Số tiền bồi thường được xem là vật chứng của vụ án

Sau khi nghiên cứu bài viết “Tiền bồi thường có thể được coi là vật chứng của vụ án không?” của tác giả Hồng Ngát, Ngọc Mai, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất khi xác định số tiền bồi thường được xem là vật chứng của vụ án.

Để làm rõ vấn đề này, trước hết chúng ta cần phải xác định thế nào là vật chứng cũng như những điều kiện cần phải có để một vật được xem là vật chứng, cụ thể như sau:

Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ rất quan trọng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 87 BLTTHS và cần được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quan tâm thu thập, kiểm tra, đánh giá nhằm giải quyết vụ án hình sự được khách quan, toàn diện. Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS thì vật chứng là “vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Xuất phát từ vị trí, vai trò là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng nên vật chứng cũng phải bảo đảm đầy đủ 03 thuộc tính của chứng cứ, đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp:

- Tính khách quan: Khi phát hiện và thu thập vật chứng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, khai thác những thông tin từ vật chứng đó để có thể nhận thức và tái hiện lại đúng sự thật những gì đã diễn ra trong quá khứ. Nếu vật chứng không bảo đảm tính khách quan mà bị chi phối, phụ thuộc vào suy nghĩ cũng như ý thức chủ quan của con người thì việc nhận thức và tái hiện nêu trên sẽ bị sai lệch dẫn đến đánh giá không chính xác những tình tiết, diễn biến của vụ án, gây khó khăn cho việc điều tra và xử lý tội phạm. Vì vậy, vật chứng cần phải bảo đảm được tính khách quan. 

- Tính liên quan: Vật chứng phải bảo đảm liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến những tình tiết, diễn biến của vụ án. Sự liên quan này được thể hiện thông qua giá trị chứng minh đối với vụ án của vật chứng. Khi được xác định là vật chứng thì những thông tin thu thập từ vật đó phải có giá trị chứng minh được một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 BLTTHS. Còn nếu những thông tin thu thập từ một vật không thể chứng minh được bất kỳ một vấn đề nào quy định tại Điều 85 BLTTHS thì vật đó không được xem là vật chứng và không liên quan đến vụ án.

- Tính hợp pháp: Vật chứng phải bảo đảm được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Điều này nhằm bảo đảm hành lang pháp lý của vật chứng bởi nếu vật chứng không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định thì những thông tin mà vật chứng đó phản ánh sẽ không có giá trị pháp lý và không thể dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Từ đó, có thể thấy, một vật chỉ có thể được xem là vật chứng khi phải bảo đảm thỏa mãn đầy đủ 03 thuộc tính nêu trên. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải xem xét, đánh giá mối quan hệ giữa vật chứng với những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85 BLTTHS. Sở dĩ như vậy là vì mục đích cuối cùng của việc thu thập vật chứng là nhằm thu thập chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề này. Khi một vật được xác định là tồn tại khách quan, được thu thập hợp pháp và có giá trị chứng minh được một trong những vấn đề phải chứng minh quy định tại Điều 85 BLTTHS (biểu hiện của tính liên quan) thì vật đó sẽ được xác định là vật chứng trong vụ án. Đây là cơ sở để có thể xác định một vật được thu thập có phải là vật chứng trong vụ án hay không.

Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy: Số tiền 136.000.000 đồng là tiền mà gia đình bị can Giang Đình Q đã nộp để khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội của bị can Q gây ra. Tuy tình huống không nói rõ số tiền này là do bị can Q tích cực tác động, đề nghị gia đình khắc phục thiệt hại thay cho mình hay do gia đình bị can Q tự khắc phục thiệt hại thay cho bị can mà không có sự tác động, đề nghị từ chính bị can nhưng vận dụng tinh thần được quy định tại mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì với số tiền này, bị can Q sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS hoặc khoản 2 Điều 51 BLHS tùy thuộc vào việc bị can Q có tích cực tác động, đề nghị gia đình khắc phục thiệt hại thay cho mình hay không.

Đồng thời, việc xác định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can là một trong những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại khoản 3 Điều 85 BLTTHS nên số tiền 136.000.000 đồng nêu trên có giá trị chứng minh đối với vụ án mà Q là bị can. Mặc khác, số tiền này tồn tại khách quan, dùng để khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội của bị can Q gây ra và được thu thập hợp pháp nên căn cứ vào những phân tích nêu trên thì số tiền 136.000.000 đồng phải là vật chứng trong vụ án. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với khái niệm vật chứng được quy định tại Điều 89 BLTTHS khi vật chứng là tiền có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án (tiền dùng để khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội đã gây ra trong vụ án, bảo đảm giải quyết vụ án được toàn diện).

Tác giả Vũ Văn Hoàng (Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân), Nguyễn Văn Lam (Tòa án quân sự Quân khu 9) có cùng quan điểm trên đây.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Hoàng Phúc

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)