Quyền con người trong các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến vấn đề quyền con người trong các biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLHS 2015, có so sánh, đối chiếu với BLHS 2003.
Trong các lĩnh vực pháp luật, tố tụng hình sự là lĩnh vực rất nhạy cảm bởi mỗi một trình tự, thủ tục hay quyết định, hành vi trong tố tụng hình sự đều có khả năng xâm hại trực tiếp đến quyền con người. Do đó, hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự là một kênh rất quan trọng để bảo vệ quyền con người. Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự đã thông qua nhiều hình thức để bảo đảm quyền con người như: các nguyên tắc, các quy định quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng, bảo đảm quyền con người trong quy định về các biện pháp cưỡng chế, quy định quyền được bồi thường và phục hồi danh dự, quyền lợi…
1. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 80 BLTTHS 2003 – Điều 113 BLTTHS 2015)
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là biện pháp thường được áp dụng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo nhằm mục đích ngăn chặn hành vi phạm tội và việc lẩn trốn pháp luật của các bị can, bị cáo. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố hình sự hoặc người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam không phải là biện pháp ngăn chặn duy nhất, vì vậy không phải mọi bị can, bị cáo đều bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này.
Tuy nhiên, BLTTHS 2003 không quy định căn cứ để áp dụng biện pháp này, tương tự như vậy, BLTTHS 2015 cũng không quy định căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Do đó, chỉ có thể dựa vào mục đích của biện pháp ngăn chặn để xác định trường hợp nào cần bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Cụ thể là chỉ khi có căn cứ xác định bị can, bị cáo có ý thức trốn tránh, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét và thi hành án hoặc bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội thì mới được áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam. Cùng là những biện pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, nhưng trong khi các biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, tạm giam đều có căn cứ cụ thể để áp dụng thì bắt bị can, bị cáo để tạm giam lại không có bất kì một căn cứ áp dụng nào như vậy là không hợp lí, có thể dẫn đến trường hợp áp dụng tùy tiện. Do đó, thiết nghĩ BLTTHS cần bổ sung căn cứ áp dụng cho biện pháp này.
Vì đây là biện pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên chỉ có những người có thẩm quyền mới được ra lệnh bắt, khi thi hành lệnh bắt cần phải lập biên bản về việc bắt, giao lệnh bắt cho người bị bắt. Nội dung biên bản phải ghi rõ ngày giờ tháng năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ, tình hình sức khỏe của người bị bắt và những khiếu nại của người bị bắt. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng kí tên vào biên bản bắt, biên bản này cần được giao cho người bị bắt giữ một bản. BLTTHS 2003 không quy định phải ghi nhận tình hình sức khỏe của người bị bắt trong biên bản bắt nhưng nội dung này đã được BLTTHS 2015 bổ sung, thiết nghĩ việc quy định bổ sung như vậy là cần thiết và đảm bảo được quyền lợi của người bị bắt. Tuy nhiên cả hai BLTTHS vẫn chưa quy định cần giao cho người bị bắt giữ một biên bản bắt nhằm làm căn cứ để người bị bắt bảo vệ được quyền lợi của mình, tránh sự thất lạc, thậm chí sửa đổi nội dung của những người tiến hành tố tụng nếu có. Do đó, theo quan điểm cá nhân cần phải bổ sung quy định “biên bản bắt người cần được lập thành hai bản, phải giao cho người bị bắt giữ một bản” để góp phần bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người bị bắt.
BLTTHS 2003 quy định người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc biết. BLTTHS 2015 đã hoàn thiện quy định trên, bảo vệ tốt hơn quyền của người bị bắt bằng việc quy định cụ thể trong thời hạn 24 giờ, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo cho các đối tượng trên biết, ngoài ra còn phải thông báo cho cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt học tập biết và bổ sung trường hợp người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị bắt.
Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì khi cản trở đó không còn, người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay. Tuy nhiên, cả hai BLTTHS đều không quy định rõ trường hợp như thế nào bị coi là cản trở điều tra, trường hợp nào không cản trở điều tra để thông báo theo quy định của pháp luật. Như vậy, quyền lợi của người bị bắt sẽ có khả năng bị xâm hại khi người thân của họ không được thông báo về việc họ bị bắt. Do đó, BLTTHS cần quy định rõ hơn về vấn đề này để tạo cơ sở pháp lí vững chắc bảo vệ quyền lợi cho người bị bắt.
2. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 81 BLTTHS 2003 – Điều 110 BLTTHS 2015)
Khoản 1 Điều 81 BLTTHS 2003 đã quy định khá đầy đủ các căn cứ để áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 không quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp mà quy định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, sau đó, trong thời hạn 12 giờ, những người có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ và ra lệnh bắt người bị giữ. Về cơ bản, các căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp giống với căn cứ bắt người trong trường hợp khẩn cấp nhưng đã bổ sung thêm 2 trường hợp: người cùng thực hiện tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; có dấu vết của tội phạm trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần thiết ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Việc bổ sung hai căn cứ trên là hợp lí và đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, góp phần đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi chung của cộng đồng.
3. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã (Điều 82 BLTTHS 2003 – Điều 111, 112 BLTTHS 2015)
BLTTHS 2003 quy định hai trường hợp bắt người phạm tội quả tang và đang bị truy nã trong cùng một điều luật, nhưng BLTTHS 2015 đã tách hai trường hợp trên thành hai điều luật độc lập. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc tách như trên là hợp lí vì kết quả bắt của hai trường hợp là không giống nhau. Trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang, sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt, cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Còn trường hợp bắt người đang bị truy nã thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra lệnh tạm giam, sẽ không có trường hợp trả tự do cho người bị bắt.
Căn cứ để bắt người phạm tội quả tang là khi người này đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Căn cứ để bắt người đang bị truy nã là quyết định truy nã đối với họ. Căn cứ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền bắt người trong hai trường hợp này đã được BLTTHS quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho người bị bắt cũng như cộng đồng, xã hội.
4.Tạm giữ (Điều 86 BLTTHS 2003 – Điều 117 BLTTHS 2015)
Tạm giữ được áp dụng đối với người bị bắt/giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Về căn bản, quy định của BLTTHS 2015 về biện pháp tạm giữ không có khác biệt so với BLTTHS 2003, nhưng BLTTHS 2015 quy định quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lí do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ trong khi BLTTHS 2003 chỉ yêu cầu ghi rõ lí do tạm giữ và ngày hết hạn tạm giữ. Quyết định tạm giữ có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người của người bị tạm giữ do đó nó cần ghi nhận đầy đủ các thông tin họ tên và địa chỉ của người bị tạm giữ để xác định đúng đối tượng bị giữ, tránh trường hợp giữ sai người. Hơn nữa, thời hạn tạm giữ là 03 ngày do đó cần ghi nhận chính xác ngày, giờ bắt đầu và ngày, giờ hết hạn tạm giữ trong quyết định tạm giữ để đảm bảo không giữ người quá thời hạn luật định, đảm bảo một cách tốt nhất quyền con người và quyền công dân của người bị tạm giữ.
5.Tạm giam (Điều 88 BLTTHS 2003 – Điều 119 BLTTHS 2015)
Trong các biện pháp ngăn chặn thì tạm giam được coi là biện pháp ngăn chặn có tính nghiêm khác nhất bởi lẽ biện pháp này sẽ hạn chế quyền tự do thân thể của người bị áp dụng trong một thời gian khá dài. Những sai phạm trong việc áp dụng biện pháp tạm giam tuy chưa phổ bến nhưng đã xảy ra không ít, xâm hại nghiêm trọng đến quyền con người. Do đó, Nghị quyết 49/NQ-TW đã xác định một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp là phải: “Xác định rõ căn cứ tạm giam; hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm; thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam”. BLTTHS 2003 quy định đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm:
– Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng;
– Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 02 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
BLTTHS 2015 ngoài các trường hợp trên còn quy định thêm các trường hợp sau:
– Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 02 năm và có căn cứ xác định người đó thuộc các trường hợp: đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lí lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này;
– Bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu học tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Như vậy, BLTTHS 2015 đã quy định cụ thể và chặt chẽ các căn cứ để tạm giam bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 02 năm nhằm hạn chế các trường hợp tạm giam tùy tiện do không thống nhất cách hiểu đối với cụm từ “cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử” trong quy định của BLTTHS 2003. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 lại không quy định rõ như thế nào là “cung cấp tài liệu sai sự thật”, vậy ta có thể hiểu khi bị can, bị cáo cung cấp lời khai không đúng sự thật thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam không? Như vậy liệu có mâu thuẫn với quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội của bị can, bị cáo? Bị can, bị cáo là những người đang bị tình nghi, chúng ta không thể buộc họ cung cấp tài liệu chống lại chính họ. Do đó, nếu lấy hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật làm căn cứ để tạm giam bị can, bị cáo là không hợp lí và xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của họ. Vì vậy, BLTTHS 2015 cần có hướng dẫn giải thích rõ ràng như thế nào thì bị xem là “cung cấp tài liệu sai sự thật”. Ngoài ra, BLTTHS 2015 còn mở rộng trường hợp tạm giam đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm, như vậy là không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 49. Việc áp dụng biện pháp tạm giam – biện pháp ngăn chặn mang tính cưỡng chế nghiêm khắc nhất khi không thật sự cần thiết có thể sẽ xâm phạm đến các quyền tự do của con người.
6. Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 91 BLTTHS 2003 – Điều 123 BLTTHS 2015)
Điều 91 BLTTHS 2003 quy định về biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”, nhưng thực tiễn áp dụng biện pháp này cho thấy hiệu quả không cao. Do trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý, theo dõi bị can, bị cáo tại ngoại không được quy định rõ ràng nên nhiều trường hợp chính quyền cơ sở không theo dõi, quản lý chặt chẽ, để xảy ra trường hợp bị can, bị cáo trốn, gây khó khăn cho quá trình tiến hành tố tụng. Khi đó, khó có thể truy cứu trách nhiệm của người có nhiệm vụ quản lí, theo dõi, dẫn đến làm hạn chế tính hiệu quả của biện pháp ngăn chặn này. Tuy BLTTHS 2003 quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đều có quyền huỷ bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng trên thực tế rất ít khi họ thực hiện. Hơn nữa, luật lại không quy định thời hạn cụ thể khi áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, do đó, nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không quan tâm, dẫn đến thực tế một lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú có khi được sử dụng suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thậm chí có trường hợp lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vẫn tồn tại đến khi bị án chấp hành xong hình phạt. Chỉ khi bị can, bị cáo không có mặt theo giấy triệu tập hoặc khiếu nại thì biện pháp này mới được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm. Về phía bị can, bị cáo, tuy luật có quy định phải làm giấy cam đoan, nhưng lại không quy định nội dung cụ thể nên thiếu căn cứ để xử lí khi họ vi phạm. Và tuy luật có quy định khi bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng không nói rõ là biện pháp gì, có nghiêm khắc hơn hay không nên không nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ trong việc thực hiện các nghĩa vụ đã cam đoan.
Xuất phát từ những hạn chế trên của BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 đã bổ sung quy định về thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo đó, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Bên cạnh đó, Điều 123 BLTTHS 2015 còn quy định cụ thể, rõ ràng nội dung mà bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú phải cam đoan để có căn cứ xử lí khi họ vi phạm và xác định luôn nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì sẽ bị tam giam. Như vậy, BLTTHS 2015 đã góp phần hoàn thiện quy định về biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, nâng cao tinh thần trách nhiệm của bị can, bị cáo khi được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, đồng thời cũng nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và tạo cơ sở pháp lí rõ ràng cho những ngươi tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Qua đó, tăng cường tính khả thi và hiệu quả của biện pháp này.
7. Bảo lĩnh (Điều 92 BLTTHS 2003 – Điều 121 BLTTHS 2015)
Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế cho biện pháp tạm giam, được áp dụng căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo. Theo quy định của BLTTHS 2003, cá nhân có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình. Như vậy, BLTTHS 2003 chỉ quan tâm đến nhân thân của người nhận bảo lĩnh mà không quan tâm đến các vấn đề khác nhằm bảo đảm cho biện pháp bảo lĩnh có hiệu quả trong thực tế ví dụ như người nhận bảo lĩnh có đủ khả năng quản lí người bảo lĩnh hay không? Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân, tổ chức chỉ cần cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Nếu cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan, nhưng cụ thể họ sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào thì pháp luật không quy định. Do đó, cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh sẽ không có tinh thần trách nhiệm trong việc quản lí bị can, bị cáo, có thể dẫn đến trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội…khiến cho biện pháp ngăn chặn này không đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều 92 không quy định các nghĩa vụ mà bị can, bị cáo phải cam đoan thực hiện khi được áp dụng biện pháp bảo lĩnh, chỉ có thể suy luận từ cam đoan của cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh rằng bị can, bị cáo sẽ không được tiếp tục phạm tội và phải có mặt theo giấy triệu tâp của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Khi bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ thì sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, tương tự như cách quy định của biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, Điều 92 không quy định cụ thể bị can, bị cáo vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp gì, có nghiêm khắc hơn hay không nên sẽ không đảm bảo được họ nghiêm túc thực hiện những nghĩa vụ đã cam đoan. Ngoài ra, BLTTHS 2003 cũng không quy định về thời hạn bảo lĩnh. Xuất phát từ những hạn chế trong cách quy định của BLTTHS 2003 về biện pháp bảo lĩnh dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng rất e dè khi áp dụng, và biện pháp này rất ít khi được áp dụng trong thực tiễn.
BLTTHS 2015 đã kịp thời khắc phục các hạn chế trên bằng việc quy định cá nhân nhận bảo lĩnh ngoài các yêu cầu tương tự như quy định của BLTTHS 2003 còn phải có thu nhập ổn định và có điều kiện quản lí người được bảo lĩnh, trong trường hợp này phải có ít nhất 02 người nhằm đảm bảo tốt hơn khả năng quan lí được bị can, bị cáo, nâng cao hiệu quả khi áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Mặt khác, Điều 121 BLTTHS 2015 còn quy định cụ thể các nghĩa vụ mà bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải cam đoan thực hiện nhằm tạo căn cứ xử lí bị can, bị cáo cũng như cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh khi bị can, bị cáo được bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan. Cụ thể, bị can, bị cáo khi vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan sẽ bị tạm giam nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ. Đối với cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh khi thiếu trách nhiệm, để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì sẽ bị phạt tiền. Như vậy, BLTTHS 2015 đã quy định rõ ràng, cụ thể hậu quả pháp lí mà cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh phải gánh chịu, qua đó khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc quản lí bị can, bị cáo. Ngoài ra, BLTTHS 2015 còn quy định thời hạn bảo lĩnh để các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng biện pháp này có sự quan tâm và trách nhiệm hơn. Bằng các quy định bổ sung tại Điều 121, BLTTHS 2015 đã tạo cơ sở pháp lí vững chắc hơn cho các cơ quan tiến hành tố tụng mạnh dạn áp dụng biện pháp bảo lĩnh trong thực tế, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh, cũng như chính bản thân bị can, bị cáo. Từ đó, tăng tính khả thi và hiệu quả cho biện pháp này. Khi biện pháp bảo lĩnh được áp dụng thay thế biện pháp tạm giam càng nhiều thì quyền con người của bị can, bị cáo sẽ được đảm bảo càng tốt hơn.
8. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm (Điều 93 BLTTHS 2003 – Điều 122 BLTTHS)
Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam nhằm hạn chế việc tước tự do của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, trên thực tế, biện pháp này rất ít khi được áp dụng, một phần lí do là xuất phát từ các thiếu sót trong quy định của pháp luật. Hiện tại BLTTHS 2003 chỉ quy định cho bị can, bị cáo đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm cho sự có mặt của họ theo giấy triệu tập. Điều 93 không quy định bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp này, do đó, không có căn cứ để xử lí khi họ vi phạm. Chỉ khi bị can, bị cáo đã được triệu tập mà vắng mặt không có lí do chính đáng thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, một lần nữa luật lại không quy định biện pháp ngăn chặn khác là biện pháp gì, có nghiêm khắc hơn hay không, nên không có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm của bị can, bị cáo. Cũng giống như hai biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và bảo lĩnh, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm không có quy định về thời hạn áp dụng, đây là một thiếu sót trong kĩ thuật lập pháp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo. Do khi thời hạn áp dụng đã hết và bị can, bị cáo không vi phạm thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm trả lại tiền hoặc tài sản đã đặt cho họ.
BLTTHS 2015 đã nhận thấy và khắc phục những hạn chế trên khi quy định về thời hạn áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo lĩnh, quy định cụ thể các nghĩa vụ mà bị can, bị cáo phải cam đoan thực hiện khi được áp dụng biện pháp này để có căn cứ xử lí khi họ vi phạm, cụ thể khi bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì sẽ bị tạm giam và số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. BLTTHS 2015 có điểm mới hợp lí khi không còn quy định cho đặt tài sản để bảo đảm do tính khả thi của nó không cao, rất ít được áp dụng trong thực tế. Các thủ tục thu giữ, định giá và bảo quản tài sản…khá phức tạp và tài sản có thể bị giảm sút giá trị theo thời gian khiến các cơ quan tiến hành tố tụng thường rất ngại khi cho đặt tài sản để bảo đảm. Mặt khác, BLTTHS 2015 còn cho phép người thân thích của bị can, bị cáo đặt tiền để bảo đảm cho họ và phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ, nếu vi phạm thì số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Như vậy, BLTTHS đã mở rộng phạm vi chủ thể đặt tiền để bảo đảm nhằm tăng cơ hội cho bị can, bị cáo được tại ngoại, không bị tạm giam khi không cần thiết. Đồng thời bằng việc quy định trách nhiệm của người thân thích đặt tiền bảo đảm sẽ giúp họ có trách nhiệm trong việc quản lí bị can, bị cáo, qua đó nâng cao tính hiệu quả của biện pháp này, giúp hạn chế trường hợp bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn hoặc cản trở công tác điều tra, truy tố, xét xử. Khi thay đổi quy định, làm tăng tính khả thi của biện pháp đặt tiền để bảo đảm, các nhà làm luật đã tạo cơ sở pháp lí để áp dụng biện pháp này rộng rãi hơn, thay thế cho biện pháp tạm giam nhằm giảm các trường hợp hạn chế quyền tự do của con người.
9.Tạm hoãn xuất cảnh (Điều 124 BLTTHS 2015)
Đây là một biện pháp ngăn chặn mới được ghi nhận trong BLTTHS 2015, nhằm tạm dừng xuất cảnh có thời hạn đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam là bị can, bị cáo hoặc người bị tố giác, kiến nghị khởi tố mà có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn. Như vậy, BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm một biện pháp ngăn chặn hạn chế tước tự do có thể áp dụng đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam nhằm đảm bảo hơn quyền con người cho họ, nhưng đồng thời cũng đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả.
Nhìn chung, BLTTHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn các quy định về biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS 2003 theo hướng quy định cụ thể và chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân cho người bị buộc tội, cũng như đảm bảo cho quá trình tố tụng được công bằng và hiệu quả.
Cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục khởi tố, bắt giam đối với lãnh đạo Công ty Alibaba.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
xin tư vấn giúp
04:02 12/01.2025Trả lời