Tình tiết “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” đã được hướng dẫn cụ thể
Sau khi đọc bài “Hiểu thế nào cho đúng về tình tiết “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”?” của tác giả Nguyễn Ngọc Thắng, đăng ngày 19/01/2022, chúng tôi cho rằng hướng dẫn về tình tiết “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”?” đã được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và thuận lợi trong thực tiễn áp dụng.
Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP) quy định khá cụ thế.
Thứ nhất, khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 06/2019/HĐTP hướng dẫn: “Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây: a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác”.
Theo hướng dẫn, người thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác là người sử dụng bộ phận sinh dục nam hoặc người nam, người nữ dùng bộ phận khác trên cơ thể hoặc dùng dụng cụ tình dục để xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hoặc miệng, hậu môn của người nam hoặc người nữ khác. Hành vi xâm nhập được xác định là “hoàn thành” thể hiện ở hình thức với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, nghĩa là có thể chỉ ở bên ngoài hoặc vào trong ở mức độ nông hoặc sâu... đều được xác định là đã thực hiện hành vi xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, xâm nhập vào miệng, hậu môn của người nam hoặc người nữ. Như vậy, nếu thực tiễn có các trường hợp tương tự xảy ra thì cơ quan, người có thẩm quyền sẽ căn cứ vào đó để xác định hành vi cụ thể của người phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn “Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi)”.
Theo hướng dẫn này, cho thấy hành vi “quan hệ tình dục khác” trong tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” khác nhau cơ bản và duy nhất là người phạm tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” thực hiện hành vi “quan hệ tình dục khác” không nhằm mục đích quan hệ tình dục. Trong khi đó, người phạm tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” thì phải có mục đích là muốn quan hệ tình dục. Việc xác định người phạm tội có nhằm mục đích quan hệ tình dục hay không, phụ thuộc vào từng vụ án cụ thể, trên cơ sở các tình tiết, chứng cứ cụ thể trong vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tó tụng xác định người đó có mục đích quan hệ tình dục hay không.
Thứ ba, từ hai vụ án cụ thể tác giả nêu ra, chúng tôi cho rằng, việc xác định Diệp Đại H và Phan Văn P phạm tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” là phù hợp, đúng với tính chất của vụ việc.
Theo diễn biến vụ án thứ nhất cho thấy, ông Diệp Đại H đã dùng lưỡi liếm vào vùng kín của Huỳnh Thị Kim P, Nguyễn Thị Phương K mỗi cháu từ 03 đến 04 lần. Hành vi dùng lưỡi liếm vào vùng kín của H thực chất là dùng lưỡi xâm nhập vào bộ phận sinh dục của hai cháu P và K. Căn cứ hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP, thì đây là hành vi quan hệ tình dục khác được quy định trong tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Điều 142 BLHS.
Đối với vụ án thứ hai, diễn biến vụ việc thể hiện khi “nhìn thấy T mặc quần đùi ngắn nên nảy sinh dục vọng, ông P dùng tay trái sờ mó, chà xát nhiều lần vào bộ phận sinh dục của cháu T (cháu T khai ông P tụt quần và đưa dương vật vào âm hộ cháu). Tại giấy chứng nhận thương tích ngày 11/7/2019 của Bệnh viện đa khoa tỉnh H mô tả tình trạng thương tích của cháu Hà Yến T xác định: Bộ phận sinh dục có 01 vết xước 01cm”. Các tình tiết thể hiện “T mặc quần đùi ngắn”, “P đã dùng tay sờ mó, chà xát nhiều lần vào bộ phận sinh dục của cháu T”, “cháu T khai P tụt quần và đưa dương vật vào âm hộ”, “giấy chứng nhận thương tích mô tả bộ phận sinh dục có 01 vết xước 01cm”. Các chứng cứ này kết hợp lại, thể hiện P đã có sự xâm nhập vào bộ phận sinh dục của cháu T, có thể P dùng tay để xâm nhập hoặc có thể P dùng dương vật để xâm nhập hoặc P dùng cả tay và dương vật để xâm nhập. Khi đã làm rõ được P dùng dương vật hoặc bộ phận khác trên cơ thể (tay) để xâm nhập vào bộ phận sinh dục của cháy T, thì chứng tỏ rằng P có mục đích muốn quan hệ tình dục. Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự P về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” là phù hợp.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi về việc nhận thức và áp dụng tình tiết “quan hệ tình dục khác” được quy định tại Điều 142 và 146 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP, mong bạn đọc cùng phân tích làm rõ để quá trình áp dụng trong thực tế được thuận lợi./.
TAND tỉnh Cà Mau xét xử vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi - Ảnh: Khánh Phương
Bài liên quan
-
Góp ý hoàn thiện ấn phẩm điện tử “Hành trình công tố vụ án mua bán người dưới 16 tuổi qua biên giới”
Tài liệu tham khảo trong giải quyết các vụ án mua bán người -
Người trộm cắp tài sản dưới 16 tuổi thì người tiêu thụ tài sản có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
-
Về hành vi quan hệ tình dục khác trong các tội phạm về tình dục
-
Một số vấn đề về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận