Tây Ninh: Bản án có hiệu lực đã 2 năm, người dân mòn mỏi chờ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bản án phúc thẩm vụ án hành chính của TANDCC tại TP.HCM đã tuyên hủy các quyết định liên quan đến việc thu hồi đất của người dân ở tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, bản án có hiệu lực đã 2 năm, nhưng người dân xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa được giải quyết.
Thu hồi đất
Năm 1961, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ca (sinh 1918) mua lại phần đất 25ha, từ vợ chồng cụ Võ An Khương để trồng cây cao su. Mảnh đất tọa lạc tại ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Trước khi chết, vợ chồng cụ Ca có viết di chúc để lại đất vườn cao su cho con cháu là Nguyễn Hữu Thuần, Nguyễn Hữu Phước và Nguyễn Hữu Tuấn (mỗi người 5 ha). Phần còn lại khoảng 10ha, vợ chồng cụ Ca hiến cho đạo Cao Đài.
Mảnh đất trên đã được gia tộc cụ Ca quản lý, sử dụng xuyên suốt từ năm 1961 đến nay. Tuy nhiên, nhiều lần phía gia đình ông Ca xin chính quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng đều bị từ chối. Ngày 15/3/2018, UBND tỉnh Tây Ninh ra Quyết định số 694/QĐ-UBND, thu hồi diện tích đất 255.711m2 (trong đó có 15ha đất anh em ông Thuần đang canh tác cao su).
Không đồng ý với quyết định trên, ông Nguyễn Hữu Thuần khiếu nại. Ngày 9/4/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành văn bản số 685/UBND-DT trả lời đơn khiếu nại, với nội dung không xem xét giải quyết khiếu nại của ông Thuần.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh: Sau năm 1975, Nhà nước thực hiện chính sách “cải tạo” tư bản và công thương nghiệp, nên chính quyền quản lý vườn cao su của ông Ca. Năm 1977, UBND tỉnh Tây Ninh giao cho Công ty cao su Tây Ninh quản lý vườn cao su ông Ca.
Thực hiện Công văn số 59/CV-UB ngày 13/3/1989 của UBND tỉnh Tây Ninh, về khoán quản lý, chăm sóc, khai thác và trồng mới cao su; ngày 12/4/1989, Công ty cao su Tây Ninh ký kết “Hợp đồng giao khoán” số 01/04/HĐMBCS với ông Ca, đối với diện tích đất nêu trên.
Sau này, do UBND huyện Châu Thành xin được giao diện tích đất trên cho huyện quản lý nên UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 15/3/2018, về việc thu hồi 255.711 m2 đất.
Đại diện UBND tỉnh cho rằng, “UBND tỉnh ban hành văn bản số 59/CV-UB ngày 13/3/1989 quy định về thực hiện khoán, quản lý chăm sóc khai thác trồng mới cao su, kèm theo danh mục xác lập cụ thể danh sách 58 hộ trồng cao su thực hiện theo chủ trương này. Trong đó, có vườn cao su của ông Ca xếp thứ 8 trong danh sách 58 hộ”.
Mặt khác, căn cứ văn bản số 1484/CP-NN ngày 16/12/1998 của Chính phủ, thì “không xem xét trả lại vườn cao su cho tư nhân là chủ sở hữu trước năm 1975 không thuộc diện quốc hữu hóa mà nhà nước đang quản lý”. Vì vậy, đất vườn cao su ông Ca thuộc trường hợp quy định này, nên UBND tỉnh Tây Ninh ra văn bản là đúng quy định pháp luật…
Hành trình tố tụng
Ông Nguyễn Hữu Thuần khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 694/QĐ-UBND và văn bản số 685/UBND-DT của UBND tỉnh Tây Ninh. Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2021/ HC-ST ngày 25/6/2021 của TAND tỉnh Tây Ninh đã quyết định bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông Nguyễn Hữu Thuần kháng cáo bản án sơ thẩm.
Nguyên đơn Nguyễn Hữu Thuần cho rằng: Văn bản số 59/CV- UB ngày 13/3/1989, với nội dung ghi rất rõ: Đối với diện tích cao su mà nhà nước quản lý thì có 176 ha là do tịch thu, số còn lại “610,5ha cây cao su của 58 hộ tư nhân”, chỉ đạo “UBND huyện, thị giao đất cho 58 hộ tư nhân để sử dụng lâu dài: trồng mới, chăm sóc, khai thác mủ cao su và bán lại cho nhà nước”.
Văn bản số 752/UBND-TD ngày 14/4/2020, trả lời tòa án, UBND tỉnh Tây Ninh cũng xác nhận diện tích đất ông Thuần khiếu kiện nằm trong diện tích 610,5 ha đất của 58 hộ tư nhân, không nằm trong diện tích đất cao su bị tịch thu. Điều này chứng tỏ nhà nước thừa nhận quyền sử dụng đất cho ông Ca trước đây và các con ông Ca sau này.
Ông Thuần khẳng định: Không hề có “Hợp đồng giao khoán” đất số 01/04/HĐMBCS, như UBND tỉnh Tây Ninh đưa ra. Thực tế, chỉ có “Hợp đồng mua bán mủ cao su” số 01/04/HĐMBCS giữa Công ty cao su với ông Ca. Hợp đồng mua bán mủ cao su không liên quan gì tới… “giao khoán” đất đai.
Đối chiếu với văn bản số 1484/CP-NN ngày 16/12/1998 của Chính phủ, thì nhà nước không quản lý diện tích đất trên. Thực tế trước đây, khu đất là do ông Ca quản lý, trồng cao su hàng chục năm qua. Và, hiện nay là 3 người cháu nội của ông Ca đang quản lý, trồng cây cao su…, nên không thuộc trường hợp điều chỉnh bởi văn bản 1484.
Hội đồng xét xử phúc thẩm của TANDCC tại TP Hồ Chí Minh ngày 24/5/2022 nhận định: UBND tỉnh Tây Ninh thừa nhận không tìm thấy quyết định thu hồi đất, giao đất cho Công ty cao su Tây Ninh vào thời điểm từ năm 1975 đến năm 1989, trước khi UBND tỉnh Tây Ninh ban hành văn bản số 59/CV-UB ngày 13/3/1989, về việc thực hiện khoán, quản lý, chăm sóc, khai thác, trồng mới cây cao su. Đồng thời, UBND tỉnh Tây Ninh cũng không tìm thấy quyết định trưng thu, trưng dụng đối với khu đất mà ông Thuần đang khiếu kiện.
Điều này phù hợp với trình bày của đại diện Công ty cao su Tây Ninh khẳng định tại Biên bản kiểm tra hiện trạng ngày 22/6/2012: “Công ty cao su không tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cũng như hợp đồng giao khoán đất của ông Nguyễn Văn Ca…”.
Ý kiến của ông Thuần về “hợp đồng mua bán mủ cao su” (không phải “hợp đồng giao khoán” đất) và khu đất không thuộc trường hợp bị điều chỉnh bởi văn bản 1484 của Chính phủ, là chính xác.
Quyết định của bản án phúc thẩm
Hội đồng xét xử khẳng định: Qua các chứng cứ trên thực tế diện tích đất ông Thuần đang khởi kiện, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Gia đình ông Thuần sử dụng liên tục từ năm 1961 đến năm 1989, không bị cơ quan quản lý nhà nước ban hành quyết định nào đối với phần đất trên.
Từ năm 1989 đến nay, theo văn bản số 59/CV-UB đã giao cho gia đình ông Ca (nay là ông Thuần) tiếp tục sử dụng ổn định cho đến nay. Căn cứ Nghị định 43/2014, thì phần đất trên đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Nay UBND tỉnh Tây Ninh thu hồi mà không bồi thường hay hỗ trợ là không đúng, nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thuần.
Bản án số 367/2022/HC-PT ngày 24/5/2022 của TANDCC tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên hủy Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 của UBND tỉnh Tây Ninh. Do Quyết định 694 bị hủy, nên kéo theo văn bản số 685/UBND-DT ngày 9/4/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng bị hủy.
Mặt khác, liên quan đến Quyết định 694 là Quyết định 695/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc giao diện tích đất bị thu hồi cho UBND huyện Châu Thành quản lý, Hội đồng xét xử đã quyết định hủy luôn Quyết định 695, vì không còn giá trị để thực hiện.
Thực hiện bản án
Tuy nhiên, suốt hơn 2 năm qua, kể từ khi bản án phúc thẩm được TANDCC tại TP.HCM ban hành, nguyên đơn làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất gia đình đã canh tác nhiều năm qua mà bản án đã ghi nhận nhưng chưa được giải quyết. Người dân hiểu là bản án có hiệu lực pháp luật chưa được UBND tỉnh Tây Ninh tôn trọng, thi hành.
Điều 106, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Quy định này là nguyên tắc cho mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quyền luôn đi liền với nghĩa vụ và việc chấp hành pháp luật cũng chính là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân. Chấp hành các bản án, quyết định của Tòa án không chỉ bảo đảm hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định trên thực tế mà còn bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, duy trì trật tự xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, với pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của nhân dân trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Trái lại, nếu bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được nghiêm chỉnh thi hành, thì hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định cũng như hiệu lực quản lý của Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật bị xem thường, lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, với Tòa án, pháp luật bị giảm sút.
Việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của công dân không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Thuần, mà còn ảnh hưởng hơn 40 hộ dân khác hiện đang sinh sống trên diện tích đất do đạo Cao Đài quản lý. Những hộ dân đang mong mỏi từng ngày để sớm được làm thủ tục hợp thức hóa nhà đất, vướng mắc về pháp lý hàng chục năm qua.
Do đó, không chỉ nguyên đơn mà những người quan tâm đến vụ án hành chính này đều mong UBND tỉnh Tây Ninh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết các yêu cầu chính đáng của người dân, đồng thời thể hiện tinh thần tôn trọng pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thửa đất gia đình ông Thuần sử dụng liên tục hơn 60 năm qua
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận