
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?
(TCTA) - Việc xác định thời hiệu khởi kiện trong tố tụng hành chính có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đồng thời đảm bảo tính ổn định và minh bạch của hệ thống pháp luật. Theo Điều 116 Luật Tố tụng hành chính, người khởi kiện phải thực hiện quyền khởi kiện trong thời hạn luật định, nếu không, vụ án sẽ bị đình chỉ theo điểm g khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp người khởi kiện không thể nộp đơn khởi kiện đúng thời hạn do gặp phải những trở ngại khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Một vấn đề còn gây nhiều quan điểm khác nhau hiện nay là khi vụ án dân sự bị đình chỉ do nguyên đơn rút đơn khởi kiện, bị đơn trong vụ án dân sự có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính cá biệt có liên quan. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp này được xác định từ thời điểm nào?
Nội dung vụ việc: Ngày 20/9/2023, nguyên đơn A khởi kiện vụ án dân sự “tranh chấp đòi quyền sử dụng đất” đối với bị đơn B liên quan đến thửa đất số 1113, diện tích 2000m2, đất tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh X. Nguyên đơn A đã được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi B đang quản lý và sử dụng thửa đất này. Sau khi tòa án thụ lý vụ án dân sự, ngày 15/10/2023, B biết được A đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất B đang quản lý sử dụng. B cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm nên B có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Nguyễn Văn A trong vụ án dân sự nêu trên.
Tòa án không thụ lý đối với yêu cầu của B căn cứ hướng dẫn tại tiểu mục 1, mục III Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023, cụ thể là yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của B được xác định là một yêu cầu của đương sự nhưng không phải là yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hay yêu cầu khởi kiện riêng. Công văn 196/TANDTC-PC cũng khẳng định rằng trong các tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nếu đương sự đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải xem xét và giải quyết trong cùng một vụ án dân sự theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành đo đạc, thẩm định, định giá kéo dài hơn 12 tháng trước khi tổ chức hòa giải. Sau khi có kết quả đo đạc, thẩm định, nguyên đơn A rút đơn khởi kiện. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ngày 19/12/2024.
Sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, ngày 22/01/2025 B khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện C đã cấp cho A. Vấn đề đặt ra là thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này được xác định từ thời điểm nào? Liệu khoảng thời gian vụ án dân sự được thụ lý và giải quyết trước khi bị đình chỉ có thể được coi là trở ngại khách quan, dẫn đến việc kéo dài thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo quy định pháp luật hay không?
Quan điểm thứ nhất: Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, theo đó: “Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 01 năm, kể từ ngày cá nhân, tổ chức nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính”. Trong trường hợp này, B đã biết về quyết định hành chính (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho A) vào ngày 15/10/2023. Do đó, thời hiệu khởi kiện tính từ ngày B biết A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ngày 15/10/2023 đến ngày 16/10/2024. Đến ngày 19/12/2024, B khởi kiện vụ án hành chính là đã hết thời hiệu khởi kiện 01 năm.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính[1]. Bộ luật Dân sự có quy định khoảng thời gian trở ngại khách quan thì không tính vào thời hiệu khởi kiện theo khoản 3 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015[2]. Do đó, thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này được xác định từ thời điểm A rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vào ngày 19/12/2024. Bởi lẽ, B không khởi kiện vụ án hành chính ngay sau khi biết A được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã được Tòa án xem xét trong vụ án dân sự. Đồng thời, B không phải nộp tạm ứng án phí do yêu cầu này không được xác định là yêu cầu phản tố. Quá trình giải quyết vụ án dân sự kéo dài hơn 12 tháng do Tòa án thực hiện đo đạc, thẩm định, định giá, điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của B. Do đó, khoảng thời gian từ khi B nhận, biết quyết định hành chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho A đến khi đình chỉ vụ án dân sự đình chỉ được coi là trở ngại khách quan, khiến B không thể thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính. Nếu tính cả thời gian này vào thời hiệu khởi kiện, vụ án hành chính do B khởi kiện sau đó sẽ bị đình chỉ, dù trước đó B đã tin tưởng rằng yêu cầu của mình đang được xem xét trong vụ án dân sự. Do đó, có cơ sở để lập luận khoảng thời gian hơn 12 tháng giải quyết vụ án dân sự cần được loại trừ khi tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.
Từ phân tích trên, có thể thấy rằng: Đối với trường hợp này, việc áp dụng quy định về trở ngại khách quan là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của B và tránh tình trạng mất đi thời hiệu do những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của người khởi kiện.
Bài viết này mang tính chất trao đổi quan điểm, nhằm phân tích và làm rõ vấn đề áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính. Tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp và thảo luận từ quý độc giả, với mục đích góp phần hoàn thiện hơn chế định về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình tố tụng.
[1] Khoản 5 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.
[2] “Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.
Ảnh minh họa - Khải Hoàn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện VKSND cấp cao và cấp huyện
-
Chính phủ quan tâm thảo luận về các lực lượng có thẩm quyền điều tra hình sự
-
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
Bình luận