TANDTC tổ chức toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Toà án
Ngày 21/10, trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN" do Quỹ thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ thông qua UNDP tại Việt Nam, TANDTC phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án".
TS Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án TANDTC và ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chủ trì Tọa đàm. Tham dự buổi toạ đàm còn có ông Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC; bà Trần Hương Giang, cố vấn Môi trường kinh doanh và dịch vụ tài chính, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội; cùng các chuyên gia, đại biểu đến từ các Bộ, Ngành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại buổi toạ đàm
Phát biểu khai mạc, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết, trong nhiều năm vừa qua, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là một trong những loại vụ án được Tòa án các cấp thụ lý, đưa ra xét xử theo đúng quy định của BLTTDS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về sở hữu trí tuệ
Kết quả tổng kết thực tiễn cho thấy các vụ án loại này hết sức phức tạp, khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ để xác định hành vi xâm phạm, giá trị thiệt hại phát sinh trên thực tế do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Do đó, có nhiều vụ án các Tòa án phải trưng cầu ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hoặc phải thông qua việc giám định để làm cơ sở kết luận có hay không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giá trị thiệt hại và các vấn đề khác.
Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại việt Nam phát biểu tại buổi toạ đàm
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, điều đó cũng dẫn đến việc các tranh chấp về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng ngày càng phức tạp. Việt Nam cũng đã ban hành, xây dựng các khung pháp lý đồng bộ với các nước trên thế giới như luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản... Tuy nhiên thực tiễn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ chủ yếu là phạt hành chính dẫn tới số lượng vụ việc vi phạm quyền sở hữu ngày càng tăng lên, hàng giả, hàng nhái còn tồn tại rất nhiều. Việc nâng cao kiến thức và kỹ năng giải quyết các vụ việc nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng, điều này giúp cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ tốt vấn đề thu hút vốn FDI. Đồng thời ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này
Tổng kết thực tiễn cho thấy số lượng đơn khởi kiện mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu Tòa án giải quyết là không nhiều. Theo thống kê của TANDTC, từ năm 2017 đến hết tháng 6 năm 2021, Tòa án cấp sơ thẩm cấp huyện, cấp tỉnh chỉ thụ lý, giải quyết 45 vụ án. Trong đó, có 37 vụ án tranh chấp về quyền tác gia và quyền liên quan, 8 vụ án tranh chấp về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, hợp đồng chuyển giao công nghệ. Về kết quả, Tòa án cấp sơ thẩm cấp huyện ra quyết định đình chỉ giải quyết 19 vụ án; quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự 04 vụ án; mở phiên tòa giải quyết 10 vụ án; Tòa án sơ thẩm cấp tỉnh giải quyết 05 vụ án, Tòa án cấp cao giải quyết phúc thẩm 4/5 vụ án; các vụ án còn lại đang trong thời hạn quy định của pháp luật tố tụng và đang được các Tòa án nghiên cứu, giải quyết
Qua tìm hiểu, đánh giá về nguyên nhân các chủ thể quyển sở hữu trí tuệ ít sử dụng biện pháp khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, TANDTC nhận thấy từ trước tới nay, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thường sử dụng biện pháp hành chính để yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này xuất phát từ quan điểm việc áp dụng biện pháp hành chính thường nhanh chóng, có tính ngăn chặn, không phức tạp và đỡ tốn kém hơn là biện pháp khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu xử lý hình sự các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ quy định xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ bằng các biện pháp dân sự và hình sự, rất ít nước có quy định xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ bằng biện pháp hành chính.
Đối với Việt Nam, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên như: Hiệp định Đối tác chiến lược và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ... đều có yêu cầu cam kết về biện pháp bảo về dân sự và hình sự đối với quyền sở hữu trí tuệ
Dự báo trong thời gian tới, số lượng các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các hành vi vi phạm quyển sở hữu trí tuệ sẽ tăng lên nhiều, đặc biệt là các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xuyên quốc gia xảy ra trên mạng Internet. Đây là những vụ án hết sức phức tạp về tính chất, mức độ tranh chấp, cũng như hết sức khó khăn trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam, luật Việt Nam hay luật nước ngoài được áp dụng để xem xét, giải quyết tranh chấp.
Mục đích của cuộc Tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức cho các Thẩm phán, công chức của Tòa án về pháp luật và áp dụng pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.
Tại buổi toạ đàm, các Thẩm phán, công chức Tòa án đã được nghe, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia trong nước về cách hiểu cũng như cách thức áp dụng các quy định của pháp luật trong nước về quyền sở hữu trí tuệ. Các Thẩm phán, công chức Tòa án cũng đã được các chuyên gia trong nước giới thiệu khái quát về kinh nghiệm của một số nước trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ để tham khao, học tập.
Buổi toạ đàm được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Bài liên quan
-
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
-
Vụ Công tác phía Nam TANDTC triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025
-
Một số vấn đề về việc giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng của Viện kiểm sát
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí: Công tác ngành Tòa án năm sau phải tốt hơn năm trước
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận