Tòa án cấp huyện có được tổng hợp hình phạt đến “tử hình” hay không?
Thời gian vừa qua báo chí đưa tin TAND huyện Bình Chánh tổng hợp hình phạt “tử hình” đối với bị cáo là vượt thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây “chấn động” dư luận. Bản án đã bị Viện trưởng VKSND Tp Hồ Chí Minh kháng nghị. Ý kiến của tác giả bài viết này thì cho rằng bản án vừa bị kháng nghị của TAND huyện Bình Chánh là có căn cứ. Tapchitoaan.vn xin giới thiệu, mong nhận được các ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Bị cáo Phạm Tuất Linh (sinh năm 1991, ngụ ấp Đông Hậu, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) đã bị TAND tỉnh Kiên Giang tuyên xử tử hình về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản. Sau khi TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang có hiệu lực pháp luật.
Trước đó, tháng 7-2013, Linh đã có hành vi trộm cắp ở Ấp 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, nên Linh bị VKSND huyện Bình Chánh truy tố tội trộm cắp tài sản. TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử Linh về tội trộm cắp tài sản và tổng hợp hình phạt của bản án sơ thẩm tỉnh Kiên Giang đối với bị cáo Linh phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: “Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh”. Như vậy, trường hợp nêu trên Tòa án huyện Bình Chánh cần báo cáo TAND Tp Hồ Chí Minh để thống nhất với VKSND Tp Hồ Chí Minh để rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.
Tuy nhiên, Tòa án huyện Bình Chánh vẫn xét xử vụ án trên. Qua nghiên cứu các quy định của BLHS và pháp luật tố tụng hình sự, tác giả cho rằng TAND huyện Bình Chánh tổng hợp hình phạt “tử hình” là có căn cứ, có cơ sở, cần được chấp nhận.
Thứ nhất, chưa có quy định hay hướng dẫn về thẩm quyền tổng hợp hình phạt.
Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP chỉ hướng dẫn việc TAND cấp tỉnh thống nhất với VKSND cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử mà không hướng dẫn trường hợp này Tòa án nhân dân cấp tỉnh “bắt buộc” phải thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Nếu TAND cấp tỉnh xét thấy không cần thiết phải thống nhất với VKSND cấp tỉnh hoặc VKSND cấp tỉnh không đồng ý rút hồ sơ lên cấp tỉnh để truy tố thì hướng dẫn này được hiểu vụ án vẫn được xét xử ở cấp sơ thẩm. Khi xét xử ở cấp sơ thẩm thì Tòa án phải căn cứ vào Điều 51 của BLHS năm 1999 (Điều 56 của BLHS năm 2015) quy định một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì Tòa án phải quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung.
Điều 170 của BLTTHS năm 2003 (Điều 268 của BLTTHS năm 2015) quy định về thẩm quyền xét xử của các Tòa án, không quy định thẩm quyền tổng hợp hình phạt. Bản chất của tổng hợp hình phạt là việc tổng hợp hình phạt của bản án trước đó và hình phạt đối với bị cáo trong vụ án đang xét xử để tạo tính công bằng, giáo dục, răn đe người thực hiện hành vi tội phạm và thuận lợi cho việc thi hành án. Tổng hợp hình phạt không có nghĩa là kết án hai lần với người đó vì một tội phạm, không nên đồng nhất thẩm quyền xét xử với thẩm quyền tổng hợp hình phạt.
Do đó, TAND cấp huyện có thẩm quyền tổng hợp hình phạt vượt quá thẩm quyền xét xử của mình trong đó có cả trường hợp chung thân hoặc tử hình.
Thứ hai, hiện nay chưa có hướng dẫn mới về thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Theo tinh thần hướng dẫn tại tiểu mục 4.4 mục 4 của Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003 hướng dẫn thì “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện.”. Như vậy, trường hợp này có thể được coi là không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nếu Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án đó đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét xử, đúng người đúng tội và không xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo, không làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện.
Thứ ba, nếu kháng nghị của VKSND Tp Hồ Chí Minh trên cơ sở hướng dẫn tại Điều 32 của Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/2017/QĐ-VKSTC ngày 18-12-2017 và căn cứ vào hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP để kháng nghị việc tổng hợp hình phạt không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì kháng nghị này cần phải xem lại.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP, Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP hết hiệu lực kể từ ngày 01-01-2018, ngày BLTTHS năm 2003 hết hiệu lực thi hành. Trường hợp này cũng không thuộc trường hợp áp dụng hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 152 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, VKSND Tp Hồ Chí Minh kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh thì phải phân tích, đánh giá, lập luận trên cơ sở quy định pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự mà không thể căn cứ vào văn bản đã hết hiệu lực để kháng nghị.
Mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
7 Bình luận
Bích Diệp
23:57 26/12.2024Trả lời
1 phản hồi
Nguyễn Vĩnh Tiến
23:57 26/12.2024Trả lời
hà đức
23:57 26/12.2024Trả lời
1 phản hồi
hà đức
23:57 26/12.2024Trả lời
Vũ Đông
23:57 26/12.2024Trả lời
Quách Đình Lực
23:57 26/12.2024Trả lời
Nguyễn Phương
23:57 26/12.2024Trả lời