Sai phạm trong công tác đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, nhiều cán bộ ngành y tế bị xử lý
Thiết bị y tế được xem là mặt hàng đặc thù nhưng đang quy định đấu thầu như hàng hóa thông thường, khiến cho nhiều nơi lợi dụng để nâng giá lên cao so với giá trị thật, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách Nhà nước mà còn trục lợi trên sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Cụ thể, tại Hà Nội, ngày 21/10/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã thi hành Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai do trong thời gian giữ chức Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội đã “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Những sai phạm xảy ra trong quá trình Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế.
Tại TP.HCM, kết quả điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Nguyễn Minh Quân (SN 1973, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) đã thông đồng, cấu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.
Trước đó, giữa năm 2020, ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội, bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội. Ông Cảm bị xác định có vai trò chủ mưu, đã lợi dụng dịch bệnh, vụ lợi, thông đồng nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 lên 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Nhiều cán bộ cấp dưới của ông Cảm và lãnh đạo một số doanh nghiệp trang thiết bị y tế cũng bị khởi tố, bắt giam...
Liên quan đến vấn đề này, tại Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đến đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra.
Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”, trong đó công an các đơn vị địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực.
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ các quá trình tham mưu, quy trình đầu tư, cơ sở vật chất, triển khai mua sắm các thiết bị… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm. Thứ hai là đề nghị các bộ ngành chức năng nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết, nâng giá các sản phẩm.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết tình hình buôn lậu, buôn bán trái phép vật tư y tế, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, thậm chí có cả vắc-xin không rõ nguồn gốc… diễn biến phức tạp trong cả nước. Các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi để buôn bán, chọn các điểm địa hình hiểm trở để cất giấu hàng hoá… Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh với các vi phạm để xử lý.
Cùng đó, trả lời chất vấn của đại biểu về sai phạm của một số cán bộ ngành y, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, mặc dù quy định đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có sai phạm, rồi tham ô, tham nhũng, những điều này chúng tôi lên án và các cơ quan chức năng sẽ xử lý đúng quy định pháp luật. Ngành Y sẽ tiếp tục rà soát quy định về mua sắm, đấu thầu, phân cấp phân quyền. Bộ đã có nhiều văn bản, hướng dẫn để tăng cường giám sát đối với các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường giám sát với đơn vị trên địa bàn để ngăn ngừa, phòng chống, xử lý các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định việc huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực y tế là chủ trương đúng đắn. Bởi, việc đẩy mạnh xã hội hóa giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, “không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách”.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận xã hội hóa nhiều nơi chưa nghiêm, chưa đúng, nhiều khi nóng vội, mang tính cá nhân, dẫn tới sai phạm. Do đó, việc tăng cường huy động nguồn lực xã hội là cần thiết, nhưng cũng phải hình thành hàng lang pháp lý đầy đủ. Bộ y tế đã trình Chính phủ Nghị định về liên doanh, liên kết xã hội hóa, đồng thời đề nghị xây dựng nghị định riêng cho ngành y tế.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận