Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân – Phạm trù pháp lý mới cần quan tâm trong thực tiễn pháp lý nước ta
Trong khuôn khổ bài viết này, lần đầu tiên tác giả đặt ra những gợi mở cho việc trao đổi về vấn đề quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân, để trong tương lai khoa học pháp lý Việt Nam có những công trình nghiên cứu đầy đủ hơn, toàn diện hơn.
Thực tiễn đời sống pháp lý có những hiện tượng xã hội đang tồn tại và ngày mỗi ngày tác động không nhỏ đến hoạt động tư pháp, nhưng chưa được nhận thức đầy đủ. Vấn đề quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân là một trong những hiện tượng đó. Đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo hơn vấn đề này và hơn thế nữa cần có giải pháp điều chỉnh thích hợp để hạn chế mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của nó trong việc nâng cao chất lượng nền tư pháp.
1. Nhận thức chung về quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân
1.1. Về quyết định tư pháp của người dân
Khoa học pháp lý cũng như pháp luật thực định ở nước ta khi đề cập đến “quyết định tư pháp” thông thường chỉ tiếp cận là các quyết định của cơ quan công quyền, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng (quyết định khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, kê kiên tài sản, phong tỏa tài khoản…). Trong thực tế tư pháp còn có “quyết định tư pháp của người dân”. Quyết định tư pháp của người dân tồn tại một cách khách quan. Xã hội càng phát triển, trình độ dân trí về pháp luật càng được nâng cao thì quyết định tư pháp của người dân càng được phát huy và có tác động tích cực tới chất lượng nền tư pháp.
Quyết định tư pháp của người dân là những quyết định trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc mà pháp luật trao cho người dân và thường xuất hiện trong các trường hợp như: (1) Quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp (phương thức hòa giải, đối thoại hoặc phương thức xét xử); (2) Quyết định yêu cầu hoặc không yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự đối với một số trường hợp phải có yêu cầu của người bị hại mới được khởi tố; (3) Quyết định tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa; (4) Quyết định làm chứng, cung cấp chứng cứ hay không; (5) Quyết định khiếu nại, tố cáo hay không đối với hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; (6) Quyết định kháng cáo hoặc không kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án; (7) Quyết định tự nguyện thi hành án; Và nhiều quyết định khác v.v…
Chủ thể “quyết định tư pháp của người dân” chính là người liên quan đến vụ án, vụ việc, có thể là: đương sự, người khởi kiện, người bị kiện, người bị hại, bị can, bị cáo…, là “người trong cuộc”, có quyền đưa ra các quyết định trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Các quyết định tư pháp của người dân ở những mức độ khác nhau đều có tác động đến hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nếu người dân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức hòa giải thì tố tụng xét xử tại Tòa án sẽ không mở ra; Nếu người dân quyết định kháng cáo thì bản án sơ thẩm sẽ chưa có hiệu lực pháp luật và bị xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm v.v… Quyết định tư pháp của người dân đúng đắn và chính xác sẽ giúp phát hiện kịp thời các sai sót; giúp cho việc giải quyết đúng đắn vụ án; giúp sớm kết thúc tố tụng; giúp giảm áp lực công việc của cơ quan tư pháp, tăng sự đồng thuận xã hội và sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân… Quyết định tư pháp của người dân không đúng, có thể khiến cho quá trình tố tụng kéo dài, phức tạp, tốn kém thời gian, chi phí của cả người dân và Nhà nước. Chính vì vậy, các nền tư pháp tiên tiến trên thế giới đều rất chú trọng nâng cao chất lượng quyết định tư pháp của người dân, triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ hiệu quả người dân trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn.
1.2. Về đoán định tư pháp của người dân
Đoán định tư pháp của người dân là các dự đoán của xã hội về phương pháp, kết quả giải quyết các vụ án, vụ việc và có thể xuất hiện trong tất cả các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc lớn, dư luận quan tâm. Xã hội càng phát triển, người dân càng quan tâm đến tư pháp thì đoán định tư pháp càng thu hút nhiều người tham gia. Đoán định tư pháp thường rất đa chiều, phong phú, các kết quả dự đoán đưa ra thậm chí rất khác nhau. (Ví dụ: Vụ án Vinasun khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường đã thu hút nhiều người dân tham gia dự đoán liệu Vinasun sẽ thắng kiện hay Grab sẽ thắng kiện…). Đoán định tư pháp không chỉ với các vụ án trong nước, mà cả với các vụ án do cơ quan tư pháp nước ngoài giải quyết (Ví dụ: Vụ án liên quan đến cái chết của ông Kim Jong-nam tại Malaysia đã thu hút nhiều người dân tham gia dự đoán liệu công dân Đoàn Thị Hương có thoát tội giết người và được trả tự do hay không…). Đoán định tư pháp được đưa ra dựa trên thông tin công khai về vụ án và phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm của từng người tham gia đoán định. Đoán định tư pháp sẽ đạt độ chính xác cao nếu người tham gia đoán định có nhiều thông tin về vụ án, có kiến thức tốt về pháp luật và có kinh nghiệm phong phú. Trong điều kiện truyền thông và internet phát triển mạnh mẽ cũng hỗ trợ tích cực cho đoán định tư pháp, cung cấp kịp thời nhiều thông tin về vụ án, thậm chí đăng tải các ý kiến nhiều chiều từ các nhà chuyên môn để giúp người dân đưa ra các dự đoán về kết quả giải quyết đạt độ chính xác ngày càng cao hơn.
Chủ thể “đoán định tư pháp” là đông đảo nhân dân, là những người không liên quan đến vụ án, vụ việc, không có quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc theo luật định nhưng quan tâm đến các sự kiện pháp lý này. Trong thực tế, một bộ phận tham gia đoán định tư pháp là các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn có kiến thức pháp luật và có kinh nghiệm (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Luật sư, các nhà khoa học pháp lý, sinh viên luật…) đã đóng góp tiếng nói chuyên môn bổ ích, có giá trị tham khảo không chỉ đối với những người dân tham gia đoán định tư pháp, mà còn đối với những người đang được giao trách nhiệm giải quyết vụ án. Việc ngày càng có nhiều người dân tham gia đoán định tư pháp là dấu hiệu tích cực, cho thấy trình độ dân trí, nhận thức pháp luật, sự quan tâm của người dân đối với công việc của Nhà nước nói chung và công việc tư pháp nói riêng ngày càng cao. Đồng thời, tạo cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.
Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân luôn tồn tại khách quan và có tác động không nhỏ đến hoạt động tư pháp. Việc nhận diện đầy đủ vấn đề pháp lý này cả ở phương diện khoa học cũng như thực tiễn là rất cần thiết để có các giải pháp hỗ trợ người dân đưa ra các quyết định tư pháp và đoán định tư pháp chính xác, góp phần nâng cao chất lượng nền tư pháp.
2. Vai trò của quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân đối với chất lượng hoạt động tư pháp
Trong từng trường hợp cụ thể, các quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân có tác động khác nhau đối với hoạt động tư pháp. Để hiểu rõ hơn vai trò của quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân, cần phân tích các tình huống pháp lý gắn liền với các quyết định và đoán định này.
2.1. Quyết định lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính
Trên thế giới, ngày càng có nhiều nước phải đối diện với sự quá tải trong giải quyết các vụ án dân sự, thương mại. Nhiều giải pháp đã được đề ra, trong đó có giải pháp giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện bằng phương thức hòa giải, đối thoại. Trên cơ sở đó, mô hình Trung tâm hòa giải tại Tòa án (với các tên gọi khác nhau) đã được thành lập ở nhiều nước và hiện đang trở thành phương thức phổ biến trong giải quyết tranh chấp. Ở nước ta, những năm qua các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính không ngừng tăng lên theo quy mô của nền kinh tế và quy mô dân số, song người dân vẫn có xu hướng lựa chọn phương thức xét xử, dẫn đến tăng áp lực xét xử của Tòa án, tăng thời gian chờ đợi và chi phí của người dân.
Việc người dân quyết định chọn phương thức hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp có ý nghĩa lớn với các bên tranh chấp cũng như với Nhà nước.
Theo đó: Thứ nhất, phát huy tối đa ý chí tự nguyện và khả năng tự định đoạt của các chủ thể trong giải quyết các tranh chấp. Thứ hai, quyết định lựa chọn cơ chế hòa giải, các bên tìm được sự thiện chí, thống nhất để hài hòa lợi ích đôi bên theo tinh thần hai bên cùng thắng, không bị rơi vào tâm lý thắng thua như khi giải quyết tranh chấp thông qua xét xử tại Tòa án, nhờ vậy đồng thuận xã hội được duy trì tốt hơn. Thứ ba, đáp ứng được mong muốn của các bên tranh chấp, đó là chi phí ít tốn kém, thời gian giải quyết nhanh chóng, bất đồng được giải quyết kín đáo và bảo mật thông tin, tiêu chí mà phương thức giải quyết bằng tố tụng tại Tòa án không thể có được. Thứ tư, kết quả giải quyết của phương thức này được pháp luật thừa nhận, ở mức độ đơn giản là công nhận hiệu lực của phương án đạt được thông qua hòa giải, ở mức độ cao hơn là thiết lập các cơ chế pháp lý để loại bỏ những hạn chế có thể phát sinh, bảo đảm kết quả hòa giải được thực thi. Thứ năm, giúp giảm áp lực công tác xét xử của Tòa án; tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân mà vẫn đạt được mục đích giải quyết tranh chấp; đặc biệt đối với những tranh chấp kinh doanh thương mại có giá trị lớn, thì tranh chấp kéo dài đồng nghĩa với thiệt hại về vật chất của các bên sẽ tăng lên. Thứ sáu, hòa giải, đối thoại thành công sẽ được các bên tôn trọng và tự nguyện thi hành mà không cần đến sự can thiệp của cơ quan thi hành án. Thứ bảy, đối với việc giải quyết vụ án hành chính, lựa chọn phương thức đối thoại còn góp phần xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa người dân và chính quyền; thông qua đối thoại, tạo điều kiện cho chính quyền xem xét lại tính hợp pháp của hành vi, quyết định hành chính, nếu không đúng pháp luật sẽ kịp thời hủy bỏ; đồng thời, tạo điều kiện để người dân xem xét lại tính có căn cứ của yêu cầu khởi kiện, nếu không có căn cứ pháp luật người dân sẽ chủ động rút đơn khởi kiện, tránh khiếu kiện bức xúc, kéo dài, phức tạp tình hình.
Từ những ý nghĩa nêu trên, nhiệm vụ đặt ra là phải cải cách mạnh mẽ thiết chế hòa giải, đối thoại ở nước ta hiện nay để khuyến khích người dân quyết định lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại, phát huy các giá trị của phương thức này đối với xã hội và Nhà nước. Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện chủ trương đổi mới hòa giải, đối thoại để nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Theo đó, đã triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố mô hình Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Kết quả thí điểm, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 70%. Từ kết quả thí điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội thông qua, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ để người dân thực hiện quyền quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.
2.2. Quyết định tự thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự
Bộ luật tố tụng dân sự nước ta xây dựng trên tinh thần “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Theo đó, ngay cả khi đương sự đã khởi kiện và Tòa án đã thụ lý vụ án, pháp luật vẫn dành cơ hội để các bên tự thỏa thuận, thương lượng về việc giải quyết vụ án trong mọi giai đoạn. Cụ thể, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, nếu các bên nhất trí thỏa thuận việc giải quyết vụ án và rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Tương tự như vậy, tại phiên tòa sơ thẩm hay phiên tòa phúc thẩm, nếu các bên thỏa thuận được việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận tự nguyện của các đương sự.
Như vậy, ngay cả khi Tòa án đã thụ lý vụ án, quyết định tự thỏa thuận về việc giải quyết vụ án có ý nghĩa rất lớn, giúp sớm chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian và chi phí của đương sự và Nhà nước, tranh chấp được giải quyết một cách thân thiện, quan hệ hòa thuận giữa các bên tiếp tục được duy trì, đồng thời cũng không làm phát sinh trách nhiệm của cơ quan thi hành án bởi các bên sẽ tôn trọng và tự nguyện thi hành kết quả thỏa thuận.
Thẩm phán có vai trò rất quan trọng để khuyến khích các đương sự quyết định tự thỏa thuận việc giải quyết vụ án. Quá trình tố tụng, các Thẩm phán có bổn phận thực thi nhiệm vụ này, phân tích thấu đáo các lợi ích và tạo điều kiện tối đa để các bên quyết định tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp.
2.3. Quyết định trình bày lời khai, cung cấp chứng cứ
Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Người bị buộc tội có quyền trình bày lời khai, đưa ra chứng, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tố tụng hình sự tiến bộ quan trọng: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội”. Như vậy, việc có đưa ra lời khai bất lợi, thừa nhận hoặc không thừa nhận hành vi phạm tội là quyền của người bị buộc tội, hoàn toàn do người bị buộc tội quyết định, pháp luật không buộc họ phải thực hiện việc này. Ở một khía cạnh khác, luật cũng khuyến khích người bị tình nghi thành khẩn khai báo bằng các chính sách hình sự khoan hồng.
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, trường hợp người bị buộc tội quyết định nhận tội, thành khẩn khai báo, cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, vụ án sẽ sớm kết thúc, tiết kiệm thời gian và nguồn lực của Nhà nước, người phạm tội được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trường hợp người phạm tội không thừa nhận hành vi phạm tội, các cơ quan tố tụng phải tôn trọng quyền của họ và phải thực hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm bằng các nguồn chứng cứ khác. Do đó, quá trình giải quyết vụ án sẽ kéo dài và phức tạp. (Ví dụ: vụ án sát hại nữ sinh giao gà tại tỉnh Điện Biên hiện nay đang trong quá trình điều tra, các bị can khai báo nhỏ giọt, lời khai không chính xác, liên tục thay đổi lời khai dẫn đến việc điều tra vụ án rất khó khăn, ban đầu chỉ khởi tố về tội giết người, sau đó đã khởi tố bổ sung thêm các tội cướp tài sản, tội hiếp dâm, tội giữ người trái pháp luật, tội không tố giác tội phạm).
Quyết định của người dân trong việc cung cấp chứng cứ, tham gia vụ án với tư cách người làm chứng cũng có ý nghĩa lớn trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính…, giúp cho việc giải quyết vụ án chính xác, đúng pháp luật, nhanh chóng.
2.4. Quyết định việc khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Nền tư pháp tiến bộ phải là nền tư pháp công bằng, đúng pháp luật và không vi phạm. Quyết định khiếu nại, tố cáo của người dân nếu chính xác sẽ giúp phát hiện sớm các sai sót, vi phạm từ đó kịp thời khắc phục, giảm thiểu những thiệt hại, hạn chế những tiêu cực trong quá trình giải quyết vụ án. (Ví dụ: người dân khiếu nại Cơ quan điều tra không chỉ định người bào chữa cho bị can dưới 18 tuổi, qua giải quyết xác định việc khiếu nại là đúng, Cơ quan điều tra sẽ phải chỉ định ngay người bào chữa để bảo vệ cho bị can, đồng thời tránh được nguy cơ vô hiệu các kết quả tố tụng liên quan đến bị can dưới 18 tuổi do vi phạm này được Bộ luật tố tụng hình sự xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thuộc trường hợp phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung). Quyết định khiếu nại, tố cáo của người dân chính là kênh giám sát chặt chẽ đối với quá trình tố tụng, đặt yêu ra cầu với các cán bộ tố tụng phải đề cao trách nhiệm, thận trọng, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp Thủ trưởng các cơ quan tố tụng đánh giá đầy đủ năng lực, trách nhiệm, thái độ công tác của cán bộ thuộc quyền, từ đó có các quyết định thích hợp về tổ chức cán bộ như khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ…
Nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan tố tụng là phải giải quyết vụ án khách quan, kịp thời, đúng pháp luật, không làm phát sinh khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Khi có khiếu nại, tố cáo của người dân, phải nghiêm túc kiểm tra, cầu thị xem xét, nếu có sai sót phải kịp thời khắc phục; nếu khiếu nại, tố cáo không đúng thì phải trả lời, giải thích đầy đủ để người dân đồng thuận, tránh khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
2.5. Quyết định việc kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án
Những sai sót, vi phạm trong bản án dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thậm chí ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội. Trước mỗi vụ án, việc người dân quyết định kháng cáo chính xác sẽ giúp phát hiện và khắc phục kịp thời các sai sót, bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, khách quan, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Đồng thời, giúp cho Thẩm phán đã ra bản án không đúng pháp luật thấy được các thiếu sót để rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án tương tự sau này. Ngược lại, quyết định không kháng cáo nếu chính xác sẽ giúp sớm chấm dứt quá trình tố tụng; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của người dân và Nhà nước; bản án sẽ sớm có hiệu lực thi hành, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo bản án sẽ sớm được thực thi. Trên thực tế, thời gian qua không hiếm các trường hợp kháng cáo theo kiểu “đeo bám tố tụng”, bất chấp pháp luật. Những kháng cáo như vậy chỉ làm cho quá trình giải quyết vụ án phức tạp, kéo dài, lãng phí, tốn kém, thậm chí làm tiêu cực đội ngũ chức danh tư pháp do “chạy án”.
2.6. Quyết định tự nguyện thi hành án
Hiến pháp năm 2013 (Điều 106) quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp, nhất là trong thi hành án dân sự, đương sự không những không chấp hành bản án mà còn chống đối quyết liệt. Tình trạng chống đối thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật đang khá phổ biến và gây ra những hệ lụy không đáng có, người phải thi hành án vừa bị cưỡng chế tài sản (theo bản án dân sự), vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng… Chính vì vậy, sau cưỡng chế thi hành án, thường tiềm ẩn những mâu thuẫn mới sẽ phát sinh, có nguy cơ tạo ra vòng tròn đối lập phức tạp qua nhiều thế hệ: xung đột – khiếu kiện – xét xử – cưỡng chế thi hành án – xung đột… Ngoài ra, việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự phải huy động nhiều lực lượng chức năng, với các phương án, kế hoạch cưỡng chế, tốn kém nhiều công sức, tài sản, thời gian.
Do đó, nếu người dân quyết định tự nguyện thi hành án sẽ có ý nghĩa rất lớn; bên được thi hành án sớm khôi phục lại quyền lợi của mình; bên phải thi hành án sẽ không phải trả các chi phí thi hành án; giảm áp lực cho cơ quan thi hành án; tránh tốn kém cho ngân sách Nhà nước. Thiện chí của các bên trong quá trình thi hành án còn giúp hàn gắn các mâu thuẫn, rạn nứt. Nhiệm vụ đặt ra đối với Cơ quan thi hành án và mỗi Chấp hành viên phải kiên trì vận động, giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin để người dân hiểu và tự nguyện chấp hành bản án, để cả đương sự và Nhà nước đều có lợi.
2.7. Đoán định tư pháp của người dân
Trong điều kiện hoạt động tư pháp công khai, minh bạch, truyền thông phát triển, dân trí nâng cao đã thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia đoán định tư pháp. Chất lượng dự đoán về phương pháp, trình tự, kết quả giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính cao sẽ có tác động tích cực đến chất lượng nền tư pháp.
Cần phải thừa nhận đoán định tư pháp là một hiện tượng xã hội khách quan, có xu hướng phổ biến, mức độ thống nhất của các dự đoán ngày càng tăng lên. Những dự đoán của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư…) thường khá sát với kết quả giải quyết vụ án trên thực tế. Đây là dấu hiệu tích cực của nền tư pháp. Mặt ưu việt của đoán định tư pháp có thể được nhắc đến là: (1) Tạo cơ chế giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp và các chức danh tư pháp. (2) Nhắc nhở cán bộ tư pháp cẩn trọng trước khi ban hành các quyết định. (3) Là kênh thông tin tham khảo đôi khi rất quan trọng, có ý nghĩa cho cán bộ tư pháp khi thực thi nhiệm vụ. (4) Giúp cho nhà quản lý và cơ quan tư pháp cấp trên phát hiện được sai sót của quá trình tố tụng và có giải pháp khắc phục kịp thời. (5) Là diễn đàn khoa học để các cán bộ nghiên cứu và trao đổi thực tiễn; sinh viên các trường luật thảo luận, tranh luận về những hiện tượng pháp lý cụ thể trong các vụ án. (6) Là một trong những phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hữu hiệu để nâng cao trình độ dân trí về pháp luật, vốn luôn là mục tiêu quan trọng của mọi nền tư pháp. (7) Có tác dụng răn đe, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm thông qua việc dự báo các mức độ chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
3. Những giải pháp nâng cao chất lượng quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân
Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân là một hiện tượng xã hội có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Mặt tiêu cực là các quyết định, đoán định sai sẽ làm lệch chuẩn giá trị đạo đức, pháp lý; tác động bất ổn đến dư luận xã hội; tạo áp lực đối với các cơ quan tư pháp, có nguy cơ xâm phạm nguyên tắc Hiến định bảo đảm độc lập của hoạt động xét xử, vô tình can thiệp gián tiếp vào quá trình giải quyết vụ án, làm cho việc giải quyết vụ án phức tạp, kéo dài, tốn kém… Mặt tích cực bao trùm là các quyết định, đoán định đúng sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng nền tư pháp, giúp cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, đúng thời hạn. Thực tế hiện nay, quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân do chưa được nhận thức đầy đủ, thiếu sự điều chỉnh và định hướng của Nhà nước nên đang phát triển tự phát làm cho mặt tiêu cực bộc lộ và đôi khi lấn át các mặt tích cực. Trong tiến trình cải cách tư pháp thời gian tới, Nhà nước phải nhận thức đầy đủ hơn về quyết định tư pháp, đoán định tư pháp của người dân, có giải pháp thiết thực để khắc phục mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực. Theo đó, chúng tôi đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân như sau:
3.1. Tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao trình độ dân trí về pháp luật. Hiểu biết pháp luật là tiền đề tiên quyết để người dân đưa ra quyết định, đoán định đúng đắn. Người dân luôn có nhu cầu muốn biết pháp luật đã trao cho mình những quyền gì để quyết định sử dụng, pháp luật đã định hướng giải quyết vụ việc theo khuôn khổ nào để lựa chọn và dự đoán. Do đó, trách nhiệm của Nhà nước phải triển khai nhiều hình thức thiết thực và hiệu quả tuyên truyền pháp luật đến người dân, để trình độ dân trí về pháp luật ngày càng nâng cao.
3.2. Công khai hệ thống pháp luật, áp dụng các cơ chế tra cứu thuận tiện, nhanh chóng. Việc cập nhật đầy đủ và kịp thời các quy định pháp luật sẽ hỗ trợ người dân đưa ra các quyết định, đoán định chính xác. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm túc việc công khai các văn bản pháp luật; công bố kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai các phần mềm để thuận lợi cho người dân tra cứu, đối chiếu.
3.3. Công khai các bản án, án lệ. Việc công khai các bản án, án lệ sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo quan trọng giúp người dân đối chiếu vụ án, vụ việc liên quan đến mình để đưa ra quyết định chính xác, đồng thời hỗ trợ hữu ích những người quan tâm đến vụ án tham gia đoán định. Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục chú trọng việc công khai bản án, án lệ trên mạng internet được dư luận đánh giá cao như vừa qua; đồng thời tăng cường phát hiện, ban hành các án lệ mới.
3.4. Tăng cường các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài xét xử, thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại hữu hiệu. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Việc sớm ban hành đạo luật này sẽ hỗ trợ người dân giải quyết hiệu quả tranh chấp, ít tốn kém thời gian, chi phí, giữ gìn sự đoàn kết, hài hòa lợi ích các bên, giảm áp lực cho công tác xét xử và thi hành án.
3.5. Chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ Luật sư, Hòa giải viên, Trợ giúp viên pháp lý chính là giải pháp quan trọng để hình thành đội ngũ chuyên gia am hiểu pháp luật, giàu kinh nghiệm thực tiễn, tư vấn hiệu quả cho người dân đưa ra các quyết định chính xác. Nhiệm vụ đặt ra thời gian tới cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để phát triển đội ngũ này và tạo điều kiện thuận lợi để họ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho người dân.
3.6. Định hướng và chấn chỉnh một số hiện tượng chưa phù hợp trong công tác truyền thông vừa qua. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ có ý nghĩa quan trọng, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Tuyền truyền những quyết định tư pháp, đoán định tư pháp đúng đắn sẽ góp phần định hướng cách ứng xử chuẩn mực trong xã hội, hạn chế, loại trừ các đoán định trái pháp luật, xuyên tạc, bôi nhọ, để làm lành mạnh hóa môi trường pháp lý, đồng thời, tạo diễn đàn khuyến khích người dân tham gia đoán định tư pháp.
3.7. Khắc phục mặt tiêu cực của quyết định tư pháp và đoán định tư pháp. Cùng với việc phát huy các giá trị tích cực của quyết định tư pháp và đoán định tư pháp, Nhà nước cần phải hạn chế mặt tiêu cực của nó. Cần bắt đầu bằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, sau đó là các giải pháp, các cơ chế khắc phục mặt tiêu cực. Cần phải có các chế tài hình sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự, hành chính để nghiêm khắc xử lý các hiện tượng tiêu cực trong quyết định, đoán định tư pháp như kinh nghiệm các nước.
3.8. Cung cấp cho người dân các công cụ tiện ích tìm kiếm các vụ án có tình huống pháp lý tương tự.
Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhiều nước có nền tư pháp hiện đại đã ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai nhiều phần mềm tiện ích giúp người dân tra cứu các vụ án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo trước khi đưa ra quyết định tư pháp, đoán định tư pháp. Thời gian tới, Nhà nước cần quan tâm dành khoản ngân sách thỏa đáng cho nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan tư pháp, xây dựng nền tư pháp ngày càng hiện đại và hỗ trợ người dân hiệu quả hơn.
Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân là một hiện tượng xã hội khách quan đã tồn tại từ lâu nhưng mới được nghiên cứu. Những vấn đề được đề cập trong bài viết này chỉ là những gợi mở ban đầu. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều nhà khoa học pháp lý quan tâm nghiên cứu và giải quyết thấu đáo hơn vấn đề này cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Nhưng quan trọng hơn là phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả để khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của quyết định tư pháp và đoán định tư pháp nhằm nâng cao chất lượng nền tư pháp nước nhà./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận