Thời hiệu khởi kiện – điểm mới trong BLTTDS 2015
Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 và Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 có một số quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định của BLTTDS 2004 và của BLDS 2005. Liên quan đến thời hiệu khởi kiện, tác giả nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc cần được giải thích, hướng dẫn, sửa đổi.
1.Những quy định chung của pháp luật
Theo quy định của BLDS 2015 thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định tại Điều 185 của BLTTDS 2015 thì thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của BLDS 2015.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS 2015: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Tại khoản 2 Điều 149 BLDS 2015 cũng quy định tương tự khoản 2 Điều 184 BLTTDS 2015. Đối với BLTTDS 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 không có quy định này.
Với quy định nêu trên, về cơ bản tất cả các vụ án đều còn thời hiệu khởi kiện nếu các đương sự không yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu. Cũng có thể nói, không phải vụ án nào hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án cũng đình chỉ giải quyết vụ án. Tòa án chỉ được đình chỉ giải quyết vụ án khi có yêu cầu của đương sự về việc áp dụng thời hiệu. Tuy nhiên, đương sự chỉ được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định. Khi Tòa án nhận được yêu cầu áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án thì Tòa án áp dụng thời hiệu theo quy định của pháp luật để xem xét yêu cầu khởi kiện còn hay hết thời hiệu, nếu còn thì Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung, nếu hết thời hiệu thì Tòa án đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đã hết thời hiệu.
Qua đó, chúng ta thấy rằng có nhiều vụ án có cùng quan hệ tranh chấp, có cùng một nội dung và thời hiệu nhưng các Tòa án có những kết quả giải quyết khác nhau, có vụ án được Tòa án giải quyết nếu có yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự và thời hiệu đã hết thì Tòa án đình chỉ giải quyết, ngược lại có vụ án được Tòa án giải quyết nếu không có yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự thì Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung như trường hợp còn thời hiệu.
Vấn đề này, thực tiễn tại Tòa án vẫn còn những quan điểm khác nhau, có Thẩm phán giải thích quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu cho đương sự và có Thẩm phán không giải thích cho đương sự biết việc đương sự được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu nếu biết thời hiệu khởi kiện đã hết. Vì hậu quả pháp lý trong hai trường hợp này hoàn toàn khác nhau. Nếu Thẩm phán giải thích mà đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hoặc đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu thời hiệu đã hết. Nếu Thẩm phán không giải thích và đương sự không biết được quyền này để yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu thì Tòa án sẽ giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
2.Những khó khăn trong việc giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án
Từ đó, việc giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án sẽ gặp một số khó khăn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khoản 2 Điều 184 BLTTDS 2015 quy định Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khi đương sự có yêu cầu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định, nội dung này cho thấy đây là quyền của đương sự được yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu để giải quyết. Tuy nhiên, pháp luật không quy định Tòa án phải giải thích cho đương sự được biết để thực hiện quyền này. Với trình độ hiểu biết pháp luật của đa số các đương sự hiện nay, việc hiểu và nắm được quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu là một vấn đề khó khăn. Pháp luật quy định cho đương sự có quyền, nhưng thực tế đương sự không biết để thực hiện quyền này, điều này dẫn đến pháp luật chưa đi vào đời sống nhân dân, tính xã hội của pháp luật chưa được đảm bảo.
Thứ hai, với quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS 2015 tạo cho các Tòa án có nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí các Thẩm phán trong cùng một Tòa án cũng có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Có Thẩm phán hiểu và phổ biến quyền này và giải thích hậu quả pháp lý cho đương sự, ngược lại có Thẩm phán không phổ biến và tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Từ đó dẫn đến, có những vụ án có tính chất tương tự nhau, thời hiệu khởi kiện đã hết như nhau, nhưng có thể cùng một Tòa án các Thẩm phán lại có nhiều cách giải quyết vụ án khác nhau, hoặc là đình chỉ (do đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu) hoặc là tiếp tục giải quyết và ban hành bản án, quyết định, điều này tạo cảm giác không công bằng trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của nhân dân đối với cơ quan xét xử.
Thứ ba, pháp luật tố tụng dân sự quy định đương sự được thực hiện quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Nếu quy định như vậy, đương sự không biết quyền này và không yêu cầu áp dụng thời hiệu nên Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đến khi hết thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm (từ 04 đến 06 tháng), Tòa án đưa vụ án ra xét xử, thậm chí trước khi Hội đồng xét xử nghị án là phần tranh luận của các đương sự, lúc đó đương sự mới yêu cầu Hội đồng xét xử áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án thì lúc này nếu hết thời hiệu khởi kiện Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015: “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết”.
Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, thời gian tố tụng kéo dài, phải trải qua nhiều thủ tục tố tụng tốn kém như đã đo đạc, vẽ lược đồ, thẩm định, định giá, thu thập chứng cứ, xác minh, ủy thác tư pháp… Các chi phí, lệ phí do đương sự đã tạm ứng khi Tòa án đình chỉ sẽ giải quyết như thế nào? Khi đó, các đương sự bị ảnh hưởng từ việc Tòa án đình chỉ do áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của đương sự khác sẽ khiếu nại và yêu cầu Tòa án giải thích pháp luật. Tóm lại, việc quy định đương sự được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu ở thời đểm trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định sẽ dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập.
3.Đề xuất sửa đổi, bổ sung
Theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều 210 BLTTDS 2015 quy định tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải quy định Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của BLTTDS và các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án. Cũng căn cứ vào Điều 8 BLTTDS năm 2015 quy định: “1. Trong tố tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án. 2. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự”. Như vậy, các đương sự khi tham gia tố tụng là hoàn toàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và đương sự phải được Tòa án giải thích đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy, Thẩm phán phải giải thích cho đương sự biết quyền được yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu. Từ những phân tích trên, tác giả có một số đề xuất cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của pháp luật để việc áp dụng pháp luật về thời hiệu được hiệu quả, phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cụ thể là:
Thứ nhất, cần chỉnh sửa, bổ sung nội dung tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS 2015 và khoản 2 Điều 149 BLDS 2015 cụ thể như sau: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ nhất”.
Thứ hai, cần chỉnh sửa, bổ sung nội dung tại khoản 1 Điều 210 cụ thể như sau: “Trước khi tiến hành phiên họp, Thư ký Tòa án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp đã được Tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên họp kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia, phổ biến cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật này, trong đó phải phổ biến cho các đương sự biết quyền được yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ việc”.
Thứ ba, cần chỉnh sửa, bổ sung nội dung tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 cụ thể như sau: “Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ nhất và thời hiệu khởi kiện đã hết”.
Có như thế, việc áp dụng pháp luật về thời hiệu trong việc giải quyết các vụ án tại Tòa án mới được thống nhất, đảm bảo được lòng tin của nhân dân đối với cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận