Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và nhiều quan chức bị bắt do liên quan đến Xuyên Việt Oil
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS do liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Quá trình điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, ngày 21/12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Đỗ Thắng Hải, sinh năm 1963, Thứ trưởng Bộ Công thương về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải được phân công trực tiếp chỉ đạo các đơn vị: Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (đối với công tác liên quan đến thị trường châu Mỹ), Cục Công nghiệp (đối với công tác liên quan đến công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; luyện kim và khoáng sản), Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công tác phía Nam, Trung tâm Y tế - Môi trường lao động công thương...
Vụ thị trường trong nước có nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định và trình Lãnh đạo Bộ chấp thuận, cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tước quyền sử dụng, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật. Trong đó có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng xăng dầu, khí.
Bị can Đỗ Thắng Hải. |
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Xuyên Việt Oil là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngày 19/11/2021, hiệu lực trong 5 năm.
Năm 2022, Công ty Xuyên Việt Oil không được hải quan giải quyết nhập khẩu xăng, dầu. Lý do được Bộ Tài chính nêu là do công ty chậm nộp thuế, số thuế cưỡng chế lên tới trên 684 tỷ đồng.
Vì vậy, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Xuyên Việt Oil theo quy định tại Nghị định 126/2020.
Đáng chú ý, tại kết luận thanh tra được Bộ Công Thương thực hiện đầu năm 2022, công bố vào cuối năm ngoái, đã chỉ ra nhiều điều bất thường tại doanh nghiệp này.
Cụ thể, một trong những điều kiện quan trọng để Xuyên Việt Oil có được giấy phép làm đầu mối là đáp ứng về hệ thống phân phối, bên cạnh các quy định về cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển…
Trong đó, để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Cụ thể là Xuyên Việt có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân.
Thế nhưng, điều đáng nói là, cũng chính trong ngày Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký kết văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm huỷ bỏ, “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.
“Điều này là không đúng quy định”, Bộ Công Thương khẳng định đồng thời kết luận Công ty Xuyên Việt chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu).
Năm 2021, công ty này không đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương. Trong quá trình thanh tra, doanh nghiệp bị phạt hành chính tới 4 hành vi, trong đó có việc không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý…
Tháng 7/2022, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu trong vòng 1,5 tháng...
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với hai bị can trong vụ án hình sự: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, quy định tại các Điều 219 BLHS.
Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra, ngày 08/9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với: Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil) và Nguyễn Thị Như Phương (sinh năm 1992; Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil).
Hai bị can trên bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 BLHS.
Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 2 năm 2023. Danh sách này có đến 198 doanh nghiệp, với tổng số tiền nợ thuế là 8.080 tỉ đồng. Trong đó, riêng Xuyên Việt Oil nợ thuế 1.529 tỉ đồng, tức chiếm đến gần 19% tổng số nợ, đứng đầu danh sách này.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (Điều 358 BLHS); Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (nguyên Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh), về tội “Nhận hối lộ” (Điều 354 BLHS) và đến nay là Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương.
Vụ án đang được điều tra làm rõ.
Trụ sở Xuyên Việt Oil - Ảnh: PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận