Về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài trong BLTTDS 2015
Tiếp theo và hết
8.Quy định những trường hợp không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 459)
Về cơ bản, BLTTDS 2015 giữ nguyên quy định về những trường hợp không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được quy định trong BLTTDS 2004 do phù hợp với Điều 5 Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, BLTTDS 2015 đã có bổ sung thêm quy định về nghĩa vụ chứng minh của bên phải thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài nhằm tương thích với quy định tại Điều 5 của Công ước New York năm 1958, theo đó bên phải thi hành có nghĩa vụ chứng minh về các căn cứ để Tòa án từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Điều 459 BLTTDS 2015 quy định Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài khi xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên; (2) Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình; (4) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; (5) Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó; (6) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên; (7) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.
Đồng thời Điều 459 BLTTDS 2015 cũng quy định phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận, nếu Tòa án Việt Nam xét thấy: (1) Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài; (2) Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
9.Quy định về gửi quyết định của Tòa án (Điều 460)
Nhằm khắc phục việc áp dụng pháp luật không thống nhất, tùy tiện trong việc gửi quyết định của Tòa án do quy định chung chung không có thời hạn cụ thể “Ngay sau khi ra quyết định… Tòa án gửi cho…” của BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 đã sửa đổi bổ sung quy định thời hạn gửi quyết định của Tòa án cụ thể: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ việc giải quyết đơn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 457, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và VKS cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản 5 Điều 458, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và VKS cùng cấp. Nếu đương sự ở nước ngoài không có người đại diện hợp pháp tại Việt Nam và Tòa án đã ra quyết định vắng mặt họ theo quy định tại khoản 3 Điều 458 thì Tòa án gửi quyết định cho họ theo đường dịch vụ bưu chính hoặc thông qua Bộ Tư pháp theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc gửi quyết định của Tòa án được thực hiện theo một trong các phương thức quy định tại Điều 474 BLTTDS 2015. Đó là: (1) Theo phương thức được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) Theo đường ngoại giao đối với đương sự cư trú ở nước mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế; (3) Theo đường dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của đương sự đang cư trú ở nước ngoài với điều kiện pháp luật nước đó đồng ý với phương thức tống đạt này; (4) Theo đường dịch vụ bưu chính đến cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài; (5) Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam thì việc tống đạt có thể được thực hiện qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại Việt Nam theo quy định BLTTDS 2015; (6) Theo đường dịch vụ bưu chính cho người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam của đương sự ở nước ngoài. Trong đó, việc gửi quyết định của Tòa án theo phương thức được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo đường ngoại giao đối với đương sự cư trú ở nước mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế được thực hiện theo Luật Tương trợ tư pháp.
Trường hợp các phương thức tống đạt trên thực hiện không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 01 tháng và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
10.Quy định về kháng cáo, kháng nghị (Điều 461)
Nhằm bảo đảm nguyên tắc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và bảo đảm quyền lợi cho đương sự, BLTTDS 2015 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 457 hoặc quyết định công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản 5 Điều 458 BLTTDS 2015, đương sự, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo quyết định đó; trường hợp đương sự không có mặt tại phiên họp xét đơn yêu cầu thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được quyết định. Đơn kháng cáo phải nêu rõ lý do và yêu cầu kháng cáo.
Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho đương sự, người đại diện hợp pháp của họ không thể kháng cáo trong thời hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn kháng cáo.
Đồng thời BLTTDS 2015 cũng quy định Viện trưởng VKSND cấp tỉnh hoặc Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 457 và khoản 5 Điều 458 BLTTDS 2015. Thời hạn kháng nghị của VKSND cấp tỉnh là 07 ngày, của VKSND cấp cao là 10 ngày, kể từ ngày VKS nhận được quyết định.
So với BLTTDS 2004, thời hạn kháng cáo của đương sự được giữ nguyên, thời hạn kháng nghị của VKS được rút ngắn lại: từ 15 ngày đối với VKS cùng cấp, 30 ngày đối với VKS cấp trên xuống còn 7 ngày đối với VKS cùng cấp và 10 ngày đối với VKS cấp trên.
11.Quy định về xét kháng cáo, kháng nghị (Điều 462)
Nhằm bảo đảm sự tương thích với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, BLTTDS 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về xét kháng cáo, kháng nghị. Theo đó:
– TAND cấp cao xét lại quyết định của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp cần phải yêu cầu giải thích theo quy định tại khoản 1 Điều 457 BLTTDS 2015 thì thời hạn này được kéo dài, nhưng không quá 02 tháng.
– Thành phần Hội đồng xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án TAND cấp cao. Phiên họp xét lại quyết định bị kháng cáo, kháng nghị được tiến hành như phiên họp xét đơn yêu cầu quy định tại Điều 458.
Đồng thời quy định quyền của Hội đồng xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị, đó là: (1) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (2) Sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (3) Tạm đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị; (4) Đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị; (5) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm; (6) Hủy quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 457 BLTTDS 2015.
BLTTDS 2015 bổ sung quy định cụ thể các trường hợp Hội đồng xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị, đó là: (1) Đương sự kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc VKS rút toàn bộ kháng nghị; (2) Đương sự kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt và không có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, bảo đảm việc giải quyết được nhanh chóng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự BLTTDS 2015 cũng quy định: Trường hợp đương sự kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc VKS rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định mở phiên họp xét kháng cáo, kháng nghị thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên họp ra quyết định đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp đương sự kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, VKS rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định mở phiên họp xét kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét kháng cáo, kháng nghị ra quyết định đình chỉ giải quyết xét kháng cáo, kháng nghị. Trong các trường hợp này, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét kháng cáo, kháng nghị.
Bổ sung quy định các trường hợp cụ thể Hội đồng xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm: (1) Việc chứng minh của đương sự phản đối việc công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc căn cứ để Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài không đúng quy định tại Chương XXXV và Chương XXXVII của BLTTDS 2015, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) Thành phần của Hội đồng xét đơn của Tòa án cấp sơ thẩm không đúng quy định tại Chương XXXVII của BLTTDS 2015 hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Quy định Quyết định của TAND cấp cao có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định và có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTDS 2015.
12.Tạm đình chỉ thi hành, hủy quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 463)
BLTTDS 2015 quy định về việc tạm đình chỉ thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Theo đó, ngay sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc đang xem xét yêu cầu hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài từ đương sự hoặc Bộ Tư pháp, Tòa án đã ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó phải yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành phán quyết. Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Tòa án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành phán quyết và gửi quyết định đó cho Tòa án đã ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, đồng thời gửi cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đồng thời, BLTTDS 2015 cũng quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết cho việc tiếp tục thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thi hành.
Quy định việc hủy quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Theo đó, ngay sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, Tòa án Việt Nam đã ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài ra quyết định hủy bỏ quyết định đó và gửi quyết định này cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan thi hành án dân sự. Ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận