Tòa án có được áp dụng biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ trong giải quyết việc dân sự không?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự. Vấn đề đặt ra là, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có được tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định tại Điều 101 BLTTDS 2015 hay không?
Quy định của pháp luật và vướng mắc
Các việc dân sự (theo nghĩa rộng bao gồm dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động) thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại các điều 27, 29, 31, 33 BLTTDS 2015 và thủ tục giải quyết những việc này được quy định tại Phần thứ sáu – Thủ tục giải quyết việc dân sự.
Thủ tục giải quyết việc dân sự được quy định trong một phần riêng và được quy định đơn giản. Thực tiễn khi giải quyết việc dân sự Tòa án cũng ít phải thu thập tài liệu, chứng cứ hơn so với giải quyết các vụ án dân sự.
Trong phần thủ tục giải quyết việc dân sự, khoản 2 Điều 366 BLTTDS 2015 (về chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự) có quy định liệt kê các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ mà Tòa án tiến hành gồm: (1) Yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ; (2) Quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; (3) Triệu tập người làm chứng; (4) Trưng cầu giám định; (5) Định giá tài sản. Điều luật này không quy định xem xét, thẩm định tại chỗ là biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ.
Vấn đề đặt ra ở đây là, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có được tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định tại Điều 101 BLTTDS 2015 hay không?
Ví dụ: Trường hợp Chấp hành viên có yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án theo khoản 9 Điều 27 BLTTDS 2015 [1] mà tài sản chung đó là quyền sử dụng đất, công trình (nhà và công trình khác) trên đất và việc xem xét, thẩm định tại chỗ là cần thiết để giải quyết đúng đắn việc dân sự này.
Về vấn đề này hiện nay đang có các quan điểm khác nhau:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án giải quyết việc dân sự hoàn toàn có thể tiến hành biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ quy định tại Điều 101 BLTTDS 2015 để việc dân sự được giải quyết đúng đắn và triệt để.
– Quan điểm thứ hai cho rằng, khoản 2 Điều 366 BLTTDS 2015 quy định cụ thể những việc mà Tòa án phải tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu như đã nêu ở trên, trong đó không quy định Tòa án phải thực hiện công việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Đây là quy định về thủ tục tố tụng mà quá trình giải quyết việc dân sự Tòa án phải tuân thủ; Tòa án chỉ được làm những gì luật quy định. Do đó, Tòa án không thể xem xét, thẩm định tại chỗ trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự nói chung và giải quyết việc dân sự do Chấp hành viên yêu cầu quy định tại khoản 9 Điều 27 BLTTDS 2015 nói riêng.
Tòa án có quyền xem xét, thẩm định tại chỗ
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất và không đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi các lý do sau:
(1) Xem xét, thẩm định tại chỗ là một trong các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ mà Tòa án có thể tiến hành được quy định tại khoản 2 Điều 99 BLTTDS 2015 và quy định cụ thể tại Điều 101 BLTTDS 2015. Các quy định này thuộc Phần thứ nhất – Những quy định chung là những quy định được áp dụng trong giải quyết các vụ việc dân sự.
(2) Không phải BLTTDS 2015 không có quy định về biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ trong giải quyết việc dân sự như quan điểm thứ hai nêu ở trên. Để làm sáng tỏ nhận định này, cần nghiên cứu các quy định về thủ tục giải quyết việc dân sự của BLTTDS 2015.
Có thể thấy, mặc dù, trong khoản 2 Điều 366 BLTTDS 2015 quy định những công việc Tòa án phải tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu không quy định về xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng Điều 361 BLTTDS 2015 về phạm vi áp dụng (thủ tục giải quyết việc dân sự) lại quy định như sau:
“Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự”.
Với quy định tại Điều 361 nêu trên thì trường hợp “Phần này” – Phần thủ tục giải quyết việc dân sự không quy định thì Tòa án hoàn toàn được áp dụng những quy định khác của BLTTDS 2015 để giải quyết việc dân sự.
Như vậy, có thể khẳng định, khi Tòa án giải quyết việc dân sự nói chung và yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án nói riêng, khi thấy cần thiết, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có thể sử dụng biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ (quy định tại Điều 99, Điều 101 BLTTDS 2015) để thu thập tài liệu, chứng cứ giải quyết việc dân sự.
BÍCH PHƯỢNG – HỒNG NGỌC
1.Điều 27 BLTTDS 2015 quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong đó khoản 9 quy định: “Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
Bình luận