Quyền và nghĩa vụ của đương sư trong vụ án dân sự – Những bất cập cần khắc phục
Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mỗi đương sự thì pháp luật quy định có quyền và nghĩa vụ riêng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về vấn đề này còn có những bất cập, khiến công tác giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án gặp nhiều khó khăn.
1.Đương sự
Theo quy định của pháp luật, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Do vậy, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Theo đó, Đối với nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do BLTTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
Còn bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khi tham gia với tư cách là đương sự trong vụ án thì các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.
2.Bất cập trong xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự
Tuy nhiên việc xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự còn nhiều bất cập, không thể hiện đầy đủ và tương xứng các quyền của đương sự trong việc yêu cầu Tòa án giải quyết. Từ đó, dẫn đến hạn chế quyền của đương sự trong vụ án hoặc khi gặp phải trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng cũng lúng túng trong cách giải quyết.
2.1. Nguyên đơn
Ngoài các quyền và nghĩa vụ chung của các đương sự quy định tại Điều 70 của BLTTDS năm 2015 thì nguyên đơn cũng được pháp luật ghi nhận các quyền và nghĩa vụ riêng quy định tại Điều 71 của Bộ luật này. Cụ thể nguyên đơn có quyền thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Pháp luật không ghi nhận quyền yêu cầu của nguyên đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Bởi lẽ, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 73 BLTTDS năm 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn. Trường hợp quyền yêu cầu độc lập này của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nghĩa vụ mà nguyên đơn phải thực hiện và nguyên đơn cũng có yêu cầu ngược lại với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì BLTTDS hiện hành chưa ghi nhận.
Ví dụ: A và B ký hợp đồng mua bán xe ô tô với giá 500 triệu đồng, B trả trước cho A 400 triệu, còn nợ 100 đồng, hẹn 01 tháng sau sẽ trả. Đến hạn, A nhiều lần yêu cầu nhưng B không trả. A khởi kiện B ra Tòa án để yêu cầu B trả tiền còn nợ. Sau đó Tòa án đưa C vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do giấy tờ xe ô tô còn đứng tên của C. Khi biết sự việc C có đơn yêu cầu độc lập với A. Do trước đó xe này A mua lại từ C nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên và A còn nợ C số tiền 150 triệu đồng. Tiếp đó A có yêu cầu ngược lại đối với C để đòi nợ vay của C, cho rằng C có vay số tiền 100 triệu đồng đến nay chưa trả, có biên nhận kèm theo.
Như vậy, trong vụ án xảy ra nhiều mối quan hệ pháp luật đan xen nhau, A là nguyên đơn khởi kiện, bị đơn là B, còn C là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu A thực hiện nghĩa vụ và A có yêu cầu ngược lại đối với C mà bắt buộc Tòa án phải giải quyết trong cùng vụ án. Theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của C; yêu cầu độc lập của C có liên quan đến vụ án đang được giải quyết và yêu cầu độc lập của C được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Mặt khác, đối với yêu cầu của A đối với C cũng rất chính đáng và mang dáng dấp của một yêu cầu phản tố. Bởi, theo quy định tại Điều 200 BLTTDS năm 2015 thì yêu cầu phản tố của bị đơn để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Trường hợp này yêu cầu của A để bù trừ nghĩa vụ với C, pháp luật có quy định quyền phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không quy định quyền phản tố của nguyên đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là sự thiếu sót, bất cập. Quá trình áp dụng pháp luật còn nhiều lúng túng, bởi không quy định nên A có làm đơn yêu cầu đối với C không, yêu cầu của A là yêu cầu độc lập, hay yêu cầu phản tố và A có phải nộp tiền tạm tiền tạm ứng án phí hay không, thời điểm A được quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ra sao.
Rất nhiều vấn đề mà hiện nay luật chưa quy định để tạo cơ sở pháp lý về trường hợp yêu cầu của nguyên đơn đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong cùng vụ án, gây khó khăn cho quá trình giải quyết và thực tế sự việc vẫn thường xuyên xảy ra hiện nay. Do vậy, kiến nghị pháp luật cần sửa đổi, bổ sung về quyền yêu cầu phản tố của nguyên đơn đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
2.2. Bị đơn
Theo quy định tại Điều 72 BLTTDS năm 2015 trong một vụ án bị đơn có các quyền và nghĩa vụ sau:
“1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.
Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.”
Theo quy định tại Điều này thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc đưa ra yêu cầu này có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định tại Điều 200 BLTTDS năm 2015 thì “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập” và “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.” Quy định trên xác định bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trong khi đó quy định tại Điều 72 Bộ luật này chỉ xác định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, hai quy định trên có sự mâu thuẫn và chưa quy định rõ ràng về quyền yêu cầu của bị đơn đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập, gây không ít khó khăn cho việc xác định và áp dụng pháp luật. Cho nên pháp luật cần có văn bản hướng dẫn, quy định thống nhất là bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
2.3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Theo quy định tại Điều 73 BLTTDS năm 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này hoặc nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 của Bộ luật này. Quy định trên thể hiện trong một số trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng có quyền lợi hay nghĩa vụ như của nguyên đơn, bị đơn. Tuy nhiên, xét trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự thì nguyên đơn, bị đơn là chủ thể đặc biệt được pháp luật ghi nhận có quyền, nghĩa vụ đặc trưng so với những chủ thể tham gia tố tụng tụng khác. Do vậy, chỉ nguyên đơn, bị đơn mới được pháp luật trao cho các quyền và thực hiện các nghĩa vụ nhất định khi tham gia tố tụng. Còn việc người có quyền, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc bị đơn thì chỉ liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ nhất định trong vụ án dân sự.
Ví dụ: Liên quan đến quyền khởi kiện thì chỉ nguyên đơn mới có làm đơn khởi kiện, thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn không có quyền này. Hoặc trong trường hợp của bị đơn, thì trong vụ án dân sự chỉ có bị đơn mới có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bị đơn không có quyền này. Cho nên pháp luật quy định người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan có quyền, nghĩa vụ như của nguyên đơn, bị đơn khi tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hay bị đơn là không phù hợp. Do vậy, kiến nghị pháp luật sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo hướng “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc tham gia tố tụng với bên bị đơn thì có quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định”.
Tóm lại, với những hạn chế, thiếu sót trong quy định của pháp luật dẫn đến việc áp dụng còn chưa thống nhất, một số nơi có cách hiểu sai và áp dụng không chính xác tinh thần của quy định. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật cho thống nhất.
Bị đơn dân sự tại một phiên tòa – Ảnh: Nam Phương
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận