Tòa án có thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện đòi lại tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đã chi sai không?
Trong thực tiễn công tác giải phóng mặt bằng, không ít trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã chi sai khoản tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Làm cách nào để thu hồi được tiền đã chi sai, một số cơ quan nhà nước đã khởi kiện đến Tòa án yêu cầu đòi lại khoản tiền đã chi sai đó. Trong thực tiễn, có Tòa án đã thụ lý giải quyết, cũng có Tòa án không thụ lý giải quyết.
1. Tình huống pháp lý
Năm 2016, Ban giải phóng mặt bằng huyện M, tỉnh T đã tiến hành giải phóng mặt bằng và thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với hộ gia đình bà T. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng, nên khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chi trả cho hộ bà T số tiền 2,3 tỷ đồng. Trong khi đó, theo đúng quy định thì gia đình bà T chỉ được nhận 1,1 tỷ đồng. Số tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chi sai cho gia đình bàn T là 1,2 tỷ đồng.
Sau khi phát hiện ra việc chi trả sai, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện M đã ban hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 về việc thu hồi tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chi sai đối với hộ gia đình bà T. Quyết định này đã bị bà T khiếu nại. UBND huyện M đã giải quyết khiếu nại và ban hành Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 bác đơn khiếu nại của bà T. Sau đó, bà T không khiếu nại tiếp và cũng không khởi kiện Quyết định số 2480/QĐ-UBND của UBND huyện M. Tuy nhiên, bà T lại không trả lại tiền cho UBND huyện M.
UBND làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện M, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà T trả lại cho UBND huyện M số tiền mà UBND huyện M đã chi trả sai.
2. Tòa án có thụ lý giải quyết hay không?
Hiện nay đang có các quan điểm khác nhau đối với tình huống trên, cụ thể:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án phải thụ lý vụ án vì cả Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 đều có quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi không có điều luật quy định.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: Trường hợp này không thuộc lĩnh vực dân sự nên Tòa án không thụ lý giải quyết.
Chúng ta biết rằng, BLDS 2015 có bổ sung điểm mới vô cùng quan trọng, đó là quy định tại khoản 2 Điều 14: “2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”.
Đồng thời, khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015 cũng quy định: “2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” và Điều luật này cũng giải thích rõ: “Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định”.
Như vậy, để làm sáng tỏ vấn đề Tòa án có thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện của UBND huyện M hay không cần xác định vụ việc này có phải là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự hay không?
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:
– Quan hệ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng giữa UBND huyện M và hộ gia đình bà T là quan hệ hành chính. Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của UBND huyện M về việc thu hồi tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chi sai đối với hộ gia đình bà T là quyết định hành chính. Quyết định này bị hộ gia đình bà T khiếu nại.
– Pháp luật hành chính quy định về quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực, về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và trách nhiệm của người bị khiếu nại trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật tại Luật Khiếu nại năm 2011 và Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại năm 2011. Cụ thể như sau:
+ Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật:
“1. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
3. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
4. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.”
Điều 46 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật:
“1. Người giải quyết khiếu nại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp để bảo đảm việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; tổ chức thi hành hoặc chủ trì, phối hợp với tổ chức, cơ quan hữu quan thực hiện biện pháp nhằm khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; kiến nghị cơ quan, tổ chức khác giải quyết những vấn đề liên quan đến việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có).
2. Khi quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm sau đây:
a) Cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật xâm phạm;
b) Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết công nhận quyết định hành chính, hành vi hành chính đó đúng pháp luật;
c) Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật khi được yêu cầu”.
+ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại đã quy định về trách nhiệm của người bị khiếu nại trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật tại khoản 2 và khoản 4 Điều 14, đó là: “Khi quyết định giải quyết khiếu nại kết luận quyết định hành chính là đúng pháp luật, yêu cầu người khiếu nại chấp hành quyết định đó” và “Tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, đối với trường hợp cụ thể nêu trên thì Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của UBND huyện M về việc thu hồi tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chi sai đối với hộ bà T đã bị bà T khiếu nại. UBND huyện M giải quyết khiếu nại, ban hành Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 bác đơn khiếu nại của bà T. Sau đó, bà T không khiếu nại tiếp và cũng không khởi kiện Quyết định số 2480/QĐ-UBND của UBND huyện M. Theo quy định của pháp luật, Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 của UBND huyện M đã có hiệu lực pháp luật.
Theo các quy định nêu trên thì UBND huyện M có trách nhiệm yêu cầu hộ bà T chấp hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của UBND huyện M về việc thu hồi tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Nếu hộ bà T không chấp hành, UBND huyện M có trách nhiệm tổ chức việc cưỡng chế thi hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND theo quy định của pháp luật. Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và thi hành quyết định hành chính thuộc thẩm quyền của UBND huyện M. Hay nói cách khác, vụ việc nêu trên thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hành chính; không phải là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự. Do đó, không thể áp dụng quy định của BLDS 2015 và BLTTDS 2015 về việc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” để thụ lý giải quyết; việc thu hồi số tiền bồi thường đã chi sai nêu trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện M.
Vì vậy, trường hợp này, TAND huyện M phải trả lại đơn khởi kiện cho UBND huyện M mà không thụ lý.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
2 Bình luận
Hà Đức
08:17 01/01.2025Trả lời
hahuelaw
08:17 01/01.2025Trả lời