Sắp xếp tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều văn kiện, nghị quyết về xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án được thể hiện trong nhiều văn bản, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới…
Ngày 25/11/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW về triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đây là chủ trương lớn, xác định quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng trong nỗ lực hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết, tính cấp bách và phương thức triển khai nhanh chóng với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”.
2. Quá trình triển khai trong Tòa án nhân dân
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống Tòa án nhân dân được Ban Thường vụ Đảng ủy (trước đây là Ban cán sự đảng), Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện với tầm nhìn chiến lược, phù hợp với quy định của Hiến pháp và tổ chức của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, các nhiệm vụ được đề ra nhằm xây dựng một nền tư pháp công bằng, nghiêm minh, liêm chính, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao đã sớm triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW với việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) để định hình lại mô hình tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hợp lý hơn, gọn hơn, bảo đảm các hoạt động tố tụng được tiến hành nhanh chóng, bảo đảm công lý không chậm trễ.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, nghiên cứu lịch sử phát triển của hệ thống Tòa án Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và những bài học kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Tòa án trong thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Đề án số 04-ĐA/ĐU về “tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới” và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận thông qua ngày 28/3/2025.
Tại Kết luận số 135-KL/TW ngày 28/3/2025, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã “Giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm mô hình, tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân các cấp sau khi tiến hành sắp xếp hoạt động liên tục, hiệu quả, không bị gián đoạn, không bỏ sót nhiệm vụ”.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về tiếp tục nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh, ngay từ tháng 02/2025, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức của hệ thống Tòa án cho phù hợp với chủ trương này và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 trong đó có nội dung: đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân theo 3 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực. Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện
Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, các luật tố tụng có liên quan, đồng thời ban hành Kế hoạch số 16-KH/ĐU ngày 07/5/2025 của Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất trong Tòa án nhân dân nhằm khẩn trương, đẩy nhanh cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Quá trình triển khai hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân đều dựa trên phương châm tạo đột phá về thể chế, giữ vững các các nguyên tắc cơ bản về sự lãnh đạo của đảng, độc lập tư pháp, xây dựng Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, toàn bộ quá trình xây dựng và triển khai thực hiện văn kiện, nghị quyết của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Tòa án đều dựa trên các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 60-NQ/TW, Kết luận số 135-KL/TW nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các Tòa án nhân dân để phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống Tòa án mới theo đúng định hướng đã được cấp có thẩm quyền thông qua, kết luận.
Thứ ba, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
3. Kết quả kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy
3.1. Công tác hoàn thiện thể chế pháp luật
Triển khai các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Tòa án nhân dân tối cao đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024; Nghị quyết thành lập Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; Nghị quyết về việc thành lập các Tòa Phúc thẩm, cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao và đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cụ thể: (1) Luật số 81/2025/QH15 ngày 24/6/2025 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; (2) Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 ngày 27/6/2025 về việc thành lập Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; (3) Nghị quyết số 85/2025/UBTVQH15 ngày 27/6/2025 về việc phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thành lập các Tòa Phúc thẩm, cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao.
Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 03/2025/TT-TANDTC ngày 30/6/2025 về việc thành lập các Tòa Phúc thẩm, cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Thông tư số 04/2025/TT-TANDTC ngày 30/6/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ máy giúp việc trong các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực.
3.2. Kết quả kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân
Sau sắp xếp, cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân các cấp bảo đảm các nguyên tắc đã được Bộ Chính trị thông qua, đó là bỏ cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 03 Tòa án nhân dân cấp cao), tổ chức mô hình Tòa án 3 cấp (Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực).
So với mô hình tổ chức trước đây, đã giảm 01 đơn vị cấp vụ thuộc bộ máy giúp việc, 16 đơn vị cấp phòng tại Tòa án nhân dân tối cao[1]; giảm 25 đơn vị cấp vụ (cấp 2) và 12 đơn vị cấp phòng do kết thúc hoạt động của 3 Tòa án nhân dân cấp cao[2]; giảm 29 Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau hợp nhất[3]; giảm 87 đơn vị giúp việc (Văn phòng; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Thanh tra, Kiểm tra và Thi hành án); giảm 129 Tòa chuyên trách (còn 138/267 Tòa chuyên trách) tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Thành lập 355 Tòa án nhân dân khu vực trên cơ sở 693 Tòa án nhân dân cấp huyện trước đây, hiện giảm 167 Tòa chuyên trách (còn 6/173 Tòa chuyên trách) tại cấp Tòa án này.
3.3. Về kiện toàn lãnh đạo các đơn vị, Tòa án
Thực hiện Chỉ thị số 45, Kết luận số 161 của Đảng, chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, công tác kiện toàn lãnh đạo cấp trưởng của các đơn vị gắn với cơ cấu, giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp. Trong đó:
- Đa số thủ trưởng các đơn vị được cơ cấu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao.
- Tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh: sau sắp xếp, 34 Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030. Các đồng chí này đều đã có thời gian luân chuyển, rèn luyện tại Tòa án nhân dân các cấp, trong đó có 02 đồng chí đã được quy hoạch chức danh Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2026-2031.
- Số lượng Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện nay là 148 đồng chí, trung bình mỗi tỉnh hiện có từ 4 đến 5 Phó Chánh án. Một số đơn vị có quy mô lớn hiện có số lượng cấp phó cao (7-9 đồng chí), như: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long có 9 Phó Chánh án; Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng có 8 Phó Chánh án; Tòa án nhân dân Cần Thơ, Bắc Ninh và Đắk Lắk có 7 Phó Chánh án. Số lượng cấp phó này sẽ thực hiện giảm dần về số lượng theo quy định trong 5 năm kể từ thời điểm sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương của Trung ương.
- Tại Tòa án nhân dân khu vực: đơn vị đã tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm 346/355 Chánh án Tòa án nhân dân khu vực (còn lại 09 vị trí Chánh án Tòa án nhân dân khu vực sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể nguồn nhân sự tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau sáp nhập và từ nguồn nhân sự tại Tòa án nhân dân tối cao để lựa chọn cán bộ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định). Tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm 1.160 Phó Chánh án Tòa án nhân dân khu vực. Trung bình mỗi Tòa án nhân dân khu vực có từ 03 đến 04 Phó Chánh án (nhân sự từ các đồng chí là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện không được bố trí cấp trưởng và các Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ Phó Chánh án). Như vậy, số lượng Phó Chánh án Tòa án nhân dân khu vực cơ bản đáp ứng yêu cầu số lượng cấp phó do trong thời gian tới có một số đồng chí đến tuổi nghỉ hưu.
3.4. Về tham mưu đề xuất cơ cấu, số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân
Tham mưu cho Đảng ủy, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đề xuất, trình cấp có thẩm quyền về số lượng, cơ cấu các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân để nâng cao năng lực cho Tòa án nhân dân các cấp, nhất là ở các Tòa án nhân dân khu vực. Theo đó, tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn ngành đã được điều chỉnh tăng số lượng 50 Thẩm phán Tòa án nhân dân để bố trí tại Tòa án nhân dân tối cao (trước đây toàn ngành có 6.954 Thẩm phán Tòa án nhân dân, hiện nay là 7.004 Thẩm phán Tòa án nhân dân). Đồng thời, được tăng cơ cấu 627 Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 (trước đây toàn ngành có 235, hiện được giao 862 Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3). Theo đó, tới đây, theo chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ bố trí Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 tại Tòa án nhân dân khu vực để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới tại cấp Tòa án này.
3.5. Về giải quyết chế độ, chính sách cán bộ khi thực hiện sắp xếp
Đã tham mưu cho Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt 32 trường hợp cán bộ của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao; 17 Chánh án, 16 Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; 51 Chánh án, 82 Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện và gần 400 trường hợp là lãnh đạo cấp tòa, phòng hoặc cán bộ còn từ 5 năm công tác trở xuống nghỉ hưu trước tuổi theo các Nghị định 178, Nghị định 67 của Chính phủ và hướng dẫn mới nhất của Bộ Nội vụ.
4. Nhiệm vụ trong thời gian tới
Để hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và bảo đảm các Tòa án hoạt động bình thường, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cần tập trung vào các nội dung sau trong thời gian tới đây:
Một là, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức thực hiện thông suốt và hiệu quả hoạt động tại Tòa án nhân dân các cấp. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân sau sắp xếp. Trong đó, rà soát, đề xuất việc tổ chức các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân khu vực; cử thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Hiện nay, Trung ương đang sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đồng thời xây dựng Kết luận mới thay thế Kết luận số 35-KL/TW để phục vụ tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết của Trung ương và đáp ứng yêu cầu công tác chuẩn bị nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; rà soát, sửa đổi Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 về công tác quy hoạch cán bộ và Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Do đó, trong thời gian tới, căn cứ các Quy định, Kết luận mới của Trung ương, cần chủ động rà soát, xây dựng Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong Tòa án nhân dân liên thông với vị trí việc làm, phù hợp tiêu chuẩn chức danh, chức vụ; xây dựng Quy định về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để thay thế các văn bản không còn phù hợp, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, thông qua.
Hai là, giải quyết thật tốt vấn đề nhân sự, ưu tiên giữ lại cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp với vị trí mới. Đề xuất bố trí nhân sự một cách linh hoạt, thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các địa phương. Tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giao Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh sau hợp nhất chủ động rà soát công việc, phân công nhiệm vụ, điều động cán bộ thuộc thẩm quyền theo phân cấp. Tăng cường cán bộ cho lĩnh vực thiếu nhân lực (cán bộ có kinh nghiệm giải quyết án kinh doanh, thương mại, sở hữu trí tuệ, phá sản, vụ việc có yếu tố nước ngoài) hoặc đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biệt phái cán bộ có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn sâu từ Tòa án nhân dân tối cao đến để giải quyết các vụ án, vụ việc khó, phức tạp tại Tòa án nhân dân địa phương.
Thực hiện các thủ tục chuẩn bị nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Quan tâm phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy để thực hiện tốt kết luận của Ban Thường vụ Đảng ủy về việc đề nghị Ban Thường vụ các tỉnh ủy/thành ủy quan tâm, tạo điều kiện giới thiệu nhân sự Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tham gia cấp ủy cấp tỉnh (sau hợp nhất) nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030.
Phối hợp chặt chẽ với Cục Kế hoạch - Tài chính tham mưu lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao về thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong Tòa án nhân dân.
Ba là, rà soát, phân bổ biên chế, xây dựng vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Nghiên cứu, xây dựng Đề án giao biên chế Tòa án nhân dân giai đoạn 2027-2031 phù hợp với tổ chức bộ máy mới, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Đồng thời, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định về số lượng cấp phó của Tòa án nhân dân các cấp theo hướng tinh gọn, giảm số lượng cấp phó.
Tham mưu thành lập và bố trí nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu tại Tòa Kinh tế tại Tòa án nhân dân khu vực; Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Phá sản tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước. Đặc biệt là việc tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong phân bổ chỉ tiêu Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 tại các Tòa án nhân dân khu vực để bảo đảm tăng cường nhân lực, năng lực cho cấp Tòa án này.
Bốn là, tổ chức đào tạo cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu mới, nhất là về tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực, về kiến thức ngoại ngữ, tin học. Quan tâm đào tạo trình độ lý luận chính trị đối với cấp ủy viên, nhân sự được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý. Kết hợp đồng bộ các giải pháp từ chính sách nhân sự đến ứng dụng công nghệ, đồng thời bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong suốt quá trình thực hiện.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội để tham mưu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ tiền lương, phụ cấp phù hợp với đặc thù của Tòa án, nhất là phụ cấp đối với các chức danh, chức vụ mới sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Triển khai các chương trình đào tạo theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp nhằm cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin trong hoạt động và quản lý hệ thống Tòa án nhân dân, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử.
5. Kết luận
Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn hệ thống Tòa án nói riêng và hệ thống chính trị nói chung, là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng, đòi hỏi sự đồng thuận, quyết tâm cao và tinh thần quyết tâm đổi mới sáng tạo. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “Quyết định sắp xếp lại giang sơn là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. Do vậy, việc tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của Tòa án để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn sẽ góp phần khẳng định sự tiến bộ và tô thắm “bước đi lịch sử” của đất nước, của dân tộc.
[1] Tại Tòa án nhân dân tối cao: Sáp nhập Vụ Công tác phía Nam, Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao; thành lập Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính (Vụ Giám đốc, kiểm tra IV).
[2] Kết thúc hoạt động của 3 Tòa án nhân dân cấp cao. Theo đó, đã giảm 25 đơn vị cấp vụ cấp 2 (03 Văn phòng; 17 Tòa chuyên trách; 05 Vụ Giám đốc, kiểm tra); giảm 12 đơn vị cấp phòng (03 phòng Hành chính tư pháp; 03 phòng Kế toán quản trị; 03 phòng Hồ sơ lưu trữ; 03 phòng Tổ chức - Cán bộ).
[3] Còn 34/63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Ảnh: Chi bộ Vụ Tổ chức - Cán bộ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 những quy định về thẩm quyền của các Tòa án
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 một số điểm lưu ý
-
Áp dụng pháp luật hay áp dụng “nhận thức” pháp luật
-
Danh sách địa điểm đặt trụ sở chính của 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 355 Tòa án nhân dân khu vực
Bình luận