Thẩm quyền xét xử các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Tòa án nhân dân cấp cao; một số vướng mắc và kiến nghị
Bài viết phân tích thực tiễn thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao đối với các tội phạm này và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao trong giải quyết các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, qua đó góp phần thực hiện công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật trẻ em.
1. Tính phức tạp của các vụ án về các tội phạm xâm hại tình tục trẻ em:
Tòa án nhân dân cấp cao trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm có thẩm quyền quyết định cụ thể về nội dung vụ án và quyết định những vấn đề để đảm bảo cho việc xét xử như: đình chỉ xét xử phúc thẩm; không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; sửa bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại…
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình,Tòa án nhân dân cấp cao xét xử các vụ án hình sự về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và là tổng hợp các quyền, trách nhiệm theo qui định của pháp luật hướng tới việc xét xử khách quan, công bằng , góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em và trật tự pháp luật.
Bên cạnh việc xác định thẩm quyền xét xử trên cơ sở xem xét tính nghiêm trọng của tội phạm, khi qui định thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các vụ án về tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em phải chủ yếu dựa trên tính chất phức tạp của loại tội phạm này. Bởi lẽ trên bình diện điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện khó có điều kiện để đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các yêu cầu đối với việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, như yêu cầu về chuyên gia tâm lý, phòng xử chuyên biệt, phòng cách ly…
Thực tiễn quốc tế hiện đại trong thế kỷ XXI cho ấy những tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật, đặc biệt cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Vì vậy, Tòa án phải giải quyết những nhiệm vụ to lớn và phức tạp của cuộc đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em.
Pháp luật và cơ chế quốc tế về đảm bảo quyền trẻ em yêu cầu: Tố tụng áp dụng đối với những người chưa thành niên phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ; phải bảo đảm phòng xử án thân thiện, được xét xử bởi Tòa chuyên trách hoặc thẩm phán chuyên trách…
2. Thực tiễn thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Tòa án nhân dân cấp cao; những tồn tại, vướng mắc và một số kiến nghị
2.1. Về thẩm quyền xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao
Nhìn chung, thực tiễn thực hiện thẩm quyền xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không có vướng mắc lớn. Mặc dù là một cấp Tòa án mới được thành lập, song các Tòa án nhân dân cấp cao đã xét xử được một số lượng tương đối lớn các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em theo thủ tục phúc thẩm, góp phần sửa chữa kịp thời những sai sót của Tòa án nhân dân cấp tỉnh khi xét xử sơ thẩm, qua đó góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em. Cụ thể, theo thống kế của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thì tình hình thụ lý các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, thì kết quả giải quyết hàng năm đối với các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như sau:
Năm 2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thụ lý 42 vụ/43 bị cáo về tội hiếp dâm trẻ em; 01 vụ/01 bị cáo về tội giao cấu với trẻ em; 01vụ/01 bị cáo về tội dâm ô với trẻ em. Trong tổng số 29 bị cáo được đưa ra xét xử năm 2016, có 15 bị cáo rút kháng cáo, còn lại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với 9 bị cáo, giảm hình phạt đối với 02 bị cáo, tăng hình phạt đối với 02 bị cáo và cho 01 bị cáo được hưởng án treo.
Năm 2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thụ lý 56 vụ/58 bị cáo về tội Hiếp dâm trẻ em; 01 vụ/04 bị cáo về tội cưỡng dâm trẻ em; 01vụ/01 bị cáo về tội giao cấu với trẻ em; 01 vụ/01 bị cáo về tội dâm ô với trẻ em. Trong tổng số 39 bị cáo được đưa ra xét xử năm 2017, có 19 bị cáo rút kháng cáo, còn lại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với 11 bị cáo, giảm hình phạt đối với 8 bị cáo và tăng hình phạt đối với 01 bị cáo.
Năm 2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thụ lý 40 vụ/46 bị cáo về tội hiếp dâm trẻ em; 01 vụ/01 bị cáo về tội giao cấu với trẻ em; 05vụ/05 bị cáo về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trong tổng số 43 bị cáo được đưa ra xét xử năm 2018, có 16 bị cáo rút kháng cáo, còn lại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với 20 bị cáo, giảm hình phạt đối với 9 bi cáo và tăng hình phạt đối với 01 bị cáo. [4]
Nhìn chung qua số liệu nêu trên, có thể thấy Tòa án nhân dân cấp cao đã thực hiện thẩm quyền xét xử phúc thẩm theo qui định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 một cách tương đối có hiệu quả. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau như: là đơn vị mới thành lập; số lượng công chức được phân bổ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ nên vẫn còn tình trạng: một số vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em giải quyết bị kéo dài, để quá thời hạn xét xử, có vụ án hoãn phiên tòa nhiều lần, không đảm bảo thời hạn hoãn theo qui định; nhiều vụ án không được xét xử bởi Tòa chuyên trách hoặc thẩm phán chuyên trách; không được xét xử tại phòng xét xử thân thiện…. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là còn những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện qui định về thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao; sự chưa đáp ứng về cơ sở vật chất và các điều kiện khác, cụ thể:
* Về người có quyền kháng cáo, và giới hạn của việc kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm
Theo qui định tại khoản 2 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là: “2. Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này”. Việc bổ sung thêm khoản 2 vào Điều 330 qui định tính chất xét xử phúc thẩm rõ ràng là một tiến bộ so với Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, khi nó đã liệt kê cụ thể các quyết định sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị, trong đó có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can và quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can. Tuy nhiên Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 qui định về người có quyền kháng cáo gồm: Bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… không qui định bị can có quyền kháng cáo. Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 qui định về bị can cũng chỉ qui định một trong các quyền của bị can là “khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” mà không qui định bị can có quyền kháng cáo.
Việc Điều 60 và Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không xác định bị can có quyền kháng cáo theo chúng tôi là mâu thuẫn với Điều 330 nêu trên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa lại khoản 1 Điều 331 về người có quyền kháng cáo; sửa điều 60 qui định về bị can, cụ thể:
Bổ sung khoản 1 Điều 331 về người có quyền kháng cáo:
1.…..; bị can có quyền kháng cáo quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can.
Bổ sung điểm k khoản 2 Điều 60 về quyền của bị can:
2.Bị can có quyền:
…….
k) …..; kháng cáo quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can của Tòa án cấp sơ thẩm.
* Về phạm vi xét xử phúc thẩm
Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 giới hạn nội dung những vấn đề mà Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết, trong đó có qui định: “Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị”. Tuy nhiên thực tiễn xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao, việc xác định trường hợp nào “cần thiết” vẫn còn chưa thống nhất, còn nhiều ý kiến khác nhau. Có quan điểm cho rằng chỉ xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng nghị, có quan điểm cho rằng quyết định bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, án phí cũng có thể được xem xét. Theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8/12/1988 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn (Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988) thì “trường hợp cần thiết là trường hợp ở phần không bị kháng cáo hoặc kháng nghị có điểm cần được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo”. Như vậy, đối với các khoản bồi thường dân sự trong bản án hình sự, nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm không được xem xét” nên các sai sót về xử lý vật chứng, án phí của bản án sơ thẩm không được coi là trường hợp cần thiết. Theo chúng tôi quan niệm như Thông tư liên ngành số 01/TTLN, cũng còn những điểm chưa phù hợp, đặc biệt đối với người bị hại là người chưa thành nhiên trong vụ án xâm hại tình dục, Tòa án cấp phúc thẩm cần thực hiện nhiệm vụ phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm miễn là không làm xấu đi tình trạng của bị cáo và không gây bất lợi cho những người tham gia tố tụng. Hạn chế việc phải xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm, dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, gây thêm những hậu quả nặng nề cho người bị hại là trẻ em.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa Điều 345 về phạm vi xét xử phúc thẩm như sau:
1.Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị.
2. Đối với phần bản án không bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét khi có căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; có căn cứ xác định quyết định xử lý vật chứng, án phí trái pháp luật.
2.2. Về thẩm quyền xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về tội xâm hại tình dục trẻ em của Tòa án nhân dân cấp cao
Nhìn chung, Tòa án nhân dân cấp cao đã thực hiện nhiệm vụ này tương đối hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thấp, không đạt chỉ tiêu công tác; Một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh do chưa làm tốt công tác kiểm tra nội bộ nên chưa kịp thời phát hiện những bản án, quyết định có sai lầm nghiêm trọng để kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, giải quyết đối với những kiến nghị của Tòa án địa phương đối với các vụ án cụ thể chưa được các Tòa án nhân dân cấp cao quan tâm, giải quyết kịp thời; Công tác xét xử giám đốc thẩm còn có nhiều vụ chưa được giải quyết kịp thời và vi phạm thời hạn xét xử giám đốc thẩm. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung nêu vướng mắc về chủ thể có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như sau:
Về phương diện chung, chúng ta thừa nhận nguyên tắc hai cấp xét xử, do đó thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được xem là trường hợp đặc biệt và chỉ cho phép áp dụng trong rất ít các vụ án. Để tránh nguy cơ thủ tục xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trở thành cấp xét xử thứ ba, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam thiết kế theo hướng việc xét lại chỉ có thể được thực hiện khi có kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền, cụ thể là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Tuy nhiên qui định này phát sinh một số vấn đề trên thực tiễn sau:
Theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm và tương ứng với nó là thẩm quyền kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên Bộ luật tố tụng hình sự 2015 qui định theo hướng: “Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị…”. Trên thực tế, Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này thường không kịp thời, không hiệu quả. Về vấn đề này, trong bài viết Tăng cường phối hợp giữa Tòa án nhân dấn cấp cao với các Tòa án địa phương để nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm trên tạp chí Tòa án ngày 29/3/2018, tác giả Trần Văn Tuân, Nguyễn Hải Bằng cho rằng:
“Đối với các án hình sự, theo quy định tại Điều 379 Bộ luật tố tụng hình sự thì thời hạn kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án là không quá một năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực. Như vậy, thời hạn kháng nghị tăng nặng là rất ngắn, trong khi hiện nay các địa phương mới chủ yếu kiến nghị kháng nghị đối với các trường hợp xem xét có lợi cho bị cáo, người bị kết án theo hướng có lợi do có sự thay đổi pháp luật nên việc kháng nghị các bản án hình sự theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, nhất là các tội xâm hại tình dục trẻ em.
Thực tế nếu xét về lãnh thổ thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa án nhân dân cấp cao gần Tòa án nhân dân huyện hơn nên sẽ có điều kiện hơn trong việc phát hiện các sai sót của bản án sơ thẩm để kháng nghị. Việc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm bởi lẽ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn là các Tòa án nhân dân cấp cao.
Chúng tôi đề nghị bổ sung thêm khoản 4 Điều 373 và khoản 4 Điều 400 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:
Điều 373. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
Ngoài ba khoản 1,2,3 như hiện tại, sửa đổi,bổ sung thêm khoản 4 như sau:
4. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của của án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Điều 400. Những người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
sửa đổi bổ sung khoản 4
4. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
2.3. Về việc thực hiện thẩm quyền của Tòa chuyên trách và phòng xử chuyên biệt và yêu cầu xét xử kín các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Tòa án nhân dân cấp cao
Mặc dù Tòa gia đình và người chưa thanh niên đã được thành lập tại Tòa án nhân dân cấp cao, đồng thời khoản 2 Điều 3 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 qui định “vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác” thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thanh niên. Tuy nhiên trên thực tế, qui định này chưa được thực hiện đầy đủ. Việc thụ lý, phân công thẩm phán, lên lịch xét xử vẫn chủ yếu thực hiện theo qui định xét xử vụ án hình sự thông thường. Do việc xét xử của Tòa cấp cao chủ yếu được thực hiện tại trụ sở Tòa án địa phương và lịch xét xử thường kết hợp nhiều vụ án hình sự khác nhau nên thường cũng không đảm bảo được việc xét xử các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại phòng xử thân thiện và yêu cầu xử kín theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư 02/2018 của Tòa án nhân dân tối cao.
Để đảm bảo sự bí mật đời tư, sự phát triển bình thường của người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, theo chúng tôi cần triệt để khắc phục tình trạng này theo hướng:
– Thực hiện đúng qui định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC về thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Tòa gia đình và người chưa thành niên đối với các vụ án về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Thực hiện việc phân loại ngay từ khi thụ lý, tập trung phân công hồ sơ các vụ án này cho Tòa gia đình và người chưa thanh niên trên cơ sở tăng cường thêm Thẩm phán, Thư ký;
– Thiết lập phòng xử án thân thiện và trang bị đầy đủ điều kiện để người bị hại là trẻ em thực hiện quyền của mình như phòng cách ly, hệ thống truyền hình, truyền thanh để theo dõi phiên tòa từ phòng cách ly theo đúng qui định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa;
– Thực hiện việc xét xử kín đối với tất cả những vụ án có người bị hại là trẻ em bị xâm hại tình dục; không thực hiện việc công bố bản án trên cổng thông tin điện tử tòa án đối với các vụ án đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
– Triệt để thực hiện việc cách ly người bị hại trong vụ án xâm hại tình dục với bị cáo trong quá trình xét xử; đảm bảo người đại diện, người giám hộ hoặc cán bộ tâm lý xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hộ trợ người bị hại tham gia phiên tòa.
[1] Điều 102 HIến pháp năm 2013
[2] Điều 5 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014
[3] Điều 29 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014
[4] Văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận