Thời điểm hòa giải trong vụ án dân sự
Sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án ly hôn 10 ngày, theo đề nghị giải quyết nhanh của đương sự, Tòa án đã tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định pháp luật. Kết quả hai bên thuận tình lý, nhưng vấn đề có ý khiến khác nhau là giải quyết nhanh như vậy có đúng pháp luật hay không?
1. Tình huống pháp lý
Do cuộc sống vợ chồng không còn hạnh phúc nên chị Nguyễn Thị Cam đã nộp đơn khởi kiện vụ án yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với anh Trần Văn Thanh. Sau khi Tòa án xem xét các thủ tục và đơn khởi kiện của chị Cam, Tòa án đã thụ lý vụ án ly hôn vào ngày 01/7/2019. Đến ngày 02/7/2019, Thư ký Tòa án đã tống đạt thông báo thụ lý vụ án cho hai đương sự theo qui định.
Sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, anh Thanh đã làm tờ tường trình trình bày ý kiến của mình về vụ án, nộp đơn yêu cầu Tòa án tiến hành thủ tục hòa giải sớm vì anh Thanh bận công việc làm ăn ở xa, nộp cho Tòa án cùng ngày 02/7/2019. Theo đó, anh Thanh đồng ý với các yêu khởi kiện của chị Cam.
Nhận thấy vụ án ly hôn này sẽ được hòa giải thành, hai bên thuận tình ly hôn nên ngay khi nhận được tờ tường trình của anh Thanh, Tòa án đã ban hành giấy triệu tập và thông báo về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cho các đương sự để yêu cầu các đương sự có mặt tại trụ sở Tòa án vào lúc 13 giờ 30 ngày 11/7/2019 để tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định pháp luật.
Qua đó, các đương sự đồng ý thuận tình ly hôn và thỏa thuận được toàn bộ các yêu cầu giải quyết vụ án nên Thẩm phán giải quyết vụ án ra quyết định ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và công nhận thoả thuận của các đương sự.
2. Tòa án tiến hành hòa giải có đúng pháp luật?
Từ sự việc trên, xuất hiện hai quan điểm trái ngược nhau, có quan điểm cho rằng thủ tục hòa giải như đã nêu trên là chưa đúng với quy định của pháp luật; ngược lại, có quan điểm lại tán thành với cách thức giải quyết vụ án như nêu trên.
Quan điểm thứ nhất: Cho rằng Tòa án đã tiến hành hòa giải vi phạm nghiêm trọng tố tụng vì việc Toà án hoà giải trong thời hạn quy định bị đơn có văn bản trình bày ý kiến về vụ kiện là chưa đảm bảo các quyền lợi của bị đơn. Trong trường hợp này, mặc dù bị đơn đã có văn bản trình bày ý kiến về vụ án nhưng chưa hết thời hạn 15 ngày quy định trong thông báo thụ lý vụ án thì bị đơn có quyền thay đổi, bổ sung ý kiến của mình, nhưng Toà án đã mời hoà giải khi chưa hết thời hạn này nghĩa là đã tước đi quyền thay đổi, bổ sung ý kiến của bị đơn.
Mặt khác, phần cuối của thông báo thụ lý vụ án theo mẫu có đoạn nêu: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Thông báo này, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có). Trường hợp cần gia hạn, thì phải có đơn xin gia hạn gửi cho Toà án nêu rõ lý do để Toà án xem xét. Hết thời hạn này mà người được thông báo không nộp cho cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện thì Toà án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật” . Theo đó, Toà án chỉ được tiếp tục giải quyết khi đã hết thời hạn quy định trên.
Đồng thời, thời điểm mở phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cũng là thời điểm để chốt các yêu cầu của đương sự. Trước thời điểm này, nếu đương sự không có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì đương sự sẽ bị mất quyền yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Do vậy, thời điểm tiến hành hòa giải phải đảm bảo hết 15 ngày kể từ ngày tống đạt thông báo thụ lý vụ án nhằm đảm bảo một cách tốt nhất các quyền lợi của các đương sự.
Quan điểm thứ hai: Không đồng tình với quan điểm của thứ nhất, quan điểm này cũng là quan điểm của tác giả, Theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì: Quyền tự định đoạt và quyền tự quyết định của đương sự trong vụ việc này thể hiện ở chổ bị đơn đã nộp đơn yêu cầu Tòa án tiến hành hòa giải sớm và anh Thanh không có yêu cầu phản tố, nghĩa là họ chấp nhận bỏ đi quyền yêu cầu phản tố của mình. Đồng thời, khi Tòa án mời tổ chức hòa giải các đương sự đã thỏa thuận được các vấn đề giải quyết vụ án, không có thắc mắc khiếu nại gì nên Tòa án cần tôn trọng kết quả hòa giải và ban hành quyết định là đúng pháp luật.
Mặt khác, việc làm của Tòa án là nhằm giải quyết nhanh các vụ án. Nếu đã có tờ tường trình nêu ý kiến của minh, để đương sự có thời gian thay đổi ý kiến theo ý kiến theo quan điểm thứ nhất thì trong thời gian mời hòa giải nếu các đương sự có thay đổi ý kiến thì Tòa án vẫn chấp nhận việc thay đổi đó theo qui định pháp luật và hoãn phiên hòa giải để tổ chức hòa giải vào ngày khác. Bên cạnh đó, sau khi hòa giải thành, các đương sự vẫn có quyền thay đổi ý kiến đối với biên bản hòa giải thành trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa thành nếu đương sự nào có thay đổi ý kiến về sự thoả thuận giữa hai bên thì phải làm thành văn bản gửi cho Toà án.
Do đó, việc giải quyết án nhanh lẹ như nêu trên là hoàn toàn đảm bảo đúng qui định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các đương sự; tạo thuận lợi cho người dân, không nên gây phiền hà cho người dân.
Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp và đọc giả!
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận