Báo hiếu trong văn hóa Việt
Biết ơn cha mẹ, ông bà thì không gì hơn là không để ông bà, cha mẹ phải lo lắng, buồn phiền và không ngừng nỗ lực, phấn đấu để làm một người tốt, hữu ích cho gia đình và xã hội, tùy theo năng lực, điều kiện của mỗi người.
…Tháng Tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng Năm
Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng Bảy ngày Rằm, xá tội vong nhân
Tháng Tám chơi đèn kéo quân…
Quốc văn giáo khoa thư lớp Sơ đẳng ngày xưa có bài thơ khuyết danh này, nói về 12 tháng trong năm của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó tháng Bảy gắn với lễ Xá tội vong nhân. Ngày lễ này còn gọi là Tết Trung nguyên, với Thượng nguyên là Rằm tháng Giêng và Hạ nguyên là Rằm tháng Mười. Theo quan niệm của Đạo giáo, tam nguyên gắn với ba vị thần, Thiên quan chủ về ban phúc lộc; Địa quan chủ về trách phạt tội và Thủy quan chủ về giải trừ tai ách. Không biết có sự giao thoa nào giữa việc trách phạt tội của Đạo giáo với vu lan của Phật giáo Đại thừa, với tích Mục Kiền Liên cứu mẹ để Rằm tháng Bảy trở thành ngày lễ lớn của con cháu báo hiếu tổ tiên.
Theo quan niệm đây là ngày Xá tội vong nhân, người chết dù có tội cũng được tha, nên nhà ai cũng có lễ cúng, đốt vàng mã. Gần đây, gọi tháng Bảy là tháng cô hồn lan truyền trên báo chí, nhưng truyền thống xưa ngoài Bắc không thấy gọi như vậy. Người ta gọi các linh hồn không được thờ cúng đó là "các quan chúng sinh".
Trong cuốn Dọc đường nhà văn Nguyên Ngọc có bài Lắng nghe Cadière rất hay.
Léopold Michel Cadière (1869-1955) là một linh mục, nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris tại Việt Nam, nhưng ông được biết nhiều hơn với tư cách một nhà sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học, nhân loại học, dân tộc học với các công trình nghiên cứu đồ sộ và đặc sắc.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhắc đến bài Gia đình và tôn giáo xứ An Nam của Cadière viết năm 1930 mà bây giờ vẫn còn tính thời sự. Cadière viết: “Gia đình theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm những người sống, nó còn bao gồm cả những người chết. Và điều này là có ý nghĩa căn bản. Quả vậy, do chính từ cấu tạo của nó, dòng họ - gia đình theo nghĩa rộng, về căn bản mang tính tôn giáo, bởi nó bao gồm cả những thành viên siêu nhiên”. Quả thật, gia đình, dòng họ của người Việt luôn có trọng tâm là bàn thờ gia tiên, là từ đường chung, nơi thờ phụng những thành viên đã khuất.
Cadière nói: “Người Hy Lạp xưa lấy làm kiêu hãnh vì có họ hàng với các vị thần. Ở An Nam, người nông dân nghèo khổ nhất, người cu li khốn cùng nhất, cũng có thể nói như vậy. Và cũng như vậy, họ coi tổ tiên của họ là những nhân vật được đưa lên cao hơn thế giới tự nhiên, họ có ý thức rằng, chính họ một ngày kia khi đã chết đi, họ cũng sẽ được các hậu duệ coi là có quyền lực siêu nhiên…”.
Ông nhận xét: Những mối dây gắn kết họ (người sống và những người đã chết) không bị cái chết cắt đứt; trái lại, cái mối dây đó được tôn giáo thánh hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn. Phải công nhận rằng gia đình, được quan niệm như vậy, mang một ý nghĩa trang nghiêm, cao cả và ấn tượng.
Nghiên cứu của một linh mục nước ngoài về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt sâu sắc và tinh tế đến thế, ông coi đó là một tôn giáo. Mỗi người Việt, dù là tầm thường nhất, sau khi qua đời cũng sẽ được con cháu thờ phụng, coi là có quyền phù hộ, che chở cho con cháu – chỉ cái đó thôi, người ta được an ủi rất nhiều khi nhắm mắt xuôi tay.
Tuy nhiên, báo hiếu không chỉ ở việc thờ cúng sau khi cha mẹ, ông bà đã qua đời mà phải thể hiện ngay trong đời sống như phải kính trọng cha mẹ, thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, không làm trái ngược với ý của cha mẹ, không để cha mẹ phải buồn phiền lo lắng… Và dường như cách báo hiếu được người ta hướng đến nhiều nhất là phấn đấu để “Dương danh hiển thân” tức là làm nên công danh, sự nghiệp, để làm vinh hiển cha mẹ. Người không có điều kiện như thế thì cũng cố giữ nhân cách, phẩm giá để không làm ô danh cha mẹ, ông bà.
Biểu hiện “Dương danh hiển thân” điển hình nhất là lễ “Phần hoàng”. Phần là đốt, hoàng (huỳnh) là tờ giấy màu vàng. Dưới triều Nguyễn, có lệ phong tặng chức tước cho cha mẹ của những người làm việc lâu năm, có nhiều thành tích và có địa vị cao. Nếu là quan Nhất phẩm thì phong tặng ba đời, là cha mẹ, ông bà và ông bà cố; quan Nhị phẩm phong tặng hai đời là cha mẹ và ông bà… Phong tặng theo nguyên tắc cha mẹ thấp hơn con hai bậc, nếu con là Thượng thư, trật Chánh nhị phẩm thì cha mẹ được phong Chánh tam phẩm; ông bà nội kém cháu bốn bậc, được phong Chánh tứ phẩm. Mỗi trật có hai cấp Chánh và Tòng. Đây là vinh hàm, không phải có thực quyền, dù được ban mũ áo, cờ biển.
Nếu người được phong tặng đã quá cố thì sắc được làm thành hai bản, bản chính có đóng dấu của vua, con cháu giữ để thờ và một bản sao trên giấy vàng, đóng ấn Nội các để khi tiếp nhận sắc phong, gia đình làm lễ tuyên đọc và đốt bản sao màu vàng để hương linh tiếp nhận.
GS Nguyễn Văn Huyên (1905-1975), người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp (năm 1934), trong cuốn Văn minh Việt Nam viết về buổi lễ này rất sinh động, đầy cảm xúc: “Tôi đã dự nhiều lễ phần hoàng và tất cả mọi nơi, trong mỗi gia đình tôi đều cảm thấy những tiếng tim đập, cùng một sự thống nhất về tình cảm và ý nghĩ, cùng một bầu không khí tín ngưỡng êm dịu và chân thành mà tâm hồn người Việt vẫn ưa thích.
Đấy là sự kiện vui sướng nhất trong gia đình và tất cả bà con, bè bạn và thông gia đến tham dự. Đối với con cái, nhất là đối với người con có phẩm hàm mở đường cho cha mẹ được phong quan tước thì đấy là phút giây êm ái nhất, khi nghĩ rằng việc phong quan bán chính thức đó, vong linh cha mẹ sẽ tự hào và hài lòng vì họ.
Đấy là cơ hội hiếm hoi để cả gia tộc sum họp đông đủ trong nhà thờ, tuôn những giọt nước mắt mừng vui, nhớ lại và kể cho nhau nghe những chuyện đã qua, tràn ngập trong ký ức về các vị tổ tiên thân yêu của mình. Lễ này là sự bày tỏ đẹp nhất lòng biết ơn và lòng hiếu thảo mà một người con trai có thể dâng lên hương hồn cha mẹ. Đó đồng thời là niềm vui duy nhất, vinh dự nhất mà một người có thể đem lại cho gia đình mình. Chính người đó cũng là niềm vui, là niềm vinh dự là đứa con yêu dấu, quý tử của gia đình”.
Ngày nay phong tục, luật lệ đã thay đổi lớn, nhưng đó là hình thức, còn giá trị đích thực trong truyền thống thì dường như vẫn còn nguyên vẹn. Biết ơn cha mẹ, ông bà thì không gì hơn là không để ông bà, cha mẹ lo lắng, buồn phiền và không ngừng nỗ lực, phấn đấu để làm một người tốt, hữu ích cho gia đình và xã hội, tùy theo năng lực, điều kiện của mỗi người.
Có lẽ không có lễ vật nào khiến ông bà, cha mẹ vui sướng, hạnh phúc hơn là thấy con cháu hiếu thuận, mạnh khỏe, sum vầy, yêu thương nhau và có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Nghĩ như thế, hành động như thế thì “Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân” khiến mỗi người con cháu trong gia đình trở nên tốt đẹp và gắn bó với nhau hơn!
*Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
Báo hiếu không chỉ ở việc thờ cúng sau khi cha mẹ, ông bà đã qua đời mà phải thể hiện ngay trong đời sống - Ảnh: Duy Nhựt (Báo AB)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận