Tòa án cấp phúc thẩm xử như vậy có đúng không?
Nội dung vụ án: Khoảng 19h30 phút ngày 04/5/2014, Bình nhậu cùng Hoàng và một số người khác (đều là công nhân xí nghiệp X) tại Nhà văn hóa của xã. Uống một lúc thì rượu vào lời ra, Bình và Hoàng có lời lẽ căng thẳng, cãi vã nhau, Bình thách đố Hoàng đánh mình, Hoàng đã tát Bình một cái vào mặt. Bình đã lấy cào lúa dựng trước sân nhà văn hóa đánh trả lại Hoàng nhưng bị ngăn lại. Không dừng ở đó, Bình chạy về lấy một cái mác và một con dao quay lại nhà văn hóa. Bình dùng tay phải cầm mác chém một nhát từ trên xuống vào người Hoàng, Hoàng đưa tay trái lên đỡ nên bị thương ở tay trái, mũi mác trúng vào trán phải. Thấy vậy, những người cùng nhậu vào can ngăn, giật cái mác trên tay Bình vứt xuống mương nước. Bình và Hoàng tiếp tục vật nhau, Hoàng kẹp cổ Bình, Bình dùng sống dao chém liên tiếp về phía sau vào đầu Hoàng. Mọi người trong nhóm can ra và đưa Hoàng đi cấp cứu tại trạm y tế xã, sau đó lên Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị 3 ngày thì xuất viện.
Kết luận giám định pháp y về thương tích trên người Hoàng là 12%. Hoàng điều trị tại bệnh viện, tiền thuốc điều trị và chi phí hết 5.900.000 đồng, Bình đã bồi thường cho anh Hoàng 5.000.000 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 02/2015/HSST ngày 14/1/2015, Toà án nhân dân huyện Đ đã áp dụng khoản 2 Điều 104; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 BLHS; xử phạt: Bình 12 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 BLHS, Điều 604, Điều 605 và Điều 609, Điều 305 Bộ luật dân sự buộc Bình bồi thường 5.900.000 đồng, nhưng được trừ đi số tiền đã giao trước là 5.000.000, Bình còn phải bồi thường là 900.000 đồng cho anh Hoàng.
Ngày 22/1/2015 bị cáo Bình kháng cáo xin giảm hình phạt
Ngày 23/1/2015, người bị hại có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và yêu cầu bồi thường toàn bộ chi phí cùng tổn thất tinh thần.
Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, Bình có hành vi dùng dao gây thương tích cho một người họ hàng của Hoàng phải cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện (tuy nhiên, gia đình đã thỏa thuận bồi thường dân sự nên người bị gây thương tích không yêu cầu giám định thương tích), Công an xã có công văn yêu cầu Tòa án xem xét.
Trước ngày xét xử phúc thẩm, Bình nộp 900.000 đồng tại Cơ quan thi hành án dân sự theo quyết định của bản án sơ thẩm trên.
Bản án hình sự phúc thẩm số 66/2015/HSPT ngày 31/3/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Q không chấp nhận kháng cáo của người bị hại về tăng hình phạt và giành quyền khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác cho người bị hại; Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, xử phạt Bình 06 tháng tù.
Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm xử, có các quan điểm về việc giải quyết của cấp phúc thẩm như sau:
Quan điểm 1: Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử bị cáo 12 tháng tù là đã xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có hành vi dùng dao gây thương tích cho người khác phải cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện (tuy đã thỏa thuận bồi thường dân sự) nhưng Công an xã có công văn yêu cầu Tòa án huyện xem xét, thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật của bị cáo không có sự ăn năn, tu dưỡng nên Tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo xuống 6 tháng tù là không có căn cứ.
Phần trách nhiệm dân sự: Án sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường số tiền 5.900.000 đồng cho người bị hại nhưng chưa xem xét về tổn thất tinh thần. Mặc dù người bị hại có yêu cầu nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét mà giành quyền khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác là không đúng hướng dẫn tại tiểu mục 2 phần I của Công văn 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 28 BLTTHS.
Tại Điều 28 BLTTHS năm 2003 quy định: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.; Công văn 121/2003/KHXX cũng nêu rõ : Về nguyên tắc chung, phần dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết cùng với xem xét về phần hình sự trong cùng vụ án hình sự.
Trong vụ án cụ thể này, phần trách nhiệm dân sự đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết một phần (theo khoản 1 Điều 609 BLDS) nhưng chưa xét đến phần tổn thất tinh thần. Phần tổn thất tinh thần đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 609 BLDS và Hướng dẫn tại tiểu mục 1.5 mục II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau: “ Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.” anh Hoàng là công nhân do đó trong trường hợp không thỏa thuận được thì mức tổn thất tinh thần là tính được và cần được giải quyết trong vụ án này. Tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo và tách mức bồi thường tổn thất tinh thần là không đúng.
Quan điểm 2: Người bị hại cũng có 1 phần lỗi nên Tòa án cấp sơ thẩm xử Bình 12 tháng tù là phù hợp. Do bị cáo đã bồi thường số tiền 900.000 đồng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, đó là tình tiết mới nên Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm hình phạt cho bị cáo là có căn cứ.
Thương tích của người bị hại không nặng, thời gian nằm viện ngắn, tại cấp phúc thẩm không chứng minh được về tổn thất tinh thần nên Tòa án cấp phúc thẩm tách phần dân sự theo quy định tại Điều 28 BLTTHS: “…Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự” và điểm c tiểu mục 2 phần I của Công văn 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao:
“…Chỉ được tách để giải quyết phần hay một phần dân sự trong vụ án hình sự bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nếu phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và thuộc một trong các trường hợp sau đây: ….
Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự đã có yêu cầu, nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của Toà án nói riêng.
Cũng như hướng dẫn tại tiểu mục c, mục 5 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã tách phần bồi thường tổn thất là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tác giả nhất trí với quan điểm 1, mong nhận được ý kiến trao đổi của các độc giả.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận