Ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân
Toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong TAND phát huy truyền thống, thành tích đã đạt được, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực sự là biểu tượng của “Công lý, lẽ phải và niềm tin”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là yêu cầu lãnh đạo TANDTC, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TAND đề ra tại Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2022.
Năm 2021, là năm đầu tiên cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm đầu tiên TAND các cấp triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì công lý” do Chánh án TANDTC phát động tại Đại hội thi đua yêu nước TAND lần thứ IV; trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát với diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Tòa án. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC; công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua “Vì công lý” trong TAND đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Trung ương và địa phương; việc đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng đã đạt được những kết quả thiết thực. Các Tòa án đã phát huy truyền thống, ra sức thi đua vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2021
Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TAND đã ban hành Kế hoạch cụ thể trong TAND với mục tiêu chung là “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2021”. Trên cơ sở đó, các Cụm thi đua, các Tòa án trong cả nước đã tổ chức phát động phong trào thi đua trong năm, theo đợt, chuyên đề… bám sát nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ trọng tâm công tác, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các vấn đề còn nổi cộm, khó khăn, vướng mắc… với nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua cụ thể, rõ ràng, chủ đề dễ nhớ, dễ thực hiện. Nhiều đơn vị đã có nhiều giải pháp, sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua. Điển hình như: TAND thành phố Hải Phòng (Cụm thi đua số I) với phong trào thi đua: “Tòa án thành phố nêu gương, tòa án cấp huyện kỷ cương, toàn thể cán bộ, công chức tòa án hai cấp tự giác học tập, sáng tạo phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua năm 2021”; TAND tỉnh Lạng Sơn (Cụm thi đua số II) với phong trào thi đua: “Cán bộ, công chức các đơn vị Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh tận tâm, trách nhiệm, kỷ cương, chuyên nghiệp, vì công lý, niềm tin và lẽ phải”; TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Cụm thi đua số IV) với phong trào thi đua: “Nâng cao đạo đức công vụ, nâng cao chất lượng xét xử-vì dân, vì Công lý”; TAND thành phố Cần Thơ (Cụm thi đua số V) với phong trào thi đua: “Chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành-Tích cực, đổi mới, nâng cao chất lượng trong giải quyết án”. Các Tòa án quân sự, ngoài việc triển khai phong trào thi đua của Tòa án đã chủ động tổ chức và hưởng ứng các phong trào thi đua trong Quân đội với chủ đề: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội cụ Hồ”, “Cán bộ, nhân viên, chiến sỹ các Tòa án quân sự đoàn kết, mẫu mực, kỷ cương, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thông qua các phong trào thi đua, các đơn vị đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cơ bản mà Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Chánh án TANDTC đã đề ra. Một số đơn vị có tỷ lệ giải quyết án vượt chỉ tiêu quy định như: TAND tỉnh Lạng Sơn 98,4%; TAND hai cấp tỉnh Nam Định 97,2%; TAND hai cấp thành phố Hải Phòng 96%; Vụ Giám đốc kiểm tra III TANDTC đạt tỷ lệ giải quyết 82,1% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm... Một số Tòa án có số phiên tòa rút kinh nghiệm cao hơn chỉ tiêu quy định như: TAND tỉnh Lạng Sơn bình quân 03 phiên tòa/1Thẩm phán/1Năm; TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc bình quân 2,3 phiên tòa/01 Thẩm phán/1Năm). Một số đơn vị đã có những cách làm sáng tạo trong việc đưa Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào cuộc sống đạt hiệu quả như: TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã biên soạn “Sổ tay Hòa giải viên”.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc - Ảnh: Cảnh Dinh
Cùng với phong trào thi đua của TAND, các Tòa án tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phát động, như: phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở” và đặc biệt là phong trào “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” bằng nhiều hoạt động cụ thể, mang lại ý nghĩa thiết thực, như: xét xử kịp thời những vụ án liên quan đến phòng, chống Covid-19; đóng góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ phòng, chống Covid-19; tham gia cùng các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, đóng góp xây dựng nông thôn mới...với số tiền, hiện vật ủng hộ trị giá hàng trăm triệu đồng.
Tổng kết phong trào thi đua năm 2021, nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua được khen thưởng các hình thức cao, cụ thể là: đã có 09 cá nhân được tặng “Huân chương lao động” các loại và 01 cá nhân được tặng “Bằng khen” đột xuất của Thủ tướng Chính phủ, do có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng (các trường hợp đang chờ cấp có thẩm quyền thẩm định đề nghị khen cấp Nhà nước, gồm: 49 tập thể, cá nhân “Huân chương lao động” các loại, 05 cá nhân đề nghị danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” và 68 tập thể, cá nhân “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”); đã có 80 tập thể được tặng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân” (trong đó có 13 tập thể được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”); có 70 cá nhân đã được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực”; có 3.000 tập thể, cá nhân được tặng “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” và danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. Ngoài ra, còn có nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu khác như: “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” và “Giấy khen” tại các đơn vị Tòa án các cấp.
TANDTC đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, xây dựng điển hình tiên tiến giai đoạn 2021-2026. Trên cơ sở đó, các Cụm thi đua, các đơn vị Tòa án phát hiện, lựa chọn, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến mới; đổi mới biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Cụm và trong TAND. Điển hình trong năm 2021: các đơn vị trong Cụm thi đua số IV đã xây dựng được 36 tập thể và 74 cá nhân điển hình tiên tiến. TAND hai cấp thành phố Hải Phòng xây dựng được 18 tập thể và 47 cá nhân điển hình tiên tiến; TAND hai cấp thành phố Hà Nội xây dựng được 15 tập thể và 46 cá nhân điển hình tiên tiến.
Phát động thi đua năm 2022
Căn cứ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2022, Lãnh đạo, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TAND phát động phong trào thi đua trong Tòa án nhân dân năm 2022 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, nêu gương, vì công lý”.
Nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua đặt ra là tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tuyên truyền sâu rộng về các ngày Lễ lớn của đất nước, gắn với tổ chức phong trào thi đua yêu nước “Thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân”.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trao danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc" cho ông Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ TANDTC - Ảnh: Nguyễn Dương
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Chánh án TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2022. Tập trung thực hiện các chỉ tiêu về công tác chuyên môn, nhất là công tác giải quyết, xét xử các vụ án lớn, trọng điểm, tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, các vụ án điển hình về cải cách tư pháp, liên quan đến dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra việc kết án oan người không phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm; giảm mạnh tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án so với năm 2021; đề ra các giải pháp để nâng cao số lượng công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; nâng cao hơn nữa công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt tỷ lệ từ 95% trở lên.
Hoàn thành các đề án về cải cách tư pháp theo chương trình công tác của Ban cán sự đảng TANDTC và kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án trong nhiệm kỳ 2021-2026 và năm 2022.
Xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, đoàn kết nội bộ; tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; các tổ chức đoàn thể quần chúng vững mạnh tiên tiến; tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Tòa án nhân dân, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phấn đấu không có cán bộ vi phạm kỷ luật; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thực chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, công chức; tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động xã hội,… góp phần cùng cả nước chung tay vì người nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội ổn định và phát triển bền vững.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong và ngoài Tòa án đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, 77 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2022), kết hợp với các hoạt động thi đua yêu nước; thông qua các phong trào thi đua phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tổ chức giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua sáng tạo, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống Tòa án nhân dân và trong xã hội.
Phó Chánh án TADNTC Nguyễn Văn Du trao "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" cho các tập thể và cá nhân có thành tích - Ảnh: Nguyễn Dương
Để thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua, khen thưởng năm 2022 cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, hướng dẫn của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp; phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của các tổ chức đoàn thể trong vận động, động viên đoàn viên, hội viên tự nguyện tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua.
- Hai là, thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân về thi đua, khen thưởng; xây dựng động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn, nêu cao trách nhiệm và tinh thần tự giác, tích cực, tự nguyện, nhiệt tình, sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua.
- Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua, chọn đúng và thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá trong thi đua và hoạt động trọng điểm về thi đua, khen thưởng. Gắn phong trào thi đua “Vì công lý” với phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương.
- Bốn là, làm tốt công tác khen thưởng, chú trọng khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; các tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc làm nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong công tác khen thưởng.
- Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm về số lượng, chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, nghiệp vụ chuyên sâu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng "Huân chương Lao động" cho Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ - Ảnh: Cảnh Dinh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận