Thẩm phán lấy lời khai của đương sự qua mạng internet
Qua nghiên cứu BLTTDS 2015 và bài viết “Lấy lời khai của đương sự qua mạng internet có đúng pháp luật hay không?” của tác giả Ths Nguyễn Trọng Sơn đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân điện tử ngày 05/4/2020, tác giả cho rằng Thẩm phán có thể lấy lời khai của đương sự qua mạng internet.
Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, lấy lời khai là một công việc quan trọng, góp phần làm vững chắc thêm chứng cứ, làm rõ các tình tiết để thẩm phán có thể giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 02/2020/CT-CA về phòng chống dịch trong hệ thống TAND. Do đó, việc thẩm phán tiến hành lấy lời khai của đương sự qua mạng internet là một biện pháp phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC về phòng chống dịch bệnh trong tình hình hiện nay.
Quan điểm 1 trong bài viết của Ths Nguyễn Trọng Sơn có đoạn: “Việc lấy lời khời của đương sự qua mạng bằng các hình thức như: Zalo; facebook; điện thoại; email (có hình, hoặc không có hình), đó là Thẩm phán dùng phương tiện điện tử cá nhân giới thiệu chức danh, trình tự và khi đương sự đồng ý, thì Thẩm phán sẽ tiến hành lấy khai. Sau khi kết thúc, Thẩm phán chuyển biên bản lấy lời khai cho đương sự, đương sự xem và thống nhất nội dung, Thẩm phán đề nghị đương sự ký vào biên bản và chuyển cho Tòa án để lưu vào hồ sơ, hoặc Thẩm phán có thể in ra và đến trực tiếp nhà đương sự để ký xác nhận nội dung (giảm bớt thời gian tiếp xúc với nhau trực tiếp, tránh tụ tập đông người và đảm bảo sự an toàn và phòng chống dịch) và lưu vào hồ sơ vụ án. Cách lấy lời khai như vậy không vi phạm nghiêm trọng BLTTDS, bởi các căn cứ sau:
– Điều 93 BLTTDS quy định về chứng cứ là những gì có thật, thì việc lấy lời khai của đương sự qua mạng là hoàn toàn thật, Thẩm phán lấy lời khai qua mạng được sự đồng ý và nhất trí của đương sự, sau đó đương sự đã xác nhận nội dung mà Thẩm phán chuyển tải vào Biên bản lấy lời khai đúng ý chí và nội dung đương sự đã trả lời.
– Khoản 2, 5 Điều 95 BLTTDS cũng đã ghi rõ “ Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh …”.
– Việc lấy lời khai của đương sự như trên cũng đảm bảo theo đúng nguyên tắc cơ bản của Điều 98 BLTTDS, đó là đương sự đã xem lại toàn bộ nội dung đã trả lời Thẩm phán và được chuyển hóa vào Biên bản lấy lời khai, sau khi xem xong đương sự đã ký vào biên bản”.
Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên với sự phát triển của cơ sở hạ tầng viễn thông ở nước ta hiện nay, tôi cho rằng khi cần lấy lời khai qua mạng internet, thẩm phán nên tiến hành bằng hình thức có hình (cuộc gọi video).
Hơn nữa, để đảm bảo việc lấy lời khai diễn ra khách quan, đúng quy định pháp luật hơn nữa, thẩm phán cần thực hiện thêm các yêu cầu sau:
(i) Khoản 1 Điều 98 BL TTDS 2015 quy định về việc lấy lời khai đương sự như sau:
“Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án”.
Như vậy, trong trường hợp này, khi lấy lời khai qua mạng vì đương sự không thể tự viết được nên Thẩm phán hoặc thư ký phải ghi lại nội dung lời khai của đương sự vào biên bản. Sau đó, Thẩm phán chuyển biên bản lấy lời khai cho đương sự, đương sự xem và thống nhất nội dung, Thẩm phán đề nghị đương sự ký vào biên bản và chuyển lại cho Tòa án.
(ii) Khoản 2 Điều 98 BLTTDS 2015 quy định về việc lấy lời khai đương sự như sau: “2. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản”.
Có thể nhận định như sau, trong trường hợp Thẩm phán lấy lời khai qua mạng, dù Thẩm phán có đang ở Toà án hay không nhưng vì đương sự không có mặt ở Toà án tại thời điểm đó nên đồng nghĩa với việc đây là một trường hợp lấy lời khai ngoài trụ sở Toà án. Vì vậy, khi tiến hành lấy lời khai của đương sự, bắt buộc phải có người làm chứng hoặc xác nhận của UBND, Công an cấp xã, cơ quan tổ chức nơi lập biên bản. Trong trường hợp này, để đảm bảo thủ tục tố tụng, Thẩm phán cần phối hợp với người làm chứng hoặc đại diện UBND, Công an cấp xã hoặc đại diện cơ quan tổ chức (chỉ trong trường hợp lấy lời khai mà đương sự đang làm việc tại cơ quan tổ chức của họ) cùng tham gia vào cuộc gọi video lấy lời khai. Sau khi Thẩm phán và đương sự đã ký tên vào biên bản, Thẩm phán có thể gửi biên bản cho những người này đề nghị họ ký tên và chuyển lại cho Toà án.
Bên cạnh đó, trong quá trình lấy lời khai của đương sự qua mạng internet, Thẩm phán cũng cần chú ý tuân thủ đầy đủ các quy định khác của pháp luật để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của đương sự, tính chính xác của thủ tục tố tụng. Ngoài ra, dù đã thực hiện cuộc gọi video nhưng trong quá trình xét xử tại phiên toà Thẩm phán phải yêu cầu đương sự xác nhận lại về các nội dung đã khai qua mạng internet, tránh trường hợp lời khai của đương sự không hoàn toàn tự nguyện mà là do bị ép buộc.
Trên đây là quan điểm của tôi về vấn đề này, kính mong nhận được ý kiến trao đổi, đóng góp của tác giả và bạn đọc cũng như hướng dẫn của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Một phiên tòa dân sự tại Hà Nam – Ảnh: Thu Trang/VKSND HN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận