luật, dựa vào công bằng tự nhiên để xử lý vụ án. Lẽ phải phù hợp đạo lý góp phần tạo nên văn hóa pháp lý Việt Nam. Với tinh thần pháp luật là sự công bằng của thiên hạ”, cách hành xử trong quan hệ Vua - Tôi qua Châu bản là nét độc đáo nổi bật của văn hóa pháp lý thời kỳ này.

2.3. Biện pháp áp dụng hiệu quả lẽ công bằng nhằm đảm bảo quyền được bình đẳng trước pháp luật      

Quyền bình đẳng trước pháp luật đòi hỏi pháp luật phải được áp dụng thống nhất, không thiên vị, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự phải được giải quyết như nhau. Do vậy, việc áp dụng hiệu quả LCB trong pháp luật liên hệ mật thiết đến việc bảo đảm QCN. Đặc điểm của LCB là định tính, được vận dụng linh hoạt nhằm “mềm hóa” pháp luật qua đó hỗ trợ pháp luật công nhận và bảo đảm QCN. Do đó, LCB là chuẩn mực ngoài luật thành văn không nên bị định dạng bằng luật thành văn tránh “lẽ công bằng có nguy cơ bị đóng khung”31. Bản chất của việc công nhận quyền bình đẳng trước pháp luật là một trong những quyền cơ bản của con người đòi hỏi nguyên tắc những vụ án giống nhau phải được xét xử như nhau. LCB với đặc điểm định tính và có nhiều cách hiểu cần được “thống nhất” khi áp dụng trong xét xử nhưng vẫn giữ được tính linh hoạt của nó. Lúc này, án lệ được xem là công cụ hữu ích nhằm giải quyết vấn đề thống nhất cách hiểu, bổ trợ cho LCB trong từng trường hợp cụ thể. Bài học kinh nghiệm có thể tham khảo về mối quan hệ giữa LCB và án lệ góp phần bảo đảm QCN có thể tham khảo từ một số nền pháp chế nổi bật. Tại Pháp, án lệ (Jurisprudence) có áp dụng LCB và được sử dụng làm nguồn tham khảo, được viện dẫn tích cực trong các bản án góp phần giúp LCB thực sự được áp dụng trong pháp luật, giúp đảm bảo thống nhất quan điểm xét xử, giảm định tính, tăng định lượng32. Tại Đức, Giáo sư John P. Dawson đã chỉ ra bản chất, mức độ đóng góp của “Cách mạng án lệ” (Germany’s case law revolution) giai đoạn 1800 - 1945. Án lệ đã giúp giải thích pháp luật, tích lũy kinh nghiệm, tạo tiền đề cho pháp điển hóa33. Án lệ còn đóng vai trò định hình LCB trong từng trường hợp cụ thể. Án lệ RG, 11.04.1901 - Rep. VI. 443/00 năm 190134 đã định nghĩa về “vô đạo đức”: là cảm giác đúng đắn của những ai suy nghĩ công bằng35. Như vậy, những khoảng trống của pháp luật do tính thiếu chi tiết được cân nhắc cẩn trọng bởi LCB cần được hiện thực hóa ghi nhận thông qua một án lệ tiên phong, chuẩn mực.

Kết luận

Văn hóa pháp lý Việt Nam luôn đề cao công bằng, bảo đảm xét xử công bằng qua việc áp dụng tiền lệ trong hoạt động thực thi pháp luật. Từ việc nghiên cứu QCN từ Châu bản triều Nguyễn đến pháp luật quốc tế có thể rút ra một vài kinh nghiệm cho Việt Nam. Với Châu bản, QCN được pháp luật quốc tế hiện đại công nhận (quyền được bình đẳng trước pháp luật quyền được tiếp cận công lý) đã được bảo đảm. Trong bối cảnh mục tiêu quốc gia về xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm QCN về tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, việc bảo đảm khung pháp lý đầy đủ, thống nhất, mềm dẻo đáp ứng được mọi mặt của đời sống xã hội, LCB là yếu tố không thể thiếu trong tiến trình hoàn thiện pháp luật dân sự Việt Nam. Đó là việc nhận diện lẽ công bằng như là căn cứ áp dụng pháp luật được xem là kết quả của một quá trình tìm kiếm, suy nghĩ, lập luận và phương pháp phân tích phát triển chính là một trong những công cụ đắc lực phục vụ quá trình tư duy đó”36. Bài học lịch sử từ Pháp, Đức, kinh nghiệm và văn hóa pháp lý thể hiện qua Châu bản là gợi ý khả thi cho pháp luật Việt Nam thời hiện đại: bảo đảm quyền tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật thông qua áp dụng lẽ công bằng và án lệ.          

 

NGUYỄN LÊ THẢO HÀ (Thạc sĩ trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQGHCM )

Tài liệu tham khảo

1. Bộ ngoại giao - Ủy ban biên giới quốc gia (2013), Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Tri Thức, Hà Nội;

2. Nguyễn Văn Kết, Lê Huỳnh Hoa (2015), Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 - Từ quyền con người đến quyền tự quyết của một dân tộc, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) số tháng 9/2015.

3. Nguyễn Lê Thảo Hà, Nguyễn Văn Kết (2021), Luật Hồi tỵ qua Châu bản Triều Nguyễn với việc xây dựng và áp dụng pháp luật quản lý cán bộ, chống tham nhũng hiện nay, Kỷ yếu Việt Nam học lần thứ VI, Nxb. Khoa học và xã hội, tr.493.

4. Nguyễn Ngọc Điện (2022), Phương pháp phân tích luật viết. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.

5. Nguyễn Lê Thảo Hà (2024), Luận văn thạc sĩ Áp dụng lẽ công bằng trong xét xử tại Việt Nam: Nghiên cứu so sánh với một số quốc gia trên thế giới, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM, tr.24.

6. . Bryan A. Garner (2015). Black’s law dictionary 10th edition. Nxb Thomson Reuters West

7. Handcock, Percy Stuart Peache, ed (1920). The Code of Hammurabi, by Hammurabi, king of Babylonia. Nxb. Society for Promoting Christian Knowledge

8. Jerome J. Shestack (1998). The Philosophic Foundations of Human Rights. Tạp chí Human Rights Quarterly. Vol.20, No.2 (May 1998).


1 Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.

2 Universal Declaration of Human Rights (UDHR) của Đại hội đồng LHQ.

3 Điều 7 UDHR.

4 Điều 8 UDHR.

5 Jerome J. Shestack (1998), The Philosophic Foundations of Human Rights, Tạp chí Human Rights Quarterly. Vol.20, No.2 (May 1998), tr.201-234.

6 Nguyễn Lê Thảo Hà (2024), Luận văn thạc sĩ luật học Áp dụng lẽ công bằng trong xét xử tại Việt Nam: Nghiên cứu so sánh với một số quốc gia trên thế giới, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQGHCM, tr.24.

7 Nguyễn Văn Kết, Lê Huỳnh Hoa (2015), Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 - Từ quyền con người đến quyền tự quyết của một dân tộc, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam số tháng 9/2015, tr.29-34.

8 Bryan A. Garner (2015), Black’s law dictionary 10th edition, Nxb. Thomson Reuters West, pg.624.

9 International Convenant on Ecnomic, Social and Cultural Rights (ICESC) của Đại hội đồng LHQ.

10 International Covenant on Civil an Political Rights (ICCPR) của của Đại hội đồng LHQ.

11 Nguồn: United Nations Human Rights. 

12 Handcock, Percy Stuart Peache, ed (1920), The Code of Hammurabi, by Hammurabi, king of Babylonia, Nxb. Society for Promoting Christian Knowledge, tr.33.

13 Pháp quan: Chức quan của nhà nước La Mã đảm nhiệm những vấn đề tư pháp. Xem: Bryan A. Garner (2015), Sđd, tr.555.

14 J.A.K. Thompson (translate) (1955), Aristotle - The Nicomachean Ethics, Nxb. Penguin Group, (1137a -1138a).

15 J.A.K. Thompson (translate), Sđd, tr.141.

16 John Finnis (2011), Natural Law & Natural Rights (2nd Edition), Nxb. Oxford, tr.198, 03. 

17 Viện sĩ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện (2022), Phương pháp phân tích luật viết, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, tr.15.

18 Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2014.

19 Bộ ngoại giao - UBBGQG (2013), Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, tr.05.

20 Nguyễn Văn Kết (chủ biên), Lê Huỳnh Hoa (2015), Châu bản Triều Nguyễn, chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sức mạnh từ tài liệu lưu trữ, Nbx. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr.83,86. 

21 Hoàng Việt Luật Lệ (tập V), Nxb. Văn hóa thông tin, tr.821.

22 TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng 6, tập 197 - 198/13.

23 Cục VT và LTNN (1998), Mục lục Châu bản Triều Nguyễn. Nxb, Văn hóa, tập: 68 - 69/11.

24 Khoản 2 Điều 6 BLDS 2015.

25 Nguyễn Lê Thảo Hà, Nguyễn Văn Kết (2021), Luật Hồi tỵ qua Châu bản Triều Nguyễn với việc xây dựng và áp dụng pháp luật quản lý cán bộ, chống tham nhũng hiện nay, Kỷ yếu Việt Nam học VI, Nxb. Khoa học và Xã hội, tr.493.

26 TTLTQGI. Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, Tập 339, tờ số 71.

27 Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Họi đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

28 Nguyễn Lê Thảo Hà (2021), Sđd.

29 Cục VT và LTNN (1998), Sđd, tập: 74/11.

30 TTLTQGI. Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức. Tập 225, tờ số 90.

31 Viện sĩ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện (2023), Hệ thống Common Law và Equity: các vận dụng có thể có cho việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử tại tòa án Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02, tr.55-61.

32 Nguyễn Lê Thảo Hà (2022), Mối quan hệ giữa lẽ công bằng và án lệ trong hoạt động xét xử các vụ việc dân sự - Kinh nghiệm từ Cộng hòa Pháp, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia, Nxb. ĐHQG Tp. HCM, tr.55-70.

33 John.P. Dawson (1968), The oracles of the law, Nxb. ĐH Michigan, tr.432-502.

34 Án lệ RG, 11.04.1901 - Rep. VI. 443/00.

35 Như (34).

36 PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện (2017), Tiêu chí nhận dạng và đề xuất xây dựng án lệ, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 20/2017, tr.8-13.

Bản quốc hải cương chi Hoàng Sa xứ (Châu bản 18 - 2 tờ) - Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.