Quyền con người trong tố tụng hình sự
Quyền con người là giá trị mang tính phổ biến chung của nhân loại, là kết quả của quá trình đấu tranh, phát triển lâu dài của tất cả các dân tộc, nhân dân trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) quan điểm đổi mới của Đảng đã làm thay đổi nhận thức về vấn đề thực hiện và bảo vệ quyền con người. Quyền con người thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận và có sự tác động mạnh mẽ tới các quan hệ chính trị, pháp lý, xã hội, đồng thời đã được hiện thực hóa thành các quy phạm pháp lý cụ thể. Trong đó, quyền con người trong tố tụng hình sự quy định khá rõ nét.
1.Tố tụng hình sự liên quan trực tiếp đến quyền con người
Tố tụng hình sự là quá trình giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật bao gồm các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Mỗi giai đoạn thực hiện một nhiệm vụ nhất định nhưng cùng hướng đến mục đích chung là giải quyết mọi vấn đề của vụ án hình sự. Tuy độc lập, nhưng mỗi giai đoạn vẫn nằm trong mối quan hệ khăng khít với nhau và tạo thành một trình tự thống nhất; giai đoạn trước là tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn sau, giai đoạn sau kiểm tra giai đoạn trước. Mỗi giai đoạn tố tụng do một chủ thể thực hiện, nhưng các chủ thể có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa phối hợp vừa kiểm soát lẫn nhau để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Hoạt động này trước hết sẽ bảo vệ quyền lợi cho người bị hại trước sự xâm phạm của tội phạm. Bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong hoạt động này, tính quyền lực hay sức mạnh cưỡng chế của nhà nước tạo nên sự bất bình đẳng cho các bên khi tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dẫn đến quyền con người trong tố tụng hình sự lại là quyền dễ bị xâm phạm, dễ bị tổn thương nhất và hậu quả để lại cũng nghiêm trọng nhất khi nó động chạm đến quyền sống; quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo; quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện…. Do đó, hoạt động tố tụng hình sự trong mọi quốc gia phải thận trọng và chú trọng việc bảo vệ quyền con người, cụ thể là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, giảm thiểu các nguy cơ xâm phạm một cách bất hợp pháp.
Pháp luật quốc tế về quyền con người có những chuẩn mực tối thiểu đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong tố tụng hình sự được áp dụng trong phạm vi toàn cầu, không kể hệ thống chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Hệ thống các chuẩn mực tối thiểu về quyền con người trong tố tụng hình sự được quy định trong nhiều văn kiện, có thể tìm thấy trong các văn kiện quốc tế về quyền con người trong tố tụng hình sự như: Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 (UHDR); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR); Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân; Công ước chống tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục con người năm 1985… Các quy định trong các văn kiện trên tạo thành hệ thống các chuẩn mực tối thiểu về quy tắc ứng xử của cơ quan và nhân viên thực thi pháp luật cũng như đảm bảo cho bị can, bị cáo có các quyền pháp lý nhất định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại bất hợp pháp.
Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của một số Công ước quốc tế như: ICCPR (tham gia vào năm 1982); CRC (tham gia vào 1990); Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại năm 1968 (tham gia 1983).. Luôn nỗ lực thực hiện các cam kết của mình đồng thời chủ động hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, đề cao quyền con người của cá nhân và trách nhiệm của các quan chức thực thi pháp luật, tôn trọng và bảo đảm thực hiện nhằm giảm thiểu nguy cơ có thể xâm phạm quyền và các lợi ích hợp pháp của cá nhân khi thực thi công vụ. Có nhiều quyền con người có thể bị tác động trong lĩnh vực này, tuy nhiên bài viết này tập trung làm rõ những quyền bị tác động tương đối phổ biến nhất trong lĩnh vực tố tụng hình sự.
2.Những quy định cụ thể
2.1. Quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện
Trong Luật nhân quyền quốc tế, quyền này lần đầu tiên được quy định tại Điều 9 Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người, 1948 (UDHR): “Không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tùy tiện”, sau đó được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (ICCPR) cụ thể hóa hơn tại Điều 9 như sau: “ Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà pháp luật đã quy định.
Bất cứ người nào bị bắt giữ đều phải được thông báo vào lúc bị bắt về những lý do họ bị bắt và phải được thông báo không chậm trễ về sự buộc tội đối với họ.
Bất cứ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ vì một tội hình sự phải được sớm đưa ra tòa án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng tư pháp và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc được trả tự do. Việc tạm giam một người trong thời gian chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc chung, nhưng việc trả tự do cho họ có thể kèm theo những điều kiện để bảo đảm họ sẽ có mặt tại Tòa án để xét xử vào bất cứ khi nào và để thi hành án nếu bị kết tội.
Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước Tòa án, nhằm mục đích để Tòa án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp.
Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp đều có quyền được yêu cầu bồi thường”.
Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (ICCPR) đã được HRC/UNHRC giải thích tại Bình luận chung số 8 (phiên họp thứ 16, 1992) rằng:
– Phạm vi áp dụng Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (ICCPR): Cho tất cả những người bị tước tự do (những người bị buộc tội, tâm thần, lang thang, nghiện ma túy, người bị tước tự do vì mục đích giáo dục, kiểm soát nhập cư…)
- Thời hạn tạm giữ: theo quy định của pháp luật quốc gia nhưng Ủy ban khuyến nghị không nên tạm giữ quá hai ngày.
- Tổng thời gian bị tạm giam: thời gian bị tạm giam của người bị buộc tội phải phù hợp với thời hạn xét xử. Việc tạm giam trước khi xét xử chỉ nên coi là ngoại lệ và càng ngắn càng tốt.
- Nếu muốn tiến hành việc giam giữ như là một biện pháp ngăn chặn thì việc thực hiện phải có căn cứ; phải được thực thi theo đúng các trình tự, thủ tục luật định. Nếu biện pháp ngăn chặn bị sử dụng một cách tùy tiện thì nạn nhân phải được bồi thường.
Pháp luật Việt Nam quy định quyền này tại khoản 2, Điều 20 Hiến pháp năm 2013: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. Để đảm bảo quyền này, việc bắt, giam, giữ một người phải được tiến hành theo quy tắc nhất định, do những người có thẩm quyền quyết định và tuân thủ trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện là cốt lõi của tự do và an toàn cá nhân. Nếu quyền tự do và an toàn cá nhân của con người không được đảm bảo một cách hiệu quả thì việc bảo vệ các quyền cá nhân khác sẽ dễ bị tổn thương và không thực tế. Tuy vậy, trong tố tụng hình sự, quyền này vẫn có nguy cơ bị vi phạm khi các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn một cách tùy tiện, nhất là khi áp dụng biện pháp bắt người, tạm giữ và tạm giam để điều tra, truy tố và xét xử.
2.2. Quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục
Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người, 1948 (UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 (ICCPR) lần lượt ghi nhận quyền này tại Điều 5 (UDHR) và Điều 7 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) vào năm 1948 và 1966 nhưng lại không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về “tra tấn”. Phải đến năm 1984 thì Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT) mới đưa ra khái niệm về tra tấn như sau:
“Thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với, hoặc có liên quan đến, các biện pháp trừng phạt hợp pháp”.
Tuy nhiên, CAT cũng nêu rõ nội hàm của khái niệm trên được căn cứ vào mục đích của Công ước là để cuộc đấu tranh chống tra tấn và đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm được hiệu quả hơn.
Điều 5 UDHR ghi nhận: “Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”
Điều 7 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) nói rằng:
“Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó”
Việt Nam ký kết công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của Liên Hợp Quốc (UNCAT) và được Quốc hội phê chuẩn năm 2014. Việc tham gia công ước này thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của nhà nước cũng như quyết tâm duy trì văn hóa quyền con người đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013. Khoản 5 Điều 31 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự”, người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật. Đó chính là sự khẳng định về mặt pháp lý về bảo vệ quyền không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay bị hạ nhục. Có thể thấy quyền này có thể bị vi phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng trong tố tụng hình sự là rõ nét nhất, đặc biệt là tại giai đoạn điều tra khi việc áp dụng nhục hình người bị nghi ngờ phạm tội có thể được sử dụng như là cách nhanh nhất để lấy lời khai người buộc tội.
2.3. Quyền được xét xử nhanh chóng, không trì hoãn
Điểm c khoản 3 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định: “Người bị buộc tội được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý”
Bình luận chung số 32 tại phiên họp thứ 19, 2007 của UNHRC cũng xác định tại Điều 27:
“Một khía cạnh của phiên tòa công khai là tính chất nhanh chóng. Vấn đề xét xử không chậm trễ trong tố tụng hình sự được đề cập trong khoản 3c Điều 14, theo đó sự chậm trễ trong thủ tục tố tụng không thể biện minh bởi sự phức tạp của vụ án hoặc những hành vi của các bên là trái với nguyên tắc xét xử công bằng theo đoạn 1 của Điều 14. Trong trường hợp chậm trễ này là do thiếu nguồn lực thì cần bổ sung ngân sách cho thực thi pháp luật”.
Đây là một quyền quan trọng góp phần rất lớn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ pháp luật tố tụng. Việc chậm trễ không kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng về mặt vật chất, tinh thần và gây ra tâm lý không tốt cho những người tham gia tố tụng.
2.4. Quyền được xét xử công bằng
Đây thực chất là một tập hợp các đảm bảo tố tụng nhằm bảo đảm quá trình xét xử được công bằng, gồm: Bình đẳng trước Tòa án; Được xét xử bởi một tòa án độc lập, không thiên vị, công khai; Được suy đoán vô tội; Không bị áp dụng hồi tố; Không hình sự hóa vụ án dân sự.
Trong Luật nhân quyền quốc tế, quyền được xét xử công bằng đầu tiên được đề cập trong các Điều 10 và 11 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 (UDHR). Theo Điều 10, mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Điều 11 bổ sung thêm một số khía cạnh cụ thể, theo đó: Mọi người, nếu bị cáo buộc về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật tại một phiên toà xét xử công khai nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình. Không ai bị cáo buộc là phạm tội vì bất cứ hành vi hoặc sự tắc trách nào mà không cấu thành một phạm tội hình sự theo pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế vào thời điểm thực hiện hành vi hay có sự tắc trách đó. Cũng không ai bị tuyên phạt nặng hơn mức hình phạt được quy định vào thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện. Các quy định kể này sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong các Điều 14, 15 và 11 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR).
Trong pháp luật Việt Nam, quyền này được thể hiện bằng nhiều quy định trong Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự. Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đều ghi nhận quyền xét xử công bằng là quyền cơ bản của người bị buộc tội trước cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó, nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện rất rõ tại Điều 31 của Hiến pháp năm 2013, quyền được xét xử công bằng còn thể hiện ở những quy định bảo đảm quyền bào chữa cho người phạm tội, quyền tranh tụng tại các phiên tòa, quyền độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, việc quy định về bồi thường cả về vật chất và tinh thần khi có oan sai xảy ra..
Nhìn chung trong những năm qua, hoạt động tố tụng hình sự đã có những kết quả khả quan góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người bị vi phạm, đặc biệt là những quyền lợi quan trọng và cơ bản gây ra những hậu quả nặng nề, khó khắc phục, có khi là không thể khắc phục. Chính vì vậy, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự là vấn đề rất quan trọng cần được đề cao. Việc ban hành chính sách, quy định hợp lý, khả thi luôn phải đi đôi với việc đảm bảo thực hiện trên thực tế.
45 luật sư tham gia bào chữa trong phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm Ảnh PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận