Thiếu cơ chế bảo đảm quyền nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử của bị cáo
Quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 đã không còn quy định bị cáo chưa nhận được Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử mà có yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.
Khắc phục những bất cập của BLTTHS năm 2003 và để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, BLTTHS năm 2015 đã có những quy định cụ thể, rõ ràng và mở rộng quyền của bị can, bị cáo, bảo đảm tính công bằng trong việc thực thi pháp luật hình sự.
Có thể thấy, so với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS 2015 đã ghi nhận cho bị cáo thêm một số quyền sau:
Một là, quyền được “Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”.
Hai là, quyền “Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa”.
Ba là, quyền được “Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa”.
Bốn là, bị cáo còn có “Các quyền khác theo quy định của pháp luật”. Những quyền này sẽ được thể hiện rõ sau khi các văn bản hướng dẫn có hiệu lực.
Tuy nhiên, một số sự thay đổi của BLTTHS năm 2015 lại cho thấy sự không phù hợp, đó là việc quy định về quyền nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử của bị cáo.
Theo đó, điểm a khoản 2 Điều 61 BLTTHS quy định: Bị cáo có quyền nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời, khoản 1 Điều 286 cũng nêu rõ: Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo… chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa”. Ngoài ra, trước khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, tư cách bị cáo chưa xuất hiện mà tư cách tố tụng lúc này là bị can, theo đó, bị can có quyền nhận bản Cáo trạng (điểm c khoản 2 Điều 60). Do đó, trước ngày mở phiên tòa ít nhất 10 ngày, bị cáo đã phải được nhận đầy đủ bản cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Đây là một trong những quyền quan trọng của bị cáo, tuy nhiên, so với BLTTHS năm 2003, cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện quyền này của BLTTHS 2015 là chưa rõ ràng. Việc thực hiện quyền này đi kèm với việc thực hiện nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giao, gửi bản Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Để bảo đảm cho việc này được thực hiện nghiêm túc và bảo đảm quyền lợi cho bị cáo trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện không đúng, không thực hiện nghĩa vụ của mình, đòi hỏi phải có hệ quả pháp lý cho việc đó. BLTTHS năm 2003 ghi nhận hệ quả này như sau: “….Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản Cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 49 và Quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 182 của Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa” (Điều 201 BLTTHS 2003). Như vậy, hệ quả pháp lý khi bị cáo không nhận được bản Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn quy định là bị cáo có quyền yêu cầu hoãn phiên tòa.
Đối chiếu với BLTTHS 2015, quy định trên đã bị loại bỏ. Theo đó, không còn căn cứ để bị cáo yêu cầu Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa trong trường hợp chưa nhận được bản Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Và nếu có trường hợp này xảy ra, Hội đồng xét xử nếu muốn cũng khó có căn cứ để hoãn phiên tòa. Bởi những căn cứ để hoãn phiên tòa đã được quy định tại Điều 297 BLTTHS 2015 gồm:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này;
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Như vậy, BLTTHS 2015 hoàn toàn không quy định về quyền yêu cầu hoãn phiên tòa khi chưa nhận được bản Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử của bị cáo. Do đó, cần bổ sung thêm quy định theo một trong hai hướng. Hướng thứ nhất, có thể quy định như BLTTHS 2003 (tức là bổ sung quy định này vào Điều về thủ tục bắt đầu phiên tòa); hay hướng thứ hai là quy định đây là một trường hợp bổ sung vào Điều 297 BLTTHS 2015.
Một phiên tòa hình sự tại TAND huyện Thới Bình, Cà Mau
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận