T phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm
Sau khi nghiên cứu bài viết “Áp dụng tình tiết tái phạm và tái phạm nguy hiểm như thế nào?” của tác giả Phạm Văn Phương đăng ngày 20/11/2023, tôi có quan điểm nhất trí với quan điểm thứ hai cho rằng Trần Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS.
Theo dữ liệu nội dung vụ án tác giả nêu ra cho thấy, ngày 22/11/2019 T thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe đạp trị giá 1.500.000 đồng của bị hại là bà H. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS về tội trộm cắp tài sản thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án nói trên chưa đủ định lượng để cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, tại thời điểm phạm tội ngày 22/11/2019, T đang có 3 tiền án chưa được xóa án tích, trong đó có 1 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” vào năm 2011.
Trường hợp này cần vận dụng tinh thần theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS 1999. Căn cứ vào quy định của Nghị quyết 01/2000/NQ- HĐTP thì trường hợp này căn cứ vào tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” vào năm 2011, thì mặc dù giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án ngày 22/11/2019 là dưới 2.000.000 đồng, nhưng hành vi của T đã thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS “Đã bị kết án về tội này ... chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Như vậy tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” là dấu hiệu định tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS: “Các tình tiết đã được quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng” và tại Điều 53 BLHS quy định về tái phạm và tái phạm nguy hiểm: “1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. 2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”.
Như vậy, do đã sử dụng tiền án năm 2011 làm tình tiết định tội đối với hành vi của T nên sẽ không sử dụng tiền án này để xác định là “tái phạm” hoặc “tái phạm nguy hiểm” đối với T. Vì vậy đối với các tiền án còn lại về các tội “Đánh bạc”, “Chống người thi hành công vụ” sẽ được sử dụng để xem xét về xác định tình tiết định khung tăng nặng “tái phạm” hoặc “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp trao đổi thêm của quý đồng nghiệp và bạn đọc.
*Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4
Toà án nhân dân thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk xét xử vụ trộm cắp tài sản - Ảnh: Nông Thị Mai
Bài liên quan
-
Huỳnh Xuân T phải bị xét xử theo điểm b khoản 1 Điều 173 với tình tiết định khung hình phạt tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015
-
Không thể áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T
-
Phải áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T
-
Có áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T không?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận