Quyền Tư pháp và một số nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN VN
Quyền Tư pháp độc lập là một nguyên tắc hiến định của các Nhà nước dân chủ trên thế giới. Mức độ hiện thực hóa nguyên tắc là tiêu chí đánh giá vai trò của Nhà nước pháp quyền trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Trong những năm qua, quyền Tư pháp độc lập đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt và đảm bảo thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả nguyên tắc này cần thiết làm sáng tỏ nội hàm và mối quan hệ của nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập với các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước có khả năng chi phối, có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của quyền Tư pháp.
- 1.Độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1.1. Quan niệm về quyền tư pháp
Tư pháp theo nghĩa Hán Việt được hiểu là: “pháp đình y theo pháp luật mà xét định các việc ở trong phạm vi pháp luật”[1], theo tiếng Latinh “Tư pháp” – Justitia, theo tiếng Anh – Justition, có nghĩa là “công lý”, “pháp chế”.
Tức là, khi nói đến “Tư pháp” là nói đến công lý, đến việc phân xử và phán xét các tranh chấp theo quy định pháp luật và lẽ công bằng. Về bản chất, “Tư pháp là một lĩnh vực quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các Hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật.[2]”
Bản chất của Tư pháp hay hoạt động Tư pháp bắt nguồn từ quyền lực đặc biệt đó là quyền Tư pháp. Trong đó, quyền Tư pháp là một nội dung của quyền lực nhà nước, được định danh khi quyền lực nhà nước phân chia thành ba quyền độc lập với nhau, hỗ trợ cho nhau và kiểm soát lẫn nhau, đó là các quyền Lập pháp, quyền Hành pháp và quyền Tư pháp.
Trong lịch sử nhân loại, quyền Tư pháp lần đầu tiên được xuất hiện trong tác phẩm Tinh thần pháp luật của Montesquieu, đã giải thích: Quyền Lập pháp là quyền làm ra luật… sửa đổi hay hủy bỏ luật (đã ban Hành), quyền Hành pháp là quyền quyết định việc hòa hay chiến, gửi đại sứ đi các nước, thiết Lập an ninh, đề phòng xâm lược, còn quyền Tư pháp là quyền trừng trị tội phạm, phân xử tranh chấp giữa các cá nhân[3].
Quan niệm trên cũng được chia sẻ ở nhiều quốc gia và nhiều nhà nghiên cứu luật học trên thế giới và Việt Nam.
Theo định nghĩa của từ điển Black’s Law Dictionary, quyền Tư pháp (judicial power) là “thẩm quyền được trao cho tòa án và các thẩm phán xem xét và quyết định các vụ việc và đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc thi Hành đối với các vụ việc ấy; quyền giải thích và áp dụng pháp luật khi có tranh cãi phát sinh từ việc một điều gì đó có phù hợp hay không phù hợp với pháp luật điều chỉnh việc ấy[4].”
Ở Việt Nam, theo nhiều nhà nghiên cứu, quyền Tư pháp là: “quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động, Hành chính[5]”; “xét xử các Hành vi vi phạm hiến pháp, vi phạm pháp luật từ phía công dân và các cơ quan nhà nước; bảo vệ pháp luật, công lý, tự do của công dân và trật tự an toàn xã hội[6]”; “phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các Hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật[7].”
Mặc dù còn nhiều quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau về quyền Tư pháp, song nhận thức chung về quyền Tư pháp cốt lõi vẫn là quyền xét xử, là việc nhân danh nhà nước giải quyết tranh chấp, giải quyết xung đột xã hội trên cơ sở pháp luật và lẽ công bằng, thông qua xét xử, theo các thủ tục tố tụng luật định. Quyền Tư pháp do đó mà phân biệt với quyền Lập pháp (xây dựng chính sách, tạo Lập ra các quy tắc chung làm khuôn mẫu cho các Hành vi) và quyền Hành pháp (quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, tổ chức đời sống theo pháp luật).
Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm về Tư pháp và quyền Tư pháp đã có những bước phát triển để theo kịp với yêu cầu tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, đặc biệt là trong xu thế phát triển dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền trên thế giới. Khái niệm về quyền Tư pháp hiện nay đã không chỉ giới ở chức năng xét xử thuần túy (áp dụng các quy định của pháp luật vào các tranh chấp cụ thể để xác định sự đúng sai, hợp pháp/bất hợp pháp trong Hành vi của con người và xác định biện pháp chế tài tương ứng) mà đã mở rộng thêm nhiều quyền hạn khác bao gồm quyền giải thích pháp luật để phục vụ việc giải quyết vụ việc ấy, hoặc quyền tuyên vi hiến các Hành vi của cơ quan nhà nước và quyền tạo ra án lệ…
Mặt dù nội dung quan niệm về phạm vi quyền Tư pháp ở các quốc gia trên thế giới còn có nhiều điểm khác biệt nhau, tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới về quyền Tư pháp là mở rộng phạm vi của quyền Tư pháp không chỉ có chức năng xét xử mà còn có chức năng bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, lẽ công bằng… Đồng thời, cùng với sự phát triển của nhà nước và pháp luật thì việc xét xử của Tòa án càng mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Các lĩnh vực tranh chấp khác về quyền lợi và trách nhiệm cũng được chuyển sang cho Tòa án giải quyết.
1.2. Quan niệm về Quyền Tư pháp độc lập
Nhà nước pháp quyền là một biểu hiện của nền dân chủ, giá trị của văn minh nhân loại, một phương thức tổ chức quản lý xã hội đề cao pháp luật, dựa trên pháp luật để tổ chức bộ máy, sử dụng pháp luật để duy trì trật tự xã hội và trật tự công lý trong nhân dân. Do đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là xu hướng khách quan, một nhu cầu tất yếu đối với các Nhà nước trên thế giới. Việt Nam chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để tạo Lập một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Quyền Tư pháp độc lập là một tiêu chí đánh giá Nhà nước pháp quyền bên cạnh các tiêu chí: sự tối thượng của pháp luật, đặc biệt là sự tối thượng của hiến pháp và cơ chế bảo vệ sự tối thượng của pháp luật, hiến pháp – bảo hiến; bảo đảm tính chất chính trị và pháp lý của luật pháp (dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiệu lực, khả thi,…)… Trong tổ chức bộ máy Nhà nước, Lập pháp và Hành pháp không có sự phân chia tuyệt đối với nhau và Hành pháp vẫn can thiệp sang lĩnh vực Lập pháp, thậm chí các hoạt động Lập pháp còn là nhu cầu của Hành pháp, do đó ý nghĩa của quyền Tư pháp độc lập là cơ sở cho việc Tòa án xét xử một cách công bằng, bảo vệ hiệu quả quyền con người. Montesquieu cho rằng “không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không được tách khỏi quyền Lập pháp và quyền Hành pháp”. Một nền Tư pháp độc lập là nền tảng cho sự thịnh vượng của các nền kinh tế bởi vì chỉ có Tư pháp độc lập công dân mới có thể mong đợi các phán quyết của Tòa án dựa trên sự thật và pháp luật mà không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ tác động bất hợp pháp nào. Đặc biệt, quyền Tư pháp độc lập là phương tiện không thể thiếu để hạn chế chính quyền bằng luật. Vì vậy, quyền Tư pháp độc lập trở tHành một nguyên tắc quan trọng được mọi hiến pháp của các nước dân chủ quy định.
Ở Việt Nam, tại Điều 69 của bản Hiến pháp đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa – Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận: “Trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. Hiến pháp năm 1959, nguyên tắc này được quy định ở Điều 100: “Khi xét xử, Toà án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Hiến pháp năm 1980 ghi nhận ở Điều 131: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đến Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001) thì nguyên tắc này được ghi nhận ở Điều 130: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Hiến pháp năm 2013 đã quy định một cách cụ thể hơn so với các bản Hiến pháp trước đây: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm”. Như vậy, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập xét xử là độc lập trong mọi hoạt động tố tụng kể từ khi thụ lý cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử, chứ không chỉ giới hạn bởi “khi xét xử”. Việc “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm” cũng là bảo đảm cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn.
Tầm quan trọng của quyền Tư pháp độc lập cũng đã được ghi nhận trong luật quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 xây dựng các điều kiện để công lý có thể được duy trì (bao hàm về tính độc lập của Tòa án). Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948 quy định, mọi người đều có “quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập và khách quan” (Điều 10). Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 ghi nhận “quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập , không thiên vị và được Lập ra trên cơ sở pháp luật” (khoản 1 Điều 14), “quyền được xét xử ngay mà không bị trì hoãn vô lý” (khoản 3 Điều 14).
Quyền Tư pháp độc lập đòi hỏi sự khách quan và vô tư của người làm công tác xét xử. Thẩm phán phải là người được tự do thẩm định, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một tác động nào. Có hai khía cạnh về tính độc lập tư pháp là độc lập bên ngoài và độc lập bên trong. Độc lập với bên ngoài nghĩa là Tư pháp phải hoàn toàn độc lập với các cá nhân, cơ quan, tổ chức và những tác động khác ảnh hưởng đến tính đúng đắn, khách quan của cá nhân các Thẩm phán. Độc lập bên trong nghĩa là Thẩm phán phải độc lập với đồng nghiệp xung quanh, các tHành viên Hội đồng xét xử, với cấp trên và ngay cả trước lợi ích cá nhân của bản thân họ. Sự vô tư của Thẩm phán khi xét xử đòi hỏi Thẩm phán có trách nhiệm trước pháp luật và với chính lương tâm của mình. Độc lập tức là không được tác động đối với việc xét xử của Tòa án, vô tư là yêu cầu Tòa án không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác động nào.
Tuy nhiên, quyền Tư pháp độc lập không có nghĩa là độc lập với mọi sự hạn chế, mà là sự độc lập được giới hạn bởi việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán. Đồng thời, chính việc tuân theo pháp luật là cơ sở vững chắc để đảm bảo cho sự độc lập của quyền Tư pháp. Nói cách khác, Tư pháp chỉ được độc lập trong khuôn khổ pháp luật. Độc lập tư pháp và tuân theo pháp luật là hai nội dung không tách rời nhau. Nếu chỉ độc lập mà không tuân theo pháp luật sẽ dẫn đến biệt Lập, tùy tiện. Chỉ tuân theo pháp luật mà không dựa trên quyền Tư pháp độc lập có thể tạo ra sự cứng nhắc, máy móc. Quyền Tư pháp độc lập là điều kiện tiên quyết để Tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý. Quyền tư pháp tuân theo pháp luật điều kiện bắt buộc bảo đảm cho Tòa án thực hiện đúng đắn quyền tư pháp.
- 2.Mối quan hệ giữa nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập và nguyên tắc Đảng lãnh đạo
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước, trong đó có cơ quan thực hiện quyền Tư pháp – Tòa án, là nguyên tắc xuyên suốt tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống Tòa án nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng không vi phạm nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập mà còn đảm bảo thực hiện tốt các nội dung của nguyên tắc này.
Đảng lãnh đạo không vi phạm nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập do phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đảng lãnh đạo nhưng không thực hiện quyền lực Nhà nước mà phải thông qua bộ máy Nhà nước để thực hiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của mình. Sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan Tư pháp là sự lãnh đạo chính trị, Đảng không làm thay các cơ quan Tư pháp, tôn trọng, đề cao các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cơ quan Tư pháp, trong đó có nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập .
Đảng lãnh đạo cơ quan Tư pháp có nội dung toàn diện trên các mặt: lãnh đạo về chính trị, tư tưởng; về tổ chức, cán bộ; về định hướng công tác. Đảng đề ra các nguyên tắc, quan điểm lớn làm cơ sở xây dựng tổ chức và hoạt động của các cơ quan Tư pháp, vạch ra đường lối, định hướng trong các lĩnh vực hoạt động của các cơ quan Tư pháp. Nhưng Đảng không can thiệp trực tiếp vào việc xét xử, giải quyết một vụ việc cụ thể của các cơ quan Tư pháp. Nội dung lãnh đạo cũng không chứa đựng các vấn đề nội dung giải quyết vụ việc cụ thể.
Đảng lãnh đạo đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập thể hiện ý nghĩa, vai trò của lãnh đạo Đảng đối với cơ quan Tư pháp.
Trên cơ sở tôn trọng và ghi nhận nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập , các cấp ủy Đảng có nhiệm vụ quán triệt, xây dựng nhận thức chính trị thực hiện nghiêm túc nguyên tắc trong toàn bộ cán bộ, đảng viên. Nhờ vậy, nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Đồng thời, trong lãnh đạo về công tác tổ chức, cán bộ, Đảng xác định chức năng, nhiệm vụ, xây dựng tổ chức, bộ máy của các cơ quan Tư pháp đảm bảo nguyên tắc độc lập ; đề ra các mục tiêu và giải pháp lớn để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan Tư pháp trong sạch, vững mạnh, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, đủ bản lĩnh, dũng cảm bảo vệ công lý, bảo đảm hoạt động theo đúng pháp luật, có thể độc lập trong thực hiện nhiệm vụ xét xử. Đảng thông qua các tổ chức đảng, đóng vai trò chính và quyết định việc đề cử nhân sự vào hệ thống các cơ quan Tư pháp các cấp.
Trong công tác chuyên môn, “Đảng chỉ đạo hoặc cho ý kiến về nguyên tắc chung trên cơ sở quy định của pháp luật trong giải quyết, xử lý tội phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, các vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ thuộc diện quản lý của các cấp ủy đảng, các vụ án có liên quan đến đối ngoại.[8]”, và không quyết định những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp.
Tóm lại, Đảng lãnh đạo cơ quan Tư pháp là nội dung quan trọng và cần thiết đảm bảo nguyên tắc quyền độc lập Tư pháp. Đảng chỉ lãnh đạo về chủ trương, đường lối, không can thiệp, làm thay và lãnh đạo hoạt động Tư pháp tuân theo quy định pháp luật.
- 3.Mối quan hệ giữa nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập và nguyên tắc kiểm soát quyền lực Tư pháp
Kiểm soát được hiểu là “xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định.[9]”
Kiểm soát quyền lực Nhà nước là một vấn đề phức tạp song cần thiết xuất phát từ đặc tính của quyền lực Nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhằm mục đích khắc phục sự tha hóa của quyền lực, đưa quyền lực trở về đúng nội dung chân chính là quyền lực của nhân dân, thực hiện chức năng công quản lý xã hội. Kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được sử dụng đúng mục đích, quyền lực được thực thi hiệu quả. Là một nội dung của quyền lực Nhà nước, quyền lực Tư pháp cũng cần phải được kiểm soát.
Tuy nhiên, đối với quyền lực Tư pháp vốn là phạm vi quyền lực có tính độc lập cao nhưng nó luôn phải đặt trong nhu cầu tiết chế, kiểm soát chặt chẽ. Vậy kiểm soát quyền lực Tư pháp và quyền Tư pháp độc lập cần được hiểu theo những phạm vi như thế nào và tác động với nhau ra sao?
Theo nghĩa chung nhất, kiểm soát quyền lực Tư pháp là hệ thống những cơ chế, biện pháp được thực hiện bởi Nhà nước và xã hội nhằm giữ cho quyền lực Tư pháp được thực thi đúng mục đích, hiệu quả.
Xét theo nghĩa rộng, kiểm soát quyền lực Tư pháp chính là việc tổ chức, thực thi quyền lực Tư pháp đúng mục đích, hiệu quả nhất. Để đạt được mục tiêu này, việc tổ chức và thực hiện quyền lực Tư pháp phải dựa trên các nguyên tắc nhất định và kiểm soát quyền lực Tư pháp cũng phải thống nhất trên cơ sở các nguyên tắc đó. Theo nghĩa này, nguyên tắc quyền lực Tư pháp độc lập là một nội dung của kiểm soát quyền lực Tư pháp. Quyền Tư pháp phải độc lập với quyền Lập pháp và quyền Hành pháp. “Cũng không có gì là tự do nếu quyền Tư pháp không tách khỏi quyền Lập pháp và quyền Hành pháp. Nếu quyền Tư pháp nhập lại với quyền Lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền tự do của công dân; quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền Tư pháp nhập lại với quyền Hành pháp thì quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp.[10]”
Xét theo nghĩa hẹp, kiểm soát quyền lực Tư pháp là toàn bộ những cách thức, quy trình, biện pháp mà dựa vào đó Nhà nước và xã hội có thể ngăn chặn, loại bỏ những Hành động sai trái của chủ thể quyền lực Tư pháp, điều chỉnh việc thực thi quyền lực Tư pháp đảm bảo mục đích và hiệu quả. Kiểm soát quyền lực Tư pháp gồm hệ thống các cơ chế kiểm soát, từ trên ngoài và bên trong hệ thống, thông qua các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước như: hạn chế phạm vi quyền lực nhà nước, sự kiểm soát của nhân dân và xã hội, sự kiểm soát của nhà nước[11]. Những cơ chế kiểm soát này tác động ở mức độ khác nhau đến thực thi quyền lực Tư pháp không nhằm mục đích nào khác là để quyền lực Tư pháp được thực thi theo đúng chức năng, nguyên tắc của mình. Kiểm soát quyền lực Tư pháp đảm bảo quyền lực Tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Kiểm soát quyền lực Tư pháp không mâu thuẫn hay tác động tiêu cực đến nguyên tắc độc lập Tư pháp.
Đồng thời, kiểm soát quyền lực tư pháp cũng chỉ trong giới hạn của nguyên tắc độc lập tư pháp. Độc lập tư pháp không phải là mục đích tự thân nhưng là phương tiện, công cụ để đạt đến những mục đích trong thực thi quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, tư pháp chỉ được độc lập trong khuôn khổ pháp luật. Từ đó, yêu cầu đặt ra là kiểm soát quyền lực Tư pháp phải được tiến Hành thông qua các cơ chế, phương thức và nội dung đặc thù, theo đó, hoạt động kiểm soát luôn bị giới hạn bởi tính chất độc lập của tư pháp trên cả ba bình diện: (1) sự độc lập của nhánh quyền lực Tư pháp so với nhánh quyền lực Lập pháp và Hành pháp. Theo đó, Tòa án phải độc lập về thể chế, nghĩa là phải có hệ thống tổ chức với những quy chế hoạt động riêng, không trùng và không thể giống với Lập pháp và Hành pháp; (2) sự độc lập của Thẩm phán và Bồi thẩm, Hội thẩm nhân dân khi xét xử, loại trừ mọi Hành vi can thiệp trực tiếp hay gián tiếp của các cá nhân, tổ chức khác; (3) sự độc lập của mỗi cấp xét xử, hệ thống Tòa án được thiết kế theo cấp xét xử, chứ không theo hệ thống dọc từ trung ương đến cấp xã theo kiểu quan hệ “trên – dưới”[12].
Ở Việt Nam, cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền Lập pháp, Hành pháp và tư pháp được đặt ra trực tiếp và cụ thể trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền Lập pháp, Hành pháp và tư pháp”. Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã quy định tại khoản 3, Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền Lập pháp, Hành pháp, tư pháp”. Việt Nam cũng đã xây dựng được nhiều cơ chế để kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát quyền lực tư pháp nói riêng. Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý để việc kiểm soát quyền lực Tư pháp và nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập được duy trì và hiệu quả.
- 4.Mối quan hệ giữa nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập và nguyên tắc giám sát quyền lực của nhân dân
Quyền lực Nhà nước nói chung, quyền Tư pháp nói riêng là quyền lực thống nhất của nhân dân, thuộc về nhân dân, do đó nhân dân có quyền giám sát để quyền lực đó duy trì được sự thống nhất về bản chất, cũng như thống nhất về mục tiêu, định hướng. Việc giám sát thực hiện quyền lực nhà nước còn có ý nghĩa đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực hiện một cách khoa học, hiệu quả. Nhân dân giám sát quyền lực Nhà nước trong đó có quyền lực Tư pháp thông qua các cơ quan dân cử và giám sát xã hội.
Giống như kiểm soát, giám sát cũng có mục đích đảm bảo quyền lực Tư pháp được vận Hành theo đúng bản chất, đó là quyền lực Tư pháp phải độc lập . Tuy nhiên, giám sát quyền lực có phạm vi hẹp hơn, không bao gồm các hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhưng giám sát thể hiện tính độc lập trong tác động đến quyền lực Tư pháp. Do đó, về bản chất, giám sát ít “tiềm ẩn” tác động tiêu cực đến tính độc lập của quyền Tư pháp.
Giám sát của nhân dân thông qua các cơ quan dân cử là một trong các nội dung của kiểm soát quyền lực bên ngoài hệ thống đối với quyền lực Tư pháp. Giám sát trực tiếp của nhân dân đối với quyền lực Tư pháp không mang tính quyền lực nhà nước, không có hiệu quả pháp lý trực tiếp. Thực hiện quyền này, nhân dân có quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nếu thấy rằng quyền lực Tư pháp không được thực hiện độc lập hoặc có vi phạm pháp luật. Thông qua các phản biện của nhân dân, chủ thể quyền Tư pháp cũng phải thận trọng hơn, độc lập hơn khi giải quyết vụ việc. Không những thế chỉ cần xây dựng cơ chế phản biện của nhân dân cũng đủ phòng ngữa, răn đe sự vi phạm nguyên tắc độc lập khi thực hiện quyền Tư pháp. Để việc giám sát của nhân dân được thực chất, cũng cần xây dựng hệ thống các cơ chế đảm bảo nguyên tắc giám sát quyền lực của nhân dân đối với quyền Tư pháp: minh bạch hoạt động Tư pháp – công khai quá trình tố tụng, công khai bản án; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận công lý của nhân dân; quy định quy chế xử lý trách nhiệm đối với người tiến Hành tố tụng khi có vi phạm,…
- Kết luận
Nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập đã được Đảng, Nhà nước quán triệt về mặt nguyên tắc, quy định và đang cố gắng đảm bảo trên thực tế. Nghiên cứu về lý luận, nguyên tắc quyền Tư pháp độc lập thống nhất, không mâu thuẫn với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước như: nguyên tắc Đảng lãnh đạo, kiểm soát quyền lực Tư pháp, giám sát quyền lực của nhân dân. Không những vậy, những nguyên tắc này còn là cơ sở đảm bảo cho quyền Tư pháp thực sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật./.
[1] Xem Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1996.
[2] Nguyễn Đăng Dung, Thể chế Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr.11
[3] Montesquieu, Bàn về tinh thần pháp luật, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 20006, tr. 105-106.
[4] Bryan. Garner (ed.), Black’s Law Dictionary, 9th ed, 2009, tr. 924.
[5] Viện khoa học pháp lý, Từ điển luật học, NxbTừ điển Bách khoa, 2006, tr. 657.
[6] GS. VS. Nguyễn Duy Quý và PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân: Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, 2008, tr.60.
[7] Nguyễn Đăng Dung, Thể chế Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr.11
[8] Xem: TS Nguyễn Quang Hiền, Nguyên tắc “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” – thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện (http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/282)
[9] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1997
[10] Montesquieu: Tinh thần pháp luật, Hoàng Thanh Đạm dịch, Nxb. Giáo dục, 1996, tr.100
[11] Xem thêm: TS. Trịnh Thị Xuyến, Kiểm soát quyền lực nhà nước Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb CTQG, 2008
[12] Đào Trí Úc, Bàn về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Luật học, số 8 (123)/2010, từ trang 61.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận