Tình tiết “có tính chất loạn luân” trong Bộ luật Hình sự
Bộ luật Hình sự (BLHS) đã quy định một số điều luật để xác định tội danh cũng như tình tiết tăng nặng định khung đối với những hành có tính chất loạn luân. Tuy nhiên, trong quy định và hướng dẫn vẫn còn có những điểm khác nhau, cần điều chỉnh cho thống nhất.
Gia đình là tế bào của xã hội. Ngoài chức năng kinh tế, giao dục thì chức sinh sản, năng duy trì và phát triển nòi giống là chức năng quan trọng giúp xã hội phát triển một cách có quy luật. Chính vì vậy, đây được xem là một trong những khách thể quan trọng mà cần được bảo vệ bởi chế tài hình sự và trong Bộ luật Hình sự (BLHS) đã quy định một số điều luật để xác định tội danh cũng như tình tiết tăng nặng định khung đối với những hành có tính chất loạn luân.
1.Quy định về hành vi “có tính chất loạn luân”
Theo quy định tại Điều 184 BLHS thì “Loạn luân là (hành vi) giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha”. Trong pháp luật hình sự Việt Nam, hành vi loạn luân là hành vi bị nghiêm cấm và không những được quy định thành tội danh độc lập ở Điều 184 mà còn được quy định là tình tiết định khung tăng nặng ở một số tội danh như: Tội hiếp dâm, Tội cưỡng dâm...
Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP có hướng dẫn “Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ là giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại. Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là giữa những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”.
Đối với tình tiết định khung “có tính chất loạn luân”, khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của HĐTP TANDTC quy định các trường hợp được coi là có tính chất loạn luân bao gồm: Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột; đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi; đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
Như vậy, so sánh hai quy định trên, có thể thấy sự khác nhau trong xác định hành vi loạn luân và hành vi có tính chất loạn luân. Trong đó, hành vi có tính chất loạn luân sẽ bao hàm các trường hợp được xác định là hành vi loạn luân.
Như vậy, để xác định hành vi của một người phạm tội loạn luân theo quy định tại Điều 184 thì phải xác định có hành vi giao cấu thuận tình giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Để xác định chủ thể phải chịu tình tiết tăng nặng “có tính chất loạn luân” ở một số tội danh khác thì phải xem xét cấu thành tội phạm của tội đó và quan hệ của những người này có thỏa mãn một trong số các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hay không. Tuy nhiên, đối với những người tuy có quan hệ giữa cha, mẹ đối với các con; giữa ông bà với cháu nội, cháu ngoại, nhưng đó không phải là người có dòng máu trực hệ thì cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội loạn luân, như: Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa bố chồng với con dâu; giữa mẹ vợ với con rể; giữa bố dượng với con riêng của vợ; giữa mẹ kế với con riêng của chồng.
Cần phân biệt trường hợp khi nào thì truy cứu một người phạm tội loạn luân và khi nào thì áp dụng tình tiết “có tính chất loạn luân” trong một số điều luật. Trong trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu “loạn luân” như đã phân tích ở trên kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 141 BLHS năm 2015) hoặc tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 142 BLHS năm 2015); nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 143 BLHS năm 2015) hoặc tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 144 BLHS năm 2015); trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015).
2. Bất cập cần khắc phục
Thứ nhất, Điều 184 của BLHS 2015 quy định “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.” Như đã phân tích ở trên, chủ thể của tội loạn luân là phải người từ đủ 16 tuổi trở lên và hai người phải thực hiện hành vi giao cấu một cách tự nguyện. Tuy nhiên, với trường hợp cả hai người thực hiện hành vi một cách tự nguyện và đều trên 16 tuổi thì cả hai người đều là tội phạm này, nếu một trong hai người dưới 16 tuổi thì người kia phạm tội khác và người dưới 16 tuổi trở thành người bị hại. Hiện nay, trên thực tiễn xét xử về tội loạn luân không nhiều, vì các quy định của pháp luật không tách bạch rõ ràng trong việc xác định chủ thể của tội phạm và bị hại nên thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội này chưa cao.
Thứ hai, về vấn đề xác định tuổi. Tội loạn luân được thực hiện với lỗi cố ý khi có hành vi giao cấu thuận tình. Tuy nhiên, đối với trường hợp ý thức chủ quan của cả nam và nữ đều mặc định người kia đã đủ 16 tuổi hay chưa. Thực tế có những trường hợp khi xác định tuổi thì cả hai đều có sự nhầm lẫn về ý thức chủ quan. Nếu nam đã 19 tuổi và nữ mới 15 tuổi có sự thuận tình giao cấu và tính chất loạn luân thì xét thực tế trường hợp này người nam đã phạm vào tội Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi có tính chất loạn luân, còn nếu xét ý thức chủ quan thì người nam chỉ phạm tội loạn luân.
Thực tiễn xét xử cho thấy, Tòa án sẽ căn cứ vào độ tuổi thực tế để xác định tội danh mà không căn cứ vào ý thức chủ quan của các đối tượng. Đây là hai tội danh với mức độ nguy hiểm khác nhau và xâm phạm đến hai khách thể khác nhau nhưng đều có có dấu hiệu lỗi là lỗi cố ý. Tuy nhiên, cố ý ở đây là cố ý trong thực hiện hành vi giao cấu và việc nhận thức được có tính chất loạn luân. Còn việc về độ tuổi của đối phương lại không phụ thuộc vào nhận thức của người phạm tội. Theo chúng tôi, để áp dụng thống nhất đảm bảo việc truy tố, định tội danh phù hợp với đúng tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, nên quy định theo hướng người phạm tội phải nhận thức được độ tuổi trong những trường hợp độ tuổi là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Thứ ba, theo quy định tại Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP thì “Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây....”. Như vậy, quy định về xác định quan hệ họ hàng để xác định tình tiết trong Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP chỉ áp dụng đối với tình tiết “có tính chất loạn luân” là tình tiết định khung trong một số điều luật được liệt kê ở trên. Còn đối với việc xác định thế nào là những người có dòng máu trực hệ trong tội loạn luân ở Điều 184 BLHS thì vẫn áp dụng theo Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP và theo tinh thần của Điều 184 BLHS thì chỉ có trường hợp giao cấu những người có cùng dòng máu về trực hệ tức là giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại và giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha mới được xem là có tính chất loạn luân. Còn một số trường hợp giao cấu giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời như đời thứ nhất (cha, mẹ) và đời thứ ba (anh chị em con chú, bác...) hoặc đời thứ hai và đời thứ ba thì không được xem là giao cấu giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ và sẽ không đủ yếu tố cấu thành tội loạn luân.
Tội loạn luân được quy định để bảo vệ huyết thống và để giữ gìn nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Điều 184 chỉ quy định xác định loạn luân dựa trên các mối quan hệ là những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha và việc xác định như thế nào là có cùng dòng máu về trực hệ lại chỉ được xác định theo quy định của Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP và như vậy sẽ bỏ sót một số hành vi quan hệ giữa những người thân thích được nêu ở trên.
Hiện nay, Nghị quyết 06/2019 quy định việc xác định các mối quan hệ để áp dụng tình tiết “có tính chất loạn luân”. Phạm vi quy định của Nghị quyết 06/2019 là rộng hơn nhưng chỉ giới hạn trong các quy định tại quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự và không bao gồm Điều 184. Như vậy, có thể thấy hai quy định này có sự “vênh” nhau trong việc quy định các mối quan hệ để xác định thế nào là “loạn luân”.
3. Kiến nghị khắc phục
Để áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật, theo chúng tôi cần sửa đổi Điều 184 theo hướng xác định quan hệ để được xem là “loạn luân” giống như Nghị quyết quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP gồm giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột; đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi; đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
Mặt khác, phạm vi chủ thể được quy định còn hẹp, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Trong khi có tính chất loạn luân bao gồm rất nhiều trường hợp thì hành vi loạn luân chỉ bao gồm các trường hợp giữa giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại và giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Theo nghĩa tiếng Việt, khái niệm “loạn luân” được hiểu là biệt ngữ để mô tả mọi hoạt động tình dục giữa những người trong cùng gia đình hoặc những người có liên hệ huyết thống gần gũi. Loạn luân thường bao gồm các hoạt động tình dục giữa những người có quan hệ họ hàng gần (chung dòng máu), và thỉnh thoảng giữa những người có quan hệ luật pháp, con riêng, con nuôi hoặc có liên quan đến hôn nhân (ví dụ con với mẹ kế), hoặc các thành viên trong thị tộc có cùng tổ tiên. Do đó, việc thuận tình ly hôn trong các trường hợp còn lại cũng có tính chất tương tự, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục một cách nghiêm trọng nhưng không bị xử lý tội loạn luân, dẫn đến không thuyết phục trên thực tế.
Do đó, theo chúng tôi cần bổ sung chủ thể của tội phạm này, đó là “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ; giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; giữa cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột; giữa con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi; giữa con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể, người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; là bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể; là bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…”.
TAND tỉnh Kiên Giang xét xử vụ án cha hiếp dâm hai con gái ruột - Ảnh: Long Nhật
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận