Quyết định kháng nghị tái thẩm có tình tiết nào mới?!
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án. Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC đối với Bản án phúc thẩm số 253/2011/KDTM-PT ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội có nội dung gì mới…
Căn cứ tái thẩm
Ngày 12/8/2021, Viện trưởng VKSNDTC ban hành Quyết định kháng nghị số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử tái thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 253/2011/KDTM-PT ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội; hủy Bản án sơ thẩm số 12/2011/KDTM-ST ngày 28/01/2011 của TAND TP. Hà Nội để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Quyết định kháng nghị số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM nhận định: “Hợp đồng cam kết 458/HĐCNQSDĐ là giao dịch dân sự có điều kiện, không phải hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng khi xét xử Tòa án lại nhận định đây là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tuyên Hợp đồng vô hiệu là không dựa vào tình tiết khách quan, đánh giá sai bản chất và kết luận trái pháp luật”. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm “cho rằng lô đất C/D13 chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và tuyên Hợp đồng này vô hiệu là kết luận trái pháp luật và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Quyết định tái thẩm còn nêu thêm hai căn cứ là năng lực tài chính của Công ty CIRI và lô đất tương tự được giao dịch thành công.
Điều 351 BLTTDS năm 2015 về tính chất của tái thẩm quy định: Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Theo Điều 352, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án; Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
Do đó, chắc chắn Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ xem xét Quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDTC theo đúng quy định của pháp luật.
Tình tiết mới?
Vấn đề Quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDTC nêu ra đã được xem xét tại Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2009/KDTM-GĐT ngày 18/12/2009. Trong đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã bác kháng nghị số 18/QĐ-KNGĐT-V12 ngày 16/6/2009 của Viện trưởng VKSNDTC, với nhận định: “Hợp đồng cam kết 458/HĐCNQSDĐ, ngày 11/10/2006, giữa Công ty CIRI và Công ty Vạn Niên không phải là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chỉ là giao dịch dân sự có điều kiện, nhưng có nội dung trái pháp luật.
Cụ thế là Hợp đồng đã vi phạm Điều 62 Luật Đất đai quy định về điều kiện để đất tham gia thị trường bất động sản; điểm e khoản 2 Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện đối với bất động sản đưa vào kinh doanh; điểm a khoản 8 Điều 2 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ quy định về việc chuyển nhượng QSDĐ của các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê và Điều 5 Quyết định số 3206/QĐ-UBND ngày 15/8/2007 của UBND TP. Hà Nội về việc thu hồi 7.220,9 m2 đất tại lô C/D13 Khu đô thị mới Cầu Giấy, giao cho CIRI để xây dựng nhà ở chung cư (căn cứ vào các quy định nêu trên thì Công ty CIRI không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất đã được UBND TP. Hà Nội giao để thực hiện dự án đầu tư là xây dựng nhà chung cư khi chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng theo dự án được duyệt hoặc theo dự án thành phần của dự án đầu tư đã được xét duyệt), xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, nên vô hiệu ngay từ khi giao kết. Toà án các cấp phải xem xét giải quyết đối với hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật".
Sau đó, Bản án sơ thẩm số 12/2011/KDTM-ST ngày 28/01/2011 của TAND TP. Hà Nội và Bản án phúc thẩm số 253/2011/KDTM-PT ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đều xét xử theo nội dung nhận định của Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Ngày 21/12/2014 TANDTC cũng có Thông báo số 498a/TB giải quyết đơn đề nghị của Công ty Vạn Niên nêu rõ quan điểm: Về nội dung, tại thời điểm các bên giao kết Hơp đồng thì Luật Đất đai năm 2003 đang có hiệu lực thi hành. Thông báo viện dẫn Điều 62 Luật Đất đai 2003; điểm a khoản 8 Điều 2 Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất để kết luận: Công ty CIRI không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất C/D3 khi chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng… nên Hợp đồng vô hiệu ngay từ khi ký kết. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 253/2011/KDTM -PT ngày 21/12/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội.
Quan điểm nhất quán
Công ty Vạn Niên sau đó vẫn kiên trì khiếu nại đến VKSNDTC, TANDTC đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 253/2011/KDTM-PT nêu trên.
Do đó, ngày 22/9/2020, TANDTC lại có Thông báo số 504/TB-TA giải quyết đơn khiếu nại của Công ty Vạn Niên, tiếp tục khẳng định: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên Hợp đồng cam kết 458/HĐCNQSDĐ, ngày 11/10/2006, giữa Công ty CIRI và Công ty Vạn Niên “vô hiệu là có căn cứ”.
Về bồi thường thiệt hại do hợp đồng bị vô hiệu, Thông báo nêu rõ, do Hợp đồng cam kết số 458/HĐCNQSDĐ, ngày 11/10/2006 cả Công ty CIRI và Công ty Vạn Niên đều có lỗi, do chưa được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, khoản 8.1.1 Điều 8 của Hợp đồng Công ty CIRI và Công ty Vạn Niên đã thỏa thuận: “Trong trường hợp bên A không thực hiện đầy đủ các điều khoản đã quy định trong Hợp đồng này, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày vi phạm bên A phải làm các thủ tục hoàn trả ngay cho bên B số tiền mà các bên đã thanh toán cho bên A và các cơ quan nhà nước có liên quan, đồng thời phải chịu phạt vi phạm thỏa thuận bằng 10% giá trị Hợp đồng, căn cứ vào mức giá do hai bên thỏa thuận chuyển nhượng được quy định tại Điều 3 của Hợp đồng này”. Như vậy, các bên đã thỏa thuận việc xử lý vi phạm trong trường hợp bên Công ty CIRI không thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng nhưng không phải bồi thường thiệt hại, do đó Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc Công ty CIRI phải hoàn trả cho Công ty Vạn Niên số tiền gốc 65.124.000.000đ và tiền lãi 24.698.277.000đ là bảo đảm quyền lợi cho Công ty Vạn Niên.
Thông báo cũng cho biết: Ngày 19/12/2019, Công ty Vạn Niên mới có đơn đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm theo thủ tục tái thẩm, nhưng Công ty Vạn Niên không cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới làm căn cứ tái thẩm theo quy định tại Điều 351 BLTTHS năm 2015 và thời hạn xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đã hết. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm Bản án số 253/2011/KDTM -PT nêu trên.
Quan điểm của các cấp Tòa án, nhất là TANDTC trong vụ án này là thống nhất. Vụ án đã kéo dài quá lâu, hy vọng rằng phiên họp Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét Quyết định Kháng nghị tái thẩm số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM sắp tới sẽ giải quyết dứt điểm vụ án để hạn chế tổn thất cho các bên.
Khu đô thị mới Cầu Giấy - Ảnh: Hạ Vũ
Bài liên quan
-
Thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Tây Ninh: Bản án có hiệu lực đã 2 năm, người dân mòn mỏi chờ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
-
Chủ tịch nước Tô Lâm: Chất lượng của cán bộ tư pháp quyết định cao nhất đối với chất lượng bản án, chất lượng của nền tư pháp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận